271. Bình luận về nguyên nhân, vướng mắc & giải pháp xử lý nợ xấu.

(ANVI) – Hội thảo NHNN & Văn phòng Quốc hội                                                    Hà Nội 26-10-2016    

Bình luận về nguyên nhân, vướng mắc & giải pháp xử lý nợ xấu[1]

Trong những năm qua, nợ xấu của ngành Ngân hàng chậm được xử lý vì có it nhất 3 quan điểm sai lầm: Thứ nhất là đổ hết lỗi gây ra nợ xấu cho ngân hàng. Thứ hai là phó thác hết trách nhiệm xử lý nợ xấu cho ngân hàng. Và thứ ba là không sửa đổi pháp luật hỗ trợ xử lý nợ xấu cho ngân hàng.

1.          Nguyên nhân và thực trạng của nợ xấu:

1.1.     Nguyên nhân gây ra nợ xấu:

Nợ xấu xảy ra có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do khách hàng vay vốn. Các ngân hàng không phải là con nợ xấu, mà là chủ nợ xấu. Nợ xấu ngân hàng chủ yếu là số tiền do ngân hàng vay của dân chúng, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác và vay của Ngân hàng Nhà nước.

Nợ xấu ngân hàng chính là nợ của các doanh nghiệp và khách hàng khác không trả được cho ngân hàng. Thủ phạm chính của nợ xấu là doanh nghiệp. Nạn nhân chính của nợ xấu là ngân hàng. Và, cuối cùng, xét trên tổng thể, thì cả nền kinh tế đầy yếu kém và rủi ro vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân của nợ xấu.

Nợ xấu gây thiệt hại, thất thoát cho tài sản của ngân hàng, tương tự như chủ nhà bị mất trộm. Đành rằng có một phần lỗi chủ quan, sơ suất, yếu kém, tiêu cực, sai trái của nạn nhân – chủ nợ. Nhưng thủ phạm chính là do kẻ trộm – con nợ, đã vay lấy được tiền và không chịu trả lại ngân hàng. Đáng tiếc là, trả giá cho điều đó, cứ mỗi thủ phạm đi tù thì lại kéo theo hàng chục nạn nhân.[2] 

1.2.     Thực trạng nợ xấu:

Tỷ lệ nợ xấu được công bố chính thức là thấp, nằm trong chuẩn “đẹp”. Tuy nhiên con số nợ xấu thực chất là rất cao do chưa được hạch toán đúng, đang được cơ cấu lại và đặc biệt là các khoản nợ đang bán kỹ thuật cho VAMC.

Tiền vốn và sự an toàn của hệ thống Ngân hàng đang bị vi phạm một cách nghiêm trọng khi khách hàng không trả nợ xấu. Các cổ đông ngân hàng đã bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng mua cổ phần đang mất ăn, mất ngủ trước tình trạng không thu hồi được nợ xấu, phải trích lập dự phòng rủi ro, dẫn đến cổ tức rất thấp, thậm chí bằng không, rồi nguy cơ bị xoá sổ trước phải sáp nhập, giải thể, phá sản.

Đến nay, các ngân hàng, đã nhận thức rất rõ ràng, xác định trách nhiệm rất cụ thể, hành động xử lý nợ xấu đã rất tích cực, nhưng kết quả xử lý nợ xấu còn rất ít chuyển biến. Việc giảm nợ xấu mới chủ yếu là do trích lập, sử dụng dự phòng và chuyển sang VAMC. Vấn đề mấu chốt, thực tế là thu hồi nợ, trong đó có việc bán nợ thật sự và phát mại tài sản bảo đảm thì còn rất hạn chế.

2.          Vướng mắc pháp lý trong xử lý nợ xấu:

2.1.     Những vướng mắc chung:

Nhiều người đặt ra câu hỏi, tại sao ngân hàng lại tạo ra nợ xấu kinh khủng như thế, tại sao ngân hàng không thu hồi nợ xấu, tại sao ngân hàng không kê biên tài sản, tịch thu hàng hóa, nhà cửa để bán? Vì theo pháp luật cũng như thỏa thuận trong hợp đồng, ngân hàng có toàn quyền làm việc đó.

Việc xử lý nợ xấu vô cùng khó khăn do phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của ngân hàng. Trong khi đó, ngân hàng đang đơn thương độc mã giữa cuộc chiến xử lý nợ xấu. Ngân hàng không thể thu hồi được nợ khi doanh nghiệp không có nguồn tiền và tự ngân hàng không thể thu hồi, phát mại được tài sản bảo đảm là bất động sản.

