291. Bình luận Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi suất, phạt vi phạm

(ANVI) – VCCI                                                                                                              Hà Nội 10-11-2017   

Theo yêu cầu của VCCI, tôi xin bình luận một số vấn đề về Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán, Tòa án Nhân dân Tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi suất, phạt vi phạm.

 1. Về việc hướng dẫn chung về lãi suất:

1.1. Nghị quyết chính thức chấp nhận việc lãi suất trong hạn, quá hạn, lãi suất phạt, lãi suất chậm thi hành án,… của các tổ chức tín dụng được phép vượt trần quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và 2015.

1.2. Đó là điều đặc biệt bất hợp lý, vì không bảo đảm sự công bằng, bình đẳng trong giao dịch dân sự và giữa các thành phần kinh tế khác nhau. Nếu có sự khác nhau, thì chỉ có thể lãi suất của các tổ chức tín dụng thấp hơn, chứ không thế là cao hơn lãi suất bên ngoài các tổ chức tín dụng.

1.3. Để giải quyết vấn đề này và bảo đảm sự thống nhất giữa các đạo luật cũng như nguyên tắc chung, không vi Hiến, Tòa án Nhân dân tối cao cần kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Bộ luật Dân sự năm 2015.

2. “Về cách tính lãi đối với nợ gốc quá hạn trong giao dịch dân sự” (Điều 5):

2.1. Điểm a2, khoản 1, Điều 5 “Về cách tính lãi đối với nợ gốc quá hạn trong giao dịch dân sự” hướng dẫn tính lãi chậm trả nợ gốc quá hạn “đến khi xét xử sơ thẩm” là không hợp lý, vì chỉ tương đối hợp lý trong trường hợp án sơ thẩm có hiệu lực (không bị kháng cáo, kháng nghị). Còn trường hợp án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, thì cần phải tính đến khi xét xử phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm, tái thẩm. Nhất là đối với những khoản tiền nợ quá hạn lớn và trường hợp thời hạn xét xử này bị kéo dài, có khi hàng năm trời.

2.2. Khoản 5 Điều trên hướng dẫn “Các bên có thể thỏa thuận về việc nhập lãi vào nợ gốc để tính lãi của thời hạn vay tiếp theo. Tuy nhiên, Tòa án chỉ chấp nhận việc nhập lãi vào nợ gốc một lần tại thời điểm đến hạn trả nợ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ của mình”. Nội dung này không hợp lý, cần xem lại, vì 3 lý do sau: Thứ nhất, không có căn cứ pháp lý nào ấn định việc nhập lãi vào gốc. Thứ hai, không có căn cứ nào hợp lý khi chỉ cho phép nhập lãi vào gốc 1 lần. Thứ ba, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định cho phép tính lãi đối với tiền lãi quá hạn với mức không quá 10% (trước kia không cho phép). Vì vậy, không có lý do gì để nhập lãi vào gốc để tính lãi 20%/năm.

3. “Về phạt vi phạm trong hợp đồng” (Điều 7):

3.1. Điểm a, khoản 3, Điều 7 “Về phạt vi phạm trong hợp đồng” hướng dẫn, đối với hợp đồng tín dụng được xác lập từ năm 2017, trường hợp chậm trả nợ gốc và nợ lãi thì được “chấp nhận cả yêu cầu thanh toán tiền phạt vi phạm và yêu cầu thanh toán tiền lãi suất quá hạn, lãi suất phạt, lãi suất chậm trả hoặc hình thức khác”. Như vậy là rất không hợp lý, vì cùng một vấn đề vi phạm, khách hàng vay vốn có thể bị phạt trùng lắp 4 chế loại: Thứ nhất, là “tiền phạt vi phạm”. Thứ hai, là “tiền lãi suất quá hạn”. Thứ ba, là “lãi suất phạt”. Thứ tư, là “lãi suất chậm trả hoặc hình thức khác”. Đặc biệt là hợp đồng tín dụng thường theo mẫu ấn định của các tổ chức tín dụng, mà sắp tới không bắt buộc phải đăng ký tại Bộ Công thương theo Nghị quyết số 19/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ. Trong khi đó các hợp đồng vay vốn khác, bên cho vay không được phạt như đối với các tổ chức tín dụng.

3.2. Cần xem xét chỉ nên chấp nhận phạt vi phạm hợp đồng đối với các vấn đề ngoài phạt chậm trả.

4. “Về xác định nghĩa vụ trả lãi sau khi có bản án, quyết định của Tòa án” (Điều 8):

4.1. Về nguyên tắc, đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, thì cần phải chấm dứt hoàn toàn mọi thỏa thuận của các bên trước đó và mọi vấn đề, kể cả lãi suất chậm trả cũng chỉ còn được thực hiện theo Bản án. Các bên chỉ có thể thỏa thuận về việc thi hành án sau khi đã có bản án, quyết định của Tòa án. Và việc thỏa thuận này, nếu có, hoàn toàn không cần quy định trong Nghị quyết.

4.2. Vì vậy, cần phải hướng dẫn rõ là thỏa thuận lãi suất chậm thi hành án, nếu có là diễn ra trong giai đoạn thi hành án, để tránh việc nhầm lẫn với thỏa thuận lãi suất trước khi có bản án, như cách hướng dẫn rất bất hợp lý tại Án lệ số 08/2016/AL về xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17-10-2016 và được công bố theo Quyết định số 698/QĐ-CAngày 17-10-2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Đồng thời Nghị quyết cần bãi bỏ Án lệ sai trái nêu trên.

5. Về kỹ thuật soạn thảo văn bản:

5.1. Điều 2 về “Áp dụng pháp luật về lãi suất trong trong giao dịch dân sự”, Điều 4 về “Áp dụng pháp luật về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản là vàng” và Điều 8 “Về xác định nghĩa vụ trả lãi sau khi có bản án, quyết định của Tòa án” có các đoạn đầu ngay dưới tên Điều “Pháp luật áp dụng để tính lãi suất…”, “Hợp đồng vay tài sản là vàng….” Và “kể từ ngày 01-01-2017…” không thuộc bất kỳ khoản nào trong các điều được bố cục thành khoản, điểm là không hợp lý.

5.2. Điều 3 về “Áp dụng pháp luật về lãi suất trong hợp đồng tín dụng”: Các cụm từ “Luật Các tổ chức tín dụng năm 2004” cần được sửa thành “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng” năm 2004.[1]

5.3. Điểm b, khoản 1, Điều 5 “Về tính lãi đối với nợ gốc quá hạn trong giao dịch dân sự” viết “Thời gian tính lãi nợ đối với nợ gốc quá hạn”, thừa từ “nợ” ở trước từ “đối với”.

—————————–

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, phòng 406, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,283