277. Hỗ trợ cơ bản doanh nghiệp nhỏ và vừa & chuyển đổi hộ kinh doanh.

(ANVI) – Hội thảo về Dự luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (CLB PCDN)                           Hà Nội 10-3-2017    

(Dự thảo tháng 02-2017)

 

Bài này bình luận 8 Điều của dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về những hỗ trợ cơ bản (Hỗ trợ tiếp cận tín dụng; Hỗ trợ thuế; Hỗ trợ mặt bằng sản xuất; Hỗ trợ ươm tạo và nâng cao năng lực công nghệ; Hỗ trợ mở rộng thị trường; Hỗ trợ thông tin và tư vấn) và hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh.

 1. Về Hỗ trợ tiếp cận tín dụng (Điều 8):

1.1. Khoản 1, Điều 8 của Dự thảo Luật quy định:

“1. Trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ quyết định các cơ chế, biện pháp khuyến khích và tạo điều kiện để các ngân hàng đẩy mạnh cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khuyến khích ngân hàng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và biện pháp phù hợp khác.”

Quy định trên còn quá chung chung, chưa xác định được cơ chế, biện pháp khuyến khích và tạo điều kiện để các ngân hàng đẩy mạnh cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa là gì.  Vì vậy, nếu chốt được cơ chế khuyến khích thì quy định luôn, còn không thì bỏ nội dung này đi.

1.2. Khoản 2, Điều 9 của Dự thảo Luật quy định:

“2. Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng thông qua các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để tư vấn xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi, nâng cao năng lực quản trị, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp.”

Đây là cách tiếp cận đúng, là nội dung mới so với một số Dự thảo trước nhưng cần quy định cụ thể hơn, như là cơ quan nào chịu trách nhiệm về việc hỗ trợ này.

1.3. Khoản 3, Điều 9 của Dự thảo Luật quy định:

“3. Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa là tổ chức tài chính, thực hiện chức năng bảo lãnh tín dụng, hoạt động theo những nguyên tắc sau:

  1. Vì mục tiêu lợi nhuận;
  2. Được phép phát hành trái phiếu để huy động vốn cho quỹ;
  3. Không được từ chối nghĩa vụ bảo lãnh đã cam kết;
  4. Bảo lãnh dựa trên tài sản bảo đảm, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, chứng từ có giá, xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp và biện pháp phù hợp khác.”

Thứ nhất, cần xem lại quy định quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận (hiện nay đang được quy định là hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận), vì như vậy thì tốt nhất là giao cho ngân hàng chính sách làm việc này, thay vì Quỹ.

Thứ hai, quy định “Không được từ chối nghĩa vụ bảo lãnh đã cam kết” vừa thừa lại vừa thiếu. Thừa vì nguyên tắc chung là đã cam kết thì phải thực hiện nghĩa vụ, không cần phải quy định. Thiếu là, như vậy thì không được phép từ chối nghĩa vụ bảo lãnh kẻ cả trong trường hợp pháp luật cho phép hoạc theo thỏa thuận của các bên?

Thứ ba, quan trọng nhất là nếu quỹ “Bảo lãnh dựa trên tài sản bảo đảm, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, chứng từ có giá, xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp và biện pháp phù hợp khác”, thì các tổ chức tín dụng thừa sức chấp nhận cho vay, chứ không cần phải vòng qua quỹ.

 2. Về Hỗ trợ thuế (Điều 9):

2.1. Khoản 1, Điều 9 Dự thảo Luật quy định:

“1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật này được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cần xem lại quy định này theo hướng, không nên áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn, vì số thuế giảm đối với mỗi doanh nghiệp là không đáng kể, lại tạo ra sự bất bình đẳng, sự tiêu cực và tâm lý không muốn phát triển thành doanh nghiệp lớn hơn. Vì vậy, thay vì giảm thuế nên dùng nguồn tiền tương đương để tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2.2. Khoản 2, Điều 9 Dự thảo Luật, Phương án 1 quy định:

“2. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khi chuyển từ quy mô siêu nhỏ lên nhỏ, từ quy mô nhỏ lên vừa thì doanh nghiệp đó được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất quy định tại khoản 1 Điều này tối đa trong 03 năm tiếp theo năm đạt được quy mô chuyển đổi. Việc áp dụng theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.”