Câu chuyện xử lý tài sản bảo đảm là quá gian nan vì quy định của pháp luật nhiêu khê, vướng mắc và gần như phải có sự “đồng thuận” của khách hàng cũng như nhiều cơ quan, ban ngành liên quan. Cuối cùng, khi ngân hàng đã bất lực, phải nhờ Toà án phán xử thì khó khăn, tốn kém, phức tạp, chậm trễ không thể tưởng tượng nổi, mỗi vụ việc bình quân mất vài ba năm. Chỉ riêng thời hiệu khởi kiện hợp đồng tín dụng, trong khoảng 20 năm qua đã thay đổi đến 7 – 8 lần với nhiều quy định không rõ ràng.

2.2.     Hợp đồng thế chấp bị tuyên vô hiệu tràn lan:

Bộ luật Dân sự quy định nhiều biện pháp bảo đảm vào loại nhất thế giới (trước đây là 7, từ 2017 là 9), nhưng lại tù mù, mâu thuẫn, xung đột, nên cuối cùng làm thế nào cũng đối mặt với nguy cơ bị tuyên vô hiệu một cách vô tội vạ. Chẳng hạn như khi Luật Đất đai năm 2003 quy định được bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất thì Bộ luật Dân sự năm 2005 không cho phép, đến khi Luật Đất đai năm 2013 bỏ quy định được bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, thì Bộ luật Dân sự năm 2015 lại cho phép.

Đất cấp cho hộ gia đình thì nhầm lẫn tới 90% về chủ thể từ cá nhân sang hộ gia đình và không thể xác định được ai là thành viên hộ gia đình. Nhà ở và công trình xây dựng trên đất ở nông thôn thì không được ghi nhận trên “Sổ đỏ”. Luật thì quy định về ủy quyền, thế chấp, bảo lãnh,… nhầm lẫn, mù mờ, vô lý. Và một loạt lý do trời ơi đất hỡi khác đã dẫn đến việc Tòa án tuyên rất nhiều hợp đồng thế chấp vô hiệu, làm cho ngân hàng bỗng dưng mất trắng cả tiền gốc lẫn lãi.

Từ nguy cơ vô hiệu hoàn toàn trái ngược với nguyên tắc và bản chất vấn đề đó, đã làm cho ngân hàng buộc phải xuống thang, không dám mạnh tay xử lý nợ và tài sản thế chấp.

2.3.     Chi phí xử lý nợ xấu bị trói như kinh doanh:

Các biện pháp xử lý nợ xấu gồm có thu hồi nợ, cơ cấu lại khoản nợ, bù trừ nghĩa vụ trả nợ, giảm xoá nợ, bán nợ, bán tài sản bảo đảm,… Hai biện pháp bán nợ và bán tài sản bảo đảm, là việc cuối cùng phải làm để xử lý nợ xấu. Nhưng khi bán tài sản thế chấp thì vẫn phải phải nộp nhiều loại thuế và phí như đối với hoạt động kinh doanh. Chỉ tổ chức tín dụng bán tài sản thế chấp thì được miễn thuế giá trị gia tăng. Còn cá nhân, pháp luật khác nếu phải bán tài sản bảo đảm để trả nợ, thì dù không đủ tiền để trả nợ gốc, nhưng lại vẫn cứ phải nộp đủ thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng 10% và lệ phí trước bạ. Điều đó làm cho khoản nợ thu hồi từ tài sản thế chấp thường thiếu một vài chục phần trăm vì phải nộp thuế và lệ phí.

Ngoài ra, tổ chức tín dụng thu nợ thông qua thi hành án luôn phải chịu một khoản phí thi hành án khoảng 3% số tiền, giá trị tài sản thực nhận. Rồi mức chi hoa hồng môi giới bán tài sản thế chấp, cầm cố không vượt quá 1% giá trị thực tế thu được từ tiền bán tài sản qua môi giới theo Thông tư số 05/2013/TT-BTC ngày 09-10-2013 “Hướng dẫn chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.

Cộng với nhiều khoản chi phí ngoài lề, bôi trơn, tiêu cực khác, nhiều khi, giá trị tài sản thì đủ, nhưng ngân hàng vẫn phải thiếu hụt đi vài chục phần trăm số nợ.

