257. Bình luận pháp lý về hoạt động của Grab Taxi

(ANVI) – Luật sư Trương Thanh Đức bình luận tại Hội thảo về hoạt động của Grab Taxi                             

 Hà Nội 24-11-2015    

                                                                                           

1. Nhận định chung:

1.1. Lợi ích mà mô hình Grab taxi có thể mang lại là rất cần được xem xét thừa nhận, rõ rệt nhất và ít nhất là xét trên 3 tiêu chí hàng đầu là chi phí, an toàn và tiện lợi. Xa hơn nữa, thì có thể kể ra nhiều tác dụng trực tiếp và gián tiếp cho xã hội và nền kinh tế như bảo đảm chất lượng dịch vụ; nâng cao hiệu quả kinh doanh; tiết kiệm thời gian, công sức; tận dụng phương tiện, năng lượng; hạn chế tai nạn, ùn tắc giao thông; giảm bớt ô nhiễm môi trường;… so với taxi truyền thống.

1.2. Hoạt động hiện nay của Grab taxi không trùng khít với bất kỳ loại hình vận tải hành khách nào đang được pháp luật quy định. Tuy nhiên cũng không thể nói rằng đó là hoạt động trái pháp luật.

1.3. Với tư cách là một luật sư và một khách hàng sử dụng Grab taxi, tôi xin bình luận về một số khía cạnh pháp lý đã, đang và sẽ đặt ra đối với loại hình vận tải này.

2. Về việc đề xuất cấm hoạt động của Grab taxi:

2.1. Điều này là không thể được, vì sẽ trái luật, trái Hiến pháp về quyền tự do kinh doanh.

2.2. Grab taxi không 6 ngành nghề bị cấm đầu tư, kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014.

3. Về việc đề nghị tạm dừng hoạt động của Grab taxi:

3.1. Hoạt động của Grab taxi thuộc ngành nghề “kinh doanh vận tải đường bộ” là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều kiện kinh doanh là do pháp luật quy định và hoàn toàn thuộc trách nhiệm của Nhà nước, chứ không phải là trách nhiệm của doanh nghiệp.

3.2. Nhà nước có thể quy định sớm hay muộn, với điều kiện rất chặt chẽ hoặc rất đơn giản. Khi nào Nhà nước ban hành điều kiện kinh doanh thì doanh nghiệp sẽ phải thực hiện. Theo Luật Đầu tư năm  2014, thì chỉ có Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ được ban hành điều kiện kinh doanh, chứ Thủ tướng, bộ ngành, địa phương cũng không có thẩm quyền này.

3.3. Không thể lấy lý do, vì Nhà nước chưa ban hành điều kiện kinh doanh thì doanh nghiệp phải dừng lại chờ. Quyết định sô 1850/TTg-KTN ngày 19-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ Vv thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tài hành khách theo hợp đồng cũng không yêu cầu phải tạm dừng.

4. Về việc xác định cơ sở pháp lý đối với hoạt động của Grab:

4.1. Ngoài các điều kiện chung đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, Grab taxi đang hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014 của Chính phủ Về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tài bằng xe ô tô: “ Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là kinh doanh vận tải không theo tuyến cố định và được thực hiện theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải.

4.2. Vấn đề đặt ra là loại hình vận tải này có bảo đảm đáp ứng được yêu cầu phải “được thực hiện theo hợp đồng vận tải bằng văn bản” hay không? Điều này đã được giải quyết theo các quy định sau:

  • Khoản 12, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định như sau “ Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử.”;
  • Điều 12, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã quy định như sau: “Thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản”;
  • Và khoản 15, Điều 3, Luật Thương mại năm 2005 quy định như sau: “ Các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.”

4.3. Vì vậy, việc Nghị định số 86/2014/NĐ-CP có không ghi nhận thông điệp dữ liệu được công nhận giá trị như văn bản thì vẫn đương nhiên có đủ cơ sở pháp lý thừa nhận điều này. Thậm chí, nếu như Nghị định có chỉ rõ rằng thông điệp dữ liệu không được công nhận giá trị như văn bản, thì cũng vô giá trị, vì trái với quy định tại khoản 2, Điều 83 về “Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật”, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008: “ Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

5. Về việc cạnh tranh không lành mạnh:

5.1. Nhà nước không những không ngăn cản việc đầu tư ít, thu lãi nhiều, mà còn khuyến khích tất cả mọi doanh nghiệp đầu tư vào sản phẩm mới, công nghệ cao, mang lại hiệu quả lớn,…

5.2. Luật Cạnh tranh cũng như quy luật kinh tế thị trường khuyến khích việc cạnh tranh đúng pháp luật. Qua cạnh tranh tất yếu có người thắng, kẻ thua, miễn sao người tiêu dùng, nhà đầu tư và cả nền kinh tế được lợi.

