3.032. Thông tư và Công văn: “Điểm nghẽn” trong hệ thống pháp luật kinh doanh

(DNSG) – Thông tư, công văn (cấp bộ, ngành) là “điểm nghẽn” lớn nhất trong hệ thống pháp luật kinh doanh Việt Nam hiện nay, tác động không chỉ đến sản xuất, kinh doanh, nền kinh tế mà cả các vấn đề khác.

Đó là nhận định, đánh giá của nhiều chuyên gia, diễn giả có uy tín tại hội thảo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2021, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổ chức ngày 29/3/2022.

Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI, cho biết: “Năm 2021, pháp luật kinh doanh có 2 dòng chảy chính, là ‘ứng phó với đại dịch’ và ‘hỗ trợ sản xuất, kinh doanh vượt qua khó khăn’. Ứng phó với dịch Covid-19 ghi dấu ấn đậm nét nhất năm 2021 với Nghị quyết 128/CP khi đã khai thông, tạo điều kiện cho nền kinh tế và doanh nghiệp (DN) phục hồi. Đồng thời, Chính phủ cũng đã tiếp tục hỗ trợ chính sách về tài chính cho DN vượt khó”.

Tuy nhiên, việc thực thi chính sách, pháp luật ứng phó với Covid-19 tại các địa phương còn thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất làm đứt chuỗi cung ứng, tăng chi phí sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chính sách hỗ trợ còn khó đi vào cuộc sống. Chẳng hạn, gói hỗ trợ DN đào tạo lại lao động trị giá hơn 4.000 tỷ đồng được công bố và sau 3-4 tháng chỉ có một vài hồ sơ tiếp cận.

Đến nay, nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh đã cắt bỏ, đơn giản hóa, cắt giảm chi phí cho DN…, song DN vẫn băn khoăn cắt giảm mang tính hình thức, xuất hiện xu hướng thắt chặt quản lý hơn (nhiều giấy phép đã cắt bỏ nhưng lại xuất hiện theo hình thức khác) khiến tăng chi phí tuân thủ với DN.

“Chính sách, văn bản pháp luật ở tầm vĩ mô rất tốt, nhưng khi thực thi (ở cấp triển khai) bị thắt lại, khó đi vào thực thi. Thông tư, Công văn của bộ, ngành cần xem lại tính minh bạch, nội dung hướng dẫn không phù hợp thực tế…, không chỉ gây khó khăn cho hoạt động của DN mà còn làm ảnh hưởng đến cải cách môi trường kinh doanh chung”, ông Phạm Tấn Công nhận xét.

Hội thảo Dòng pháp luật kinh doanh năm 2021, ngày 29/3/2022

Báo cáo “Dòng Pháp luật kinh doanh năm 2021” công bố tại hội thảo cho thấy, thông tin và công văn hành chính là “điểm nghẽn” lớn nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành tác động trực tiếp tới DN. Theo luật về ban hành công văn, thông tư không được đặt ra điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính, nhưng thực tế một số thông tư đặt ra vẫn thiếu tính minh bạch, thậm chí nội dung mâu thuẫn với cả Nghị định, không phù hợp với thực tế.

Dẫn ví dụ về công văn ban hành hàm chứa quy định pháp luật, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho biết: “Công văn 632/TCT-TTKT ngày 7/3/2022 của Tổng cục Thuế chỉ đạo các cục thuế truy thu thuế giá trị gia tăng (VAT) đã hoàn, hoặc không hoàn thuế VAT đối với DN xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc căn cứ vào thông tin trả lời xác minh của cơ quan thuế Trung Quốc về đối tác nhập khẩu không còn tồn tại… là không có giá trị pháp lý theo pháp luật hiện hành về hoàn thuế VAT”. 

“Đối tác nhập khẩu sắn bên Trung Quốc họ vi phạm pháp luật của Trung Quốc, thì họ chịu trách nhiệm với Trung Quốc, đó chỉ là thông tin có tính tham vấn, không có giá trị pháp lý để ngành thuế truy thu thuế VAT đã hoàn hoặc không hoàn thuế VAT đối với các DN xuất khẩu tinh bột sắn”, luật sư Trương Thanh Đức phát biểu.

Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan, nhìn nhận: “Pháp luật kinh doanh có tầm quan trọng với cả nhà nước cũng như DN. DN là đối tượng điều chỉnh của phát luật, nếu pháp luật vướng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến không chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh mà cả nền kinh tế, người tiêu dùng…”.

Bà Lan cho rằng, tình trạng thông tư thiếu công khai, thiếu nhất quán khi ban hành, hướng dẫn thiếu tính đồng bộ giữa các bộ, thiếu tính khả thi… gây cản trở sự phát triển còn khá phổ biến.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), tư duy xây dựng và thực thi pháp luật của Việt Nam hiện còn để không gian quá lớn cho khâu hành pháp. Luật mới chỉ mang tính quy định khung, còn lại trao quyền cho Nghị định (Chính phủ) quy định chi tiết, sau Nghị định lại trao quyền cho Thông tư (cấp bộ, ngành) hướng dẫn. Điều này, đã khiến những người thực thi dễ đưa ra các quy định, hướng dẫn sai tinh thần của luật bởi tư duy quản lý cục bộ, lợi ích nhóm… không thể lường trước được những hạn chế nảy sinh.

Trong kinh doanh, người dân, DN cần sự đảm bảo về tự do, an toàn…., cách tổ chức thực thi pháp luật của chúng ta hiện nay gây nhiều rủi ro cho người thực thi, cho đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật, nhưng trách nhiệm giải trình đối với người tạo ra quy định khó khăn thì không thấy.

“Cần có cơ chế để người dân khởi kiện về trách nhiệm của các thông tư, công văn gây tổn hại đến lợi ích chung cũng như của người dân, DN, cản trở phát triển”, ông Nguyễn Đình Cung kiến nghị.

Lan Ngọc

————–

Doanh nhân Sài Gòn (Pháp luật) 30-3-2022:

https://doanhnhansaigon.vn/chinh-sach-vii-mo/thong-tu-va-cong-van-diem-nghen-trong-he-thong-phap-luat-kinh-doanh-1110143.html

(177/1.030)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.730. Ra mắt cuốn “cẩm nang” tra cứu về pháp...

(ND) - Cuốn sách “Cẩm nang pháp luật ngân hàng (Nhận diện những vấn...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.279. Tình trạng thuê người mua ngoại tệ: Cần...

(HNM) - Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng đăng tin tìm...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,566