3.189. Liệu có lộ thông tin cá nhân khi ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản cho cơ quan thuế?

(ANTĐ) – Nhiều người lo ngại nếu ngân hàng cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế theo quy định mới tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP sẽ dẫn đến nguy cơ lộ các thông tin khách hàng…

Liệu có lộ thông tin cá nhân khi ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản cho cơ quan thuế? ảnh 1
Không phải cơ quan thuế có quyền yêu cầu các ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng một cách đại trà

Ai chịu trách nhiệm?

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ 5-12-2020. Trong đó quy định ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế. Các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mà ngân hàng thương mại sẽ cung cấp bao gồm: tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản. “Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế và quy định của pháp luật có liên quan” – Nghị định quy định.

Ngoài ra, ngân hàng thương mại cũng có trách nhiệm cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Cùng với đó, Nghị định 126 cũng quy định ngân hàng thương mại có trách nhiệm thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam (nhà cung cấp ở nước ngoài).

“Việc đưa quy định các ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản thanh toán, khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế vào Luật Quản lý thuế sẽ có tính pháp lý cao hơn, thực hiện bài bản hơn, góp phần chống thất thu thuế từ lĩnh vực thương mại điện tử. Theo quy định, nếu trốn thuế từ 50 triệu đồng trở lên là bị phạt tù, do vậy quy định này sẽ khiến những người làm ăn, kinh doanh nâng cao việc chấp hành nghĩa vụ thuế. Trong khi những lao động có thu nhập khoảng vài chục triệu đồng/tháng đang phải nộp thuế thu nhập cá nhân, thì nhiều người kinh doanh trên mạng, mỗi năm thu lợi cả tỷ đồng lại không đóng thuế hoặc đóng không đầy đủ là thiếu công bằng. Quy định này sẽ hạn chế tối đa hành vi trốn thuế trong kinh doanh như trước đó”

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI

Các quy định trên đã khiến nhiều khách hàng lo lắng. Chị Nguyễn Mai Chi – kế toán trưởng một doanh nghiệp tại Hà Nội cho rằng, hiện nay các dữ liệu thông tin về tài khoản khách hàng hoàn toàn do ngân hàng lưu giữ, quản lý với nhiều tầng lớp bảo mật, được mã hóa… Vậy mà vẫn xảy ra các sự cố về lộ thông tin khách hàng, thậm chí có trường hợp chính nhân viên ngân hàng bán thông tin khách hàng cho kẻ xấu.

“Câu hỏi đặt ra là, khi các ngân hàng cung cấp các thông tin này cho cơ quan thuế thì câu chuyện bảo mật thông tin khách hàng sẽ ra sao? Cơ quan thuế sẽ lưu giữ các dữ liệu được cung cấp như thế nào? Trước đây, nếu xảy ra sự cố lộ thông tin khách hàng thì nếu không phải lỗi do khách hàng, ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm. Nay có thêm cơ quan thuế lưu lại dữ liệu này thì sẽ truy trách nhiệm như thế nào?” – chị Chi nói.

Quy định cần thiết

Theo nhiều chuyên gia, quy định ngân hàng cung cấp thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế là rất cần thiết. Vì hiện nay thương mại điện tử (thanh toán không dùng tiền mặt) đang phát triển rất mạnh mẽ, đặc biệt nhiều nguồn thu từ các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới rất khó ghi nhận và kiểm soát dẫn đến tình trạng thất thu thuế.

Tại các nước tiên tiến, việc thanh toán thông qua tài khoản ngân hàng rất phổ biến và có sự liên thông giữa ngân hàng và cơ quan thuế, do đó việc xác minh thu nhập, từ đó thực hiện nghĩa vụ thuế minh bạch, rõ ràng. Trong khi đó, ở Việt Nam thời gian qua, nhiều cá nhân nhận được những nguồn thu nhập từ Google, YouTube hay các công ty đa quốc gia khai thác dịch vụ quảng cáo trực tuyến với doanh thu rất lớn tại thị trường Việt Nam nhưng không thực hiện nghĩa vụ thuế do cơ quan thuế không quản lý được dòng tiền.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng, việc đưa quy định các ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản thanh toán, khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế vào Luật Quản lý thuế sẽ có tính pháp lý cao hơn, thực hiện bài bản hơn, góp phần chống thất thu thuế từ lĩnh vực thương mại điện tử. Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho biết, hiện nay theo quy định, nếu trốn thuế từ 50 triệu đồng trở lên là bị phạt tù, do vậy quy định này sẽ khiến những người làm ăn, kinh doanh nâng cao việc chấp hành nghĩa vụ thuế. “Trong khi những lao động có thu nhập khoảng vài chục triệu đồng/tháng đang phải nộp thuế thu nhập cá nhân, thì nhiều người kinh doanh trên mạng, mỗi năm thu lợi cả tỷ đồng lại không đóng thuế hoặc đóng không đầy đủ là thiếu công bằng. Nay với quy định mới này sẽ hạn chế tối đa hành vi trốn thuế trong kinh doanh như trước đó” – vị luật sư nói.

Cũng theo vị luật sư, việc ngân hàng thương mại cung cấp thông tin cho cơ quan thuế là hoạt động bình thường trong công tác chống thất thu thuế, không vi phạm các quy định bảo mật. Nghị định 126 cũng nêu rõ, cơ quan thuế chịu trách nhiệm bảo mật thông tin được cung cấp, nên trường hợp ai để lộ ra ngoài thì người đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Không cung cấp thông tin đại trà

Dù vậy, theo các chuyên gia, để hạn chế tối đa nguy cơ lộ lọt thông tin, ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng thì cơ quan thuế phải triển khai thận trọng, tuyệt đối tuân thủ các quy định bảo mật. Cơ quan quản lý cần ban hành các Thông tư hướng dẫn, theo đó quy định cụ thể các vấn đề như: ai được quyền yêu cầu cung cấp thông tin; giới hạn các đối tượng, thông tin cần cung cấp; vấn đề lưu giữ thông tin, bảo mật thông tin; nếu xảy ra lộ thông tin khách hàng thì ai chịu trách nhiệm…

Liên quan đến vấn đề này, bà Lê Thị Duyên Hải – Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) khẳng định, quy định tại Nghị định 126 không có nghĩa là cơ quan thuế yêu cầu các ngân hàng cung cấp toàn bộ các thông tin về tài khoản của khách hàng một cách đại trà. Ngân hàng chỉ cung cấp các thông tin tài khoản thanh toán, các giao dịch định kỳ của khách hàng khi cá nhân đó có các dấu hiệu vi phạm về thuế. Theo đó, cơ quan thuế phân tích rủi ro có kết quả mới yêu cầu đưa đích danh thông tin tài khoản cần cung cấp thông tin. Ngoài ra, ngân hàng chỉ cung cấp cho cơ quan thuế thông tin tài khoản thanh toán chứ không cung cấp các thông tin về tài khoản tiết kiệm, tín dụng. Vì vậy, người dân có tiền gửi ngân hàng không sợ các thông tin bị tiết lộ.

Về vấn đề bảo mật, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, hệ thống tra cứu thông tin cá nhân của Tổng cục Thuế sẽ đảm bảo chỉ người có trách nhiệm, chuyên môn và có thẩm quyền mới được tiếp cận. Hệ thống này cũng sẽ lưu vết từng ngày, giờ, vụ việc để quản lý, giám sát công chức.

——————

An ninh Thủ đô (Kinh doanh) 29-11-2020:

Mời quý vị nghe toàn bộ nội dung bài viết tại:

Quy định các ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản thanh toán (anninhthudo.vn)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,623