3.111. Giá vàng nhảy múa “điên loạn”: Ai là người quyết định tăng giảm?

(DV) – Việc giá vàng liên tục biến động, lên xuống thất thường với chênh lệch mua bán có thời điểm lên đến gần 5 triệu đồng/lượng, mặt khác, giá vàng trong nước và thế giới có khoảng cách rất xa nhau đã khiến nhiều người đặt câu hỏi, ai quyết định giá vàng? Chênh lệch như vậy ai là người được hưởng lợi?

Vàng biến động khôn lường, nhà đầu tư choáng váng

Giá vàng từ đầu năm 2020 đến nay liên tục biến động dữ dội với những “pha” lập kỷ lục chưa từng có. Đáng chú ý, ngày 7/8 vàng thế giới lập đỉnh của mọi thời đại lên tới 2.075 USD/ounce, tương đương 58,3 triệu đồng/lượng, khiến giá vàng trong nước tăng lên vượt mốc 62,2 triệu đồng/lượng, chênh lệch lên tới hơn 4 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.

Tính tại thời điểm đó, chỉ trong vòng gần 8 tháng, giá vàng thế giới đã tăng trên 500USD/ounce, tương đương khoảng 14 triệu đồng/lượng nhưng giá vàng trong nước đã tăng lên gần 20 triệu đồng/lượng so với giá bán vàng SJC ngày 1/1/2020 là 42,75 triệu đồng/lượng.

Cảnh người dân đổ xô đi bán vàng chốt lời ngày 7/8.

Việc giá vàng lên cao nhất mọi thời đại đã khiến người dân đổ xô đi bán vàng kiếm lời, nhiều cửa hàng hết sạch tiền mặt phải hẹn khách “tuần sau đến lấy tiền”.

Tuy nhiên, chỉ sau đó không lâu, giá vàng thế giới lập tức quay đầu lao dốc không phanh xuống còn 1.863 USD/ounce khiến nhiều nhà đầu tư trở tay không kịp.

Tại thị trường trong nước, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, giá vàng “bốc hơi” gần 11 triệu đồng ở chiều mua vào và hơn 13 triệu đồng ở chiều bán ra, từ 60,6- 62,2 triệu đồng/lượng (ngày 7/8) giảm xuống chỉ còn 47,42-51,39 triệu đồng/lượng (sáng ngày 12/8), chênh lệch mua bán lên đến gần 4 triệu đồng/lượng.

Tiếp sau đó, giá vàng liên tục đảo chiều, lên lên xuống xuống thất thường, thậm chí có giá niêm yết thay đổi tới hàng chục lần trong một ngày nên khoảng cách chênh lệch giữa giá mua và giá bán thường xuyên ở mức cao.

Mức chênh lệch vài trăm nghìn đồng một lượng khi thị trường tương đối ổn định trong thời gian ngắn thường xuyên bị đẩy lên tới vài triệu đồng khi thị trường liên tục biến động. Thậm chí cùng là vàng SJC nhưng mỗi thương hiệu lại báo giá một khác, chênh lệch cả triệu đồng/lượng.

Khung cảnh tấp nập trước một cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) ngày 7/8.

Nhiều nhà đầu tư cá nhân cho biết họ chủ yếu chỉ quan sát chứ chưa dám gia nhập thị trường do giá vàng đang ở mức quá nhạy cảm, lượng giao dịch tại các cửa hàng kinh doanh vàng vì thế cũng khá thưa thớt.

Biên độ mua bán giãn rộng, ai là người hưởng lợi?

Các diễn biến của thị trường cho thấy giá vàng trong nước chủ yếu đi theo xu hướng thế giới nhưng có những thời điểm giá vàng trong nước có độ giãn cách xa với giá thế giới 2-4 triệu đồng/lượng, thậm chí gần 5 triệu đồng/lượng. Có những ngày vàng thế giới giảm nhưng vàng trong nước lại tăng và ngược lại.

Lý giải về điều này, ông Huỳnh Trung Khánh – Cố vấn cấp cao Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam cho rằng do thị trường vàng Việt Nam hiện tại không liên thông với thị trường vàng thế giới.

Cụ thể, ông Khánh cho hay, nếu cách đây khoảng 10 năm, khi việc xuất nhập khẩu vàng tương đối dễ dàng, giá vàng trong nước và thế giới chỉ chênh lệch tầm 500.000 đồng/lượng thì hiện tại, kinh doanh vàng tại Việt Nam là hoạt động kinh doanh có điều kiện, vàng SJC do Ngân hàng Nhà nước quản lý việc nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh vàng miếng.

Theo ông Khánh, thực tế từ sau khi Nghị định 24/2012 có hiệu lực đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không nhập thêm vàng và Công ty SJC cũng không được dập thêm vàng mới mà chỉ gia công một số vàng bị móp méo.

“Tức là lượng vàng miếng SJC chỉ quanh quẩn có bấy nhiêu đó thôi nên khi người dân đổ xô mua thì đương nhiên giá bán tăng cao nhưng giá mua vào sẽ rất thấp. Do vậy, nhà đầu tư trong nước bị lỗ nặng khi phải mua giá cao mà bán giá thấp và chịu thiệt thòi”, ông Khánh cho biết.

Chênh lệch mua – bán lớn  khiến nhiều nhà đầu tư “ôm quả đắng” vì mua vào giá cao nhưng lỗ ngay vài triệu/lượng khi vừa mua xong.

