(ĐBND) – Lộ trình nào khả thi?
Mới đây có cơ quan thuế đề xuất: Tất cả giao dịch bán ra, mua vào của các tổ chức đều phải thanh toán không dùng tiền mặt, không giới hạn tổng giá trị thanh toán. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng ý tưởng này không khả thi và nên thực hiện theo lộ trình.
Khó cho nhiều phía
Cụ thể, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Chính phủ xem xét áp dụng quy định: Tất cả giao dịch bán ra và mua vào của các tổ chức đều phải thanh toán không dùng tiền mặt thay vì hạn mức 20 triệu đồng trở lên như hiện nay. Điều này nhằm hỗ trợ cơ quan thuế trong việc kiểm soát doanh thu và chi phí của các tổ chức có hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng cường tính nghiêm minh trong quản lý thuế.
Tuy vậy nhiều ý kiến cho rằng đề xuất này khó khả thi vì nước ta vẫn đang sở hữu một nền kinh tế tiền mặt. Báo cáo mới nhất Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ năm 2019 đến hết tháng 4.2021, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán vẫn ở mức 11,5%.
Ông Nguyễn Tiến Thanh, Phó Tổng Giám đốc Bee Logistics cho biết, hơn 80% thanh toán của công ty đều thông qua ngân hàng. Những khoản giao dịch nhỏ, lẻ vẫn phải trả bằng tiền mặt, ví dụ như phí cảng biển do ở cảng chưa có trang thiết bị thanh toán không dùng tiền mặt hoặc chi tiếp khách… Nếu tất cả khoản chi phải thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp không biết giải quyết thế nào với những khoản chi này.
Tương tự, đại diện Công ty TNHH Thái Phú cho biết, hầu hết giao dịch mua bán của công ty đều được thanh toán qua ngân hàng. Tuy vậy, còn nhiều người, nhiều tiểu thương không có tài khoản ngân hàng, doanh nghiệp muốn chuyển khoản cũng không được.
Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, thanh toán không dùng tiền mặt là chủ trương đúng đắn và cần thiết nhưng nếu buộc tất cả giao dịch của doanh nghiệp đều không dùng tiền mặt, bất kể giá trị bao nhiêu, là không hợp lý. Chẳng hạn doanh nghiệp khi thu mua thực phẩm, trái cây của bà con hầu hết đều trả tiền mặt chứ không thể chuyển khoản. Không thể yêu cầu nông dân mở tài khoản chỉ để một năm bán 1 – 2 vụ trái cây, nông sản…, ông Minh nói.
Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, nhiều dịch vụ và hàng hóa vẫn chưa thể thanh toán không dùng tiền mặt bởi hạ tầng thanh toán chưa phát triển. Nhiều người tiêu dùng cũng chưa có thói quen thanh toán qua ví điện tử, “cà” thẻ tín dụng, chuyển khoản… Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, nếu áp dụng cứng nhắc quy định này sẽ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và cả người tiêu dùng, sử dụng dịch vụ.
Nên triển khai theo lộ trình
Luật sư Trương Thanh Đức phân tích: Giao dịch mua bán hàng hóa từ 20 triệu đồng trở lên phải thanh toán không dùng tiền mặt được đặt ra từ nhiều năm. Theo nguyên lý, hạn mức này phải giảm dần xuống nhưng chưa cần thiết phải theo hướng buộc mọi giao dịch đều không dùng tiền mặt. Vì vậy, cơ quan thuế nên cân nhắc giảm hạn mức này theo lộ trình, ví dụ năm 2022 là 15 triệu đồng, năm 2023 là 10 triệu… Khi đó thị trường, doanh nghiệp và khách hàng sẽ thích nghi dần, nhất là những người kinh doanh nhỏ lẻ, hộ gia đình có giao dịch với doanh nghiệp.
Ngoài ra, có thể bổ sung quy định về ngưỡng giao dịch mua bán của mọi cá nhân, chẳng hạn 40 – 50 triệu đồng trở lên, phải thanh toán không dùng tiền mặt. Việc này sẽ góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, ông Đức cho rằng, cần sự phối hợp giữa các bên có liên quan như hạ tầng thanh toán, ngân hàng, phát triển chính phủ điện tử…
Cũng cho rằng cần triển khai theo lộ trình, ông Nguyễn Tiến Thanh, Phó Tổng Giám đốc Bee Logistics gợi ý, Chính phủ quy định doanh nghiệp phải tăng dần tỷ trọng giao dịch không dùng tiền mặt. Theo đó, năm 2022, doanh nghiệp phải có 80% giao dịch không dùng tiền mặt; năm 2023 nâng lên 90%, năm 2024 phải đạt 100%. Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp và cá nhân đều muốn thanh toán không dùng tiền mặt. Vấn đề là cần thúc đẩy hạ tầng thanh toán phát triển và nâng tính tiện dụng của các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thì tự khắc doanh nghiệp và người dân sẽ sử dụng, ông Thanh nói.
Ngoài ra, hiện nay nhiều giao dịch trong nền kinh tế ở mức rất nhỏ, dù ngân hàng đã giảm phí giao dịch nhưng vẫn còn cao, do đó các ngân hàng cần tiếp tục giảm phí và thuận lợi hóa giao dịch.
An Thiện
Đại biểu Nhân dân (Kinh tế phát triển) 20-6-2021:
https://daibieunhandan.vn/lo-trinh-nao-kha-thi-j0rzayc6v8-58672
(249/936)