2.4.     Bất cập quy định về mua bán nợ:

Một trong các biện pháp xử lý nợ hữu hiệu của chủ nợ là bán nợ (bán quyền đòi nợ) cho cá nhân, doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp chuyên kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Tuy nhiên, trước đây do pháp luật không rõ ràng, nên các Phòng đăng ký kinh doanh hầu như không cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập công ty mua bán nợ.

Nghị định số 69/2016/NĐ-CP ngày 01-7-2016 của Chính phủ về “Điều kiện kinh doanh mua bán nợ” thì đặt ra điều kiện quá cao, như phải có các mức vốn pháp định 5 tỷ đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới mua bán nợ, tư vấn mua bán nợ; 100 tỷ đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh hoạt động mua bán nợ và 500 tỷ đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ.

Doanh nghiệp trong nước và nước ngoài mua nợ, khi thay thế ngân hàng nhận thế chấp bằng quyền sử dụng đất thì vướng quy định của Luật Đất đai năm 2013 về việc không nhận thế chấp.

Những yếu tố như vậy đã ngăn chặn sự hình thành và phát triển của thị trường mua bán nợ.

2.5.     Tình trạng hình sự hóa trách nhiệm của ngân hàng:

Nợ xấu chậm được xử lý còn do một nguyên nhân rất quan trọng là ngân hàng đối mặt với nguy cơ khủng khiếp hình sự hoá trách nhiệm dân sự, lao động. Kinh doanh luôn gắn liền với rủi ro. Kinh doanh ngân hàng càng nhiều rủi ro. Nhưng trên thực tế cứ rủi ro mất tiền ngân hàng là đồng nghĩa với nguy cơ có tội. Hồ sơ tín dụng, với hàng hàng trăm trang và hàng chục loại giấy tờ,… thì khó tránh khỏi sai sót ít nhiều, trong bối cảnh giấy tờ, sổ sách rất thiếu tin cậy. Hồ sơ cho dù đúng tới 99%, nhưng chỉ cần 1% sai sót là đã có thể thành tội phạm. Vậy thì cán bộ ngân hàng khác nào như cá nằm trên thớt, như tù nhân dự bị?

Khi cho vay trước đây thì giá trị tài sản cao, nay bán thì giá quá thấp. Bán hết tài sản mà không thu đủ nợ, thì cả khách hàng và cán bộ ngân hàng đều lo sợ bị quy kết tội phạm làm thất thoát tiền vay, bất luận lý do gì. Thế là cả hai bên đều nấn ná chờ đợi, hy vọng phục hồi sản xuất, kinh doanh để trả nợ, chờ đợi giá lên, mong trích đủ dự phòng và có chính sách miễn trách rõ ràng hơn….

Hình sự hóa trách nhiệm dân sự, lao động là một trong những nguyên nhân góp phần cản trở quá trình xử lý nợ xấu. Người ta sẽ rất sợ hãi trách nhiệm hình sự, không dám bỏ cái lợi nhỏ để đạt cái lợi lớn, thu ít nhưng thu sớm, trong xử lý nợ xấu. Chưa kể nó còn gián tiếp biến cách cho vay của ngân hàng đòi hỏi điều kiện cho vay như hiệu cầm đồ.

Nếu cán bộ ngân hàng thực sự tiêu cực, tham nhũng, thông đồng với tội phạm, thì phải chịu tội. Tuy nhiên, trên thực tế, quá nhiều cán bộ ngân hàng là nạn nhân bị lạm dụng, lừa đảo nhưng lại bị quy kết là tội phạm vi phạm quy định về cho vay hoặc tội phạm cố ý làm trái. Đó là việc hình sự hoá trách nhiệm dân sự, lao động trong kinh doanh. Ngân hàng rất sợ trách nhiệm hình sự, nên không muốn xử lý dứt điểm, vì sẽ đối mặt rõ ràng với nguy cơ thất thoát vốn vay.

Nếu cứ kéo dài tình trạng như trên, thì không những còn nan giải trong xử lý nợ xấu hiện tại, mà còn nguy cơ tái diễn nợ xấu trầm trọng trong tương lai. Xử lý nợ xấu trong bối cảnh, mức độ thì nặng nề, thời gian thì cấp bách, pháp luật thì vướng mắc và thị trường thì khó khăn như hiện nay, thì phải chấp nhận chọn cái ít xấu nhất trong những cái xấu, chứ không thể đòi hỏi phải là cái đúng nhất, tốt nhất.