Tiếp theo quy định trên, quy định này là rắc rối, không hợp lý. Chẳng hạn việc to lên, nhỏ xuống bình thường cũng có thể dễ bị thay đổi, sau khi có quy định này thì dễ tạo ra tình trạng biến động liên tục để trục lợi. Điều này còn dễ dẫn đến việc kìm hãm doanh nghiệp vừa phát triền thành doanh nghiệp lớn. Vì vậy cần bỏ tất cả các quy định về thuế suất ưu đãi trong Dự thảo Luật.

2.3. Khoản 2, 3, 4 và 5, Điều 9 Dự thảo Luật, Phương án 2 quy định:

“2. Doanh nghiệp nhỏ theo quy định của Luật này được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất tại khoản 1 Điều này.

3. Doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của Luật này được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất tại khoản 2 Điều này.

4. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khi chuyển từ quy mô siêu nhỏ lên nhỏ, từ quy mô nhỏ lên vừa thì doanh nghiệp đó được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn tương ứng mức thuế suất quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này tối đa trong 03 năm tiếp theo năm đạt được quy mô chuyển đổi. Việc áp dụng theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.5. 

5. Mức thuế suất và thời hạn áp dụng theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.”

Quy định này rất rắc rối, tiêu cực, phức tạp, bất bình đẳng, khó thực hiện. Thậm chí, quy định này là như một sự thụt lùi, quay ngược trở lại mấy chục năm trước, với sự phân biệt đối xử bất công bằng của Luật Thuế lợi tức năm 1990[1] đã bị bãi bỏ. Đã phải mất nhiều năm để đưa thuế thu nhập doanh nghiệp về một mức chung cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và hợp tác xã. Vì vậy cần bỏ tất cả các quy định về thuế suất ưu đãi trong Dự thảo Luật.

 3. Về Hỗ trợ mặt bằng sản xuất (Điều 10):

3.1. Khoản 1, Điều 10, Dự thảo Luật quy định:

“1. Căn cứ điều kiện quỹ đất thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bố trí quỹ đất để quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phát triển cụm công nghiệp; khu chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.”

Quy định này còn chung chung, không mang tính quy phạm, không có vẫn cứ làm và làm tốt hay không làm thì cũng vẫn không sao. Vì vậy cần quy định cụ thể hơn, như đặt ra một giới hạn, tỷ lệ tối thiểu hay nguyên tắc cụ thể nào đó.

3.2. Khoản 2, Điều 10, Dự thảo Luật quy định:

Phương án 1: “2. Căn cứ điều kiện ngân sách nhà nước, cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp thông qua việc giảm trừ tiền thuê đất, thuế sử dụng đất đối với các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp. Thời gian hỗ trợ tối đa là 05 năm.”

Phương án 1: “2. Căn cứ điều kiện ngân sách tại địa phương, Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các cụm công nghiệp thông qua việc giảm trừ tiền thuê đất, thuế sử dụng đất đối với các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp. Thời gian hỗ trợ tối đa là 05 năm.”

Nên quy định thay trợ giá, giảm trừ tiền đất bằng cơ chế tạo Nhà nước đầu tư một phần mặt bằng và hạ tầng để cho thuê theo giá thị trường (thực chất vẫn là hỗ trợ với giá cả hợp lý, vì không nhằm mục đích thu hồi vốn và lãi, đồng thời bảo đảm nhiều tiện ích cho doanh nghiệp), tránh tiêu cực, khó thực hiện trong vi phạm cam kết quốc tế.

 4. Về Hỗ trợ ươm tạo và nâng cao năng lực công nghệ (Điều 11):

4.1. Khoản 1, Điều 11 của Dự thảo Luật quy định:

“1. Doanh nghiệp, tổ chức đầu tư kinh doanh các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được:

a) Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất như áp dụng đối với dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư.

b) Được hưởng ưu đãi về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.”

Quy định này là cần thiết, nhưng nên xác định rõ thời hạn miễn, giảm thuế thu nhập như ít nhất 5 năm kể từ khi doanh nghiệp có lãi.

4.2. Khoản 2, Điều 11 của Dự thảo Luật quy định:

“2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tham gia dưới hình thức hợp tác công tư hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật để thành lập các cơ sở kỹ thuật dùng chung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.”

Quy định này nên thống nhất tương tự với việc hỗ trợ mặt bằng sản xuất tại khoản 2, Điều 10, Dự thảo Luật.

