272. Bình luận về hỗ trợ tài chính, tín dụng trong Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa.

(ANVI) – Hội thảo VINASME về Dự luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa                             Hà Nội 29-10-2016    

(Dự thảo 10-2016)

 

Bài này bình luận về nội dung 3 điều trong Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Hỗ trợ tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng, Hỗ trợ tiếp cận tín dụng từ các quỹ và Hỗ trợ tài chính.

  1. Về Hỗ trợ tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng:
  • Quy định của Dự thảo Luật:

“Điều 9. Hỗ trợ tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng

  1. Các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn thông qua:
  2. a) Cung cấp khoản vay với lãi suất và thời hạn vay vốn phù hợp với khả năng thanh toán của doanh nghiệp nhỏ và vừa và tình hình tài chính của ngân hàng.
  3. b) Thiết kế điều kiện, quy trình, thủ tục cho vay phù hợp với với đặc điểm, quy mô doanh nghiệp và quy định của chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đảm bảo thủ tục đơn giản, thời gian giải ngân vốn nhanh, an toàn tín dụng.
  4. c) Đa dạng hóa các hình thức cấp tín dụng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
  5. Trong từng thời kỳ, Chính phủ sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện cấp bù lãi suất và các hình thức khác để hỗ trợ các ngân hàng cho vay đối với:
  6. a) Doanh nghiệp nhỏ và vừa theo các nội dung hỗ trợ, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật này.
  7. b) Doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật này.
  8. Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng thông qua các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để tư vấn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi, nâng cao năng lực quản trị, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp.
  9. Chính phủ xây dựng các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn vốn tín dụng chính sách, chương trình tài chính vi mô cho doanh nghiệp siêu nhỏ.”

 

  • Vấn đề chung về hỗ trợ tín dụng ngân hàng:
  • Sau một thời gian dài, các ngân hàng tập trung nhiều vào doanh nghiệp lớn và siêu lớn, it quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì nay đã thay đổi quan điểm, hầu hết ngân hàng đều coi doanh nghiệp nhỏ và vừa là lực lượng khách hàng quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng vì năng lực quản trị hạn chế; phương án, dự án kinh doanh, vay vốn xây dựng không bài bản; hệ thống sổ sách tài chính kế toán thiếu minh bạch; tiềm lực tài chính yếu; tài sản bảo đảm ít; dễ bị rủi ro, tổn thương;… Và cũng do đó, nếu doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay vốn thì cũng thường phải chịu lãi suất cao và các điều kiện khác một cách khó khăn, chặt chẽ.

Nhiều doanh nghiệp phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao hoặc không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng thì phải vay vốn của các cá nhân, tổ chức khác thì lại bị luật cản trở. Chẳng hạn Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành không cho phép doanh nghiệp hạch toán phần lãi vay thực tế vượt quá 13,5%/năm.[1]

  • Về quy định tiếp nhận tín dụng từ các ngân hàng: Doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng, mà còn từ các tổ chức tín dụng khác. Vì vậy, quy định của Điều luật chỉ “tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng” là không đầy đủ, thiếu đi các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dung phi ngân hàng khác theo quy định tại Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
  • Khoản 1, Điều 9 của Dự thảo Luật:
  • Quy định về việc các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn thông qua việc cung cấp thể loại, số lượng và lãi suất tín dụng phù hợp nhu cầu, đặc điểm và khả năng trả nợ của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này không sai, nhưng là việc hiển nhiên các ngân hàng đã, đang và sẽ làm để thu hút và phục vụ khách hàng một cách tốt nhất, chứ không phải chờ Luật quy định. Ngược lại, nếu ngân hàng chỉ đặt ra quy định để đối phó thì cũng không thể bắt bẻ, xử lý được.
  • Đặc biệt, việc các tổ chức tín dụng cho vay hay không cho vay và cho vay với điều kiện, thế nào là hoàn toàn do sự xem xét quyết định của họ. Vì các tổ chức tín dụng cũng là các doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường, nên hoàn toàn có quyền từ chối cho vay “nếu thấy không đủ điều kiện, không có hiệu quả” theo quy định sau đây của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010:

“Điều 7. Quyền tự chủ hoạt động

  1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Không tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
  2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền từ chối yêu cầu cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ khác nếu thấy không đủ điều kiện, không có hiệu quả, không phù hợp với quy định của pháp luật.”
  • Riêng về lãi suất cho vay, nhiều năm qua đã có quy định ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quy định hiện hành là Thông tư số 08/2014/TT-NHNN ngày 17-05-2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “Quy định lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế”, trong đó quy định, các tổ chức tín dụng cho vay với mức lãi suất ưu đãi thấp hơn đối với một trong 5 đối tượng là “Phục vụ sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Tuy nhiên, điều kiện đối với khách hàng vay vốn, ngoài việc có đủ điều kiện vay vốn theo quy định, còn phải được tổ chức tín dụng đánh giá là “có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.” Mà đã có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh, thì doanh nghiệp nào cũng sẽ được hưởng mức lãi suất thấp, lãi suất ưu đãi, chứ không riêng gì đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
  • Khoản 2, Điều 9 của Dự thảo Luật:

Quy định về việc Ngân sách cấp bù lãi suất và các hình thức khác để hỗ trợ các ngân hàng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa và tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng cân đối ngân sách, nên cần cân nhắc ý kiến hợp lý của Bộ Tài chính.

Vì vậy, cần xem xét theo hướng không nên hoặc rất hạn chế quy định hỗ trợ thông qua việc giảm hay cấp bù ngân sách, vì làm méo mó thị trường tín dụng và gây ra nhiều hệ quả tiêu cực khác.

  • Khoản 3, Điều 9 của Dự thảo Luật:

Quy định về việc hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng thông qua việc xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi, nâng cao năng lực quản trị, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp.

Đây thật sự là sự hỗ trợ cần thiết và lâu dài. Tuy nhiên, đây là những vấn đề cần hỗ trợ chung cho doanh nghiệp, chứ không chỉ nhằm tiếp cận tín dụng.

  • Khoản 4, Điều 9 của Dự thảo Luật:

Quy định về việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng chính sách và chương trình tài chính vi mô. Đương nhiên, tổ chức tài chính vi mô là để phục vụ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Tổ chức tài chính vi mô đã được quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng và Nghị định số 28/2005/NĐ-CP ngày 09-3-2005 của Chính phủ về “Tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ tại Việt Nam”, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 165/2007/NĐ-CP ngày 15-11-2007.

Vì vậy, quy định về “chương trình tài chính vi mô cho doanh nghiệp siêu nhỏ” chỉ là sự nhắc lại quy định đã có của Luật Các tổ chức tín dụng.

  • Kết luận về hỗ trợ tín dụng ngân hàng:

Hỗ trợ lãi suất trực tiếp từ ngân sách hay yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất là cơ chế mang tính hành chính và bao cấp sẽ gây khó khăn cho hoạt động của ngân hàng; làm méo mó cung cầu và quan hệ tín dụng; không phủ hợp với kinh tế thị trường; dễ này sinh tiêu cực, ỷ lại, cào bằng, xin cho; không có tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp về chiều sâu và lâu dài.

Vì vậy cần giảm thiểu việc hỗ trợ doanh nghiệp bằng lãi suất, mà cần tập trung vào các biện pháp hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh, từ đó sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp. Khi đó, Ngân sách tăng thu thay vì phải chi lại hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và ngân hàng sẽ tự nguyện, tích cực tạo mọi điều kiện thuận lợi, tạo ra sản phẩm, quy trình phục vụ tốt nhất và cho vay ưu đãi lãi suất cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.