Trên thế giới có những sàn giao dịch vàng, ngân hàng vàng và những công ty vàng lớn được phép kinh doanh vàng, họ có sự cạnh tranh nhau về giá nên giữa giá mua và giá bán chỉ chênh lệch rất ít, chừng 50 Cent/ounce. Nhưng tại Việt Nam, chỉ có một số ngân hàng TMCP và vài doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn như SJC, DOJI, Bảo tín Minh Châu, Phú Quý mới được cấp phép kinh doanh vàng miếng.

Do đó, khi vàng lên, người dân đi mua nhiều, cung thấp hơn cầu làm cho tình trạng khan hàng, cháy hàng diễn ra khiến giá vàng SJC tăng cao và khi người dân thấy giá vàng cao lại đổ xô đi bán nên giá vàng lại xuống thấp.

“Khi vàng khan hiếm, họ sẽ lấy tiền trước và hẹn ngày lấy vàng sau. Tương tự, khi người dân ùn ùn đi bán vàng, họ sẽ cầm vàng trước và hẹn ngày lấy tiền sau. Khi thị trường biến động nhiều, cửa hàng kinh doanh vàng sẽ đẩy toàn bộ rủi ro về phía khách hàng, họ kinh doanh không cần vốn nữa rồi”, ông Khánh nói.

Ai là người quyết định giá vàng?

Giá vàng tăng giảm thất thường cùng với chênh lệch mua – bán quá lớn khiến nhiều nhà đầu tư như “ngồi trên đống lửa”. Những nhà đầu tư chuyên nghiệp nắm giữ vàng trong trung và dài hạn thì mới có cơ hội kiếm lời nhiều còn nhà đầu tư lướt sóng với vàng thì vô cùng rủi ro khi mới mua xong đã lỗ ngay cả triệu đồng/lượng. Vậy ai là người quyết định giá vàng?

Thị trường càng biến động mới là thị trường.

Trả lời cho câu hỏi trên, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, giá vàng phụ thuộc hoàn toàn vào cung cầu của thị trường, bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng không thể quyết định giá vàng.

“Vàng không phải là mặt hàng do Nhà nước định giá mà Nhà nước chỉ quy định chất lượng, quy chuẩn hàng hóa không được gian dối, không được vi phạm. Bao giờ hoạt động mua bán đến mức phá giá thì có luật phá giá điều chỉnh, cạnh tranh không lành mạnh thì có luật cạnh tranh điều chỉnh chứ đây chỉ là câu chuyện đầu tư kinh doanh, được mất trên thị trường, tiền từ túi người này chảy sang túi người kia, càng biến động mới là thị trường”, Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Đinh Tùng Lâm – Viện thực hành đầu tư tài chính Da Vinci cho rằng, giá vàng trên thị trường trong nước đang hoàn toàn thả nổi chứ không theo một quy định chung nào và không có một đơn vị nào quyết định giá vàng hôm nay phải là bao nhiêu.

“Chính vì vậy, có thời điểm chỉ trong 1 buổi sáng nhưng giá vàng được các đơn vị kinh doanh vàng điều chỉnh đến 9 lần, cùng là vàng SJC nhưng giá của các cửa hàng kinh doanh vàng lại có giá mua – bán khác nhau”, ông Lâm nói.

Nhà đầu tư cần phải có kiến thức và nghiên cứu thật kỹ thị trường để không tự ôm rủi ro về mình.

Đối với thị trường kinh doanh vàng tại Việt Nam thì nhà đầu tư phải chịu rủi ro quá lớn. Trong trường hợp giá vàng tăng hay giảm mạnh thì các đơn vị kinh doanh vàng hoàn toàn có thể điều chỉnh theo giá họ, vì vậy rủi ro lớn thuộc về nhà đầu tư.

“Khi nhu cầu mua quá lớn sẽ đẩy giá vàng bán ra tăng cao lên và nhu cầu bán của người dân cao thì đẩy giá mua vào hạ xuống.Vì vậy, khi đầu tư phải có kiến thức và nghiên cứu thật kỹ chu kỳ và biên độ đầu tư lâu dài mới có lợi, nếu đầu tư theo kiểu chộp giật thì nhà đầu tư tự ôm rủi ro về mình”, ông Lâm nhận định.

——————

Dân Việt (Tin tức) 21-08-2020:

Mời quý vị nghe toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn của phóng viên VOV2 với luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI tại:

https://danviet.vn/gia-vang-nhay-mua-dien-loan-ai-la-nguoi-quyet-dinh-tang-giam-50202021814192141.htmNgành thuế được nắm dữ liệu giao dịch ngân hàng có vi phạm yêu cầu bảo mật? | VOV2.VN

(148/1.546)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

435. Bình luận hội trường về sở hữu ngân hàng.

Bình luận hội trường về sở hữu ngân hàng. (Phát biểu tại Hội thảo...

Phỏng vấn 

4.403. Temu dừng bán, quyền lợi người dùng ra sao?

Temu dừng bán, quyền lợi người dùng ra sao? (HTV) - Theo thông báo từ Temu,...

Trích dẫn 

3.949. ‘Bù nhìn’ trong ngân hàng.

‘Bù nhìn’ trong ngân hàng. (NQT) - Thành viên hội đồng quản trị độc...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 234,008