3.207. Tài xế là lao động của Grab

(TP) – Theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải xác định rõ mối quan hệ, chuyển hợp đồng hợp tác, môi giới sang hợp đồng lao động, giữa người lao động và người sử dụng lao động tại Grab.

Các tài xế Grab vẫn phải mưu sinh dù giá cước và chiết khấu bị hãng nâng lên từ 5/12

Mô hình kinh doanh…khác biệt

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên VIAC, sở dĩ kéo dài câu chuyện tranh cãi về chính sách công bằng, hợp lý liên quan đến hoạt động xe công nghệ là do đã áp đặt sai pháp luật về mô hình kinh doanh và việc thu thuế.

Về mô hình kinh doanh, theo luật sư, hoạt động kinh doanh của các công ty điều phối xe taxi công nghệ như Grab hay Be, rất giống với kinh doanh vận tải vì thực hiện 2 trên tổng số 3 công đoạn chính của vận tải là “trực tiếp điều hành phương tiện” và “quyết định giá cước vận tải”, chỉ thiếu mỗi “lái xe” (tài xế) theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP (NĐ 10). Nhưng yếu tố quan trọng nhất, cốt lõi nhất trong trường hợp này không thể thiếu, đó là sự hợp tác kinh doanh giữa 2 bên công nghệ và vận tải. Cái gốc vận tải thực sự ở đây là hoạt động của mô tô, xe máy (xe ôm) và hoạt động của các hợp tác xã vận tải tham gia hợp tác với công ty công nghệ.

Trên thực tế, theo ông Đức, trong mô hình hợp tác kinh doanh này còn xuất hiện 2 yếu tố nữa. Đó là hoạt động kinh tế hợp tác xã (đối với ô tô) và kinh tế chia sẻ, nếu như xe đồng thời còn phục vụ mục đích đi lại của cá nhân và gia đình.

Trong khi Grab và một số hãng xe công nghệ điều chỉnh tăng giá cước để đối phó với Nghị định 126 (hiệu lực từ 5/12), ngành Thuế vẫn khẳng định quy định đã rõ, không cần thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp cho rằng, nên có quy định tỉ lệ khấu trừ.

Quả thật với loại hình doanh nghiệp này không đơn thuần là một công ty kinh doanh công nghệ. Tuy nhiên việc ấn định và quản lý nó gần như giống hoàn toàn với một hãng taxi truyền thống như quy định tại NĐ 10, theo luật sư Đức lại không đúng. “Đúng ra phải xác định và quản lý nó không phải là một trong hai thứ đó, mà là một mô hình hoàn toàn khác biệt, có sự giao thoa, kết nối, hợp tác chặt chẽ giữa công nghệ và vận tải”, ông Đức nhận định.

Về quan hệ kinh doanh, theo Trọng tài viên VIAC, quan hệ giữa công ty cung cấp giải pháp công nghệ và tài xế taxi rất giống với quan hệ hợp đồng lao động, với sự thỏa thuận về việc làm có trả công, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 (cũng như Bộ luật Lao động trước đây). Thậm chí bộ luật này còn quy định: “Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động”.

Không thể tính thuế theo phương pháp khấu trừ?

Đối với thuế giá trị gia tăng (VAT), vị trọng tài viên VIAC cho hay, theo quy định, công ty vận tải truyền thống hay công ty công nghệ tham gia vận tải đều nộp mức thuế 10% như nhau. Nhưng sau đó, họ sẽ được khấu trừ thuế VAT đầu vào, nên tỷ lệ nộp thuế nếu tính trên tổng doanh thu thì luôn thấp hơn nhiều. Đối với cơ sở kinh doanh không đủ điều kiện để được khấu trừ, thì được tính trực tiếp trên giá bán. Do tính vo, có tính chất khoán cào bằng và không được khấu trừ, nên thuế suất này chỉ bằng từ 1/2 cho đến 1/10 so với cách tính khấu trừ, trong đó vận tải có thuế suất là 3%.

Với xe ôm công nghệ, theo ông Đức không thể tính được thuế theo phương pháp khấu trừ (phần thuế VAT, chi phí xăng dầu, mua và sửa chữa xe, bảo hiểm,…) nhưng nay lại bị áp đặt mức thuế 10% như một phần thuế của DN theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP (NĐ 126) thì tài xế đã bị thu lố 7%.

Tài xế grab phải được hưởng quyền chính đáng

Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đã tiếp nhận thông tin phản ánh từ đại diện các tài xế Grab đòi quyền lợi lao động.

Theo ông Quảng, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định rõ ràng về mối quan hệ giữa các đơn vị như Grab Việt Nam với tài xế. Theo hợp đồng mà các tài xế cung cấp có thể thấy quan hệ giữa họ với Grab Việt Nam là quan hệ hợp tác, hợp đồng môi giới. Tuy nhiên, ở góc độ chuyên gia, ông Quảng nhận thấy mối quan hệ giữa Grab Việt Nam và các tài xế là mối quan hệ giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ).

