298. Vụ đòi chia cổ tức sau thoái vốn tại Sabeco: Nhầm lẫn pháp lý.

(ANVI) – Bài viết gửi đăng Báo PLHCM                                                                      Hà Nội 09-4-2018

 

Cùng tham gia vào quá trình kiểm toán và thoái vốn cổ phần của nhà nước tại SABECO nhưng Kiểm toán Nhà nước không yêu cầu xử lý khoản lợi nhuận để lại tại Công ty. Sau khi việc thoái vốn đã hoàn thành, nhà đầu tư đã mua cổ phiếu của công ty với giá rất cao, thì Kiểm toán Nhà nước lại yêu cầu thanh toán cổ tức cho cổ đông Nhà nước trước thời điểm thoái vốn. 

Phép toán kinh tế   

Việc bán cổ phiếu để thoái vốn nhà nước được định giá một cách bài bản và được bán đấu giá với kết quả rất thành công. Thị trường và cổ đông mua cổ phiếu của SABECO giá bao nhiêu là dựa vào giá trị cổ phiếu hiện tại và kỳ vọng vào tương lai. Trong đó, giá trị cổ phiếu tại thời điểm thoái vốn được tính toán dựa trên 3 yếu tố chủ yếu sau: Thứ nhất là tiền trong quỹ két, tài khoản; thứ hai là tài sản và nợ nần của doanh nghiệp; thứ ba là giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.

Một trong những yếu tố rõ ràng nhất là số tiền 2.785 tỷ đồng là khoản lợi nhuận để lại công ty chưa phân phối từ năm 2016. Đó chính là yếu tố quan trọng cấu thành nên giá cổ phiếu và kết quả đấu giá. Nếu không có khoản tiền này, thì giá cổ phiếu có thể giảm từ đi với một mức độ tương ứng.

Vậy, yêu cầu chia số tiền trên cho cổ đông nói chung, cổ đông nhà nước nói trên tính tại thời điểm trước khi thoái vốn vào ngày 31-12-2016, tức là cổ đông sở hữu cổ phiếu sau ngày này sẽ không được hưởng khoản cổ tức từ năm trước thì có hợp lý không?

Nếu chia cổ tức cho cổ đông sở hữu cổ phiếu trước khi thoái vốn thì cổ đông nhà nước được chia 89,59%, tương đương với số tiền 2.495 tỷ đồng. Nếu chia cổ tức cho cổ đông sở hữu cổ phiếu sau khi thoái vốn thì cổ đông nhà nước chỉ được chia 36%, tương đương với số tiền chỉ còn khoảng 1.002 tỷ đồng và nhà nước “thiệt hại” gần 1.500 tỷ đồng. Để tiện theo dõi câu chuyện, dưới đây xin tạm phân thành 2 giai đoạn trước và sau khi thoài vốn là cổ đông nhà nước 89,59% và cổ đông nhà nước 36%.

Vấn đề pháp lý   

Lợi nhuận của công ty dù có từ đâu, thời gian nào cũng đều là tài sản thuộc quyền sở hữu của công ty, đồng thời cũng là tài sản chung của cổ đông. Phần lợi nhuận để lại chưa chia, có thể chia cổ tức cho cổ đông vào bất kỳ thời điểm nào và tất nhiên là chỉ chia cho cổ đông hiện diện tại thời điểm chia. Riêng khoảng thời gian gần ngày trả cổ tức thì đã được khoản 5, Điều 132 về “Trả cổ tức” của Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định như sau: “5. Trường hợp cổ đông chuyển nhượng cổ phần của mình trong thời gian giữa thời điểm kết thúc lập danh sách cổ đông và thời điểm trả cổ tức thì người chuyển nhượng là người nhận cổ tức từ công ty”. Điều đó có nghĩa là, nếu cổ đông nhà nước 89,59% bán cổ phiếu vào “giữa thời điểm kết thúc lập danh sách cổ tức và thời điểm trả cổ tức” của SABECO, thì cổ đông nhà nước sẽ được hưởng cổ tức mà không phân biệt là cổ tức theo lợi nhuận của năm nào. Tuy nhiên điều này đã không xảy ra. Như vậy, có nghĩa là cổ đông nhà nước 36% chỉ còn được hưởng cổ tức theo danh sách chi trả cổ tức sau ngày thoái vốn 27-12-2017.