 5. Về Hỗ trợ mở rộng thị trường (Điều 12):

5.1. Khoản 1, Điều 12 của Dự thảo Luật quy định:

“1. Nhà nước tham gia đầu tư theo hình thức đối tác công tư hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật để hình thành các chuỗi quốc gia phân phối sản phẩm, trong đó ưu tiên sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất, cung ứng.”

Quy định này cũng nên thống nhất tương tự với việc hỗ trợ mặt bằng sản xuất tại khoản 2, Điều 10 và hỗ trợ ươm tạo và nâng cao năng lực công nghệ tại khoản khoản 2, Điều 11 của Dự thảo Luật.

5.2. Khoản 3, Điều 12 của Dự thảo Luật quy định:

“3. Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ tham gia mua sắm công như sau:

a) Gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 05 tỷ đồng chỉ cho phép nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tham gia đấu thầu.

b) Gói thầu mua sắm hàng hoá có giá gói thầu không quá 03 tỷ đồng chỉ cho phép nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tham gia đấu thầu. Trường hợp nhà thầu cung cấp hàng hóa có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 25% trở lên thì được ưu đãi theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

c) Việc ưu đãi cho nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ khi tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

d) Nhà thầu chính sử dụng nhà thầu phụ là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ được ưu đãi theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

đ) Sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc danh mục sản phẩm sáng tạo được hưởng ưu đãi theo quy định của Chính phủ.”

Cần xem lại quy định trên, vì không hợp lý vì quy định chỉ cho phép nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tham gia đấu thầu, nhất là trường hợp nhà thầu loại đó không đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi.

 6. Về Hỗ trợ thông tin và tư vấn (Điều 13):

6.1. Khoản 3, Điều 13 của Dự thảo Luật quy định:

“3. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện hoạt động tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.”

Cần quy định khuyến khích như thế nào, nếu không cụ thể thì ít nhất cũng cần quy định về nguyên tắc hỗ trợ như thế nào.

6.2. Khoản 4, Điều 13 của Dự thảo Luật quy định:

“2. Các thông tin được thu thập và công bố trên trang thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, hiệp hội và Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

3. Danh sách tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn doanh nghiệp nhỏ và vừa được thu thập và công bố trên Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.”

Nếu như các thông tin hỗ trợ được công bố trên web của các bộ, Ủy ban nhân dân,… thì danh sách đon vị cung cấp dịch vụ tư vấn cũng cần thông báo tương tự, thay vì chỉ trên Cổng thông tin quốc gia.

 7. Về Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh (Điều 15):

7.1. Điều 15 của Dự thảo Luật quy định về mục đích, đối tượng và nội dung hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa được chuyển đổi từ hộ kinh doanh.

7.2. Thực chất hộ kinh hiện nay gần giống với doanh nghiệp tư nhân, quy mô tương đương doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ nhưng cũng có hộ kinh doanh có quy mô như một doanh nghiệp lớn. Bộ luật Dân sự năm 2015 không đã không còn công nhận đây là một chủ thể quan hệ giao dịch, ký kết hợp đồng. Vì vậy, cần mạnh dạn tạo ra sự đột phá trong Dự luật này: Chấm dứt hoàn toàn tư cách của hộ kinh doanh để tạo ra các lựa chọn sau. Thứ nhất, là chuyển thành công ty (1 hoặc nhiều thành viên hoặc công ty cổ phần). Thứ hai, là chuyển thành doanh nghiệp tư nhân. Thứ ba, là chuyển thành một loại hình doanh nghiệp mới, như doanh nghiệp tư nhân nhưng có 2 chủ doanh nghiệp là vợ chồng, thay vì chỉ 1 chủ doanh nghiệp như lâu nay.

Như vậy, phải thay đổi nội dung của Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Kế toán năm 2015, một số Luật thuế và liên quan khác. Đặc biệt là áp dụng chế độ kế toán hết sức đơn giản, phù hợp với thực tế, mà trước mắt tương tự như với hộ kinh doanh hiện nay. Sau đó có lộ trình tăng dần yêu cầu bài bản, chính quy.

—————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, phòng 406, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

[1]   Thuế lợi tức của doanh nghiệp các ngành công nghiệp nặng, cơ khí, hoá chất cơ bản, phân bón, thuốc trừ sâu, vật liệu xây dựng, khai thác, chế biến lâm sản, thuỷ sản; xây dựng, vận tải là 30%; các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm là 40%; thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ là 50%. Và nếu có thu nhập cao, thì còn phải nộp thêm thuế lợi tức bổ sung 25% – 50%.

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.282. Bất cập thi hành án hành chính

(VTV1) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,613