3.          Giải pháp xử lý nợ xấu:

3.1.     Quan điểm xử lý:

Pháp luật và thái độ của xã hội lâu nay đang nghiêng về phía bảo vệ con nợ (khách nợ), người gây ra nợ xấu, vi phạm cam kết, chây ỳ trả nợ. Nhưng công bằng hơn, trong nền kinh tế thị trường, thì cần phải bảo vệ chủ nợ, người cho vay, người gửi tiền vào ngân hàng, chủ sở hữu tài sản hợp pháp của nợ xấu.

Khi nợ xấu đã đến mức nghiêm trọng, thì ở nước nào và thời kỳ nào, việc xử lý cũng cần những cơ chế pháp lý đặc biệt. 15 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định mật số 149/2001/QĐ-TTg ngày 05-10-2001 về việc phê duyệt Đề án xử lý nợ tồn đọng của các ngân hàng thương mại. Chẳng hạn, đối với những tài sản bảo đảm nợ vay chưa đầy đủ thủ tục pháp lý (như chưa đủ giấy tờ sở hữu, chưa công chứng hợp đồng thế chấp,…) nên chưa đủ điều kiện mua bán, chuyển nhượng, thì cho phép hoàn thiện thủ tục pháp lý, để bán nhanh tài sản, thu hồi nợ. Tuy nhiên, khi đó, quy mô nợ xấu rất nhỏ so với hiện nay và vướng mắc pháp lý chủ yếu nằm ở các thông tư, quyết định, chứ không vướng luật như bây giờ. Hiện nay, vướng mắc chủ yếu nằm trong các đạo luật, nên muốn tháo gỡ thì phải sửa luật, chẳng hạn ban hành một đạo luật để xử lý nợ xấu.

3.2.     Một số đạo luật cần sửa đổi:

Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 (sửa đổi năm 2013, 2014 và 2016): Cần sửa theo hướng bán tài sản bảo đảm, nếu không đủ trả nợ, thì được miễn thuế giá trị gia tăng, vì về bản chất, cũng hỗ trợ xử lý nợ giống như việc các ngân hàng bán tài sản bảo đảm được miễn thuế giá trị gia tăng.

Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi năm 2014): Cần bỏ quy định người được thi hành án phải nộp phí thi hành án (khoảng trên dưới 3% tùy theo mức giá trị), mà cần phải chuyển trách nhiệm này cho người phải thi hành án. Cần bỏ quy định người được thi hành án phải bỏ tiền ra thuê nhà ở trong 12 tháng cho người thế chấp nếu như họ không có chỗ ở, vì trách nhiệm này là của Nhà nước.

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010: Cần sửa theo hướng nới rộng quyền quản lý, khai thác, nắm giữ, sở hữu bất động sản để tránh vi phạm quy định không được phép kinh doanh bất động sản. Đồng thời sửa theo hướng quy định rõ không phải giữ bí mật thông tin của khách hàng khi phải xử lý nợ xấu; không phải giữ bí mật mà phải công khai thông tin về giao dịch thế chấp tại ngân hàng, để tránh xung đột với Bộ luật Dân sự về công khai giao dịch bảo đảm.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010: Cần sửa theo hướng không bắt buộc phải giữ bí mật thông tin của khách hàng là người tiêu dùng khi phải xử lý nợ xấu, để tránh tình trạng ngân hàng phạm luật khi xử lý nợ xấu.

Luật Đất đai năm 2013: Cần sửa theo hướng cho phép doanh nghiệp trong nước và nước ngoài được phép nhận quyền sử dụng đất làm tài sản thế chấp và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với đất ở, vì đã công nhận quyền sử dụng đất là tài sản, thì không nên hạn chế quyền.

Luật Doanh nghiệp năm 2014: Cần sửa theo hướng cho phép doanh nghiệp giải thể không bắt buộc phải thanh toán đủ nợ nần, nếu như các chủ nợ đồng ý. Qua đó, gián tiếp thúc đẩy việc xử lý nợ xấu diễn ra nhanh chóng và dứt điểm.

