242. Bình luận dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP về chứng khoán.

(ANVI) – Hội đồng Thẩm định Dự thảo                                                                        Hà Nội 08-4-2015    

 

  1. Về tỷ lệ sở hữu nước ngoài (Điều 2a):
  • Điều 2a về “Tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam” còn bỏ ngỏ về tỷ lệ sở hữu trong nhiều trường hợp. Vấn đề này thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Viết như vậy thì mới chỉ là nguyên tắc chung chung như Luật.
  • Vì vậy, đề nghị xem xét quy định cụ thể tất cả các trường hợp có thể. Đồng thời cho phép được điều chỉnh khi cần thiết.
  1. Về chào bán cổ phiếu riêng lẻ (các điều 4 – 7):
  • Các quy định về chào báo cổ phiếu riêng lẻ được quy định tại các điều gồm Điều 4 về “Mục đích chào bán cổ phiếu riêng lẻ” Điều 5 về “Hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ”, Điều 6 về “Thủ tục đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ” và Điều 7 về “Nghĩa vụ của tổ chức phát hành cổ phiếu riêng lẻ”.
  • Đề nghị xem xét bỏ các quy định về chào báo cổ phiếu riêng lẻ nói trên, để chuyển sang Nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp. Pháp luật chứng khoán chỉ hướng dẫn về việc chào bán ra công chúng, niêm yết của công ty đại chúng, công ty niêm yết và các công ty hoạt động về chứng khoán.
  1. Về điều kiện niêm yết chứng khoán (Điều 53 và 54):
  • Nghị định quy định điều kiện niêm yết chứng khoán khác nhau tại 2 Sở giao dịch chứng khoán. Cụ thể, Điều 53 về “Điều kiện niêm yết chứng khoán tại Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh”, Điều 54 về “Điều kiện niêm yết chứng khoán tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội”.
  • Đề nghị thống nhất điều kiện niêm yết giống nhau tại 2 Sở giao dịch chứng khoán để thuận tiện cho chủ trương hợp nhất 2 sàn giao dịch đã được quyết định từ lâu. Đây là thời điểm tốt nhất để thống nhất.
  1. Về quản trị của công ty đại chúng:
  • Nghị định không quy định về quản trị của công ty đại chúng và công ty niêm yết.
  • Về nghị xem xét quy định tại Nghị định, thay vì Thông tư như hiện nay để bảo đảm giá trị pháp lý cần thiết. Thông tư chỉ hướng dẫn thủ tục, hồ sơ, quy trình, không quy định các nội dung mới.
  1. Về sử dụng từ ngữ:
  • Tên Điều “Giải thích thuật ngữ” (Điều 2):

Điều 2 của Dự thảo có tên gọi là “Giải thích thuật ngữ”, khác với quy định tại các đạo luật, như Điều 6, Luật Chứng khoán “Giải thích từ ngữ”.

Vì vậy, đề nghị sửa tên Điều thành “Giải thích từ ngữ”.

  • Khái niệm Nhà đầu tư nước ngoài:

Điểm a, khoản 21, Điều 2 của Dự thảo giải thích: Một trong các “Nhà đầu tư nước ngoài” là “ Cá nhân nước ngoài không mang quốc tịch Việt Nam” không thống nhất với quy định tại khoản 14, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Đầu tư năm 2014 giải thích “Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài”. Như vậy, theo Luật thì cá nhân nước ngoài không bao gồm người không có quốc tịch, còn theo Nghị định thì cá nhân nước ngoài bao gồm cả người không có quốc tịch. Vì vậy, đề nghị giải thích thống nhất như Luật Đầu tư nước ngoài năm 2014.

  • Từ ngữ chưa thống nhất:

Ví dụ Điều 6 về “Thủ tục đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ” Dự thảo viết “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày” Đến khoản 5 lại viết “Trong vòng 10 ngày kể từ khi” (khác nhau “trong vòng” và “trong thời hạn”, “kể từ ngày” và “kể từ khi”).

Hoặc khoản 3, Điều 47 về “Nghĩa vụ của công ty chứng khoán làm đại lý chào mua công khai” sử dụng từ “đảm bảo”, trong khi các chỗ khác là “bảo đảm”.

  • Từ ngữ chưa đúng luật:

Ví dụ, khoản 2, Điều 33 vè “Hồ sơ công ty đại chúng” quy định một trong những hồ sơ là “Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.” Cần sửa lại thành Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho đúng với quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 (đã thay đổi theo Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15-4-2010 của Chỉnh phủ Về đăng ký doanh nghiệp).

  • Từ ngữ chưa hợp lý:

Ví dụ, khoản 1, Điều 35 về “Công bố thông tin về việc đăng ký công ty đại chúng” quy định: “… công ty đại chúng có trách nhiệm công bố thông tin trên một (01) tờ báo trung ương hoặc một (01) tờ báo địa phương nơi đăng ký trụ sở chính.” Quy định “một (01) tờ báo” cần sửa thành “ít nhất 1 tờ báo”, nếu không thì công bố trên 2-3 tờ sẽ vi phạm Nghị định.

Tương tự như vậy tại khoản 3, Điều 49 về “Rút lại đề nghị chào mua công khai”; khoản 1, Điều 50 về “Giao dịch chào mua công khai”.

  • Từ ngữ chưa chính xác:

Ví dụ, điểm a, khoản 1, Điều 38 về “Các trường hợp không được mua lại cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ” viết từ “hàng năm” là không chính xác, cần sửa lại đúng là hằng năm (tương tự là hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng,…).

Hay khoản 3, Điều 50 về “Giao dịch chào mua công khai” quy định “3. Thời gian thực hiện một đợt chào mua công khai không được ngắn hơn 30 ngày và không dài quá 60 ngày”. Cần thay từ “thời gian” bằng “thời hạn” và “ngắn hơn”, “dài quá”.

  • Từ ngữ chưa rõ ràng:

Ví dụ, Điều 45 về “Trách nhiệm của người biết thông tin về chào mua công khai” viết: “Giám đốc (Tổng Giám đốc), Phó Giám đốc (Phó Tổng Giám đốc)”, là không rõ ràng, khó phân biệt giữa giám đốc và Tổng Giám đốc. Vì vậy cần viết như Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp là “”Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Phó Tổng Giám đốc”.

Tương tự là ở Điều 53.

—————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 4, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,824