260. Quốc hội & tội lỗi.

(ANVI) – Bình luận về Tội kinh doanh trái phép:

Viết và gửi ngày 24-4-2016 theo đặt hàng của Báo Tuổi trẻ.

 

Hay câu chuyện bãi bỏ tội kinh doanh trái phép: Đã chậm 30 năm mà vẫn còn chưa dứt khoát. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã loại bỏ tội này, nhưng chỉ đối với những hành vi thực hiện sau ngày 30-6-2016, mà không khoan hồng, nhân đạo với những người đã, đang và sẽ bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Điều 8 của cả 2 Bộ luật Hình sự năm 1999 và 2015 đều định nghĩa: Tội phạm là hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội. Nếu cũng là hành vi nguy hiểm, nhưng “không đáng kể” thì sẽ không bị xử lý hình sự, mà chỉ bị xử lý hành chính. Tuy nhiên, mọi thứ trở lên “nguy hiểm” đối với hoạt động kinh doanh là ở chỗ, thế nào là “đáng kể”?

Một người say rượu, lái ô tô vào đêm tối, không bằng lái, không bật đèn, đi ngược chiều và chạy quá tốc độ trên đường cao tốc. Có lẽ ai cũng cho rằng đây là một hành vi đặc biệt nguy hiểm cho chính anh ta và cho người khác. Tuy nhiên, mấy Bộ luật Hình sự lại đều xác định đó là hành vi nguy hiểm không đáng kể, vì chưa phải là tội phạm. Cha tài xế đó phải gây chết người, thương tích hay thiệt hại về tài sản cho người khác thì mới phạm tội hình sự về lĩnh vực giao thông.

Vậy, kinh doanh trái phép nguy hiểm đáng kể thế nào cho xã hội mà bị coi là tội phạm và phải xử lý hình sự trong mấy chục năm qua? Nếu xét trong cơ chế hành chính tập trung, quan liêu, bao cấp trước đây, khi mà mọi hoạt động kinh doanh đều bị cấm đoán, thì quả nhiên nó là nguy hiểm lớn cho trật tự của một nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung.

Mầm mống của tội này là từ quy định, mọi hoạt động kinh doanh bất hợp pháp đều bị pháp luật nghiêm trị tại Điều 35, Hiến pháp năm 1980. Sau đó, tội kinh doanh trái phép xuất hiện đầu tiên trong Pháp lệnh “Trừng trị tội đầu cơ, buôn lậu, làm hành giả, kinh doanh trái phép” năm 1982. Có điều, khi ấy kinh doanh trái phép được quy định rất rộng, như bao gồm cả hành vi “trốn thuế”.

Hiến pháp năm 1992 đã thay đổi ngược lại so với Hiến pháp năm 1980, bằng việc ghi nhận chế độ kinh tế “theo cơ chế thị trường”. Kể từ sau đó, hoàn toàn có thể bỏ đi tội kinh doanh trái phép, vì đã có rất nhiều tội phạm hình sự mới đã được bổ sung để xử lý các hành vi nguy hiểm liên quan đến hoạt động kinh doanh như tội sản xuất, buôn bán hàng giả; tội cho vay lãi nặng; tội lừa dối khách hàng; tội trốn thuế (từ năm 1985); tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (từ năm 1989); tội quảng cáo gian dối; tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (từ năm 1999); tội gây ô nhiễm môi trường (từ năm 2009);…

Điều đáng tiếc là, trong suốt mấy chục năm đã chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, dù hết sức khuyến khích đầu tư, kinh doanh, nhưng lại vẫn giữ nguyên tội kinh doanh trái phép. Sự vô lý không thể tiếp tục duy trì, khi tội kinh doanh trái phép đã đi ngược lại quy định tại Điều 33 của Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, thì điều luật vi Hiến này vẫn còn tiếp tục tồn tại cho đến ngày 30-6-2016 tới đây và sau đó mới chính thức được bãi bỏ.

Đặc biệt, chính sách hình sự nhân đạo đã không được áp dụng đối với tội kinh doanh trái phép. Điều 1, Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27-11-2015 của Quốc hội đã tuyên bố rất rõ về việc đình chỉ mọi vụ án đang bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với những người đang bị xử lý về một số tội đã bị bãi bỏ như “tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế”. Tuy nhiên, đối với tội kinh doanh trái phép thì lại vẫn bị tiếp tục xử lý như Luật cũ (?!)

Điều đó có nghĩa là, chỉ từ ngày 01-7-2016 trở đi, thì hành vi kinh doanh trái phép mới không còn là tội phạm và không còn bị khởi tố hình sự. Tuy nhiên, nếu như từ nay đến 30-6-2016, hành vi này bị phát hiện, thì vẫn sẽ bị điều tra truy tố, xét xử và thi hành án như tội phạm bình thường sau nhiều năm nữa. Quy định đặc biệt nghiêm khắc và không cần thiết này là điều chưa từng có từ trước đến nay.

Rất mong Quốc hội xem xét thay đổi mạnh mẽ, dứt điểm chính sách xử lý đối với tội kinh doanh trái phép.

—————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 4, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.362. Việc bổ nhiệm quyền Tổng Giám đốc tại...

(VNB) Việc bổ nhiệm quyền Tổng Giám đốc tại VNG có bất thường? (VNB) -...

Trích dẫn 

3.855. Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi: Cần...

3.855. Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi: Cần hài hòa lợi ích để phát...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 223,117