3.356. Cần huy động mọi nguồn lực để mua vaccine phòng COVID-19.

 (PLVN) – Với nhu cầu cần khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng để mua 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 thì việc huy động nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác để mua vaccine là rất cần thiết.

Cần 25,2 nghìn tỷ đồng để mua 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19.

Từ yêu cầu này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký Tờ trình của Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, phê duyệt việc thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19.

Không chỉ dựa vào ngân sách nhà nước

Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới; thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng về chủ trương mua vaccine phòng COVID-19 cho nhân dân từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) và các nguồn tài chính hợp pháp khác, Chính phủ đã có Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19.

Theo Nghị quyết, số lượng vaccine dự kiến mua khoảng 150 triệu liều, nguồn kinh phí thực hiện bao gồm: Nguồn NSNN đảm bảo theo phân cấp NSNN; nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác; nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vaccine tự nguyện chi trả.

Theo tính toán của Bộ Y tế, mua 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người cần kinh phí ước khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó: kinh phí mua vaccine khoảng 21 nghìn tỷ đồng; kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng.

Về nguồn kinh phí để mua vaccine, theo Bộ Tài chính, ngân sách trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16 nghìn tỷ đồng, đảm bảo cho các đối tượng do trung ương quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương khó khăn; ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9,2 nghìn tỷ đồng.

“Đặc biệt khi dịch kéo dài thì nhu cầu vaccine hàng năm tăng cao, kinh phí mua vaccine sẽ rất lớn, nếu chỉ dựa vào nguồn NSNN thì sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân…” – Lãnh đạo Vụ NSNN (Bộ Tài chính) khẳng định.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2020, NSNN đã chi trên 18 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân vượt qua tác động của đại dịch COVID-19  theo các Nghị quyết của Chính phủ. Trong 4 tháng đầu năm 2021, ngân sách trung ương đã trích dự phòng gần 3.000 tỷ đồng, trong đó bổ sung 1.740 tỷ đồng kinh phí cho Bộ Y tế để sử dụng mua vaccine là 1.237 tỷ đồng; mua sắm các vật tư, hóa chất, sinh phẩm và trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 là 503 tỷ đồng; hỗ trợ 314 tỷ đồng cho các địa phương kinh phí phòng chống dịch.

Sẽ thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký Tờ trình của Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, phê duyệt việc thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19.

Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh cân đối NSNN khó khăn, để huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác mua vaccine, việc thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch, đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mua, nhập khẩu vaccine để triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho nhân dân.

Quỹ vaccine phòng COVID-19 có chức năng quản lý, điều phối các nguồn lực tài chính của Quỹ cho hoạt động tài trợ, hỗ trợ mua và sử dụng vaccine. Quỹ này hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả. Quỹ sẽ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán Nhà nước…

Trao đổi với PLVN, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI – cho rằng, việc Bộ Tài chính đề xuất hình thành Quỹ vắc xin phòng COVID-19 là rất cần thiết, vì NSNN không đáp ứng đủ và kịp thời cho nhu cầu phòng chống dịch, trong đó có việc mua vắc xin. Trong khi đó có nhiều DN sẵn sàng chung tay đóng góp cùng nhà nước đẩy lùi dịch bệnh. Tuy nhiên, cần phân biệt rạch ròi giữa hai nguồn kinh phí: Phần NSNN thì phải thực hiện đúng quy định của Luật NSNN về việc trích lập và sử dụng. Phần ngân sách do các cá nhân, DN và tổ chức khác đóng góp thì được quản lý và sử dụng tương tự như đối với việc huy động kinh phí để hỗ trợ khó khăn thiên tai, lụt. Vì vậy, không nên hình thành Quỹ có tư cách pháp nhân, được tổ chức và hoạt động theo pháp luật hiện hành về Quỹ, mà chỉ là một gói có tính chất tạm thời để ứng phó một cách linh hoạt và hiệu quả với đại dịch…

Thanh Thanh


Pháp luật Việt Nam (Kinh tế) 21-5-2021:

https://baophapluat.vn/kinh-te/can-huy-dong-moi-nguon-luc-de-mua-vaccine-phong-covid19-592485.html

 

(195/989)

 

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.359. Trái phiếu doanh nghiệp, chưa kịp 'hồi' lại...

Trái phiếu doanh nghiệp, chưa kịp 'hồi' lại lo siết (TN) - Bộ Tài...

Trích dẫn 

3.844. Làm thế nào để nhận bồi thường bảo...

(NĐT) Làm thế nào để nhận bồi thường bảo hiểm do bão Yagi? (NĐT)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 222,661