Sau ngày trên, dù SABECO chia cổ tức từ lợi nhuận năm 2016 hay 2018 thì các cổ đông hiện hữu cũng có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau. Nếu chia cho cổ đông nhà nước 89,59% thì đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc công bằng được quy định tại khoản 5, Điều 113 về “Các loại cổ phần”, Luật Doanh nghiệp năm 2014: “5. Mỗi cổ phần của cùng một loại đều tạo cho người sở hữu nó các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau”.

Nhầm lẫn đáng tiếc   

Khoảng một hai thập kỷ trước, khá nhiều công ty đã mắc phải sự nhầm lẫn tai hại này trong việc chia cổ tức cũng như cổ phiếu thưởng. Ví dụ, tháng 8-2008, Ngân hàng H. thông báo trả cổ tức 8,25%/năm nhưng lại chốt theo danh sách cổ đông tính đến ngày 31-12-2007. Như vậy, người bán cổ phiếu chán chê rồi vẫn được hưởng cổ tức, trong khi người mua chẳng khác nào “vớ” phải cổ phiếu bị “rút ruột”. Hay Ngân hàng TMCP Phương Nam, đã từng thưởng 28% cổ phiếu vào tháng 7-2008, nhưng lại chốt danh sách cho cổ đông hiện hữu vào ngày 31-12-2006, tức là được chốt lùi lại trước đó hơn một năm rưỡi. Thế là, người đã bán hết cổ phiếu, đã “dứt tình đoạn nghĩa” với công ty cả năm sau bỗng dưng được hàng chục phần trăm tiền thưởng từ trên trời rơi xuống. Còn cổ đông bỏ tiền ra mua “hy vọng”, đến ngày “hái quả”, đành phải “ngậm bồ hòn”. Điều đáng nói là, khi đó Ngân hàng Nhà nước và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước vẫn đồng tình với phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn kiểu “giật lùi” này (!?).

Họ đã nhầm lẫn nghiêm trọng theo kiểu, cổ đông cũng được hưởng quyền lợi theo thời gian nắm giữ cổ phiếu, giống như nhân viên được thưởng tính theo số tháng đã làm việc cho công ty.

Người mua cổ phiếu là mua tương lai của công ty, chịu nghĩa vụ, đồng thời cũng được hưởng các lợi ích của công ty theo tỷ lệ cổ phần sở hữu. Giá mua bán cổ phiếu đã đương nhiên bao hàm toàn bộ giá trị của công ty, trong đó có các quỹ, thặng dư vốn, lợi nhuận chưa chia,… Để dễ hình dung hơn, xin đưa ra một ví dụ giả tưởng như sau: Nếu như SABECO chẳng may bị phá sản sau ngày 27-12-2017 thì cổ đông nhà nước chỉ mất 36% chứ không bao giờ mất 89,59% tổng số vốn cổ phần.

Đừng quên rằng, quyền luôn gắn liền với nghĩa vụ. Rõ ràng rủi ro thì anh chỉ phải chịu 36%, thì đạo lý, pháp lý ở đâu mà đòi hỏi quyền lợi 89,59%?

———————————-

Luật sư Trương Thanh Đức

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 4, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.389. Đổi mới thể chế: Giảm thiểu can thiệp...

Đổi mới thể chế: Giảm thiểu can thiệp hành chính vào thị trường. (VNN)...

Trích dẫn 

3.906. Đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách Xám: Làm rõ vấn...

Đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách Xám: Làm rõ vấn đề chủ sở hữu hưởng lợi của...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,484