287. Phát triển tài chính tiêu dùng: Cần nỗ lực tổng thể.

(ANVI) – Báo Đầu tư                                                                                            Hà Nội ngày 12-7-2017

Tham luận tại Hội thảo Tài chính tiêu dùng

Trong tương lai, đầu tư tài chính cho tiêu dùng sẽ tiếp tục phát triển mạnh góp phần giảm cho vay nặng lãi, tín dụng đen. Theo đó cần có nhìn nhận đúng về vai trò của các công ty tài chính cũng từ chính những người tiêu dùng cũng như cơ quan quản lý.

Vai trò của các công ty tài chính tiêu dùng

Hiện tại, do dịch vụ cho vay cầm đồ chủ yếu là cho vay nóng và luôn phải yêu cầu khách hàng cầm cố tài sản, còn các ngân hàng ít cho vay tiêu dùng, nên các công ty tài chính có vai trò quan trọng trong việc phát triển tín dụng và tiêu dùng.

Tín dụng đen phát triển mạnh do vấn đề cung cầu. Thứ nhất, nhu cầu vay vốn rất lớn, đa dạng. Thứ hai, ngân hàng cũng hạn chế cho vay tiêu dùng nhỏ lẻ vì nhiều lý do như năng lực, quan điểm kinh doanh và các nguyên tắc hoạt động của ngân hàng đòi hỏi yêu cầu cao nên khó cho vay tiêu dùng. công ty tài chính khi tham gia lĩnh vực cho vay tiêu dùng đáp ứng được yêu cầu cho vay nhanh, dịch vụ cung cấp phù hợp thị trường nhưng lãi suất thường cao gấp đôi, gấp ba so với ngân hàng. Tuy nhiên, lãi vay tiêu dùng của công ty tài chính so với tín dụng đen thấp hơn và ít rủi ro hơn. Việc cho vay hợp pháp này nếu phát triển được sẽ đáp ứng nhu cầu xã hội, hạn chế được tín dụng đen.

Có thể nói gần như chưa có sự cạnh tranh giữa các công ty tài chính vì trên thực tế mới chỉ có gần một chục công ty tài chính cho vay tiêu dùng, trong đó một số chỉ cho vay chuyên biệt trong một lĩnh vực như mua ô tô, xe máy hoặc chỉ hoạt động trong một tỉnh và chỉ có 2 – 3  công ty tài chính hoạt động trên phạm vi rộng ít nhiều có sự cạnh tranh. Nhiều người phải đi vay tại các tiệm cầm đồ, thậm chí tìm đến cả tín dụng đen với lãi suất rất cao. Trong khi đó, hiện thị trường với 90 triệu dân nhưng chỉ có vài công ty công ty tài chính cho vay thôi và độ phủ sóng, mạng lưới, sản phẩm… còn hạn chế.

Với công ty tài chính, lãi suất sẽ không theo quy định của Bộ luật Dân sự được vì nếu áp dụng trần lãi suất cũ hay trần mới đều rất bất cập. Theo quy luật của nền kinh tế thị trường, lãi suất vay tiêu dùng cần được dựa trên cơ chế thỏa thuận giữa bên đi vay và bên cho vay. Tuy nhiên, với một thị trường quá lớn mà mới chỉ có 6 công ty tài chính tiêu dùng cung cấp dịch vụ thì điều này dẫn tới mức lãi suất cho vay bị mất đi tính cạnh tranh. Cần phát triển thêm nhiều công ty tài chính hơn nữa thì lãi suất cho vay tiêu dùng sẽ tự dần điều chỉnh về mức hợp lý.

Những vấn đề người dân cần lưu ý khi tiếp cận dịch vụ tín dụng tiêu dùng

Tự nguyện ký vào hợp đồng vay tín dụng tiêu dùng, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng đã đồng ý với tất cả các điều khoản trong hợp đồng, nhất là về thời hạn trả nợ lãi suất trong hạn cũng như quá hạn.

