262. Điều chỉnh chi phí lãi vay với doanh nghiệp: trên thông dưới không thoáng

Điều chỉnh chi phí lãi vay với doanh nghiệp: trên thông dưới không thoáng

(KTSG) – Chỉ khi khoản chi phí lãi vay có yếu tố chuyển giá, thì mới phải áp đặt giới hạn để tránh thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp; còn nếu khoản chi không hợp pháp, hợp lệ thì dù 1 đồng cũng không được công nhận.

Điều chỉnh chi phí lãi vay

Ba năm kiến nghị

Sự bất cập rõ ràng về giới hạn tổng chi phí lãi vay không quá 20%, theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24-02-2017 của Chính phủ, đã được phát hiện ngay từ kỳ quyết toán thuế doanh nghiệp đầu tiên vào quí 1-2018.

Tôi đã có bài tham luận, trong đó khẳng định, quy định trên thiếu ba cái lý là: không đủ cơ sở pháp lý, quy định không hợp lý và áp dụng không hợp lý, tại hội thảo về nghị định này do Hiệp hội Bất động sản Việt nam tổ chức vào ngày 14-12-2018.

Không đủ cơ sở pháp lý, vì nó là một quy định hạn chế quyền của doanh nghiệp nhưng chưa được quy định trong các luật thuế, nên trái với Bộ luật Dân sự năm 2015. Hiện nay, vấn đề này mới được đưa vào Luật Quản lý thuế năm 2019, có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 sắp tới.

Quy định không hợp lý, vì nó có thể thực sự là các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ và hợp pháp. Với đặc điểm của các doanh nghiệp Việt Nam, vốn vay rất lớn, lãi suất rất cao, do đó chi phí lãi vay cao hơn 20% thì cũng vẫn rất bình thường, trong khi Luật Doanh nghiệp và các luật khác không có hạn chế về tỷ lệ vốn vay.

Áp dụng không hợp lý, vì nó không nhằm áp đặt đối với mọi doanh nghiệp, mà chỉ nhằm vào các trường hợp có tổng chi phí lãi vay lớn đồng thời với việc có dấu hiệu chuyển giá. Do đó, mục tiêu chủ yếu là nhằm tránh thất thu thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết với nước ngoài mà chúng ta gần như không kiểm soát được chi phí đầu vào và giá bán hàng đầu ra.

Quy định không đúng và sự áp đặt sai vào thực tế càng bộc lộ rõ hơn đối với tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đang lỗ hàng trăm tỉ đồng, nhưng lại bị áp đặt có lãi và dẫn đến hậu quả phải lỗ thêm hàng trăm tỉ đồng vì khoản thuế thu nhập doanh nghiệp.

Suốt ba năm qua, đã có rất nhiều ý kiến yêu cầu sửa đổi quy định trên, trong đó riêng tôi cũng đã lên tiếng hàng chục lần.

Gian nan xử lý

Thủ tướng Chính phủ đã ba lần yêu cầu sửa đổi quy định bất hợp lý nói trên theo hướng tăng giới hạn hơn 20%, nhưng Bộ Tài chính vẫn chần chừ kéo dài.

Tại sao suốt ba năm trời mà không sửa xong một điều trong nghị định rõ ràng là bất hợp lý? Nếu sửa ngay từ hai năm trước, thì vấn đề nhẹ nhàng, đơn giản hơn.

Đến đầu năm 2020, cùng với việc sửa đổi quy định trên là vấn đề cho hồi tố (áp dụng quy định mới cho các năm trước) đối với số tiền gần 5.000 tỉ đồng thuế không hợp lý và đã được đa số các thành viên Chính phủ thông qua.

Đó không phải là chuyện ưu đãi hay hỗ trợ doanh nghiệp, mà là sửa sai một cách đàng hoàng, sòng phẳng, nhất là trong thời kỳ vô cùng khó khăn do dịch bệnh hiện nay.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm không đồng ý với quy định hồi tố. Cùng căn cứ vào điều 152, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, nhưng Bộ Tư pháp thì cho rằng không vướng mắc, còn Bộ Tài chính thì lại cho rằng luật không cho phép, vì không thuộc trường hợp “để bảo đảm lợi ích chung của xã hội”.

Nguyên nhân là do cách hiểu luật theo ý mình, mà bỏ qua quy định rằng luật còn cho phép hồi tố trong trường hợp thứ hai, là để bảo đảm “thực hiện quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân”.

Không những thế, điều 47 Luật Quản lý thuế hiện hành còn quy định rõ, trong thời hạn 10 năm, nếu số tiền thuế đã nộp lớn hơn số phải nộp thì được bù trừ số tiền thuế, kể cả việc bù trừ giữa các loại thuế với nhau hoặc trừ vào số tiền thuế phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo.

Kết thúc vẫn chưa trọn vẹn

Sự việc cứ dai dẳng cho đến khi Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải trình ban hành nghị định vào ngày 20-4-2020 theo hướng cho phép áp dụng hồi tố thì mọi việc mới đến hồi kết thúc.

Tuy nhiên, vấn đề vẫn chưa trọn vẹn khi chỉ dừng lại ở chỗ cho hồi tố khoản đã thu lố và nâng giới hạn tổng chi phí lãi vay từ 20% lên 30%.

Việc này giống với câu chuyện quy định về trần chi phí quảng cáo 10%. Từ năm 2007, tôi đã tham gia kiến nghị bãi bỏ, cho đến năm 2013 mới được tăng lên 15%, tuy nhiên lại chỉ áp dụng cho ba năm đầu của doanh nghiệp. Nhưng bất ngờ một năm sau, mọi giới hạn đã được bãi bỏ khi sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Tức là doanh nghiệp có thể chi quảng cáo 100% chi phí vẫn hợp pháp. Và thực tế cho thấy sự việc chỉ có đơn giản, minh bạch và tốt đẹp hơn mà thôi.

Mong chờ sẽ đến ngày bỏ hẳn giới hạn tổng chi phí lãi vay đối với các doanh nghiệp không có yếu tố chuyển giá.

Luật sư Trương Thanh Đức

Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC

——————-

Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Câu chuyện quản trị) 23-4-2020:

https://www.thesaigontimes.vn/302743/dieu-chinh-chi-phi-lai-vay-voi-doanh-nghiep-tren-thong-duoi-khong-thoang-.html

(1.037/1.037)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.389. Đổi mới thể chế: Giảm thiểu can thiệp...

Đổi mới thể chế: Giảm thiểu can thiệp hành chính vào thị trường. (VNN)...

Trích dẫn 

3.906. Đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách Xám: Làm rõ vấn...

Đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách Xám: Làm rõ vấn đề chủ sở hữu hưởng lợi của...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,524