3.116. Luật sư Trương Thanh Đức: ‘Chuyển 2,5 triệu USD ra nước ngoài, không khó, còn đúng luật’

(NĐT) – Trả lời câu hỏi liệu có kẽ hở pháp lý khi một cá nhân có thể chuyển tới 2,5 triệu USD (tương đương 58 tỷ đồng) ra nước ngoài để mua một quốc tịch khác, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, quá nhiều kẽ hở trong quy định pháp luật, nên có thể chuyển hàng tỷ USD ra nước ngoài mà vẫn không sai.

Gần đây, dư luận xôn xao xung quanh sự việc ông Phạm Phú Quốc, đại biểu quốc hội Việt Nam khoá XIV nhiệm kì 2016-2021 có 2 quốc tịch là Việt Nam và Công hòa Síp (Cyprus). Sự việc vở lở từ nguồn tin của Hãng thông tấn Al-Jazeera, cáo buộc cá nhân Pham Phu Quoc, sống tại TP. HCM, Việt Nam đã bỏ ra tới 2,5 triệu USD (tương đương 58 tỷ đồng) để mua quốc tịch Síp.

2,5 triệu USD là một số tiền rất lớn với một cá nhân tại Việt Nam, đặc biệt số tiền này lại được sử dụng với mục đích “mua quốc tịch” ở một quốc gia khác. Vậy, việc chuyển 2,5 triệu USD ra nước ngoài “mua quốc tịch” có vi phạm pháp luật và chuyển ngoại tệ ra nước ngoài sao dễ dàng đến thế?

Trả lời câu hỏi: “Có hay không kẽ hở pháp lý trong việc chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài?”, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI khẳng định có rất nhiều kẽ hở trong pháp luật Việt Nam để chuyển tiền từ trong nước ra nước ngoài, kể cả từ kênh chính thức và phi chính thức.

truong-thanh-duc

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI.

Theo đó, ông Đức cho biết, muốn chuyển tiền ra nước ngoài với cá nhân hay tổ chức đều không quá khó.

Với con đường phi chính thức, khá phổ biến là qua chợ đen mà cụ thể ở đây là “phố Hà Trung” qua nghiệp vụ “bù trừ”, tiền thực tế không được chuyển ra khỏi ranh giới Việt Nam, mà chỉ là đầu trong nước nhận tiền từ bên gửi, sau đó “lệnh” cho “chân rết”, đầu bên nước ngoài chuyển cho bên nhận. Chênh lệch kiều hối chuyển ra và chuyển vào Việt Nam mỗi năm không quá nhiều.

Vị luật sư nói: “Đó là kênh phi chính thức. Còn ngay cả muốn chuyển 2,5 triệu USD hay hàng tỷ USD qua kênh chính thức bằng cách “lách luật” cũng không quá khó khăn”.

Ông Đức cho biết, quy định pháp luật hiện nay khá tù mù, gần như giao hoàn toàn cho các ngân hàng thương mại tự quyết định. Chỉ cần một cá nhân hay doanh nghiệp có đủ chứng từ (dù chỉ là chứng từ giả, hay thật nhưng đã được nâng khống giá trị) là đã có thể chuyển hàng triệu, hàng tỷ USD một cách hợp pháp từ Việt Nam sang nước ngoài. Hợp đồng dưới dạng vay trả nợ, tăng, cho… đều hợp pháp.

Nếu địa điểm tiền đến là các quốc gia gay gắt trong truy xuất dòng tiền, cần chứng minh nguồn gốc tiền mới có thể mua nhà hay làm bất cứ giao dịch nào khác thì khó chuyển tiền hơn. Tuy nhiên, với Quốc đảo Síp lại khá “cởi mở” trong nhận tiền vào và mục đích sử dụng tiền, không cần biết tiền đến từ đâu. “Đó có lẽ cũng là lý do vì sao quốc đảo này thường được chọn là điểm đến lý tưởng cho chính trị gia, doanh nhân các nước”, ông Đức nói.

Ông Đức cho rằng, thực tế quản lý tiền mặt ở Việt Nam đang còn rất nhiều vấn đề, lỏng lẻo. “Chúng ta có thể mang hàng chục tỷ đồng tiền mặt để đi mua bất động sản, góp vốn hay cho tặng mà không ai quản lý, không bị truy xuất nguồn gốc ở đâu. Đây là kẽ hở tồn tại từ lâu mà không thể kiểm soát”, luật sư Đức nói.

Cũng theo luật sư này, việc để mang hàng chục tỷ ra nước ngoài thì có rất nhiều cách, thậm chí chuyển tiền vào thẻ visa mua nhẫn kim cương triệu USD tại nước ngoài cũng không vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, nếu những giao dịch này qua ngân hàng thì sẽ bị lưu vết và khi cần kiểm tra có thể tìm ra được các giao dịch này. Còn xách tay tiền mặt ra nước ngoài cũng có nhiều cách “lách” khi  dưới 5.000 USD thì không phải khai báo hải quan.

“Về lý thì chắc chắn là bất hợp pháp nếu bỗng dưng một cá nhân có một số tiền lớn lên tới hàng chục tỷ đồng mà không thể truy xuất được số tiền đó từ đầu ra, là được cho, tặng hay lợi nhuận từ đầu tư, lương bổng… Tuy nhiên, hiện nay chúng ta không quản lý được vấn đề này”, ông Đức phân tích.

Riêng với trường hợp xung quanh thông tin doanh nhân Pham Phu Quoc, tại TP. HCM bỏ 2,5 triệu USD ra mua quốc tịch Síp, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, cần làm rõ lấy tiền ở đâu để thực hiện giao dịch này thì mới biết là hợp pháp hay bất hợp pháp.

Trước cáo buộc có tên trong danh sách “mua” hộ chiếu Cộng hòa Síp, đại biểu quốc hội Phạm Phú Quốc (đoàn TP.HCM) đã lên tiếng trả lời. Trên báo Tuổi trẻ ngày 25/8, ông Quốc thừa nhận năm 2018, ông được gia đình thực hiện các thủ tục bảo lãnh xin cấp quốc tịch Síp để thuận tiện đi lại, chăm sóc gia đình.

Song, ông Quốc khẳng định không có chuyện ông mua quốc tịch Síp với giá 2,5 triệu USD. Ban Công tác biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã vào cuộc làm rõ.

Trước đó là trường hợp của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Bà Hường là nữ doanh nhân, trúng cử đại biểu quốc hội khóa XIV nhưng được phát hiện có thêm quốc tịch Malta.

Việc nhập quốc tịch Malta không được bà kê khai trong hồ sơ ứng cử. Các cơ quan chức năng xác định việc mang 2 quốc tịch đối với trường hợp bà Nguyệt Hường là sai quy định pháp luật và bà bị bác tư cách đại biểu Quốc hội sau đó.

——————

Nhà đầu tư (Tài chính) 26-08-2020:

Luật sư Trương Thanh Đức: ‘Chuyển 2,5 triệu USD ra nước ngoài, không khó, còn đúng luật’ (nhadautu.vn)

(771/1.110)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,619