3.108. Đến hẹn lại ‘mặc cả’ giá điện với ngành điện: Kinh nghiệm quốc tế là càng nhiều công ty cung cấp điện, người dân càng có lợi

(PL) – Đến hẹn lại ‘mặc cả’ giá điện với ngành điện: Kinh nghiệm quốc tế là càng nhiều công ty cung cấp điện, người dân càng có lợi

(Pháp lý) – Hỏi ý kiến người dân về phương án, biểu giá điện nằm trong quy trình ban hành chính sách của Chính phủ và Bộ Công thương. Tuy nhiên , nhiều ý kiến tỏ ra “thất vọng” trước những phương án về giá điện do Bộ Công thương đề xuất vào giữa tháng 8/2020. Chính sách tốt nhất – mong muốn cao nhất của người dân là được sử dụng điện với giá hợp lý. Và để có thể sử dụng điện với giá hợp lý thì theo nhiều chuyên gia có kinh nghiệm, hãy để thị trường quyết định giá điện. 

Hỏi ý kiến về giá điện chỉ là một phần quy trình ban hành chính sách

Bộ Công thương đang đưa ra lấy ý kiến dự thảo Quyết định quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28/2014 đã ban hành năm 2014.

Dự thảo được Bộ Công thương xây dựng đề xuất 2 phương án lựa chọn, gồm hoặc 5 bậc theo phương án 1, hoặc 5 bậc và một giá theo phương án 2.

Trong đó, các phương án được đưa ra điều chỉnh giãn cách số bậc thang, gộp bậc 1 và 2 từ 0-100kWh, tăng số bậc thang từ 101 kWh trở lên tới 401 kWh ở các bậc 2, 3, 4 và bậc 5 sẽ kéo giãn bậc thang lên mức 701 kWh (so với bậc thang cao nhất trước đây là bậc 6 ở mức 401 kWh trở lên.

Đối với phương án 2, dự thảo đưa ra 2 lựa chọn là phương án 2A và 2B. Trong đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt cho khách hàng lựa chọn một giá tương ứng là 145% và 155% so với mức giá bán lẻ điện bình quân.

Chỉ khi phá vỡ thế độc quyền của EVN hiện nay thì giá điện mới có thể được tính đúng và hợp lý (Ảnh minh họa)

Như vậy, hiện nay mức giá bán lẻ điện bình quân được Bộ Công thương quy định là 1.864,44 đồng/kWh, kể từ thời điểm điều chỉnh giá bán lẻ điện ngày 20/3/2019, thì điện một giá nếu được lựa chọn sẽ lên tới trên 2.703 đồng/kWh và 2.889 đồng/kWh (chưa gồm VAT).

Tỉ lệ giá bán lẻ so với mức giá bán lẻ điện bình quân ở các phương án cũng có chênh lệch nhau khá lớn. Cụ thể, nếu ở phương án 1 bậc 1 có tỉ lệ là 90%, thì bậc 5 ở mức cao nhất với 168%. Trong khi phương án 2A bậc 5 mức cao nhất là 274% và phương án 2B là 185%.

Với các phương án này, dự thảo quy định khách hàng sử dụng điện được quyền lựa chọn áp dụng giá bán lẻ điện 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá. Thời gian tối thiểu khi khách hàng thay đổi từ giá bán lẻ điện 5 bậc sang giá bán lẻ điện một giá hoặc ngược lại là một năm.

TS Ngô Đức Lâm, nguyên Viện phó Viện Năng lượng (Bộ Công thương) chia sẻ với báo chí ý kiến phản biện: Với phương án 5 bậc giá, Bộ Công thương đề xuất rút từ 6 bậc xuống 5 bậc nhưng giá điện tại từng bậc lại tăng cao hơn. Tương tự, giá điện 1 bậc lại áp giá bình quân cao hơn giá bình quân hiện tại từ 1,5 – 2 lần, người tiêu dùng chọn trả bằng giá điện bình quân cũng thiệt hơn so với hiện nay.

Đối với nhóm “khách hàng ngoài sinh hoạt”, dự thảo cũng đưa ra hai phương án lựa chọn. Cụ thể, phương án 1 bao gồm nhóm khách hàng sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh. Trong đó nhóm khách hàng lưu trú du lịch, doanh nghiệp dịch vụ logistics sẽ được gộp vào nhóm sản xuất. Phương án 2 là gộp các nhóm sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh thành 1 nhóm là “khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt”.

Về mặt lập quy, lập pháp, đây là quy trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, người dân là đối tượng tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật về giá điện, vì vậy được tham gia góp ý kiến. Điều 6, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật: “Ý kiến tham gia về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và ý kiến phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải được nghiên cứu, giải trình, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự thảo văn bản.”

