283. Bình luận về cơ sở pháp lý cho những quy định riêng để giải quyết nợ xấu của TCTD.

(ANVI) – Hội thảo “Xử lý nợ xấu – Từ góc độ chính sách, pháp luật”

Báo Đại biểu Nhân dân, Hà Nội 23-5-2017    

 

Nợ xấu có thể ví giống như sản phẩm tồn đọng, như hàng hoá khuyết tật, như đồ dùng quá hạn, như thời trang lỗi mốt. Vì vậy, yêu cầu cấp thiết là phải giải quyết thanh lý, hạ giá, giải toả càng nhanh càng tốt. Vậy mà thanh lý không được, hạ giá không xong, giải toả không nổi do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự trở ngại, khó khăn, vướng mắc, bế tắc pháp lý.

 1. Nợ xấu và mọi thứ đều không tốt:

 1.1. Việc cho vay và thu nợ:

Đối với ngành Ngân hàng, cho vay và thu nợ là hai mặt của một vấn đề, là nguyên nhân và kết quả của nhau, giống như câu chuyện giữa gà và trứng. Nợ xấu sẽ ảnh hưởng trực tiếp, rõ rệt và nguy hiểm đến việc cho vay. Nợ xấu tức là tất cả đều xấu, không chỉ ngân hàng, doanh nghiệp, mà cả nền kinh tế xấu. Không thu được nợ thì cũng đồng nghĩa với không có khả năng cho vay. Thu được nợ càng ít thì cho vay càng ít và lãi suất càng cao.

Theo cách phân loại trên cơ sở thời gian thì nợ quá hạn dưới 90 ngày không phải là tốt, nhưng cũng chưa phải là nợ xấu. Mà nợ xấu gồm 3 nhóm nợ là nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn, tương ứng với thời gian nợ bị quá hạn là trên 90, 180 và 360 ngày[1]. Bên cạnh việc phân loại nợ theo định lượng thời gian này, thì còn có cách phân loại nợ tương tự nhưng theo định tính, tức là theo tính chất rủi ro của khoản nợ.

1.2. Thời hạn vay và trả nợ:

Trong những năm gần đây, có thể hình dung phần lớn nợ xấu của ngành Ngân hàng đã từng được gia hạn, điều chỉnh kỳ hạn và cơ cấu lại nợ dưới các hình thức khác nhau. Vì vậy, có thể ước tính về thời hạn của các khoản nợ như sau: Bình quân thời hạn cho vay vốn là khoảng 1 năm, thì thời hạn chuyển thành nợ xấu là cộng thêm khoảng 1 năm và thời hạn để xử lý xong nợ xấu là khoảng 3 năm nữa. Như vậy, khoản nợ ngắn hạn 1 năm đã bất đắc dĩ trở thành khoản nợ dài hạn 5 năm, tính ra là kéo dài quá 5 lần, tương đương vượt quá 500% kế hoạch. Hay nói cách khác, thời hạn vay chỉ là 1, nhưng thời hạn trả lại gấp 5.

Vì vậy, vấn đề cấp bách cũng như lâu dài là cần phải rút ngắn thời hạn xử lý nợ xấu xuống mức thấp nhất, mà kỳ vọng trong tương lai gần là chỉ còn khoảng 1/2 – 1/3 thời hạn so với hiện nay.

1.3. Nguyên nhân và vướng mắc:

Nguyên nhân trước hết và cơ bản dẫn đến nợ xấu là do người vay không trả được nợ. Trách nhiệm chủ yếu và cuối cùng phải trả nợ xấu là của bên vay. Thế nhưng, dường như đạo lý là mắc nợ như mắc tội, đã biến thành nghịch lý mắc nợ như vô tội. Pháp lý là có vay phải có trả, nhưng đã trở thành cái lý cứ vay rồi trốn trả. Lỗi của ai gây ra nợ xấu thì cũng phải xử lý nợ, để hỗ trợ cho nền kinh tế. Còn ai vi phạm pháp luật, có tôi lỗi, thì đồng thời vẫn phải bị xử lý nghiêm.

Nếu như người vay không còn khả năng trả nợ, mà cũng lại chẳng có tài sản bảo đảm, thì ngân hàng đành phải chấp nhận xoá nợ. Nhưng điều vô lý rất đáng lo ngại là, đa số nợ xấu của ngành Ngân hàng đều có tài sản bảo đảm nhưng lại quá khó, quá chậm được xử lý để thu hồi nợ.

Vấn đề vướng mắc chủ yếu đặt ra là đối với tài sản thế chấp, trong đó hầu hết là đối với bất động sản và đặc biệt là đối với nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở.

2. Quyền sở hữu và việc thu giữ tài sản:

2.1. Bảo vệ quyền sở hữu:

Khoản 2, Điều 32, Hiến pháp năm 2013 quy định: Quyền sở hữu tư nhân được pháp luật bảo hộ.

