3.185. ‘Điện tử hoá’ thủ tục thuế có làm giảm chi phí ngoài luồng?

(TN) – Sau nộp thuế điện tử, ngành hải quan bắt đầu thực hiện hoàn thuế điện tử để giảm thủ tục hành chính, rút gọn thời gian thông quan hàng hóa cũng như ngăn chặn nhũng nhiễu doanh nghiệp.

chặn nhũng nhiễu doanh nghiệp.

Áp dụng nộp thuế, hoàn thuế điện tử giúp giảm thủ tục nhưng chưa đủ ngăn tình trạng DN phải tốn thêm chi phí "ngầm" /// ẢNH: NG.NGA
Áp dụng nộp thuế, hoàn thuế điện tử giúp giảm thủ tục nhưng chưa đủ ngăn tình trạng DN phải tốn thêm chi phí “ngầm”

ẢNH: NG.NGA

Áp dụng kê khai miễn, giảm, hoàn thuế điện tử

Từ ngày 23.11, Tổng cục Hải quan chính thức triển khai hệ thống miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa điện tử (được gọi là MGH). Hệ thống này trước đó đã được áp dụng thí điểm từ ngày 1.9 tại Cục Hải quan TP.Hà Nội và Cục Hải quan Bắc Ninh trong hơn 2 tháng.

Để việc triển khai hệ thống MGH có hiệu quả, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố hướng dẫn doanh nghiệp (DN) sử dụng tài khoản đang sử dụng khai báo trên hệ thống VNACCS (hệ thống thông quan tự động) để đăng nhập và sử dụng. Hệ thống MGH được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy nhanh công tác xử lý miễn, giảm, hoàn thuế chính xác tại các đơn vị trực tiếp thực hiện nghiệp vụ; giảm thời gian xử lý nghiệp vụ hải quan, theo hướng tự động xác định tờ khai có hàng hóa tạm nhập tái xuất, có cơ chế kiểm tra và đưa ra cảnh báo cho cán bộ hải quan đối với những tờ khai sắp hết thời gian ân hạn, hoặc quá thời gian ân hạn mà chưa làm thủ tục liên quan…

Việc chính thức triển khai hệ thống MGH được đánh giá là bước lớn trong cải cách thủ tục hành chính mà Tổng cục Hải quan áp dụng nhằm giải quyết nhiều vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện công tác miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa. Đồng thời, hệ thống cũng giúp giảm chi phí cả về thời gian lẫn kinh phí đi lại cho cộng đồng DN.

Hệ thống này kỳ vọng sẽ khắc phục được những khó khăn mà DN gặp phải trong thời gian qua. Theo báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính hải quan năm 2016 do Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, có đến hàng trăm DN trong số hơn 1.000 DN trả lời cho rằng gặp khó khăn trong thực hiện các thủ tục như hoàn thuế, không thu thuế, kiểm tra sau thông quan, thủ tục xét miễn thuế và giải quyết khiếu nại.

Đáng lưu ý trong báo cáo này, có đến 31% DN cho biết phải trả chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính hải quan. DN e ngại công chức viện dẫn lý do quá tải làm chậm hồ sơ hay bắt lỗi nên phải tự bồi dưỡng cán bộ ở các khâu có tiếp xúc làm thủ tục xuất nhập khẩu. Còn kết quả báo cáo mức độ hài lòng của DN về thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu năm 2018 cũng do VCCI công bố đầu năm 2019 chỉ ra rằng 15% DN bị phân biệt đối xử khi không có chi phí lót tay (giảm một nửa so với năm 2015). Vẫn còn 18% số DN trả lời cho biết phải trả chi phí ngoài thay vì 28% như năm 2015. Hình thức phân biệt phổ biến nhất là kéo dài thời gian thủ tục (chiếm 93%), gây khó trong lần thủ tục sau, yêu cầu giấy tờ, chứng từ không theo quy định, thái độ không văn minh…

Có giảm được tình trạng “ăn vặt”?