5.3. Việc khuyến mại thì phải thực hiện theo quy định của Luật Thương mại. Dịch vụ tiện ích, giá rẻ, sẽ mở rộng thị trường, kích thích nguồn cung. Còn bài toán giành giật thị phần thì đương nhiên là việc của các doanh nghiệp.

6. Về việc không có biển hiệu:

6.1. Biển hiệu không mang lại lợi ích gì đáng kể cho khách hàng, người tiêu dùng, vì phải tìm đúng số xe, chứ không chỉ tìm dấu hiệu xe taxi hay hãng xe taxi.

6.2. Hiện nay có hai loại xe ô tô tham gia Grab taxi, một loại có biển hiệu, phù hiệu, hộp đèn của các hãng taxi và một loại không có biển hiệu. Tuy nhiên, để thuận tiện hơn cho việc theo dõi, quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng và xã hội thì cần xem xét quy định về việc lắp đặt biển hiệu, phù hiệu riêng.

7. Về việc không kiểm soát được giá cước:

7.1. Về việc tự điều chỉnh giá cước: Nếu là xe hợp đồng thì pháp luật cho phép tự điều chỉnh và thoả thuận. Thậm chí kể cả xe taxi, thì đó cũng là điều hợp lý, rất phù hợp với cung cầu thị trường cũng như nguyện vọng của khách hàng, cũng giống như việc tính tiền điện theo giờ sử dụng. Với cùng một giá cước như nhau không có sự phân biệt, chỉ gây khó cho khách hàng. Ví dụ rất khó gọi được xe taxi truyền thống khi mưa, giờ cao điểm, ngày lễ tết hay tập trung nhiều khách.

7.2. Nhà nước cần thay đổi quy định quản lý nếu cần thiết, dựa trên cơ sở hoàn toàn có thể quản lý được một cách rõ ràng, minh bạch, vì mọi thứ đều hiển thị và lưu chính xác trên hệ thống dữ liệu mà không cần phải lắp đặt đồng hồ tinh cước.

8. Về việc không có niên hạn sử dụng xe:

8.1. Về nguyên tắc, các xe tham gia vào Grab taxi phải đáp ứng được yêu cầu về kinh doanh vận tải hành khách, nên cũng có niên hạn sử dụng. Trường hợp chưa quy định hết thì cần tiếp tục bổ sung.

8.2 Đồng thời xem lại cách quy định niên hạn không phản ánh được đúng bản chất, chênh nhau có khi đến hàng chục lần. Xe có chất lượng, tuổi thọ thấp nhất cũng bị đánh đồng với loại cao nhất. Xe chạy nhiều nhất cũng bị đánh đồng với xe chạy ít nhất.

9. Về việc không bị cấm hoạt động trên các điểm, tuyến cấm taxi:

9.1. Là do sự bất cập của cơ chế điều hành, cấm không hợp lý, cấm ngược đời.

9.2. Cần xem lại, được xác định là phương tiện vận tải công cộng. Vì vậy, nếu cần cấm thì phải cấm cả xe con công cộng và xe con riêng hoặc chỉ cấm xe riêng mà không cấm xe công cộng cùng chủng loại.

10. Về việc không kiểm soát được lái xe:

10.1. Thông qua Grab taxi có thể kiểm soát tốt hơn và thực chất hơn lái xe, vừa quản lý bằng phần miềm kiểm soát, vừa quản lý thông qua hệ thống phản hồi đánh giá liên tục, khắt khe của khách hàng. Nếu làm nghiêm túc theo cách thức này thì còn hạn chế, ngăn chặn được taxi dù, taxi đội lốt giả. Nếu cần thiết thì cũng quy định việc lắp thiết bị giám sát hành trình.

