295. Tiền cao lãi dày.

(ANVI) – Bài trên Thời báo Kinh tế SG                                                        Hà Nội 19-01-2018

 

Dư luận rất băn khoăn với quan điểm luận tội trong 2 phiên đại án xử tội cố ý làm trái đang diễn ra tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh: Tiền vốn không mang gửi ngân hàng hoặc không mang cho vay là gây ra thiệt hại.

Bắt buộc lãi cao?

Trong vụ đại án tại TP Hồ Chí Minh xử “Tội cố ý làm  trái quy định của nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, liên quan đến 4 ngân hàng, các bị cáo ở Ngân hàng Xây dựng (VNCB) bị quy kết là không mang tiền vốn huy động được cho vay mà lại gửi ngân hàng khác với lãi suất thấp là gây ra thiệt hại cho VNCB. Trong vụ đại án xử tội cố ý làm trái tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí (PVN) đã được Cáo trạng kết luận đã bị thiệt hại 119 tỷ đồng, do tiền của doanh nghiệp đã không được gửi ngân hàng để hưởng lãi suất.

Cách tính thiệt hại như trên, gần như đồng nghĩa với yêu cầu, dù là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, thì đều phải lựa chọn cách dùng tiền đem lại lãi suất cao nhất. Điều này cũng tương tự như pháp luật đòi hỏi bắt buộc nông dân phải nuôi trồng cây con cao sản hay công nhân phải đạt hiệu suất cao nhất. Chưa nói đến việc không thể can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp đã được ghi nhận rõ ràng trong 3 Luật Doanh nghiệp từ trước đến nay, mà chỉ riêng việc xác định thế nào là giống cao sản, hiệu suất cao nhất hay tiền lãi cao hơn cũng đã quá mơ hồ, khó khăn.

Xét về mặt kinh tế, thì đúng là nếu như số tiền của doanh nghiệp không tạm ứng cho nhà thầu thì hoàn toàn có thể gửi ngân hàng hoặc đầu tư kinh doanh thu lời. Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện của thương mại, còn nếu tính thiệt hại để quy trách nhiệm hình sự thì lại là vấn đề khác, vì thiếu cơ sở pháp lý.

Tại sao lại cho rằng số tiền đó phải được gửi ngân hàng, mà không phải là tiền mặt để trong két doanh nghiệp hay mua trái phiếu Chính phủ hoặc đầu tư vào sản xuất, kinh doanh để kiếm lời? Tất cả đều có thể xảy ra và lợi nhuận kỳ vọng thu được càng cao thì rủi ro càng lớn.

Ngân hàng không cho vay?  

Đối với quan điểm trong đại án cố ý làm trái liên quan đến 4 ngân hàng ở Sài Gòn, tiền huy động của VNCB phải trả lãi suất cao, lại mang gửi ngân hàng khác với lãi suất thấp hơn, thì rõ là không có lời, nhưng liệu có sai luật và bất hợp lý?

Trả lời các câu hỏi của Luật sư Trần Minh H. (Giám đốc điều hành B., bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh) về thực trạng tín dụng và an toàn vốn của Ngân hàng Xây dựng (VNCB), bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) đã thừa nhận, thời điểm đó tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của VNCB lên tới 98%, trong khi tiêu chuẩn chỉ là 3%. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của VNCB chỉ còn gần 0,1%, trong khi pháp luật quy định phải là 9%.

Trong bối cảnh như vậy, việc sử dụng nguồn tiền huy động để cho vay, là đồng nghĩa với sự tự sát, không thể cứu vãn, vì sẽ mất hoàn toàn khả năng thanh khoản của ngân hàng. Trong khi không hề có quy định nào yêu cầu nguồn tiền huy động chỉ được cho vay, thậm chí nguồn tiền huy động của ngân hàng còn không được phép cho vay, nếu như không bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn. Chẳng hạn như phải duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay không quá 80% tổng tiền gửi, theo quy định tại điểm c, khoản 5, Điều 21 về “Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi”, Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20-11-2014 của Thống đốc NHNN. Tức là, nếu ngân hàng thương mại huy động được 100 đồng thì chỉ được phép cho vay tối đa 80 đồng. Các, ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt cũng thường không được phép tăng trưởng tín dụng. Thậm chí, nhiều khi dù nguồn vốn huy động rất thừa, trong khi không hề bị hạn chế, mà ngân hàng vẫn không dám cho vay vì thấy không bảo đảm an toàn.

Vì vậy, trong tình huống tiền huy động không được phép cho vay (chỉ được sử dụng để chi trả tiền gửi, giữ lại tại chính ngân hàng hoặc gửi Ngân hàng Nhà nước), thì việc mang gửi ngân hàng khác là sự lựa chọn đúng luật, hợp lý, khôn ngoan, an toàn và có lợi nhất.

Thiệt hại từ lãi tương lai?

Kể cả nếu cứ cho rằng, tiền sẵn có của doanh nghiệp thì phải bỏ hết vào kinh doanh, tức vụ việc ở Hà Nội thì phải đem gửi ngân hàng, còn vụ việc ở Sài Gòn thì phải mang ra cho vay thì cũng không có căn cứ pháp lý tính ra thiệt hại của doanh nghiệp.

Chẳng hạn căn cứ vào đâu để cho rằng doanh nghiệp phải gửi ngân hàng với lãi suất là 0% (đối với USD), là 1%/năm (nếu gửi dưới 1 tháng) hay 5,5%/năm (nếu gửi 1 – 6 tháng) hay mức lãi suất cao hơn nữa (đối với VND) theo Quyết định số 2173/QĐ-NHNN ngày 28-10-2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước?

Rồi ngay chính việc gửi tiền ngân hàng cũng có thể rủi ro mất hết vì các tổ chức tín dụng vẫn có thể bị phá sản. Khi đó, cá nhân còn được chi trả 75 triệu đồng bảo hiểm tiền gửi, trong khi doanh nghiệp thì còn phải chịu rủi ro 100%.

Tương tự, nếu như ngân hàng phải cho vay thì cũng có rất nhiều lãi suất và rủi ro khác nhau với các loại cho vay ngắn hạn và dài hạn, cho vay tiêu dùng và sản xuất kinh doanh, trong đó có thể là kinh doanh chứng khoán, bất động sản hay đầu tư, kinh doanh mạo hiểm. Vì vậy, pháp luật đã quy định ngân hàng phải phân loại rủi ro từ 0% đến 100% đối với các khoản vay.

Vậy thì cũng chẳng có thiệt hại về lãi suất đối với giao dịch chưa hề xảy ra trên thực tế, vì không thể xác định được lúc nào thì có lãi cao, khi nào thì có nguy cơ mất cả vốn lẫn lãi.

Lô gic cứ tiền cao thì lãi phải dày của bài toán chi phí cơ hội và lợi nhuận kỳ vọng trong kinh doanh hoàn toàn khác với cách tính toán hậu quả thiệt hại thực tế.

———————————-

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 4, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.282. Bất cập thi hành án hành chính

(VTV1) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,612