3.175. Mua bán nhà đất qua ngân hàng: Khó giải quyết triệt để trốn thuế

(KTĐT) – Bộ Tài chính sẽ tham mưu, đề xuất với Chính phủ bổ sung quy định thanh toán qua ngân hàng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản (BĐS) tại Điều 16 Luật kinh doanh BĐS. Đề nghị này nhằm minh bạch trong kiểm soát giao dịch, chống thất thu giao dịch BĐS.

Việc này bắt nguồn từ thực trạng kê khai 2 giá phổ biến trên thị trường lâu nay: Bán giá cao, kê khai thấp để bớt khoản thuế thu nhập cá nhân (TNCN) phải đóng là 2% trên tổng giá trị giao dịch.

Ảnh minh họa

Tình trạng trốn thuế, kê khai giá bán nhà đất thấp hơn thực tế đang phổ biến. Theo chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên thảo luận ở Quốc hội tuần trước, nhiều trường hợp kê khai thấp hơn tới hàng chục lần.

“Có trường hợp người nộp thuế kê khai giá tính thuế chỉ 500 triệu đồng, nhưng họ bán bất động sản giá 10 tỷ đồng, tức kê khai thấp hơn 20 lần. Thậm chí có trường hợp kê khai thấp hơn 40 lần, còn bình quân giá kê khai thấp hơn 6 lần giá thực tế chuyển nhượng”, ông Hồ Đức Phớc nói.

Thực tế, việc siết chặt kê khai chuyển nhượng BĐS khiến số thu từ nguồn này tăng khá mạnh. Theo số liệu của ngành tài chính, 5 tháng đầu năm 2022, tổng thu thuế từ chuyển nhượng BĐS khoảng 16.200 tỷ đồng, vượt thu cùng kỳ năm ngoái 6.600 tỷ đồng. Như vậy chỉ trong 2 tháng gần đây, số thu thuế đã tăng vượt 3 tháng đầu năm cộng lại (3 tháng tăng 3.200 tỷ đồng).

Dù số thu tăng vọt nhưng cách làm hiện nay không chỉ khiến hồ sơ chuyển nhượng BĐS bị ách tắc mà còn gây nhiều bức xúc trên thị trường. Để quản lý thuế với hoạt động chuyển nhượng BĐS hiệu quả trong thời gian tới, Bộ Tài chính kiến nghị các giao dịch mua bán BĐS qua ngân hàng (NH), tránh tình trạng khai 2 giá.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), quy định bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng với giao dịch nhà đất là hợp lý. Chuyển tiền chuyển nhượng BĐS qua ngân hàng sẽ từng bước góp phần chặn tình trạng kê khai giá nộp thuế thấp hơn giá trị thực để né thuế. Việc này sẽ góp phần giúp chống thất thu thuế, chống rửa tiền và minh bạch thị trường. Từ đó cũng có thể góp phần hạn chế tình trạng thổi giá, lũng đoạn gây bất ổn thị trường như thời gian qua.

“Trước đây, mỗi cá nhân có nhiều giấy tờ cá nhân như chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu (cán bộ công chức nhà nước có thêm hộ chiếu công vụ), nhiều số tài khoản ngân hàng. Vì vậy, khó kiểm soát kê khai dòng tiền mua BĐS. Tuy nhiên, với chương trình cấp mã số định danh cá nhân, mỗi cá nhân sẽ chỉ còn một mã số định danh. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để tiếp tục thực hiện yêu cầu chuyển nhượng giao dịch BĐS qua ngân hàng”, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA đánh giá.

Cần xây dựng khung giá đất ngang bằng với thị trường

LS Trần Minh Cường – Giám đốc điều hành Công ty luật S&P lại cho rằng, dù giải pháp sử dụng hệ thống ngân hàng để kiểm soát giao dịch BĐS đã được nhiều quốc gia áp dụng hiệu quả, song không dễ dàng thực hiện ở Việt Nam bởi nhu cầu sử dụng tiền mặt trong dân hiện còn rất lớn. Người dân một số vùng miền nông thôn, vùng xa chưa đủ điều kiện để tiếp cận, sử dụng phương thức thanh toán online qua hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, các bên mua và bán có thể “thương lượng” với nhau mức giá khai trong hợp đồng công chứng thanh toán qua ngân hàng một giá, và sẽ trả phần chênh lệch bên ngoài bằng tiền mặt. Do vậy, theo LS Cường, giải pháp tối ưu nhất là nhà nước đưa ra một bảng giá đất sát với giá thị trường, căn cứ vào đó người dân khai giá bán để đóng thuế TNCN từ chuyển nhượng BĐS cũng như thuế trước bạ. Điều này cũng tạo ra sự công bằng, công khai minh bạch trong việc áp giá đền bù, hạn chế việc khiếu nại, khiếu kiện và các tranh chấp phát sinh.

Một số ý kiến người dân trên các diễn đàn cũng cho rằng, dựa vào khung giá đất nhà nước đã ban hành đó là hợp lý. Tránh trường hợp khi đền bù giải phóng mặt bằng thì tính giá nhà nước. Khi thu thuế giao dịch BĐS thì tính giá trị trường. Bên cạnh đó, nên nghiên cứu đánh thuế thuê đất của các chủ đầu tư tập đoàn đầu tư khu đô thị cao cấp, đền bù rẻ, thuế coi như không có, bán ra thì lợi nhuận khổng lồ.

Theo LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, nếu muốn thu được thuế phải giải quyết đồng bộ từ luật, việc này còn liên quan đến phần bồi thường hay dùng để thu thuế đều thống nhất theo một giá. Chứ không thể bồi thường thì theo bảng giá đất nhà nước ở mức thấp, còn yêu cầu người dân nộp thuế theo giá thực tế cao hơn nhiều lần bảng giá đất được.

Được biết, ngoài bổ sung quy định thanh toán qua ngân hàng, Bộ Tài chính cũng đề xuất rà soát các quy định về chuyển nhượng BĐS để sửa đổi nhằm thống nhất, đồng bộ. Cơ quan thuế cũng có kế hoạch kiểm tra tính liêm chính của cán bộ thuế, đồng thời kiến nghị thực hiện các biện pháp xử lý hành vi trốn thuế trong hoạt động chuyển nhượng, kinh doanh BĐS.

Thảo Nguyên 

————–

Kinh tế & Đô thị (Tài chính – Chứng khoán) 08-6-2022:

https://kinhtedothi.vn/mua-ban-nha-dat-qua-ngan-hang-kho-giai-quyet-triet-de-tron-thue.html

(78/1.054)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,426