Khách hàng không đọc kỹ, không tìm hiểu vấn đề sẽ nghĩ mình bị lừa khi phải trả số nợ quá cao. Lãi suất, thời hạn vay, điều kiện vay, công thức tính toán,… tương đối cụ thể, rõ ràng, nhưng người vay ít quan tâm và không đọc kỹ thì sẽ không hiểu. Đến lúc phải trả nợ gốc và lãi, nhất là phải áp dụng chế tài phạt trả chậm, tức áp mức lãi quá hạn, thì khách hàng mới giật mình tưởng rằng bị lừa.

Ngoài ra, cũng không loại trừ trường hợp câu chữ trong hợp đồng không thật sự rõ ràng, việc tư vấn, giải thích không đầy đủ, nên khách hàng không hiểu được hoặc hiểu nhầm nên cũng có cảm giác như bị lừa. Điều này thường hay xảy ra đối với phương thức cho vay tính lãi cố định trên dư nợ ban đầu.

Ví dụ, vay 10 triệu trong một năm, lãi 5% một tháng, số nợ gốc chỉ còn một triệu đồng nhưng vẫn phải trả lãi 500.000 đồng một tháng, tức lên đến 50% một tháng. Điều này khác xa so với trả lãi theo số dư thực tế, khi dư nợ chỉ còn một triệu thì chỉ phải trả 50.000 đồng, tức vẫn 5% một tháng.

Trước khi đặt bút ký hợp đồng, người vay cần cân nhắc kỹ khả năng trả nợ của mình. Nếu vi phạm hợp đồng, các công ty tài chính phải xử lý theo đúng pháp luật và thỏa thuận trong hợp đồng. Công ty tài chính có thể được phép cho vay với lãi suất 30 – 40% một năm hay cao hơn cũng được. Những chế tài khác như là đôn đốc, thúc giục, kiện ra tòa, xử lý tài sản… đều được pháp luật cho phép.

Các công ty tài chính phải ráo riết, phải làm mạnh nhằm thu hồi vốn để bảo đảm an toàn vốn và hiệu quả kinh doanh, chứ không thể châm chước, ưu ái cho khách hàng. Cho vay sản xuất kinh doanh thì lãi suất thấp, còn được xem xét nhiều yếu tố để gia hạn, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, rồi miễn giảm lãi… Còn cho vay tiêu dùng thì gần như không có khái niệm đấy, cho nên đã không trả nợ thì thường bị áp chế tài rất nặng và rất nhanh, ít có độ trễ như cho vay sản xuất kinh doanh. Chậm trả nợ trong cho vay tiêu dùng thì lãi tăng thêm rất nhanh, chẳng mấy chốc mà lãi nhiều hơn gốc.Đặc biệt Bộ luật Dân sự năm 2015 còn cho phép thu thêm khoản lãi 10% tình trên số tiền lãi chậm trả so với trước đây.

Để phát triển thị trường tài chính tiêu dùng, cần có một hành lang pháp lý đối với các công ty tài chính

Mặc dù Thông tư số 43/2016/TT-NHNN được ban hành ngày 30/12/2016 có những tác động tích cực đến hoạt động cho vay tiêu dùng, bởi đây là lần đầu tiên có quy định pháp lý riêng điều chỉnh hoạt động loại hình cho vay này của công ty tài chính. Thông tư đã có những quy định đơn giản và hợp lý, phù hợp với thực tế, giúp công ty tài chính dễ dàng cho vay, đồng thời giúp người vay tiêu dùng có thể linh hoạt vay vốn phục vụ nhiều mục đích, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhìn chung, Thông tư 43 vừa bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng, vừa tạo môi trường phát triển lành mạnh cho thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, về lâu dài, cần xem xét loại công ty tài chính ra khỏi Luật Các tổ chức tín dụng, để không phải áp dụng các điều kiện, chế tài ngặt nghèo như đối với các tổ chức dụng.