  1. Về Hỗ trợ tiếp cận tín dụng từ các quỹ:
  • Quy định của Dự thảo Luật:

“Điều 10. Hỗ trợ tiếp cận tín dụng từ các quỹ

  1. Kiện toàn tổ chức, bổ sung chức năng và nhiệm vụ của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện chức năng cho vay, đầu tư, tài trợ để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị bền vững, hình thành cụm liên kết ngành quy định tại Chương III của Luật này.
  2. Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, được phép phát hành trái phiếu để huy động vốn cho quỹ.
  3. a) Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở trung ương thực hiện chức năng tái bảo lãnh cho các quỹ bảo lãnh tín dụng ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất chế biến, doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành vay vốn tại tổ chức tín dụng.
  4. b) Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện chức năng bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại tổ chức tín dụng; cung cấp dịch vụ tư vấn, nâng cao năng lực xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn vay hiệu quả cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
  5. c) Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện bảo lãnh dựa trên tài sản bảo đảm hoặc xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp và không được từ chối nghĩa vụ bảo lãnh đã cam kết.
  6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
  • Vấn đề chung về hỗ trợ tín dụng từ các quỹ:
  • Cái khó của doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, là không vay được vốn hoặc phải vay với lãi suất cao, là do chưa có thị trường, chưa có tín nhiệm, chưa có thương hiệu, chưa có kinh nghiệm, chưa có hiệu quả, chưa có tài sản bảo đảm,… Cho nên đương nhiên sẽ khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay lãi suất thấp.
  • “Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa” và “Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” đang được vận hành trên thực tế, nhưng còn rất hạn chế tác dụng; đã và sẽ tiếp tục gặp nhiều vướng mắc. Tuy đã có quy định từ 15 năm rồi, nhưng vẫn còn một số địa phương chưa thành lập được Quỹ bảo lãnh do không có vốn điều lệ nói riêng (do phụ thuộc nhiều vào ngân sách) và nguồn vốn hoạt động nói chung hoặc tuy đã thành lập, nhưng nguồn vốn quá ít và thiếu năng lực chuyên môn, nghiệp vụ bảo lãnh, nên rất ít khả năng bảo lãnh, rất khó hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp.
  • Hai Quỹ này có phần trùng lặp. Nếu “Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa” đã có vai trò hỗ trợ cho vay, đầu tư, tài trợ doanh nghiệp thì cần đảm nhiệm luôn chức năng bảo lãnh, mà không nên duy trì một Quỹ bảo lãnh riêng.
  • Quy định ở Điều 9 đã yêu cầu ngân hàng phải hỗ trợ cho vay ưu đãi, quy định về Quỹ bảo lãnh lại yêu cầu tổ chức tín dụng phải đóng góp vốn điều lệ vào Quỹ[2] là không hợp lý.
  • Khoản 2, Điều 10 của Dự thảo Luật:
  • Cần xem lại quy định Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ “hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận” là không hợp lý, nhất là hiện nay đang được quy định là hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
  • Khi doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng thì mới cần đến việc bảo lãnh của “Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Tuy nhiên, quy định lâu nay có tính chất đánh đố doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chẳng hạn, Điều 14 về “Điều kiện để được bảo lãnh tín dụng”, “Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ban hành kèm theo Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định, doanh nghiệp “chỉ được Quỹ bảo lãnh tín dụng xem xét, cấp bảo lãnh khi hội đủ các điều kiện sau”:

“1. Có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay. Dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh được Quỹ bảo lãnh tín dụng thẩm định và quyết định bảo lãnh theo quy định tại Quy chế này.

  1. Có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật tối thiểu bằng 15% giá trị khoản vay.
  2. Có tối thiểu 15% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh.
  3. Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, không có các khoản nợ đọng nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế khác.”

Với tất cả các điều kiện được bảo lãnh nêu trên còn chặt hơn cả điều kiện cho vay và bảo lãnh của ngân hàng theo quy định của pháp luật (Luật Các tổ chức tín dụng và Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN). Cụ thể, yêu cầu về phương án vay vốn hiệu quả, có khả năng trả nợ là tương đương với điều kiện của ngân hàng. Yêu cầu về tài sản thế chấp cao hơn điều kiện của ngân hàng (ngân hàng được phép quyết định cho vay có hoặc không có tài sản bảo đảm). Yêu cầu về vốn chủ sở hữu cao hơn điều kiện của ngân hàng (không có quy định bắt buộc đối với ngân hàng). Và yêu cầu về không có nợ đọng ngân sách và nợ xấu tại các tổ chức tín dụng cũng cao hơn điều kiện của ngân hàng (không có quy định về diều kiện này đối với ngân hàng).

Do đó nếu doanh nghiệp đã không đủ điểu để vay vốn ngân hàng, thì cũng không đủ điều kiện để được các quỹ cho vay vốn hay bảo lãnh. Còn nếu đã đủ điều kiện vay vốn như trên, thì đến thẳng ngân hàng vay, chứ không cần phải thông qua bảo lãnh của Quỹ và lại còn tốn thêm một khoản phí bảo lãnh.

  • Quy định tại điểm c “Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện bảo lãnh dựa trên tài sản bảo đảm hoặc xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp và không được từ chối nghĩa vụ bảo lãnh đã cam kết.” có 2 điểm bất hợp lý. Thứ nhất, là quy định “thực hiện bảo lãnh dựa trên tài sản bảo đảm” như đã phân tích ở trên. Thứ hai là đã cam kết bảo lãnh thì đương nhiên phải thực hiện và không được từ chối, nên không cần phải quy định. Nhất là Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng như 2015 và Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 cũng không quy định điều này đối với bảo lãnh nói chung và bảo lãnh của ngân hàng nói riêng. Ngoài ra, Luật cũng không thể chốt tuyệt đối 100% phải thực hiện, mà không có ngoại lệ.
  • Kết luận về hỗ trợ tín dụng từ các quỹ:

Cần xem xét sửa đổi Dự thảo Luật và Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15-10-2013 để giải thoát tình trạng vướng mắc như đã nêu trên.

