3.367. Áp thuế cao với ‘lướt sóng’ bất động sản

(VNB) – Nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất đánh thuế bất động sản theo thời gian sở hữu nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ vốn đang tiềm ẩn nhiều bất ổn cho thị trường. Tuy nhiên, có ý kiến đề xuất nên dời thời hạn áp dụng, hay như đưa quy định này vào Luật thuế tài sản…

Hiện nay, thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là 2%. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở, quyền thuê đất, thuê mặt nước và các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản.

Thời gian qua, các cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản thường kê khai mức giá thấp hơn nhiều so với thực tế dẫn đến ngân sách nhà nước thất thu khoản thuế đáng kể. Một số ý kiến cho rằng nên nghiên cứu đánh thuế cao hơn khi chuyển nhượng đối với các trường hợp đầu cơ sở hữu 3, 4… bất động sản trong thời gian ngắn gây bất ổn cho thị trường.

Nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất đánh thuế bất động sản theo thời gian sở hữu nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ vốn đang tiềm ẩn nhiều bất ổn cho thị trường.

Trong dự thảo Tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, liên quan đến Luật Thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tư pháp đã đề xuất nghiên cứu để bổ sung quy định đối với thu nhập của cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, bong bóng bất động sản.

Theo Bộ Tư pháp, tại nhiều nước cũng đã áp dụng chính sách này. Chẳng hạn, Mỹ quy định một người mua nhiều bất động sản và bán trong thời gian dưới 5 năm thì sẽ chịu mức thuế chuyển nhượng là 24% nếu bán trong năm đầu tiên sau khi mua, 22% nếu bán trong thời gian từ 1-2 năm sau khi mua, 20% nếu bán trong thời gian từ 2-3 năm sau khi mua, 18% nếu bán trong thời gian 3-4 năm sau khi mua, 14% nếu bán trong thời gian 4-5 năm sau khi mua.

Hay như Singapore, đất mua đi bán lại trong năm đầu tiên bị đánh thuế 100% trên giá trị chênh lệch mua/bán; sau 2 năm thì mức thuế suất là 50%; sau 3 năm là 25%. Tại Malaysia, thuế thu nhập bất động sản từ việc thanh lý tài sản (theo luật có hiệu lực năm 2014) theo tỷ lệ và thời gian nắm giữ sau: 30% trong thời gian nắm giữ lên đến 3 năm; 20% cho thời gian nắm giữ trên 3-4 năm; 15% cho thời gian nắm giữ trên 4-5 năm.

Bày tỏ quan điểm, nhiều chuyên gia đồng tình với định hướng sử dụng công cụ thuế để hạn chế đầu cơ bất động sản, hạn chế phát triển các dự án bất động sản không phục vụ nhu cầu thực, không phục vụ cho đại chúng trong xây dựng Luật của Bộ Tư pháp.

Điển hình, mới đây, UBND TPHCM đã đưa ra đề xuất 2 phương án tăng thu thuế đối với nhà, đất thứ 2 trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. Trong đó có nội dung tăng thu thuế với nhà, đất mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số ý kiến cũng lo lắng việc áp dụng chính sách thuế này sẽ khiến thị trường kém sôi động. Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản, trên thực tế, thuế chỉ là công cụ điều tiết, còn sôi động hay không là do các nhu cầu và hoạt động sản xuất, phát triển hàng hóa có phù hợp thị trường hay không. Tức là hoạt động mua/bán có phục vụ nhu cầu thực chất không, hay là chỉ là những mặt hàng phục vụ giới đầu tư là chính. Nếu chỉ phục vụ nhu cầu đầu tư thì cần hạn chế.

Dù đồng tình, song ông Đính cũng lưu ý cơ quan xây dựng chính sách nên cân nhắc thời điểm áp dụng một cách hợp lý. “Ở thời điểm hiện tại, khi thị trường bất động sản đang trong tình trạng thê thảm, khủng hoảng nặng nề thì thì bàn đến vấn đề tăng thuế sẽ tương đối nhạy cảm”, ông Đính nói.

Trong khi đó, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, việc đánh thuế này cần đưa vào Luật Thuế tài sản thay vì Luật Thuế thu nhập cá nhân. Nếu đưa vào Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ là không “danh chính ngôn thuận”, không đúng nguyên tắc, nguyên lý của từng sắc thuế. Bởi lẽ, bản chất của thuế thu nhập cá nhân là khuyến khích nộp thuế khi có thu nhập, nghĩa là càng có nhiều giao dịch thì nghĩa vụ nộp thuế càng tăng và càng được khuyến khích.

“Chẳng hạn như trong sản xuất kinh doanh, càng mua bán nhiều, có thu nhập thì càng nộp thuế cao, phải khuyến khích. Hay ngay như đối với giao dịch chứng khoán, mua bán nhiều, thị trường sôi động thì càng nộp thuế nhiều. Chúng ta không thể nói chống đầu cơ mà đánh thuế cao để người ta giao dịch ít đi. Trong khi đó, ngược lại, một trong những mục tiêu của thuế tài sản là để hạn chế đầu cơ tài sản, trong đó có bất động sản. Trên thực tế, việc xây dựng Luật Thuế tài sản đã được bàn đến từ hơn 10 năm nay nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Do đó, nếu tính đến chuyện chống đầu cơ bất động sản thì cần tiếp tục xem xét hoàn thiện sắc thuế này chứ không phải vì chậm mà đưa vào một loại thuế khác, điều này sẽ không đúng bản chất các sắc thuế”, ông Đức phân tích.

Thanh Hoa

————–

VnBusiness (Tài chính) 06-02-2023:

https://vnbusiness.vn/thue-ngan-sach/ap-thue-cao-voi-luot-song-bat-dong-san-1090657.html

(266/1.108) #BĐS #thue #thuetaisan

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường...

Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường xăng dầu? (NLĐ) - Đề xuất...

Trích dẫn 

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ...

Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của nhà...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,640