Luật Đầu tư năm 2014: Cần bỏ ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đối với “Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ”, vì không “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”

Bộ luật Hình sự năm 2015: Cần sửa điểm c, khoản 1, Điều 206 về “Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”, theo hướng, bỏ yếu tố cấu thành tội phạm là “cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng”. Vì ngân hàng cho vay là phải đủ điểu kiện, nhưng không bắt buộc phải có tài sản bảo đảm, nên việc nhận và định giá tài sản chỉ là biện pháp bảo đảm thêm. Nếu có việc đó xảy ra, thì đã dẫn đến việc thất thoát vốn vay hoặc chỉ nên xem là tình tiết tăng nặng.

Bộ luật Dân sự năm 2015: Cấn sửa theo hướng, cho phép ngân hàng tiếp tục được quyền thu giữ tài sản bảo đảm như trước đây. Đến khi nào (có lẽ phải mất một vài chục năm nữa) Tòa án có đủ năng lực xét xử các vụ án đòi nợ và xử lý tài sản bảo đảm trong vòng một vài tuần thì mới nên chấm dứt quyền thu giữ tài sản bảo đảm.

Luật Đấu giá (đang trình Quốc hội): Cần quy định theo hướng công nhận hiệu lực pháp lý của việc bán đấu giá, kể cả bán nợ, để tránh xung đột với các luật khác và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người mua tài sản đấu giá, qua đó thúc đẩy việc bán tài sản thế chấp của ngân hàng.

Và còn nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác gây khó khăn, vướng mắc cho việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, ví dụ việc khống chế mức chi hoa hồng môi giới bán tài sản thế chấp, cầm cố không vượt quá 1% giá trị thực tế thu được từ tiền bán tài sản qua môi giới như đã nêu trên.

3.3.     Kết luận:

Tỷ lệ nợ xấu thật sự theo đúng chuẩn hiện nay khó có thể tin rằng chỉ là 1 con số, do đó nợ xấu vẫn đang là một nguy cơ rất lớn của nền kinh tế. Vì vậy nếu không có một đạo luật hay một số điều luật đặc biệt để xử lý, thì sẽ có nguy cơ kéo dài số năm giải quyết lên trên 1 con số. Do đó, “bảo bối” để sớm thoát hiểm nợ xấu đang nằm trong tay Toà án, cơ quan thi hành án, Chính phủ và Quốc hội.

Nguyên nhân của nợ xấu chính là con nợ không trả được, không chịu trả và chả làm gì được con nợ. Hậu quả là gây tai hoạ cho ngân hàng, gây tai hoạ cho doanh nghiệp và gây tai hoạ cho cả nền kinh tế.

Bất luận do đâu thì cũng thật đau xót và giận dữ vì đất nước và nhân dân đã bị tổn thất rất nhiều do mất của. Nhưng lâu nay, chúng ta mới chỉ tập trung đổ lỗi và đánh nạn nhân, mà lãng quên truy bắt và trừng trị thủ phạm.

Cứ đổ hết lỗi cho ngân hàng gây ra nợ xấu thì cũng đành nhận. Cứ xử lý hình sự tràn lan khi xảy ra nợ xấu thì cũng phải chịu. Cứ từ chối sửa luật để xử lý nợ xấu thì cũng chẳng sao. Cứ không dùng Ngân sách để xử lý nợ xấu thì cũng vẫn được. Và cứ để ngành Ngân hàng “đơn thương độc mã” xử lý nợ xấu thì cũng vẫn xong.

Nhưng đừng quên rằng, nợ xấu chính là của doanh nghiệp. Đừng thắc mắc tại sao ngân hàng chậm xử lý nợ xấu. Đừng băn khoăn nợ xấu ngân hàng không đạt chuẩn quốc tế. Đừng bắt buộc ngân hàng phải cơ cấu lại nợ xấu. Đừng đòi hỏi ngân hàng phải cho vay lãi suất thấp. Đừng yêu cầu ngân hàng phải cứu giúp doanh nghiệp. Đừng mong muốn ngân hàng phải chịu trách nhiệm về tăng trưởng kinh tế. Và cũng đừng hy vọng doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển nhanh chóng, hiệu quả khi mà nợ xấu vẫn còn cao.

—————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 4, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

 

[1]   Hội thảo “Xử lý nợ xấu –  Những nút thắt cần tháo gỡ” do NHNN và Văn phòng Quốc hội tổ chức ngày 26-10-2016 tại Hà Nội.

[2]   Chữ đỏ, in nghiêng là được bổ sung sau khi đã gửi bài cho Ban tổ chức.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,849