3.036. Viết tiếp bài “Vì sao Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam kêu cứu?”: Có thể điều tra lại nguồn gốc 200 tỷ của VNECO bị coi là vật chứng?

(TT) – Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng điện Việt Nam (VNECO) tiếp tục có đơn gửi một số cơ quan có thẩm quyền để phản ánh về quyền, lợi ích hợp pháp mà VNECO có liên quan trong vụ án hình sự Hứa Thị Phấn và các đồng phạm được hai cấp xét xử hồi 2018 cho rằng, nếu các cơ quan có thẩm quyền xem xét thì sẽ không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Dự án điện gió Thuận Nhiên Phong (tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, Bình Thuận) có tổng công suất 92MW do VNECO thi công đã hoàn thành năm 2021. Ảnh: VNECO

Kiên trì đề nghị giám đốc thẩm

Như Báo Thanh tra đã thông tin, cả hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm năm 2018 khi tuyên án Hứa Thị Phấn và đồng phạm trong vụ án hình sự “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đều có quyết định giống nhau về “xử lý vật chứng” dù VNECO đã có kháng cáo ngay sau phiên sơ thẩm với nhiều căn cứ.

Theo đó, hai cấp xét xử đều “buộc VNECO phải hoàn trả lại số tiền 200 tỷ đồng được xác định là vật chứng vụ án cho Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam. Về quan hệ giữa bị cáo Hứa Thị Phấn, bị cáo Ngô Kim Huệ, bị cáo Bùi Thị Kim Loan, VNECO sẽ được giải quyết bằng một vụ án khác khi các bên có yêu cầu theo quy định của pháp luật”.

VNECO sau đó đã nhận thấy rằng quyết định nêu trên của hai cấp xét xử chưa đủ cơ sở, chưa đúng bản chất của sự việc, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình nên đã có nhiều đơn gửi các cấp có thẩm quyền đề nghị xem xét lại theo thủ tuc giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm theo đúng quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Đến tháng 5/2020, Tòa án nhân dân Tối cao gửi thông báo cho VNECO phản hồi các đơn đề nghị giám đốc thẩm nói trên. Nội dung chính của thông báo là “không có căn cứ để kháng nghị bản án phúc thẩm nêu trên”.

Vì nhiều lý do nên mãi đến đầu năm 2022 VNECO mới tiếp tục có các đơn gửi đến cấp có thẩm quyền để trình bày cụ thể hơn cơ sở pháp luật nhằm đề nghị được xem xét kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm nêu trên.

Thêm căn cứ để xem xét tính chất “vật chứng” của 200 tỷ

Theo VNECO, các tài liệu trong vụ án đều kết luận VNECO và Ngô Kim Huệ, đại diện cho Hứa Thị Phấn, đã ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư và VNECO đã chuyển cho Huệ 310 tỷ. Để quyết định 200 tỷ nói trên là vật chứng cần làm rõ Huệ và Phấn đã sử dụng 310 tỷ đó như thế nào.

Nếu 310 tỷ đó được Huệ và Phấn đưa vào hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Đại Tín, rồi lại lấy từ ngân hàng này trả lại cho VNECO sau khi thanh lý hợp đồng đúng pháp luật thì 200 tỷ đó là đúng và không phải vật chứng.

Nếu Huệ và Phấn dùng 310 tỷ mà VNECO chuyển để kinh doanh bất động sản chẳng hạn, thì phải xác định bất động sản nào đã được mua, được kê biên chưa. Giả sử có bất động sản đã được kê biên thì phải giải tỏa và giao cho VNECO thì mới có cơ sở buộc VNECO hoàn trả 200 tỷ nói trên.

Mặt khác, sau khi hai bên thanh lý hợp đồng hợp tác đầu tư, thì Huệ đã chuyển trả lại cho VNECO 400 tỷ bằng 4 lần chuyển tiền, trong đó 2 lần qua Ngân hàng Đại Tín, 2 lần qua VCB Đà Nẵng.

Đáng nói là, 200 tỷ Huệ chuyển trả lại cho VNECO qua Ngân hàng Đại Tín thì hai cấp xét xử không nhận định đó là vật chứng, nhưng 200 tỷ Huệ chuyển trả lại cho VNECO qua VCB Đà Nẵng thì hai cấp xét xử coi là vật chứng.

Điều này cũng là một băn khoăn bởi vì hai cấp xét xử nhận định 200 tỷ nói trên “có nguồn gốc từ số tiền 247,25 tỷ đồng mà bị cáo Ngô Kim Huệ và bị cáo Bùi Thị Kim Loan đã nộp khống vào tài khoản số 040.3.01.00.00XXX của bị cáo Ngô Kim Huệ. Quá trình điều tra và xét xử công khai tại phiên tòa đã xác định được… Hội đồng Xét xử thấy số tiền 200 tỷ đồng được chuyển cho VNECO được xem là vật chứng của vụ án…”.