Ở các nước trên thế giới, hoạt động cho vay tiêu dùng cũng giống hướng Việt Nam đang đi, như không có trần lãi suất và lãi suất cho vay cũng rất cao so với mặt bằng chung.Nhưng họ quản lý các dữ liệu về tiêu chuẩn, biện pháp, con số rất chuẩn, như khách hàng bao nhiêu tuổi, sức khỏe thế nào, thu nhập và điều kiện kinh tế ra sao nên rủi ro thấp hơn. Trong khi tại Việt Nam, mọi dữ liệu đều là con số ảo, không chuẩn nên áp dụng các giải pháp xử lý theo hướng rủi ro cao như lãi suất cao, tiêu chuẩn được vay cao hơn.

Thông tư quy định, các công ty tài chính ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống, trong từng thời kỳ, bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng và được quyền thỏa thuận lãi suất với từng đối tượng khách hàng. Theo quy luật cung cầu và quy luật cạnh tranh, sẽ không có sự khác nhau quá lớn về lãi suất cho vay với khoản vay cho các sản phẩm tương tự nhau. Cũng giống như cho vay nói chung, lãi suất vay tiêu dùng phụ thuộc vào từng khoản vay và từng khách hàng. Khách hàng càng có nhiều thông tin minh bạch và tin cậy chứng minh khả năng trả nợ của mình thì mức lãi suất cho vay sẽ càng thấp.

Vì cho vay tiêu dùng thường nhỏ lẻ và ngắn hạn, nên khách hàng ít quan tâm đến lãi suất ghi trong hợp đồng, mà chủ yếu chỉ quan tâm đến khoản tiền cụ thể phải trả hàng tháng. Trước đây, các công ty tài chính thường công bố lãi suất cố định đối với từng khoản vay theo tuần, theo tháng, nhưng không giải thích rõ, nên tạo cảm giác lãi suất thấp, trong khi thực chất lại khá cao. Ví dụ, cùng công bố lãi suất 1%/tháng đối với khoản vay 10 triệu đồng trong 12 tháng, trả gốc mỗi tháng 1 triệu, nhưng nếu phải trả lãi theo số dư nợ gốc cố định ban đầu thì lãi suất sẽ lên đến khoảng 22%, không còn là 12% nữa. Lãi suất cho vay thực của các công ty tài chính phổ biến ở mức 20 – 30%/năm, thậm chí có những khoản đặc biệt lên đến 60 – 70%/năm.

Để bảo đảm phản ánh đúng mặt bằng và mức lãi suất cho vay nói chung, tránh tình trạng con số lãi suất công bố giống nhau nhưng thực chất lại khác nhau rất lớn giữa các phương thức tính lãi, Thông tư số 43/2016/TT-NHNN đã yêu cầu lãi suất phải được “quy đổi theo tỷ lệ %/năm”, đồng thời phải “tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó”. Như vậy, trong ví dụ nêu trên, bên cạnh việc công bố 1%/tháng, công ty tài chính phải công bố lãi suất thực tế 22%/năm.

So với ngân hàng thương mại, công ty tài chính bị hạn chế một số dịch vụ và điều kiện nên phải cạnh tranh với ngân hàng thương mại khốc liệt hơn. Ngoài ra, công ty tài chính còn gặp khó về nguồn vốn huy động. Còn phía ngân hàng có đủ lợi thế nhưng khó triển khai hơn công ty tài chính vì không thể kinh doanh dàn trải. Bởi ngân hàng đã thực hiện dịch vụ cho vay sản xuất kinh doanh nên tập trung vào vay tiêu dùng rất khó, vì lĩnh vực này cần có sự chuyên sâu.

Để bảo vệ quyền lợi khách hàng vay tiêu dùng phải có quy định chặt chẽ, rõ ràng. Bản thân công ty tài chính cũng xác định kinh doanh phải uy tín, bài bản. Quan trọng hơn phải có công cụ, biện pháp bảo đảm nội dung, câu chữ trong hợp đồng không gây thiệt hại đến quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt là sau khi Nghị quyết 35 năm 2017 của Chính phủ đã yêu cầu bãi bỏ việc đăng ký mẫu hợp đồng tiêu dùng với Bộ Công thương.

