3.374. Có doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng hay lại là… siêu vốn ảo?

(VNB) – Một doanh nghiệp ở TP.HCM mới được thành lập có số vốn điều lệ lên tới 500.000 tỷ đồng đang khiến dư luận xôn xao. Cơ quan chức năng cho biết, đã thông báo với chủ doanh nghiệp này về quyền và nghĩa vụ khi đăng ký kinh doanh, cũng như chuyển hồ sơ sang các cơ quan nhà nước các cấp có thẩm quyền để cùng phối hợp giám sát, theo dõi việc góp vốn của doanh nghiệp. 

Những ngày gần đây, cộng đồng dư luận xôn xao trước thông tin một “siêu doanh nghiệp” được thành lập vào ngày 20/5 tại TP.HCM với số vốn điều lệ lên tới 500.000 tỷ đồng, tương đương gần 22 tỷ USD. Lãnh đạo của doanh nghiệp (DN) này là ông Nguyễn Vũ Quốc Anh (36 tuổi, TP.HCM).

Chuyển hồ sơ sang các cấp thẩm quyền theo dõi 

DN đăng ký với tên là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn Cầu (Global Auto Technology Investment Group – GATIG). Trụ sở chính hiện tại của GATIG trên giấy phép ở tòa nhà Bitexco (2 Hải Triều, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM). Ngành nghề chính DN này đăng ký kinh doanh là lập trình máy vi tính.

Căn nhà ở nơi ông Nguyễn Vũ Quốc Anh sinh sống và đặt trụ sở một số công ty của mình.

Theo đăng ký kinh doanh, doanh nhân Nguyễn Vũ Quốc Anh góp 499.998 tỷ đồng, nắm giữ 99,99% vốn điều lệ GATIG và giữ chức Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Ngoài ông chủ 36 tuổi này, công ty còn 2 cổ đông khác là bà Nguyễn Thị Diễm Hằng và ông Lưu Hữu Thiện, mỗi người góp vốn 1 tỷ đồng.

Nếu các cổ đông sáng lập góp đủ vốn, GATIG sẽ là DN có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam, vượt mặt các DN nhà nước “sếu đầu đàn” như PVN, EVN, Viettel hoặc các DN tư nhân quy mô lớn như Vingroup. Tổng vốn điều lệ của 10 ngân hàng lớn nhất cả nước là hơn 444.000 tỷ đồng cũng chưa bằng DN chưa tròn nửa tháng tuổi này!

Đáng chú ý, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh cho biết: số vốn trên là bình thường, thật ra còn hạn chế, còn ít, đừng nghĩ nó cao.

“Số tiền này với tụi tôi cũng chả là gì. Câu chuyện của tôi là người thật việc thật, không có như mấy người đăng ký vốn ảo đâu”, ông Quốc Anh chia sẻ. Vị doanh nhân này chia sẻ định hướng của mình là “toàn cầu hóa, không chỉ ở Việt Nam mà còn đầu tư ra nhiều nước, nên có số vốn lớn như vậy”.

Thông tin về trường hợp này, ông Cù Thanh Đức, Phó trưởng Phòng Đăng ký Kinh doanh (Sở KH&ĐT TP.HCM) cho biết, Phòng đã thông báo về quyền và nghĩa vụ của DN khi đăng ký kinh doanh. Quy định của Luật DN là tôn trọng quyền tự do kinh doanh, quyền tự do tham gia thị trường của DN. DN phải chịu trách nhiệm về kê khai hồ sơ đăng ký DN.

“Còn trách nhiệm của chúng tôi là thông báo quyền và nghĩa vụ của DN, như: trong bao nhiêu ngày phải hoàn tất góp vốn, quy định là không được quá 90 ngày kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký DN”, ông Đức cho biết.

Đáng chú ý, đại diện Phòng Đăng ký kinh doanh thông tin thêm rằng, trên Hệ thống Đăng ký kinh doanh Quốc gia đang có 5 DN của ông Nguyễn Vũ Quốc Anh. Sau khi cấp đăng ký kinh doanh xong, đơn vị đã chuyển hồ sơ sang các cơ quan nhà nước các cấp có thẩm quyền để cùng phối hợp giám sát, theo dõi việc góp vốn của DN. Bản thân đơn vị cũng đưa họ vào danh sách DN để giám sát việc góp vốn.

Theo ông Cù Thanh Đức, không chỉ trường hợp “siêu DN này” mà còn nhiều trường hợp khác nếu phát hiện có dấu hiệu đặc biệt thì đơn vị sẽ đưa vào diện kiểm tra sau đăng ký DN, đưa DN vào diện chia sẻ dữ liệu với cơ quan có thẩm quyền các cấp.

