3.015. Góp ý sửa đổi một số luật để phát triển nhà ở và thị trường bất động sản

(ĐCS) – Dự kiến tháng 10/2022, Quốc hội sẽ thông qua các luật sửa đổi, bổ sung trong đó có các luật liên quan đến thị trường bất động sản như: Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Luật Đất đai 2013…

Hội nghị thu hút đông đảo đại biểu tham dự.

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), trong bối cảnh tình hình dịch bệnh còn phức tạp, khó lường, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn chứng minh được sức hấp dẫn, tốc độ phục hồi nhanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và tăng trưởng tại các địa phương, cũng như các ngành nghề liên quan nói riêng. Tuy nhiên, nhiều phân khúc thị trường đang gặp những rào cản, vướng mắc lớn. Nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp trong xã hội lớn, đặc biệt là nhà ở cho các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp, song mức độ đáp ứng lại hạn chế.

Ngày 28/3, tại Hà Nội và điểm cầu TP. Hồ Chí Minh, VNREA tổ chức Hội nghị Góp ý sửa đổi “Luật đất đai – Luật Nhà ở – Luật Kinh doanh bất động sản, để phát triển nhà ở và thị trường bất động sản”. Hội thảo diễn ra cả trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng zoom.

Hội nghị có sự góp mặt của lãnh đạo VNREA, lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong các lĩnh vực bất động sản, tài chính, pháp lý,… cùng đại diện các doanh nghiệp thành viên, nhằm mang lại các ý kiến đa chiều để gửi tới các cơ quan thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu, sửa đổi triệt để, bảo đảm sự thống nhất, tương thích, đồng bộ, góp phần tạo lập khuôn khổ pháp lý cho hoạt động đầu tư thông suốt, cạnh tranh lành mạnh, công khai minh bạch và bình đẳng giữa các chủ thể tham gia các phân khúc thị trường.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch thường trực VNREA khẳng định: Cần hoàn chỉnh khung pháp lý để quản lý phát triển bất động sản đa công năng. Theo đó, phải sửa đổi đồng bộ giữa các Luật như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản nói riêng và các Luật chuyên ngành nói chung.

 PGS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, PGS.TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội chia sẻ góp ý sửa đổi cho 3 luật trên cơ sở, các luật hiện nay cần phải sử dụng nhiều hơn công cụ thị trường, giảm công cụ hành chính. Có thể học hỏi kinh nghiệm từ thế giới và tiếp cận dần dần để phù hợp với xu thế chung, tránh đi ngược, thậm chí quay ngược lại với thời đại.

Trong khi đó, PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, cần có sự tìm hiểu, đánh giá để nhận diện những điểm nghẽn giữa một số đạo luật có liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản, bao gồm: Luật Đất đai năm 2013, Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Nhà ở năm 2015, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014. PGS.TS. Quang Tuyến nhấn mạnh rằng, thị trường đang có những biến động, sang một giai đoạn mới sẽ có những điều trong luật chưa hợp lý cần sửa đổi, đó là điều hiển nhiên và hợp lý. Đặc biệt, trong việc thực thi luật, nên đặt ra nguyên tắc, các quan hệ xã hội liên quan đến sử dụng đất thì nên dẫn chiếu theo Luật Đất đai, tránh việc khi xuất hiện một luật mới thì lại xa rời Luật Đất đai.

  Ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch thường trực VNREA phát biểu tại Hội nghị.

Cũng tại Hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phân tích: việc sửa đổi 3 Luật liên quan “Đất đai – nhà ở – thị trường bất động sản” được xem là cần thiết để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, thống nhất về chính sách, đơn giản thủ tục. “Việc sửa đổi luật cần phải theo hai hướng: Tập trung xử lý chồng chéo, triệt tiêu các đường mờ, làm rõ các đường sáng, thúc đẩy các sản phẩm bất động sản mới. Trong thực thi pháp luật phải đảm bảo linh hoạt, lan tỏa các mô hình điều hành chính sách tốt ở các địa phương” – ông Lộc kiến nghị.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nhận định: Liên quan đến Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, quan điểm của Bộ Xây dựng là cần trình lên Quốc hội song song với Luật Đất đai để những vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo được sửa đổi cùng một lúc và đồng bộ.

 Ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh phát biểu từ điểm cầu TP Hồ Chí Minh
  1. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế bày tỏ mong muốn các cơ quan liên quan không chỉ dừng lại ở việc sửa đổi 3 luật, Luật Đất đai – Luật Nhà ở – Luật Kinh doanh bất động sản, mà cần sửa hết một lần cho đầy đủ, đồng bộ. Hay như PGS. TS. Doãn Hồng Nhung, Phó Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề xuất cần tháo gỡ những bất cập trong quy định pháp luật của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng, bổ sung các quy định về pháp luật tiếp cận đất đai và sử dụng đất, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp tiếp cận đất đai một cách dễ dàng; minh bạch thông tin đất đai sẽ góp phần gia tăng kiểm soát quyền lực Nhà nước trong lĩnh vực đất đai; bổ sung thêm chủng loại và đa dạng hóa sản phẩm cung ứng cho thị trường tiềm năng như: Chung cư mini, căn hộ văn phòng, căn hộ du lịch, nhà phố thương mại, nhà phố du lịch, nhà ở cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, nhà vườn thông minh, rừng sản xuất, rừng trồng nhân giống động vật và thực vật…
  2. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, Kinh tế trưởng BIDV kiến nghị, Luật Đất đai sửa đổi cần tiến hành song song với Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở… đồng thời sửa đổi cả Nghị Định 47, Nghị định 42 theo hướng “các bộ luật cần phải nêu rõ trách nhiệm xây dựng cơ sở đất đai, số hoá số liệu đất đai cần đề cao hơn nữa”.
 Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Hội nghị.

Một số ý kiến khác của Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; ông Luyện Văn Phương, Phó Giám đốc Sở xây dựng Hà Nội; ông Vương Quốc Toàn, đại diện Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng; ông Lê Tuấn Hải, Công ty Cổ Phần Tập đoàn Telin; ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị GP Invest; đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phát triển nhà số 7 Hà Nội; ông Trần Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh… đề xuất các quy định hướng đến thị trường phát triển bền vững, lành mạnh; xem xét sửa đổi quy định trích 20% quỹ đất để xây nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại; giảm thiểu các thủ tục hành chính gây khó cho các dự án và chủ đầu tư bất động sản… Đáng chú ý, ông Nguyễn Lê Mỹ Hưng, Phó Giám đốc Khối Điều hành dự án TP.HCM, Tập đoàn Novaland đề xuất chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại có quyền lựa chọn việc dành 20% quỹ đất trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội hoặc chuyển đổi quỹ đất 20% dành cho phát triển nhà ở xã hội sang một khu vực khác thuộc sở hữu hợp pháp của chủ đầu tư để phát triển một dự án nhà ở xã hội độc lập nhằm đảm bảo dành đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội và thực hiện đúng nghĩa vụ của chủ đầu tư.

Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại Hội nghị. Bà Thanh Mỹ cho biết: Thực tế, khi xây dựng Luật Đất đai, có hơn 100 luật liên quan và đang có những chồng chéo, trong đó, cần bổ sung, làm rõ lại như: các quy định về quy hoạch, mục đích sử dụng đất; sự thống nhất trong cụm từ “sử dụng đất”; vấn đề trao quyền cụ thể hóa trong quản lý đất đai mà không phải là “hành chính hóa” trong lĩnh vực đất đai…/.

Tin, ảnh: Lê Anh

—————-

Đảng cộng sản (Thời sự) 28-3-2022:

https://dangcongsan.vn/thoi-su/gop-y-sua-doi-mot-so-luat-de-phat-trien-nha-o-va-thi-truong-bat-dong-san-606942.html

(22/1.684)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.359. Trái phiếu doanh nghiệp, chưa kịp 'hồi' lại...

Trái phiếu doanh nghiệp, chưa kịp 'hồi' lại lo siết (TN) - Bộ Tài...

Trích dẫn 

3.844. Làm thế nào để nhận bồi thường bảo...

(NĐT) Làm thế nào để nhận bồi thường bảo hiểm do bão Yagi? (NĐT)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 222,661