3.283. Tiếp vụ thay tên đổi chủ KĐT Mỹ Hưng-Cienco 5: Sai hoàn toàn!

(DĐDN) – Theo luật sư Trương Thanh Đức, dù trong trường hợp quyết định giao đất của UBND tỉnh Hà Tây cũ sai thì UBND TP Hà Nội không thể dùng một quyết định thay đổi hoàn toàn pháp nhân sở hữu đất[1].

Tiếp nối câu chuyện xung quanh Quyết định 5269 điều chỉnh đối tượng giao đất của UBND TP Hà Nội để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Mỹ Hưng – Cienco 5, khiến địa vị pháp lý thay đổi từ Công ty CP phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) thành Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5-CTCP, các luật sư cho rằng đây là một quyết định quá vội vàng.

Khu đô thị Mỹ Hưng-Cienco 5 là dự án đối ứng giai đoạn 2 dự án Dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) theo hợp đồng BT

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho biết, có 3 trường hợp có thể đổi tên pháp nhân sở hữu đất đó là: Trường hợp doanh nghiệp đổi tên, trường hợp chuyển nhượng dự án cho một pháp nhân khác và cuối cùng là dự án xảy ra sai phạm. Tuy nhiên, trường hợp dự án có sai phạm, để ban hành quyết định điều chỉnh, cần có ý kiến của toàn thể các cơ quan chức năng liên quan, kết quả thanh, kiểm tra, thậm chí là điều tra.

Cụ thể, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, trường hợp quyết định giao đất ban đầu là sai, quy trình để đổi tên pháp nhân được giao đất đó là hủy bỏ quyết định ban đầu, thu hồi đất, sau cùng mới đến bước giao lại cho đơn vị khác.

Ngoài ra, theo vị luật sư, Báo cáo Kiểm toán Dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) theo hợp đồng BT của Kiểm toán Nhà nước ban hành ngày 14/10/2020, Kiểm toán nhà nước nêu rõ:

“Theo quy định tại Điều 3, Hợp đồng BT, Nhà đầu tư có nghĩa vụ góp vốn chủ sở hữu bằng 10% vốn đầu tư dự án BT (tương đương 608 tỷ đồng), thời gian thực hiện dự án BT là 60 tháng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, Dự án án BT đã chậm tiến độ khoảng 84 tháng nhưng dòng vốn của Nhà đầu tư đã tham gia vào Dự án BT mới chỉ đạt 165,413 tỷ đồng, trong đó bao gồm: Vốn góp cổ phần tại Doanh nghiệp dự án là 20 tỷ đồng; trực tiếp thanh toán một số chi phí đầu tư là 145 tỷ đồng (tỷ lệ góp mới đạt 27,13% tổng vốn đã cam kết). Đến nay, giá trị vốn cổ phần của Nhà đầu tư tại Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 chỉ còn nắm giữ là 20 tỷ đồng/600 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 3% tổng vốn điều lệ doanh nghiệp)”.

Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 vẫn là chủ đầu tư Dự án đường trục phía Nam và các Dự án khác quy định trong Hợp đồng BT số 02/HĐBT

“Theo kết luận trên, có thể khẳng định Công ty CP phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) là một pháp nhân độc lập, không phải là ban quản lý dự án. Bên cạnh đó, với tỷ lệ vốn góp chỉ 3%, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5-CTCP, không còn là chủ đầu tư dự án” – vị luật sư cho biết.

Trong khi đó, theo Luật sư Phan Hoàng Lâm, Công ty Luật DTLAW, hợp đồng kinh tế số 872-BT/HĐ và Phụ lục Hợp đồng kinh tế số PLO1 – HDD872-BT/HĐ vào ngày 09/6/2010 để bổ sung, sửa đổi một số nội dung trong Hợp đồng kinh tế được ký giữa UBND tỉnh Hà Tây, Tổng công ty Cienco 5 và CTCP địa ốc Cienco 5, ngay từ khi xác lập hợp đồng và suốt quá trình thực hiện hợp đồng đến nay, Cienco5 Land cùng với Cienco5 đã là một bên (Bên B) của Hợp đồng BT.

Đến nay, địa vị pháp lý đó chưa thay đổi nên mọi quyết định của cơ quan nhà nước thể hiện hoặc mang tính chất là thực hiện nghĩa vụ/trách nhiệm của Bên A cần phải bảo đảm quyền lợi của Cienco5 Land, với tư cách là một bên trong Hợp đồng BT.

Bên cạnh đó, với tư cách là một cơ quan nhà nước, UBND TP. Hà Nội có trách nhiệm phải áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật, về cơ bản, khu đất thực hiện 02 dự án Thanh Hà A – Cienco5, Thanh Hà B- Cienco5 và Dự án Mỹ Hưng-Cienco5 đều là dự án mà Cienco5 Land được thanh toán do thực hiện Dự án BT phát sinh từ Hợp Đồng BT.

“Ngoài ra, việc UBND Hà Nội ban hành quyết định 5269/QĐ-UBND trên cơ sở áp dụng Nghị định 02/2006/NĐ-CP, Nghị định 181/2004/NĐ-CP và hiểu sai Điều 55 Luật Đầu tư mà không xem xét đến thỏa thuận trong Hợp đồng BT và Nghị định 78/2007/NĐ-CP cũng như kết luận rằng việc UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành Quyết định 3128 trái pháp luật là không có cơ sở, khi không dựa trên quy định pháp luật hiện hành và thực tế diễn ra suốt hơn 12 năm qua” – vị luật sư khẳng định.

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!

Mai An

—————

Diễn đàn doanh nghiệp (Bất động sản) 10-3-2021:

https://enternews.vn/tiep-vu-thay-ten-doi-chu-kdt-my-hung-cienco-5-sai-hoan-toan-192894.html

(279/993)

[1] Không có “sở hữu”.

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,172