10.2. Lái xe tham gia vào Grab taxi cũng thông qua các cơ chế như đối với taxi truyền thống. Quyền lợi của lái xe vẫn bảo đảm thông qua việc ký hợp đồng, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,…

11. Về việc lái xe chăm chú theo dõi để nhận chuyển đi tiếp khi sắp hết chuyến cũ, gây nguy hiểm:

11.1. Chính điều này là nguy cơ đang xảy ra với taxi truyền thống. Còn đối với Grab taxi, thường mỗi yêu cầu gọi xe có hàng chục, thậm chí hàng trăm xe nhận được tín hiệu, nếu xe nào thấy hợp lý thì phải nhận ngay lập tức. Việc xem yêu cầu gọi xe là không cần thiết, vì không có tác dụng, do chưa chấm dứt hành trình trước thì không thể nhận được cuộc sau.

11.2. Nếu có xảy ra, thì vẫn còn an toàn hơn nhiều so với việc nhiều xe taxi truyền thống cùng lao đến một địa chỉ để tranh giành khách, không có sái cho người về nhì.

11.3. Ngoài ra, việc này đã có quy định cấm và chế tài tại pháp luật về việc sử dụng điện thoại trong khi điều khiển phương tiện.

12. Về việc không bảo đảm quyền lợi của khách hàng:

12.1. Đi xe Grab còn an toàn hơn cho cả tài xế và khách hàng, vì được ghi nhận rõ và lưu lại đầy đủ các thông tin về giờ phút, địa chỉ, điện thoại, họ tên, số xe, hành trình, thậm chí còn cả hình ảnh của lái xe. Đi xe vẫy trên đường mới là không bảo đảm an toàn, thì xe Grab taxi không vẫy được.

12.2. Việc bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người người ngồi trên xe và của người thứ ba, thì cũng không có gì kém hơn so với xe taxi truyền thống. Pháp luật cần xác định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm pháp lý đối với hành khách, trong đó có trách nhiệm mua bảo hiểm tương tự như đối với xe taxi truyền thống.

12.3. Quyền lợi của người tiêu dùng không hề bị ảnh hưởng nếu không có điện thoại thông minh để tiếp cận dịch vụ này, vì họ vẫn sử dụng các phương thức khác. Thực chất điều này cũng giống như giao dịch thanh toán, mua hàng, đặt phòng nghỉ,… qua internet và điện thoại thông minh. Và kế cả có điện thoại thông minh cũng không nhất thiết họ đã sử dụng.

13. Đề xuất giải pháp:

13.1. Mô hình Grab taxi đúng là một loại hình “kinh doanh vận tải hành khách” có điều kiện, vì vậy cần phải quy định về các điều kiện hoạt động để bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng như tại khoản 1, Điều 7 về “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, Luật Đầu tư năm 2014: “ Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

13.2. Nếu mỗi hãng xe tổ chức gọi xe của hãng mình như Grap thì sẽ chỉ là tổng đài của họ. Nhưng với Grab taxi thì có 2 phần: Thứ nhất là sự kết hợp chặt chẽ giữa phần mềm công nghệ thông tin và kinh doanh taxi, là sự hợp tác kinh doanh, là một mô hình kinh doanh. Thứ 2, trực tiếp tổ chức kinh doanh và kết nối với cá nhân, không qua doanh nghiệp dịch vụ vận chuyển hành khách theo hợp đồng. Vì vậy, Grab taxi không hẳn là dịch vụ kinh doanh taxi, cũng không hẳn là dịch vụ vận tài hành khách theo hợp đồng theo cách phân loại hiện nay tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014 của Chính phủ Về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tài bằng xe ô tô. Vì vậy cần xem xét quy định thành một loại hình vận tải hành khách riêng.

13.3. Ngoài ra, cũng cần xem xét sửa đổi một số quy định khác không hợp lý tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP, mà điển hình là quy định về dịch vụ vận chuyển hành khách theo hợp đồng, để tạo ra môi trường cạnh tranh và kinh doanh tốt hơn cho thị trường.

—————————–

BÌNH LUẬN PHÁP LÝ VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA GRAB TAXI

Do Báo Giao thông tổ chức ngày 24-11-2015 tại Hà Nội.

—————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 4, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.359. Trái phiếu doanh nghiệp, chưa kịp 'hồi' lại...

Trái phiếu doanh nghiệp, chưa kịp 'hồi' lại lo siết (TN) - Bộ Tài...

Trích dẫn 

3.844. Làm thế nào để nhận bồi thường bảo...

(NĐT) Làm thế nào để nhận bồi thường bảo hiểm do bão Yagi? (NĐT)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 222,661