Ngày 27/8 tới đây, Toà án nhân dân cấp cao tại TP. HCM xét xử phúc thẩm vụ án Vũ Quốc Hảo và đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản”

Vụ án Vũ Quốc Hảo và đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản” là vụ án phức tạp, kể từ khi điều tra khởi tố vụ án đến khi đưa ra xét xử đã kéo dài 8 năm (2011 – 2019) vì trong quá trình xét xử ở 3 cấp (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm) có kháng cáo, kháng nghị… Theo đó, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao căn cứ Quyết định Giám đốc thẩm số 04/2019/HS-GĐT ngày 23/4/2019 huỷ bỏ toàn bộ phần dân sự của bản án để xét xử lại. Ông Tám là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc cho ông Hảo vay tổng số tiền 75 tỷ đồng.

Quan hệ dân sự ngay tình đã rõ

Theo đơn cứu xét gửi tới Diễn đàn Doanh nghiệp và tới Toà án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh thì, ông Tám và ông Vũ Quốc Hảo quen biết nhau qua mối quan hệ làm ăn từ nhiều năm, ông Tám là Giám đốc Công ty TNHH đóng tàu Đại Dương và ông Hảo là Giám đốc Công ty cho thuê tài chính II (ALCII).

“Ông Hảo có vay trả tiền của tôi nhiều lần, tổng số nợ còn lại là 75 tỷ đồng, chuyển cho Lê Quốc Phong (Tổng giám đốc Công ty CP Hàm Rồng) để đầu tư vào dự án khu căn hộ Trường An (88/10 Khu phố Đông Nhì, Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương), ông Phong có ký giấy nhận nợ tôi 75 tỷ đồng ngày 11/02/2009 (Tại thời điểm đó ông Hảo đang là công chức Nhà nước, không dám đứng tên nên đã nhờ ông Phong đứng ra ký nhận nợ và đứng tên khu căn hộ Trường An, giấy nhận nợ đã được gửi ở cơ quan điều tra”.

Sau nhiều lần ông Tám đòi nợ, ngày 20/04/2009 ông Hảo có trả cho ông Tám 30 tỷ đồng, tiếp theo đến ngày 22/04/2009 ông Hảo có trả nốt số tiền 45 tỷ cho ông Tám. Qua 2 lần giao dịch ông Hảo đã trả tổng số tiền cho ông Tám 75 tỷ đồng. “Việc tôi cho ông Hảo vay tiền và ông Hảo trả tiền cho tôi là quan hệ ngay tình và đã chấm dứt ngày 22/04/2009” ông Tám khẳng định.

Điều đáng lưu ý trong đơn cứu xét ông Tám gửi đến Diễn đàn Doanh nghiệp cho thấy số tiền ông Tám cho ông Hảo vay có huy động từ các đối tác bạn bè khác chứ không phải khoản tiền riêng của ông Tám. Minh chứng, sau khi nhận tiền ông Hảo trả, ông Tám đã thanh toán cho những người mà ông Tám đã huy động gom tiền cho ông Hảo vay.

Ngoài ra, tại mục 3 trang 19 bản án phúc thẩm số 580/2016/HS-PT ngày 18/10/2016 do Thẩm phán – Chủ toạ phiên toà Trần Văn Mười cũng khẳng định: “Quan hệ vay nợ giữa ông Lê Đoàn Tám và bị cáo Vũ Quốc Hảo đã được tất toán xong, trách nhiệm trả nợ 75 tỷ đồng thuộc về bị cáo Vũ Quốc Hảo”.

Tại mục 3 trang 19 Bản án phúc thẩm số 580/2016/HS-PT ngày 18/10/2016 do Thẩm phán – Chủ toạ phiên toà Trần Văn Mười cũng khẳng định: “Quan hệ vay nợ giữa ông Lê Đoàn Tám và bị cáo Vũ Quốc Hảo đã được tất toán xong, trách nhiệm trả nợ 75 tỷ đồng thuộc về bị cáo Vũ Quốc Hảo”.