“Tiền lệ quốc tế từng khẳng định loại hình vận tải tương tự như Grab là Uber từng bị Tòa án công lý châu Âu (ECJ) khẳng định là đơn vị kinh doanh vận tải, không phải đơn vị cung cấp tư vấn môi giới. Và, mối quan hệ giữa Uber và tài xế là mối quan hệ giữa đơn vị sử dụng lao động với người lao động theo phán quyết ngày 20/12/2017”, ông Quảng dẫn chứng.

Theo Phó ban Quan hệ lao động, qua xem xét hợp đồng giữa Grab Việt Nam với các tài xế, có thể thấy Grab quy định các tài xế phải mặc áo đồng phục, nếu không sẽ bị phạt. Như vậy, không thể nói đấy là mối quan hệ đối tác, bởi theo ông Quảng, đối tác thì mặc hay không là quyền của họ.

Theo ông Quảng, Bộ luật Lao động 2019 đã quy định nhận diện lại một cách rất rõ rằng, dù hợp đồng giữa người lao động và người sử dụng lao động có tên gọi khác nhau như hợp đồng hợp tác nhưng có các dấu hiệu như thỏa thuận trả công, trả lương, chịu sự quản lý điều hành 1 bên…, thì vẫn được xác định là hợp đồng lao động.

“Như vậy, ở đây có thể thấy Grab có thỏa thuận việc làm và trả lương thể hiện qua việc Grab quyết định giá cước, chiết khấu trên mỗi cuốc xe của tài xế. Lái xe Grab chịu sự điều hành của Grab, ví dụ đi đâu đều bị kiểm soát qua định vị ứng dụng; mặc đồng phục; đi vào giờ cao điểm được trả thêm tiền…Như vậy đủ dấu hiệu xác định đó là quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, người chịu thiệt ở đây là tài xế, họ không được hưởng các quyền lợi chính đáng như những lao động ở các doanh nghiệp khác”, ông Quảng dẫn chứng.

Cũng theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay, Bộ GTVT và Tổng cục Thuế đã xác định Grab là công ty vận tải chứ không phải công ty môi giới công nghệ. Như vậy, tài xế là lao động của Grab và có người làm việc toàn thời gian, người làm bán thời gian như sinh viên.

(680/1.367)

 

Bài viết gửi đăng Báo Tiền phong                                                                Hà Nội 16-12-2020

Thuế với xe ôm công nghệ

                                                                                            Luật sư Trương Thanh Đức

Trọng tài viên VIAC

Sở dĩ kéo dài câu chuyện tranh cãi về chính sách công bằng, hợp lý liên quan đến hoạt động taxi công nghệ là do đã áp đặt sai pháp luật về mô hình kinh doanh và việc thu thuế.

Mô hình kinh doanh

Hoạt động kinh doanh của các công ty điều phối xe taxi công nghệ như Grab hay Be, rất giống với kinh doanh vận tải vì thực hiện 2 trên tổng số 3 công đoạn chính của hoạt động vận tải là “trực tiếp điều hành phương tiện” và “quyết định giá cước vận tải”, chỉ thiếu mỗi ”lái xe” (tài xế) theo quy định tại khoản 2, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP. Nhưng yếu tố quan trọng nhất, cốt lõi nhất trong trường hợp này không thể thiếu, đó là sự hợp tác kinh doanh giữa 2 bên công nghệ và vận tải. Cái gốc vận tải thực sự ở đây là hoạt động của mô tô, xe máy (xe ôm) và hoạt động của các hợp tác xã vận tải tham gia hợp tác với công ty công nghệ.

Trên thực tế, trong mô hình hợp tác kinh doanh này còn xuất hiện 2 yếu tố nữa. Đó là hoạt động kinh tế hợp tác xã (đối với xe ô tô) và nền kinh tế chia sẻ, nếu như xe đồng thời còn phục vụ mục đích đi lại của cá nhân và gia đình.

Quả thật nó không chỉ đơn thuần là một công ty kinh doanh công nghệ. Tuy nhiên, việc ấn định và quản lý nó gần như giống hoàn toàn với một hãng taxi truyền thống như Nghị định số 10/2020/NĐ-CP thì lại không đúng. Chưa kể những quy định liên quan còn khoét thêm sự mâu thuẫn đối kháng khi không cấm ô tô cá nhân, mà lại cấm phương tiện vận tài công cộng là taxi truyền thống vào một số tuyến đường ách tắc và khung giờ cao điểm.

Đúng ra thì phải xác định và quản lý nó không phải là một trong hai thứ đó, mà là một mô hình hoàn toàn khác biệt, có sự giao thoa, kết nối, hợp tác chặt chẽ giữa công nghệ và vận tải.

Quan hệ kinh doanh

Quan hệ giữa công ty cung cấp giải pháp công nghệ và tài xế taxi rất giống với quan hệ hợp đồng lao động, với sự thỏa thuận về việc làm có trả công, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên theo quy định tại khoản 1 Điều 13 về “Hợp đồng lao động”, Bộ luật Lao động năm 2019 (cũng như Bộ luật Lao động trước đây). Thậm chí Bộ luật này còn quy định “Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động”.