Tuy nhiên, sự việc này lại một lần nữa làm nhiều người nhớ tới câu chuyện đầu năm 2020, tại huyện Hoài Đức, Hà Nội cũng có trường hợp đăng ký vốn “khủng” hơn 144.000 tỷ đồng (hơn 6,3 tỷ USD). Đáng chú ý, các cá nhân đứng đại diện pháp luật của công ty đều không hề hay biết kinh doanh, được thuê hoặc đăng ký kinh doanh trong trạng thái… say rượu. Sau 90 ngày, các cá nhân đứng ra thành lập “siêu DN” này đã lên Sở KH&ĐT Hà Nội để hủy đăng ký thành lập DN.

Bộ KH&ĐT sau đó phát hiện vụ việc này là sai phạm cá nhân, trường hợp người đăng ký kinh doanh khai mượn chứng minh thư, căn cước giả để đi khai đăng ký thành lập DN.

Nếu không góp đủ vốn thì bị phạt thế nào?

Trước câu hỏi: giả sử DN trên không góp đủ vốn thì sẽ xử lý thế nào? Đại diện Sở KH&ĐT TP.HCM  – ông Cù Thanh Đức cho biết, DN sẽ phải thực hiện đầy đủ thủ tục giải thể. Nếu DN không góp vốn đủ mà cũng không thực hiện đăng ký giảm vốn thì sẽ có đủ cơ sở để xử lý.

“DN này vẫn đang trong quá trình thành lập nên chưa nói được gì cả, vì đang là thời điểm họ góp vốn. Quá thời điểm 90 ngày mà họ không có động thái thay đổi vốn, hoặc vốn góp chưa đủ thì mới có đủ cơ sở để xử lý trường hợp này”, ông Đức cho biết.

Bình luận về câu chuyện trên, ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Anvi cho rằng, việc này chỉ có thể rơi vào hai trường hợp: Một là chưa góp vốn. Hai là đã góp một phần hoặc toàn bộ bằng tài sản không phải là tiền, nhưng định giá tài sản vốn lên hàng nghìn, thậm chí hàng triệu lần. 

Hành vi vi phạm trong việc góp vốn thành lập DN có thể bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng, tức là sau 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN “không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký” theo quy định tại khoản 3, Điều 28 về “Vi phạm các quy định về thành lập DN”, Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 1/6/2016 của Chính phủ “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư”. 

Trường hợp “Cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thực tế” thì sẽ bị phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 28 nêu trên. Thanh tra KH&ĐT có thẩm quyền xử phạt vi phạm nêu trên và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng số vốn đã góp và buộc định giá lại tài sản góp vốn và đăng ký vốn điều lệ phù hợp với giá trị thực tế của tài sản góp vốn.

Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, hiện tự do kinh doanh là một quyền quan trọng được ghi nhận trong Hiến pháp. Nhà nước có nghĩa vụ ghi nhận việc tham gia kinh doanh của các cá nhân, tổ chức.

“Giấy đăng ký kinh doanh không phải là giấy phép, mà chỉ là một giấy chứng nhận từ phía Nhà nước. Nó chỉ là sự ghi nhận từ phía Nhà nước là có DN muốn ra kinh doanh với số vốn dự kiến như vậy, nó giống giấy khai sinh của con người”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho rằng, nếu như DN, cá nhân nào khai khống vốn kinh doanh lên để lừa đảo bên thứ ba, lừa dối Nhà nước để trúng thầu… thì lại là câu chuyện khác. Đây là căn cứ để Nhà nước xử phạt theo các quy định khác, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Với cách làm như vậy, ai muốn kinh doanh cũng được, cũng dễ nhưng những trường hợp có dấu hiệu bất thường sẽ được chú ý hơn. Nhà nước sẽ tập trung quản lý ở khâu này. Cách làm như vậy là khôn ngoan, không tạo ra rào cản”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, giả định DN này nếu các thành viên không nộp đủ vốn, bị xử phạt vi phạm hành chính thì những cá nhân này về sau khi tham gia thành lập DN, kinh doanh sẽ được liệt vào nhóm rủi ro cao, sẽ bị các cơ quan nhà nước quản lý chặt hơn.

Nhật Linh 


VnBusiness (Tiêu điểm) 02-6-2021:

https://vnbusiness.vn/viet-nam/co-doanh-nghiep-500-000-ty-dong-hay-lai-la-sieu-von-ao-1078870.html

 

 

(268/1.565)

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.279. Tình trạng thuê người mua ngoại tệ: Cần...

(HNM) - Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng đăng tin tìm...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,731