(2.072/2.072)

—————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, phòng 406, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

 

Hội thảo Tín dụng tiêu dùng

VIR 12-7-2017

3 ý kiến của tôi đã phát biểu tại Hội thảo:

  1. Vai trò của công ty tài chính:
  • Cho vay tiêu dùng là cho vay tiêu vốn, dùng vốn mất đi & dùng nguồn tiền hoàn toàn khác để trả nợ.
  • Góp phần tích cực vào việc tiêu thụ hàng hoá, sản phẩm, phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.
  • Các kênh cho vay tiêu dùng hợp pháp gồm 3 kênh chính: Cầm đồ và công ty tài chính và các TCTD khác
  • Ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, công ty tài chính vi mô, cho vay tiêu dùng rất ít, theo quy định của pháp luật chỉ cho vay phục vụ đời sống (thực chất cũng là tiêu dùng), với điều kiện cho vay khá chặt chẽ, không được phép cho vay tiêu dùng.
  • Cầm đồ phải cầm cố tài sản, nếu cho vay không có tài sản cầm cố hoặc thế chấp nhà, xe thì có thể coi là bất hợp pháp
  • Ngoài ra, tín dụng đen cho vay nóng, đa số bất hợp pháp, thậm chí phạm tội hình sự cho vay lãi nặng.
  • Sân riêng của các công ty tài chính. 80 – 90% cho vay tiêu dùng hợp pháp đã và sẽ là vai trò của các công ty tài chính.
  • Hy vọng công ty tài chính là đối thủ đầy lùi tín dụng đen.
  • Tuy nhiên, sự cạnh tranh còn chưa cao, vì chỉ mới có khoảng gần 1 chục công ty cho vay tài chính tiêu dùng, trong đó chỉ có vài công ty hoạt dộng trên phạm vi toàn quốc và chiếm phần lớn thị phần.

 

  1. Lãi suất cho vay tiêu dùng:
  • 2 cách tính lãi tính theo dư nợ giảm dần và dư nợ ban đầu, nhưng NHNN đã quy định mọi trường hơp phải. Mức suất gấp 2 -3 lần so với cho vay SXKD, thậm chí cao hơn nữa.
  • Tôi ủng hộ tự do hoá lãi suất theo quy định của Luật Các TCTD năm 2010 & NHNN, vì rủi ro cao, vì là kết quả tất yếu của cạnh tranh thị trường. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần phải được pháp luật khẳng định rõ.
  • Vấn đề trần lãi suất 20%/năm theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
  • Vẫn còn tranh cãi:

+ Còn nhiều ý kiến của thành viên Tổ soạn thảo BLDS 2015, chuyên gia & cho rằng phải áp dụng trần 20%

+ 3 tuần trước 1 nguyên Thứ trưởng Bộ TP cho rằng phải áp dụng trần lãi suất chung 20%

+ TANDTC đã có văn bản giải thích các hợp đồng cho vay trước năm 2017 được áp dụng mức lãi suất thoả thuận cao hơn trần lãi suất 13,5% theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005.

+ Nhưng từ năm 2017 trở đi, có được vượt trần 20%/năm theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 như quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN và 43/2016/TT-NHNN hay không thì chưa rõ.

+ Hiện nay TANDTC đang lấy ý kiến về việc áp dụng lãi suất. Bao giờ Toà án có quan điểm chính thức thì mới chốt lại vấn đề, vì đó mới là cơ quan cuối cùng khẳng định áp dụng luật thế nào vò thực tế.

 

  1. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng:
  • Hiện nay, phải đăng ký mẫu Hợp đồng cho vay tiêu dùng tại Cục QLCT, Bộ CT.
  • Nhưng Nghị quyết 19/2017/NQ-CP ngày 06-02-2017 của Chính phủ đã yêu cầu bãi bỏ việc này.
  • Vậy cần có biện pháp kiểm soát bảo đảm quyền lợi của khách hàng, người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.
  • Vai trò của Bộ CT, NHNN và truyền thông.

 

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,567