Tuy nhiên, đó quan hệ hợp tác kinh doanh chứ không phải là quan hệ lao động, nên không có chuyện trả lương và đóng các chế độ bảo hiểm xã hội. Đặc biệt càng thấy rõ việc này trong trường hợp taxi ô tô, thì các tài xế tham gia hợp tác với Grab thông qua các hợp tác xã. Trong trường hợp này, tài xế chính là người tự quyết định cách thức làm việc (lái xe) và tự trả lương (hưởng thủ lao), chứ không phải là Grap hay các hợp tác xã. Do vậy, mỗi năm anh ta có thể chạy xe hay nghỉ cả 365 ngày đều không phạm luật.

Trong quan hệ này, các bên được quyền thỏa thuận chia sẻ tỷ lệ thu nhập trước hoặc sau khi đã trừ chi phí, bao gồm cả các khoản thuế. Bên nào hưởng lợi ích nhiều hay ít thì Bộ luật Dân sự và Luật Đầu tư không can thiệp.

Nộp thuế thu nhập

Loại thuế này dược quy định trong Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 và Luật Thuế thu nhập năm 2008 (đều đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần), cùng với nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn.

Đây là loại thuế trực thu, tức là thu trực tiếp của người có thu nhập. Do đó, phần thu nhập của bên nào thì bên ấy phải nộp, với các mức và cách tính thuế theo quy định đối với các đơn vị hạch toán khác nhau, thường phân biệt thành 2 loại là tổ chức có đăng ký kinh doanh (doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh) và cá nhân không có đăng ký kinh doanh. Nếu tài xế là hộ kinh doanh hay cá nhân khác thì nộp thuế thu nhập theo mức “khoán” với tỷ lệ 1,5% tính trên phần doanh thu phải nộp thúe. Trường hợp này, bên nào nộp thì cũng không có gì là quan trọng. Trên thực tế, cả công ty và tài xế đều có thể thu tiền, nhưng các bên thường thỏa thuận và cũng đúng như luật quy định là doanh nghiệp hoặc hợp tác xã có trách nhiệm khấu trừ tại nguồn và nộp thay tài xế.

Nộp thuế giá trị gia tăng

Người nộp thuế giá trị gia tăng là cơ sở kinh doanh (gồm tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ) theo quy định tại Điều 4, Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008, cũng đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Nó được coi là loại thuế gián thu, vì cơ sở kinh doanh phải nộp nhưng được tính thuế vào giá bán và thu của người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, khác với thuế trực thu, các loại thuế gián thu tăng lên thường đi liền với việc tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ.

Đặc trưng tiến bộ của loại thuế này là “tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng” theo quy định của Điều 2 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần).

Công ty vận tải truyền thống hay công ty công nghệ tham gia vận tài đều nộp mức thuế 10% công bằng như nhau. Nhưng sau đó, họ sẽ được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, nên tỷ lệ nộp thuế nếu tính trên tổng doanh thu thì luôn thấp hơn nhiều. Đối với cơ sở kinh doanh không đủ điều kiện để được khấu trừ, thì được tính trực tiếp trên giá bán. Do tính vo, có tính chất khoán cào bằng và không được khấu trừ, nên thuế suất này chỉ bằng từ 1/2 cho đến 1/10 so với cách tính khấu trừ, trong đó vận tải có thuế suất là 3%.

Xe ôm không thể tính được thuế theo phương pháp khấu trừ (phần thuế giá trị gia tăng chi phí xăng dầu, mua và sửa chữa xe, bảo hiểm,…), nhưng nay lại bị áp đặt mức thuế 10% như một phần thuế của doanh nghiệp theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP thì tài xế đã bị thu lố 7%. Pháp luật cũng quy định, trong trường hợp này, Grab buộc phải thu từ khách hàng và nộp thuế thay cho tài xế xe ôm.

Vì vậy, việc tăng giá xe và sự phản đối của tài xế là tất yếu, mà nguyên nhân chính là do cách tính thuế. Tất nhiên vẫn có lựa chọn khác là doanh nghiệp không tăng giá và tài xế chấp nhận nộp 10% thay vì xe ôm bình thường không phải nộp đồng nào.

———————————-

Luật sư Trương Thanh Đức

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

ĐT: 090.345.9070

 

Bài viết theo đơn đặt hàng (nguyên bản ở cuối), nhưng lại bị bóp méo 180 độ:

Tiền phong (Xã hội) 17-12-2020:

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.370. Vực dậy sau bão số 3: Cần quyết sách mạnh mẽ...

Cần quyết sách mạnh mẽ trong hỗ trợ vốn. (TT) -  Cơn bão Yagi đã tàn...

Trích dẫn 

3.884. Đánh thuế bất động sản thứ hai: Lo tác...

Đánh thuế bất động sản thứ hai: Lo tác dụng ngược ngay lập tức. (VNF) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 227,067