Quá trình hỏi ý kiến của người dân về giá điện được nhiều người ví von là quá trình “mặc cả” giá điện nhưng không hiệu quả là bao. Bởi thực tế cơ quan bán điện đặt ra giá cao, người dân “mặc cả” xuống là vừa. Thực tế, thì theo các quy định của pháp luật, người dân có thể đưa ra ý kiến, ý kiến đó có thể sẽ được nghiên cứu, giải trình, tiếp thu vào Quyết định giá điện. Tuy nhiên Luật cũng không quy định ý kiến nào chỉ cần giải trình, ý kiến nào được nghiên cứu, ý kiến nào phải tiếp thu… Nói cách khác, hỏi ý kiến về giá điện chỉ là một phần của quy trình ban hành chính sách, không phải là cách thức mấu chốt giúp giảm giá điện như mong muốn của mọi người.

Mong muốn giá điện được tính đúng, cần giải pháp thế nào?

Luật sư Trương Thanh Đức trong trao đổi với Phóng viên Pháp lý đã thẳng thắn cho rằng để giá thành điện được tính hợp lý, đúng đắn, cần nhiều giải pháp cụ thể: Đầu tiên, ngành điện cần công khai việc tính đúng giá thành của điện. Cần soát xét lại toàn bộ giá điện, đảm bảo công khai, minh bạch, xem xét lại toàn bộ tính hợp lý của các chi phí đầu vào khi tính giá cho tất cả các thành phần và giá thành sản xuất, tính toán đầy đủ các yếu tố ngoại lai… Tiếp đến, nhà nước cần cho phép nhiều nhà đầu tư vào để tạo ra cạnh tranh cho ngành điện. Hoàn thành thị trường điện, đảm bảo công bằng cho các doanh nghiệp phát điện, cạnh tranh đầy đủ, xoá bỏ độc quyền…. đó là những giải pháp cần để có giá điện theo giá thị trường, để người dân có thể chấp nhận được.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng vẫn có thể đảm bảo giá điện theo thị trường mà vẫn bảo vệ được nhóm người yếu thế bằng chính sách điều tiết của nhà nước.

Trước băn khoăn khi giá điện theo giá thị trường thì nhóm người nghèo, người yếu thế sử dụng điện cần được hỗ trợ thế nào? Luật sư Đức cho rằng: Nhà nước cần bù điện cho người nghèo, đối tượng chính sách bằng cách, sau khi người dân sử dụng, ngân sách sẽ chi hoàn lại hoặc ghi nợ ngành điện, khấu trừ vào thuế.

Có chung những quan điểm với Luật sư Trương Thanh Đức, TS. Bùi Thị An – Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường – Đại biểu Quốc hội khóa XIII, cho rằng điện là nhu cầu thiết yếu ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân, do đó Chính phủ cần minh bạch giá đầu vào, công khai từng thông số tính giá bình quân. Bà An đặt câu hỏi: “Với mức giá bình quân để đảm bảo ngành điện có lãi rồi, nhưng tại sao vẫn có biểu giá để thu thêm trên giá bình quân?”

Đồng thời, bà yêu cầu cần sớm đẩy nhanh lộ trình thị trường điện cạnh tranh, giảm bớt thế độc quyền, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 55 về phát triển năng lượng của Bộ Chính trị về giá điện theo thị trường, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng.

Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng trả lời báo Tuổi trẻ, cho rằng từ năm 2012 Luật Điện lực sửa đổi đã định hướng cho ngành điện thực hiện theo cơ chế thị trường, song đến nay về bản chất thị trường điện cạnh tranh chưa hoàn thiện đúng nghĩa theo các bước gồm phát điện, bán buôn và bán lẻ cạnh tranh. Hiện giá điện đang được xác định dựa trên bán lẻ điện bình quân đang được xác định dựa trên Quyết định 24/2017 của Thủ tướng. Mức giá này bao gồm đầy đủ các chi phí đầu vào như phát điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ, quản lý ngành… nhằm đảm bảo ngành điện có lãi để tái đầu tư, thực hiện phúc lợi xã hội và hoạt động ổn định, lâu dài.

Tuy nhiên, có một thực tế là dù đã nhiều lần sửa đổi biếu giá bán lẻ điện sinh hoạt (luỹ tiến), song vẫn không thỏa mãn cho người dân. Nguyên nhân là do cách tính giá bán lẻ điện bình quân, khi các cơ quan chức năng chỉ công bố tổng doanh thu và chi phí ngành nhưng không công bố tổng doanh thu điện sinh hoạt được tính cho từng bậc. Thực tế là biểu giá sinh hoạt luỹ tiến từ trước đến nay chỉ có lên không khi nào xuống. Điều này có nghĩa là nếu tiêu thụ điện càng nhiều thì doanh thu của ngành điện sẽ tăng lên. Với quan điểm này, vị chuyên gia đề nghị cần áp dụng một mức giá bằng với mức giá bán lẻ điện bình quân đã được phê duyệt. Hoặc có thể áp dụng phương án ba bậc thang, gồm nhóm bậc thấp cần có trợ giá, nhóm bằng giá bình quân và nhóm bậc cao để điều hòa giá thay vì 2 phương án đề xuất như hiện nay của Bộ Công thương.