  1. Về Hỗ trợ tài chính:
  • Quy định:

“Điều 11. Hỗ trợ tài chính

  1. Hỗ trợ thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.
  2. a) Doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa theo quy định của Luật này được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
  3. b) Doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của Luật này được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
  4. c) Chính phủ quy định trình tự, thủ tục về thuế, chế độ kế toán theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
  5. Tùy theo điều kiện ngân sách của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hỗ trợ lãi suất và các hỗ trợ tài chính khác cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển của địa phương.”
  • Về hỗ trợ giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp:
  • Cần xem xét lại việc quy định giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này là không hợp lý, không bình đẳng, ảnh hưởng đến chính sách thuế (như ý kiến của Bộ Tài chính). Quy định này là sự thụt lùi, quay ngược trở lại mấy chục năm trước, với sự phân biệt đối xử bất công bằng của Luật Thuế lợi tức năm 1990[3] đã bị bãi bỏ. Đã phải mất nhiều năm để đưa thuế thu nhập doanh nghiệp về một mức chung cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và hợp tác xã. Điều này còn dẫn đến việc kìm hãm doanh nghiệp vừa phát triền thành doanh nghiệp lớn, vì doanh nghiệp gần đến ngưỡng doanh nghiệp lớn, nếu giữ lại ở quy mô vừa thì có thể được lợi hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng tiền thuế thu nhập.
  • Thay vì điều đó, cần xem xét các thay đổi các quy định bất hợp lý khác như mở rộng hơn nữa cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ nói riêng được hạch hoán vào chi phí các khoản chi thực tế, hợp lý, như lãi suất vay vốn vượt trần quy định của pháp luật (hiện nay là 13,5%/năm và từ năm 2017 trở đi là 20%/năm theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và 2015).
  • Kết luận về hỗ trợ tài chính:
  • Theo Dự thảo Luật, có 3 dạng hỗ trợ chính: Thứ nhất là hỗ trợ giảm chi phí, trong đó có lãi suất. Thứ hai là hỗ trợ giảm nghĩa vụ nộp ngân sách, trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp. Và thứ ba là hỗ trợ năng lực hoạt động của doanh nghiệp. Cần hạn chế tối đa, thậm chí cắt bỏ loại hỗ trợ thứ nhất và thứ hai, nhất là giảm lãi suất và giảm thuế thu nhập.
  • Cần tập trung vào hỗ trợ những nội dung không trực tiếp về tiền bạc như “quy định trình tự, thủ tục về thuế, chế độ kế toán theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” đã được nêu trong Dự thảo Luật. Hay cần tập trung vào các quy định hỗ trợ các vấn đề mà doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều hạn chế, vướng mắc như soạn thảo các mẫu điều lệ, nội quy lao động, thoả ước lao động tập thể; vận hành phần mềm kế toán, công tác quản trị doanh nghiệp, quản lý lao động, tiền lương,… Giảm được chi phí, trong đó có chi phí tuân thủ pháp luật, tăng được hiệu quả, có thu nhập cao hơn mới là yếu tố quyết định thực chất và khi đó thì việc doanh nghiệp nhỏ và vừa nộp thuế suất thuế thu nhập bằng với doanh nghiệp lớn là điều hoàn toàn bình thường, hợp lý.

—————————–

 

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 4, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

 

[1]   Từ năm 2011 đến nay, theo quy định tại khoản 1, Điều 476 về “Lãi suất”, Bộ luật Dân sự năm 2005 và điểm e, khoản 2, Điều 9 về “Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế”, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008; đã được sửa đổi, bổ sung năm  2013.

[2]   Điều 4, “Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ban hành kèm theo Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ.

[3]   Thuế lợi tức của doanh nghiệp các ngành công nghiệp nặng, cơ khí, hoá chất cơ bản, phân bón, thuốc trừ sâu, vật liệu xây dựng, khai thác, chế biến lâm sản, thuỷ sản; xây dựng, vận tải là 30%; các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm là 40%; thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ là 50%. Và nếu có thu nhập cao, thì còn phải nộp thêm thuế lợi tức bổ sung 25% – 50%.

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,904