Theo báo cáo “Môi trường kinh doanh – Doing Business 2020” được Ngân hàng Thế giới công bố vào giữa năm nay, kết quả xếp hạng chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam tụt 4 bậc, thấp hơn 2 bậc so với năm 2019 (từ vị trí 100/190 xuống vị trí 104/190) và vẫn đứng thứ 5/10 các nước ASEAN. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nêu rõ, kết quả chi tiết và điểm số về Chỉ số xếp hạng giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam không thay đổi nhưng thứ hạng bị giảm 4 bậc là do một số quốc gia có sự cải thiện vượt bậc về hoạt động giao thương hàng hóa qua biên giới.

Riêng việc áp dụng hệ thống MGH chỉ mới thực hiện nên chưa có kết quả đánh giá về hiệu quả. Tuy nhiên trên thực tế, dù sau nhiều năm áp dụng hệ thống kê khai nộp thuế xuất nhập khẩu điện tử trong thủ tục hải quan, các vấn đề về chi phí ngầm vẫn còn được DN nhắc đến mà chưa được xử lý triệt để.

Giám đốc một công ty tư vấn thuế tại TP.HCM nhận xét, sau nhiều năm nộp thuế hải quan điện tử, thủ tục đã nhanh hơn việc mang tiền mặt ra các chi cục hải quan như trước đây. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn còn phải chi tiền lót tay khi thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu. Ít thì 2 – 3 triệu đồng/lần, nhiều lên đến vài chục triệu đồng/lần.

Đặc biệt do nhiều quy định hiểu khác nhau hoặc các mức thuế nhập khẩu áp khác nhau phụ thuộc vào mã hàng nên nếu DN muốn áp thuế thấp thì phải “đi đêm” với nhân viên hải quan. Vì vậy theo ông, có thể hệ thống MGH vừa mới được triển khai có thể giúp thủ tục miễn, giảm, hoàn thuế nhanh hơn trước. Cũng như việc áp dụng công nghệ thông tin sẽ giúp DN không tiếp xúc trực tiếp với cán bộ hải quan. Nhưng khâu nhập dữ liệu, xử lý dữ liệu… đều có sự can thiệp của con người. Trong trường hợp dữ liệu thông tin nhập vào bị sai do chủ quan hay khách quan cũng cần phải có sự trao đổi làm việc giữa DN và cơ quan hải quan. Vì vậy, tình trạng “xin vặt” trong lĩnh vực hải quan cũng khó được khắc phục trong thời gian tới.

Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng việc áp dụng công nghệ thông tin trong thủ tục hải quan chỉ hỗ trợ trong quy trình thực hiện như đối chiếu, cung cấp số liệu giữa DN và cơ quan hải quan nhanh hơn. Riêng đối với việc miễn, giảm và đặc biệt là hoàn thuế vì còn liên quan đến ngân sách nhà nước, đến các chính sách, ngành nghề khác nhau nên luôn phức tạp và phải tính toán riêng mà không mặc định. Việc ra quyết định DN có được hoàn thuế hay không, được hoàn thuế bao nhiêu hay thời gian nhanh hay chậm đều do con người xử lý. Như vậy, hệ thống thuế điện tử mới này cũng sẽ không có tác dụng nhiều cho việc ra quyết định như trên.

Các quy định phải rõ ràng, đơn giản

Luật sư Trương Thanh Đức bình luận: Để ngăn chặn mạnh hơn vấn nạn nhũng nhiễu, “xin vặt” trong ngành hải quan, các quy định liên quan phải rõ ràng, đơn giản, cụ thể mà bất kỳ DN hay cơ quan hải quan cũng không thể hiểu theo 2 – 3 nghĩa khác nhau. Từ đó, mới có thể chiếu theo quy định là sẽ ra được số liệu chính xác về hoàn thuế, miễn, giảm để tránh tình trạng xin cho…

——————

Thanh niên (Tài chính –  Kinh doanh) 30-11-2020:

‘Điện tử hoá’ thủ tục thuế có làm giảm chi phí ngoài luồng? (thanhnien.vn)

(239/1.255)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,535