Liệu căn cứ để nhận định như trên đã thỏa đáng hay chưa? Đó là chưa kể 200 tỷ này gắn với hành vi phạm tội nào? Đồng thời, cũng cần làm rõ, nếu 200 tỷ “có nguồn gốc từ 247,25 tỷ” nói trên, vậy 47,25 tỷ thì được xử lý như thế nào? Có được coi là vật chứng hay không?

Đề xuất điều tra lại tính chất vật chứng 200 tỷ

Hai cấp xét xử chắc hẳn có lý do khi tuyên rằng: “Về quan hệ giữa bị cáo Hứa Thị Phấn, bị cáo Ngô Kim Huệ, bị cáo Bùi Thị Kim Loan, VNECO sẽ được giải quyết bằng một vụ án khác khi các bên có yêu cầu theo quy định của pháp luật”. Điều này có thể được suy ra: Đây là vụ án dân sự hoặc kinh tế thương mại. Tuy vậy, nếu xác định 200 tỷ nói trên đủ tính chất, căn cứ là vật chứng thì Huệ và Phấn lại “lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt” 200 tỷ của VNECO.

Cuối cùng, VNECO cũng cho rằng: Cần phải xác định mối liên hệ về thời gian giữa hành vi phạm tội của bị cáo Huệ và thời điểm bị cáo Huệ chuyển trả lại tiền cho VNECO. Nếu hành vi phạm tội của bị cáo diễn ra đồng thời hoặc sau thời gian chuyển trả lại tiền cho VNECO thì 200 tỷ hai cấp xét xử tuyên buộc VNECO hoàn trả khó có thể coi là vật chứng.

Từ những lý do nêu trên, VNECO lại kiên trì đề nghị các cấp có thẩm quyền kháng nghị bản án phúc thẩm vụ án này đối với quyết định xử lý vật chứng mà VNECO có liên quan. Đơn vị này đề nghị cấp có thẩm quyền cho điều tra lại và xác định rõ hơn nữa tính chất vật chứng của 200 tỷ mà VNECO đang bị “buộc hoàn trả”.

Quá trình điều tra lại, nếu kết quả xác định 200 tỷ không phải là vật chứng thì đình chỉ phần này. Trong trường hợp nếu quá trình điều tra lại có kết quả, xác định 200 tỷ là vật chứng gắn với hành vi phạm tội cụ thể, làm rõ Huệ và Phấn dùng số tiền này kinh doanh gì, mua bất động sản nào… thì khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Huệ, Phấn, đồng thời chuyển giao tài sản đã mua bằng tiền của VNECO cho VNECO.

Giao dịch hợp pháp thì khó buộc hoàn trả

Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI cho rằng: Bộ luật Tố tụng Hình sự đã quy định vật chứng vụ án là công cụ, phương tiện phạm tội, là tiền, tài sản mà tội phạm hướng tới khi thực hiện hành vi phạm tội…

Về nguyên tắc thì vật chứng sẽ bị thu hồi và xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, không phải vật chứng nào cùng có thể thu hồi, đặc biệt là những vật chứng là vật cùng loại, vật tiêu hao… “Còn thông tin về việc chuyển khoản, dấu vết chuyển khoản và số tiền chuyển khoản (vật cùng loại) đã được đưa vào lưu thông, không còn trong tài khoản nữa thì không thể gọi là vật chứng của vụ án”, luật sư Đức nói.

Trong vụ việc này, tiền bị cáo Huệ chuyển cho VNECO là tiền chuyên khoản, chỉ có con số. Nay số tiền đó đã được đưa vào lưu thông, không còn trong tài khoản nêu trên. Vật chứng của vụ án không còn, không thu giữ được theo trình tự thủ tục luật định.

“Tòa xác định VNECO đang giữ vật chứng cùa vụ án là không chính xác”, luật sư Đức nêu quan điểm.

Mặt khác, việc thanh lý hợp đồng đã hoàn thành 8 năm trước khi vụ án Hứa Thị Phấn và trong số 400 tỉ đồng Ngô Kim Huệ chuyển khoản cho VNECO thì đã có 310 tỉ của VNECO chuyển cho bị cáo Huệ trước đó theo hợp đồng mà tòa nhận định là đúng luật. Vì vậy, việc 2 cấp xét xử buộc VNECO trả lại 200 tỉ cho Ngân hàng Xây dựng cũng khó có cơ sở.

“Hơn nữa, việc bị cáo Huệ chuyển khoản, trả lại tiền cho VNECO là một giao dịch hợp pháp thì càng không có cơ sở để buộc VNECO trả lại 200 tỉ cho Ngân hàng Xây dựng”, luật sư Đức khẳng định.

Công Lý

————

Thanh tra (Điều tra) 30-3-2022:

https://thanhtra.com.vn/dieu-tra/dieu-tra-theo-don-thu/co-the-dieu-tra-lai-nguon-goc-200-ty-cua-vneco-bi-coi-la-vat-chung-195564.html

(340/1.646)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,534