Khoản 1 Điều 163 về “Bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản”, Bộ luật Dân sự năm năm 2015 quy định: “Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản”.

Tuy nhiên, quyền sở hữu đối với tài sản bảo đảm đã bị hạn chế theo cả thoả thuận cũng như theo quy định của pháp luật, chứ không còn đầy đủ quyền sở hữu, với 3 quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt bình thường như khi chưa đưa tài sản vào bảo đảm. Chẳng hạn, Điều 320 về “Nghĩa vụ của bên thế chấp”, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định 8 nghĩa vụ của bên thế chấp, trong đó có nghĩa vụ “phải ngừng việc khai thác công dụng tài sản thế chấp nếu do việc khai thác đó mà tài sản thế chấp có nguy cơ mất giá trị hoặc giảm sút giá trị” và nghĩa vụ “không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp”.

Như vậy, tuy cùng chung một nguyên tắc Hiến định và quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của mọi người, nhưng rõ ràng quyền sở hữu của chủ nợ và của bên nhận bảo đảm tài sản là không bị hạn chế, còn quyền sở hữu đối với tài sản đã đưa vào bảo đảm cho nghĩa vụ thì đã bị hạn chế rất nhiều theo Luật và theo thoả thuận.

2.2. Quyền thu giữ tài sản bảo đảm:

Ba Bộ luật Dân sự năm 1995, 2005 và 2015 đều quy định, bên nhận bảo đảm lập tức có quyền định đoạt và được quyền sở hữu tài sản bảo đảm khi bên có nghĩa vụ vi phạm hợp đồng đối với các biện pháp bảo đảm cầm cố, đặt cọc, ký cược và ký quỹ. Thực tế gần như chỉ còn đặt ra đối với việc thu giữ và xử lý tài sản thế chấp là nhà ở, quyền sử dụng đất và bất động sản khác gắn liền với đất.

Điều 301 về “Giao tài sản bảo đảm để xử lý”, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý” và “Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác”.

Khoản 6, Điều 320 về “Nghĩa vụ của bên thế chấp”, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định một trong các nghĩa vụ của bên thế chấp là “Giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp để xử lý”. Quy định này đồng nghĩa với việc bên nhận thế chấp được quyền nhận tài sản thế chấp để xử lý.

Như vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định về quyền được thu giữ tài sản bảo đảm trong “trường hợp luật liên quan có quy định khác”. Việc Quốc hội ban hành một đạo luật (hiện nay đang được thể hiện dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội) là rất cần thiết và hoàn toàn thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Và trong mọi trường hợp, cũng chỉ đặt ra việc thu giữ tài sản bảo đảm khi đã có thoả thuận cụ thể giữa bên sở hữu tài sản bảo đảm và bên nhận tài sản bảo đảm. Khi đã tự nguyện thoả thuận đưa tài sản thuộc quyền sở hữu của mình vào cầm cố, thế chấp, chủ sở hữu tài sản cũng đã đồng ý cho phép tổ chức tín dụng có quyền xử lý tài sản bảo đảm khi không trả được nợ đến hạn. Do vậy, việc thu giữ tài sản bảo đảm thực ra chỉ là một khâu hỗ trợ cần thiết để có thể xử lý phát mại, chuyển giao quyền sở hữu tài sản bảo đảm trên thực tế.

2.3. Điều kiện thu giữ tài sản bảo đảm:

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Công chứng năm 2014, Bộ luật Dân sự năm 2015, đối với tài sản thế chấp là bất động sản, thì quyền thu giữ của chủ nợ chỉ được đặt ra khi đáp ứng được đủ 5 điều kiện sau đây:

Thứ nhất, hợp đồng thế chấp có thoả thuận cụ thể, rõ ràng về việc bàn giao và thu giữ tài sản thế chấp;

Thứ hai, hợp đồng thế chấp đã có xác nhận của tổ chức hành nghề công chứng, chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc xác nhận của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;

Thứ ba, việc thế chấp đã được đăng ký thế chấp tại Văn phòng đăng ký đất đai thuộc các Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc Trung tâm đăng ký tài sản, giao dịch, Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp;

Thứ tư, trình tự, thủ tục thu giữ tài sản thế chấp phải thực hiện một cách công khai, minh bạch, cụ thể, rõ ràng và hợp lý theo đúng quy định thoả thuận và quy định của pháp luật.

Thứ năm, sau khi thu giữ tài sản bảo đảm, vẫn phải tiếp tục thực hiện các thủ tục xử lý tài sản bảo đảm theo đúng thoả thuận và quy định của pháp luật, như phải bán đấu giá tài sản theo quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 4 về “Tài sản đấu giá”, Luật Đấu giá năm 2016;

Thứ sáu, phải có sự tham gia của cơ quan có thẩm quyền như chính quyền cơ sở, cơ quan  công an cấp phường xã (theo Dự thảo Nghị quyết);

Thứ bảy, không có sự phản đối của chủ sở hữu tài sản. Có thể chủ sở hữu tài sản không đồng tình cao, nhưng không phản đối bằng việc yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan pháp luật khác giải quyết

Riêng đối với tài sản thế chấp là động sản thì chỉ thực hiện một số điều kiện nêu trên, nhưng hầu như không có vướng mắc trên thực tế.

3. Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở và việc thu giữ nhà ở:

3.1. Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở:

Điều 22, Hiến pháp năm 2013 quy định như sau:

“1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.

2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.

3. Việc khám xét chỗ ở do luật định”.

Người nào có những hành vi dưới đây, có thể phạm tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo quy định tại Điều 124 về “Tội xâm phạm chỗ ở của công dân”, Bộ luật hình sự năm 1999 hoặc theo quy định tại các điểm b, c và d, khoản 1, Điều 158 về “Tội xâm phạm chỗ ở của người khác”, Bộ luật hình sự năm 2015:

Thứ nhất, là “dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ”;

Thứ hai, là “dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ”;

Thứ ba, là “tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp”.

Điều đó có nghĩa là, không nên quá lo ngại về việc người nhận thế chấp nhà ở tuỳ tiện trong việc xâm phạm chỗ ở và thu giữ nhà ở của người khác.

3.2. Quyền của bên nhận thế chấp nhà ở:

Khoản 1, Điều 323 về “Quyền của bên nhận thế chấp”, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định một trong các quyền của bên nhận thế chấp là được “xem xét, kiểm tra trực tiếp tài sản thế chấp”. Đây chính là quyền luật định cho phép bên nhận thế chấp có quyền xem xét, kiểm tra nhà ở, chưa kể là quyền này cũng được thoả thuận có công chứng, chứng thực và đăng ký thế chấp tại các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Cũng giống như việc thu giữ tài sản nói chung đã nêu trên, việc thu giữ tài sản thế chấp là nhà ở cũng chỉ được thực hiện trên cơ sở có quy định của Luật (hoặc Nghị quyết của Quốc hội) và có sự thoả thuận của các bên. Khi đó việc thu giữ tài sản bảo đảm và vào chỗ ở của người khác không phải là hành vi tự ý vào nhà, càng không phải là xâm phạm chỗ ở.

Điều đặc biệt quan trọng là trong mọi trường hợp, không được quyền thu giữ nhà ở và tài sản khác không phải là tài sản bảo đảm, tức là không có sự thoả thuận cụ thể, tự nguyện từ trước. Nếu như thu giữ nhà ở chưa được đưa vào thế chấp hợp pháp thì mới là “xâm phạm chỗ ở” hoặc “tự ý vào chỗ ở của người khác” trái phép.

3.3. Thực chất vẫn là thoả thuận thu giữ:

Trên thực tế việc thu giữ tài sản thế chấp gần như chỉ thực hiện được khi chủ sở hữu và người đang giữ tài sản thế chấp tự nguyện bàn giao hoặc ít nhất là không phản đối việc thu giữ tài sản của bên nhận thế chấp. Còn trường hợp không có sự tự nguyện hay không đồng ý của chủ sở hữu hay người đang quản lý thì bên nhận thế chấp cũng không được phép dùng vũ lực, không có quyền cưỡng ép và không thực hiện được quyền thu giữ tài sản bảo đảm.

Việc pháp luật ghi nhận quyền thu giữ tài sản bảo đảm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để con (khách) nợ và bên thế chấp tài sản nói chung, thế chấp nhà ở nói riêng phải tôn sự trọng cam kết, thoả thuận, tăng thêm ý thức, trách nhiệm pháp lý của mình trong việc trả nợ và xử lý tài sản bảo đảm. Còn nếu như bỏ quy định về quyền thu giữ tài sản thế chấp thì nghĩa vụ “giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý” theo quy định tại Điều 301 về “Giao tài sản bảo đảm để xử lý”, Bộ luật Dân sự năm 2015 sẽ lập tức trở về gần như bằng không. Khi đó, nguy cơ càng khó xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.

Cuối cùng, kể cả trường hợp tài sản bảo đảm hay nhà ở thế chấp đã được thu giữ, nhưng nếu chủ sở hữu tài sản không đồng ý với việc thu giữ và xử lý thì vẫn có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp như bình thường.

—————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, phòng 406, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

[1]   Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21-01-2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “Quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”, đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 09/2014/TT-NHNN ngày 18-3-2014.

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

425. Bình luận về Chính sách lãi suất tiền gửi...

(ANVI)  - Chuẩn bị tại chỗ & phát biểu tại cuộc họp chuyên gia tài...

Phỏng vấn 

4.331. Bỗng dưng nợ thuế?

(QHTV) - Sở dĩ chúng tôi dùng thuật ngữ "Bỗng dưng nợ thuế" ở đây...

Trích dẫn 

3.805. “Chuyển nhượng” suất mua vàng SJC online: Người...

(ĐTM) - Trước phản ánh về việc trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều người...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 216,918