Nguy cơ đổ vỡ dây chuyền trên thị trường P2P Lending: Cần sớm có hành lang pháp lý
(ANTĐ) – Chưa hết VO247 lại đến lượt Fiin Credit mất thanh khoản đã lộ ra hàng loạt bất ổn trên thị trường cho vay ngang hàng (P2P Lending), thậm chí có nguy cơ một cuộc đổ vỡ hệ thống của thị trường này.
Nguy cơ đổ vỡ dây chuyền
Trong tuần trước, sự kiện ứng dụng cho vay ngang hàng VO247 mất thanh khoản, không cho phép nhà đầu tư rút tiền đã gây hoang mang đối với các nhà đầu tư vào các ứng dụng P2P Lending. Động thái sau đó của CEO VO247 Tạ Thanh Long càng khiến nhà đầu tư bức xúc khi ông này tuyên bố muốn cho Công ty phá sản, giao tài sản đảm bảo cho nhà đầu tư tự thanh lý để thu hồi nợ.
Trước nguy cơ đổ vỡ của VO247, nhiều nhà đầu tư các sàn cho vay ngang hàng khác cũng hoang mang rút tiền. Để tránh diễn biến trầm trọng hơn, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này là Công ty CP Đổi mới công nghệ tài chính Fiin (sở hữu ứng dụng Fiin Credit) đã tuyên bố tham gia “giải cứu” VO247.
Theo đó, CEO Trần Việt Vĩnh của Fiin Credit tuyên bố sẽ cùng chịu trách nhiệm trả cả gốc và lãi cho nhà đầu tư cùng với vO247. Một trong những mục đích của Fiin Credit trong cuộc “giải cứu” này, theo ông Trần Việt Vĩnh, là để bảo vệ thị trường P2P Lending vốn còn non trẻ, tránh xảy ra đổ vỡ dây chuyền.
“Việc cùng VO247 giải quyết các nghĩa vụ với nhà đầu tư là cần thiết để bảo vệ thị trường chung, bảo vệ mô hình dịch vụ mới hình thành tại Việt Nam trong 4-5 năm qua, trong bối cảnh khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ.
Nếu như chúng tôi không tham gia sự vụ này thì hiệu ứng lan ra từ sự việc VO247 đổ vỡ, mất khả năng thanh khoản sẽ ảnh hưởng tới góc nhìn của cơ quan quản lý trong việc xây dựng chính sách, thậm chí dẫn đến đóng cửa dịch vụ cho vay ngang hàng” – ông Vĩnh nói.
Sự việc VO247 chưa kịp lắng xuống thì nhà đầu tư lại thêm phen hoang mang khi chính Fiin Credit mới đây cũng thừa nhận tình trạng mất thanh khoản, tạm dừng tất cả các giao dịch rút tiền đầu tư cho vay và số dư tài khoản đang có của nhà đầu tư trên hệ thống.
Cụ thể, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, trong nhiều tháng nay, tình hình kinh tế có nhiều biến động tiêu cực. Điều này đã tạo áp lực lớn về dòng tiền và hoạt động kinh doanh của các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính, đầu tư, bất động sản nói chung khi nhà đầu tư/người gửi tiền liên tục thực hiện rút tiền trên các hệ thống dịch vụ; trong khi các đơn vị/cá nhân vay tiền thì liên tục cần được gia hạn để sắp xếp lại kỳ hạn trả nợ.
“Với lượng yêu cầu rút tiền liên tục tăng cao mỗi ngày trong thời gian gần đây, có thể công ty chúng tôi cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng và dẫn tới nguy cơ phải dừng hoạt động”, thông báo của Fiin Credit cho biết.
Hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam chưa có hành lang pháp lý điều chỉnh
Do đó, Fiin Credit cho biết, từ ngày 2/12/2022, ứng dụng này sẽ tạm dừng tất cả các giao dịch rút tiền đầu tư cho vay và số dư tài khoản đang có của nhà đầu tư trên hệ thống của Fiin Credit để chuyển sang hợp đồng cho vay với kỳ hạn 12 tháng.
Theo đó, nhà đầu tư sẽ ký hợp đồng cho Fiin Credit hoặc cá nhân CEO Trần Việt Vĩnh vay toàn bộ số tiền của nhà đầu tư đang có và/hoặc đang đầu tư cho vay trên hệ thống của Fiin Credit. Thời hạn cho vay là 12 tháng, rút gốc 1 lần cuối kỳ. Nhà đầu tư nhận lãi theo chu kỳ 6 tháng 1 lần vào cuối kỳ của tháng thứ 6. Lãi suất nhà đầu tư được hưởng vẫn là 20% trong suốt thời hạn của hợp đồng cho vay.
Cần sớm có hành lang pháp lý
Hiện nay, mức lãi suất nhà đầu tư được hưởng qua các ứng dụng cho vay ngang hàng đang cao hơn khá nhiều so với gửi tiết kiệm ngân hàng, ở mức khoảng 18 – 20%. Do đó, các ứng dụng này đang thu hút một lượng nhà đầu tư không nhỏ.
Theo thống kê sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam hiện có khoảng 100 công ty P2P Lending (bao gồm cả công ty đã đi vào hoạt động chính thức và một số công ty đang trong giai đoạn thử nghiệm).
Trên thực tế, do là mô hình mới mẻ nên mô hình P2P Lending chưa được thừa nhận và bảo hộ bởi pháp luật. Đáng nói, theo định nghĩa P2P Lending là mô hình cho vay ngang hàng, các ứng dụng P2P Lending chỉ là kết nối giữa người đi vay và người cho vay. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, hiện nay gần như 100% các ứng dụng đang tiến hành huy động vốn sau đó cho vay lại.
Điều này, theo các chuyên gia, không chỉ có nguy cơ rủi ro mà còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, các dấu hiệu vi phạm pháp luật có thể thấy bao gồm: Vi phạm trần lãi suất; Có dấu hiệu hoạt động ngân hàng không phép (không chỉ kết nối mà có hoạt động huy động vốn và cho vay lại)…
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, nếu công ty P2P Lending chỉ kết nối cho vay ngang hàng đúng nghĩa thì không bao giờ có khả năng phá sản, vì chỉ là đơn vị môi giới. Tuy nhiên, nhiều công ty P2P lending ở Việt Nam đang hoạt động giống như một tổ chức tín dụng, đứng ra huy động vốn để cho vay. Nhà đầu tư gửi tiền vào app này thực chất cũng chỉ nhìn vào uy tín của doanh nghiệp chứ không nhìn vào khách hàng vay vốn.
Theo các chuyên gia, sự cố mất thanh khoản của VO247 và Fiin Credit đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiệu ứng domino trên thị trường P2P Lending. Nó cũng đòi hỏi cơ quan quản lý cần sớm có hành lang pháp lý để điều chỉnh hoạt động này.
—————
An ninh Thủ đô (Kinh doanh) 04-12-2022:
(167/1.161) #P2P #FiinCredit