Kinh nghiệm quốc tế: Càng nhiều công ty cung cấp điện, người dân càng nhiều lựa chọn 

Khi chúng tôi tìm hiểu về việc cung cấp điện ở một số nước trên thế giới thì điểm khác biệt là hầu hết các nước so với Việt Nam đó là họ đều có trên 2 doanh nghiệp cung cấp điện. Đặc biệt, ở các nước có nhiều đơn vị cung cấp điện thì người dân càng được tự do lựa chọn đơn vị cung cấp cũng như cách tính giá điện.

Tại Đức, có nhiều công ty cung cấp điện. Ở nước này không quy định khung giá điện mà tuỳ theo từng công ty cung cấp điện. Song, giữa các công ty không chênh lệch giá quá nhiều. Ngoài tiền điện, mỗi năm người dân phải trả thêm khoảng 100 Euro cho tiền cung cấp đường điện và các dịch vụ khác. Đặc biệt, các công ty cung cấp điện có nhiều phương án khuyến khích người tiêu dùng sử dụng điện, khi số kWh càng cao, giá tiền càng rẻ.

Tương tự ở New Zealand, đâu đâu cũng có đơn vị cung cấp điện và nhiều nhất lên tới 20 đơn vị như ở thành phố Auckland. Tại New Zealand có một website để cung cấp thông tin về đơn vị cung cấp điện cho khách hàng so sánh và lựa chọn tuỳ theo mức sử dụng và khu vực. Do có nhiều đơn vị nên sự cạnh tranh rất rõ rệt. Nếu người tiêu dùng không ưng ý với dịch vụ và giá điện của đơn vị này có thể lập tức đổi sang đơn vị khác. Vì vậy, các nhà cung cấp đều đưa ra nhiều mức khuyến mãi để thu hút người sử dụng. Hiện giá điện ở Auckland không tính theo giá bậc thang mà tuỳ theo thoả thuận giữa người sử dụng và công ty. Giá điện thường bao gồm giá tính trên mỗi kWh cùng với phí quản lý hàng ngày và chi phí khác.

Đó là ở các nước phát triển, khi hoạt động sản xuất và cung ứng điện không phải là hoạt động độc quyền nên người dân có nhiều lựa chọn hơn.

Tại khu vực Đông Nam Á dưới đây thì số lượng các công ty cung ứng điện ít hơn và họ cũng là những quốc gia đang áp dụng cách tính giá điện theo bậc thang như ở Việt Nam. Trường hợp Thái Lan là một ví dụ, biểu giá điện của Thái Lan quy định hộ sử dụng dưới 150 kWh/tháng có 7 bậc thang lũy tiến, hộ sử dụng trên 150 kWh/tháng giảm còn 3 bậc hay tại Malaysia, biểu giá điện lũy tiến 10 bậc, Philippines lũy tiến 8 bậc; Hồng Kông tính giá điện theo 7 bậc thang… Để khuyến khích người dân tiết kiệm điện, một số quốc gia có chính sách riêng. Ví dụ ở Thái Lan, các hộ có mức tiêu thụ điện dưới 100kWh/ tháng sẽ được chiết khấu 5% tổng số tiền điện. Ngoài ra, các hộ người già, người tàn tật, neo đơn, người thất nghiệp sẽ được giảm 60% tiền điện từ 200 kWh đầu tiên sử dụng trong tháng và một số ưu đãi khác.

Tại Malaysia, do đặc thù lãnh thổ của nước này bị chia cắt nên có 3 nhà cung cấp điện cho 3 khu vực khác nhau. Do đó, biểu giá điện để tham khảo là của Tenaga Nasional, công ty cung cấp điện cho khu vực Tây Malaysia, nơi có thủ đô Kuala Lumpur. Tại đây, cách tính tiền điện cũng tương tự Thái Lan, chia ra hai nhóm hộ gia đình nhưng dùng định mức 400 kWh/tháng làm mốc nhưng cách tính áp dụng cho chính kỳ ghi điện đó. Với các hộ gia đình ở khu vực Tây Malaysia, sử dụng không quá 400 kWh/tháng, chỉ có 2 bậc thang tính giá điện là 200kWh đầu tiên và kWh thứ 201 đến 400.

Những hộ gia đình sử dụng vượt 400kWh/tháng lại phải chịu cách tính tới 6 bậc thang: 500 kWh đầu tiên, 4 bậc kế tiếp tương ứng mỗi 100 kWh tiếp theo từ kWh thứ 501 đến 900 và cuối cùng là từ kWh thứ 901 trở lên. Ngoài ra, hóa đơn tiền điện tối thiểu mỗi tháng là 3 ringgit dù khách hàng có sử dụng thấp hơn con số này.

Từ thực tế và kinh nghiệm quốc tế, thiết nghĩ để người dân được quyền lựa chọn, cần xóa bỏ độc quyền của ngành điện.

Phan Tĩnh

—————

Tạp chí Pháp lý 18-8-2020:

https://phaply.net.vn/den-hen-lai-mac-ca-gia-dien-voi-nganh-dien-kinh-nghiem-quoc-te-la-cang-nhieu-cong-ty-cung-cap-dien-nguoi-dan-cang-co-loi/

(276/2.535)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,581