Trước đó, ngày 7/8/2012 Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có Bản kết luận điều tra vụ án hình sự số 01/C48-P4, ngày 15/10/2013 Viện kiểm sát nhân dân tối cao có bản cáo trạng số 15/VKTC, đều xác nhận Khu căn hộ Trường An được mua và sửa chữa nâng cấp bằng số tiền 75 tỷ đồng do ông Hảo vay của ông Tám.

Đặc biệt, tại các Bản án sơ thẩm số 467/2013/HSST ngày 15/11/2013, Bản án phúc thẩm số 390/2014/HS-PT ngày 10/7/2014”, Bản án sơ thẩm số 418/2015/HSST ngày 27/11/2015, Bản án phúc thẩm số 580/2016/HS-PT ngày 18/10/2016, Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 18/2018/KN-HS ngày 23/5/2018 của Toà án nhân dân tối cao; Quyết định giám đốc thẩm số 04/2019/HS-GĐT ngày 23/4/2019 đều xác nhận nguồn gốc hình thành nên khu căn hộ Trường An là dùng tiền ông Vũ Quốc Hảo vay của ông Tám.

Cần xác định theo Luật dân sự

Theo hồ sơ Diễn đàn Doanh nghiệp có được quá trình xét xử vụ án, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có kháng nghị đầy đủ ngay sau các bản án. Tuy nhiên, theo ông Tám qua Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm số 18/2018/KN-HS ngày 23/5/2018 và Quyết định Giám đốc thẩm số 04/2019/HS-GĐT ngày 23/4/2019 của Toà án nhân dân tối cao, vụ án xét xử sơ thẩm vào ngày 25/11/2019 vẫn không đúng với bản chất sự việc và không đảm bảo quyền lợi của ông Tám. Bởi, ông Tám cho ông Hảo vay tiền và ông Hảo trả tiền cho ông Tám là quan hệ ngay tình. “Vì vậy quyền lợi của tôi cần được xem xét và bảo vệ theo Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015” ông Tám nói.

Mặt khác, quan hệ vay nợ giữa ông Tám và ông Hảo đã chấm dứt từ ngày 22/4/2009, trước thời điểm Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án. Bên cạnh đó, cơ quan điều tra đã xác nhận và kê biên tài sản đối với khu căn hộ Trường An bằng biên bản kê biên số 01/C48(P4) ngày 15/12/2011 của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đối với khu căn hộ Trường An để đảm bảo thi hành án, bán thu hồi số tiền 75 tỷ đồng trả cho ông Hảo và ALCII. Do đó các bản án sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm đều tiếp tục kê biên tài sản này để đảm bảo trả nợ cho Vũ Quốc Hảo và ALCII.

Một yếu tố nữa là, tại phiên toà sơ thẩm ngày 25/11/2019, ông Phong đã có văn bản tường trình nộp cho Toà án và Viện kiểm sát ngay tại toà với nội dung cam kết dùng căn hộ Trường An bán để trả nợ 75 tỷ đồng trả cho ALCII thay cho ông Hảo. “Bản tường trình được ông Phong viết và ký ngày 24/11/2019” ông Tám nhấn mạnh.

Tại phiên toà sơ thẩm ngày 25/11/2019, ông Phong đã có văn bản tường trình nộp cho Toà án và Viện kiểm sát ngay tại toà với nội dung cam kết dùng căn hộ Trường An bán để trả nợ 75 tỷ đồng trả cho ALCII thay cho ông Hảo.

Nhìn nhận ở góc độ dân sự, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, trong vụ án này ông Tám đã huy động tiền của nhiều người để cho ông Hảo vay, và khi ông Hảo trả ông Tám đã dùng số tiền đó trả cho những người ông Tám đã vay huy động trước đó cho ông Hảo. Vì vậy, toà án xét xử vụ án này buộc ông Tám nộp số tiền 75 tỷ đồng là không phù hợp và không có khả năng thu hồi cho Nhà nước.

Quan điểm của luật sư Đức cũng đồng với Quyết định kháng nghị phúc thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh số 03/QĐ-VKS-P3 ngày 10/12/2019. Kháng nghị một phần bản án hình sự thẩm số 492/2019/HSST ngày 27/11/2019 của Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về phần tránh nhiệm dân sự đối với ông Lê Đoàn Tám: “Đề nghị Toà án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án và quyết định theo hướng buộc Vũ Quốc Hảo phải trả cho Công ty ALCII 75 tỷ, không buộc Lê Đoàn Tám phải trả cho Công ty ALCII 75 tỷ đồng; Tiếp tục kê biên, phát mãi khu căn hộ Trường An lấy số tiền 75 tỷ đồng của Vũ Quốc Hảo trả cho Nhà nước; Công nhận đề nghị kê biên, phát mãi đối với Khu đô thị Trường An để trả tiền cho Vũ Quốc Hảo của Lê Văn Phong”.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Tám nói: “Tôi mong rằng tại phiên toà phúc thẩm ngày 27/8 tới đây, Toà án nhân dân cấp cao tại TP. HCM xét xử phúc thẩm vụ án Vũ Quốc Hảo và đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản” sẽ đưa ra được những kết luận thấu tình đạt lý, tránh để vụ án kéo dài tốn kém thời gian tiền bạc và cả sức khoẻ của những người liên quan”.

Từ năm 2013 – 2015, TAND các cấp tại TPHCM đã nhiều lần xét xử và tuyên phạt Vũ Quốc Hảo (sinh năm 1955, nguyên Tổng giám đốc công ty cho thuê tài chính ALC II – thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) và Đặng Văn Hai (nguyên Chủ tịch hội đồng thành viên công ty TNHH Xây dựng và thương mại Quang Vinh) mức án tử hình về các tội tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, liên quan tới phần dân sự trong vụ án bị hủy để điều tra xét xử lại nên cả 2 bị án chưa thể thi hành án tử hình.

Theo nội dung vụ án, năm 2008, ông Hảo 2 lần vay tiền của ông Lê Đoàn Tám – Giám đốc công ty TNHH đóng tàu Đại Dương tại Hải Phòng tổng cộng 60 tỷ đồng. Ông Hảo đưa tiền này cho công ty cổ phần Hàm Rồng (công ty do Hảo lập ra) để đầu tư vào Dự án khu căn hộ Trường An ở Bình Dương và mua đất tại quận 7 (TPHCM).

Đến năm 2009, số tiền nợ tăng lên 75 tỷ đồng (gốc và lãi). Sau đó, ông Hảo dùng Dự án Trường An thế chấp cho Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam chi nhánh Bắc Sài Gòn – BIDV) để vay 92 tỷ đồng.

Để có tiền trả cho ông Tám, Hảo bàn bạc với Hai ký hợp đồng thuê tài chính và hợp đồng mua bán khống giữa các công ty để rút 120 tỷ đồng của ALC II. Hảo chỉ đạo cấp dưới chuyển tiền vào tài khoản công ty của Hai trả nợ cho ông Tám 75 tỷ đồng còn lại các bị cáo chiếm đoạt sử dụng cá nhân.

Ngoài ra, Vũ Quốc Hảo đã bàn với Hai ký 7 hợp đồng thuê tài chính, mua bán tài sản với các công ty của Hai giải ngân trái phép hơn 500 tỷ đồng. Số tiền này được lãnh đạo ALC II sử dụng để xóa nợ xấu của các doanh nghiệp tài chính ALC II và cho các công ty này vay kinh doanh gây thiệt hại gần 330 tỷ đồng.

Về hình sự, TAND cấp cao tại TPHCM  tuyên phạt bị cáo Hảo và Hai mức án tử hình về các tội tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên hủy bỏ lệnh kê biên đối với tài sản là dự án khu căn hộ Trường An giao cho BIDV Bắc Sài Gòn phát mãi theo quy định pháp luật để thu hồi số nợ gốc 92 tỷ đồng. Số tiền còn lại, BIDV Bắc Sài Gòn có nghĩa vụ chuyển trả cho ALC II 75 tỷ đồng mà ông Hảo đã chiếm đoạt. Nếu không đủ, ông Lê Đoàn Tám (người có quyền nghĩa vụ liên quan) có nghĩa vụ nộp lại cho ALCII do tiền ông Hảo trả cho ông Tám trước đó là tiền phạm tội mà có. Phán quyết của tòa án về trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo sau đó đã có hiệu lực pháp luật. Sau đó, phần dân sự trên đã bị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hủy để xét xử lại.