Bị ép mua bảo hiểm khi vay tiền: Có thể kiện ngân hàng ra tòa
(PLO) – Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản nhắc nhở các ngân hàng thương mại không được ép khách hàng vay phải mua bảo hiểm mới được giải ngân, tuy nhiên thực trạng này vẫn diễn ra.
Tại buổi giao lưu trực tuyến do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 17-2 với chủ đề “Vay tiền ngân hàng bị ép mua bảo hiểm, cần phải làm gì?”, nhiều người vay thể hiện sự bức xúc và đề nghị cần một cơ chế rõ ràng cho “vấn nạn” nhức nhối này.
Có thể khởi kiện ra tòa
Một bạn đọc cho rằng, dường như một số ngân hàng có luật ngầm. Họ lợi dụng nhu cầu tiếp cận vốn của khách hàng để buộc người đi vay muốn được giải ngân thì phải mua bảo hiểm nhân thọ. Nếu không, thì hồ sơ vay sẽ bị ngâm không biết đến bao giờ.
“Nếu khách hàng đồng ý mua bảo hiểm, thì có khi chỉ đóng một năm đầu tiên rồi không đóng tiếp, điều này gây lãng phí và còn mất tiền oan. Vậy phải làm sao để dẹp hẳn việc ép mua bảo hiểm này?”, bạn đọc đặt vấn đề.
Trao đổi về thắc mắc này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI với hơn 35 năm hoạt động trong lĩnh vực doanh nghiệp, ngân hàng chia sẻ: Mặc dù có sự cạnh tranh sòng phẳng, mạnh mẽ, khốc liệt giữa các ngân hàng nhưng lại đều giống nhau ở chỗ có quan điểm “tận thu” khiến khách hàng không có sự lựa chọn.
Thời điểm hiện nay, không ít ngân hàng thương mại có “văn hóa kinh doanh” theo kiểu ép khách hàng mua bảo hiểm. Quan điểm kinh doanh này thực sự có vấn đề và đang bị dư luận phản ứng dữ dội.
Trong khi đó, các cơ quan quản lý lại chưa thực sự có giải pháp chấn chỉnh hiệu quả để làm hài hòa lợi ích giữa ngân hàng và khách hàng. “Vì vậy, thời điểm này các cơ quan ngôn luận, khách hàng, dư luận cần lên tiếng, kể cả việc khởi kiện ra tòa, tố cáo ra cơ quan công an… sẽ khiến việc ép khách hàng mua bảo hiểm phải chấm dứt”, ông Đức gợi ý.
Ngân hàng “nằm kèo trên”
Cùng chung bức xúc, một bạn đọc cho rằng các cơ quan chức năng cần có chế tài cụ thể các ngân hàng ép người vay mua bảo hiểm thay vì những văn bản nhắc nhở chung chung như trong thời gian vừa qua.
Trả lời về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, việc tham gia các gói bảo hiểm hoàn toàn là tự nguyện. Hợp đồng giao kết giữa các bên phải xuất phát từ sự tự nguyện.
Tuy nhiên, trong việc cấp tín dụng, ngân hàng hoàn toàn có quyền căn cứ hồ sơ, tài liệu chứng minh năng lực tài chính, phương án sử dụng vốn của khách hàng… để đánh giá đủ khả năng trả nợ, lãi vay hay không.
Điều này đã tạo ra một lợi thế “kèo trên” rất lớn cho các ngân hàng trong việc quyết định có cho vay hay không. Trong quá trình tư vấn vay, rất khó để kiểm soát được việc nhân viên ngân hàng có thực hiện đúng quy định của pháp luật trong suốt quá trình tư vấn. Ví dụ như đâu là khoản tiết kiệm, đâu là khoản bảo hiểm, đâu là các khoản đầu tư khác dưới dạng chứng chỉ quỹ; quyền và nghĩa vụ của các bên, các nghĩa vụ tài chính của khách hàng bao gồm những gì, thanh toán ra sao….
“Những điều này dẫn đến khả năng nhân viên tư vấn cung cấp thông tin sai lệch nhằm “dụ” khách hàng mua bảo hiểm hoặc chuyển sang hình thức đầu tư khác”, ông Trạch phân tích
Thùy Linh
——————
Pháp luật TP HCM (Tài chính – Ngân hàng) 17-02-2023:
https://plo.vn/bi-ep-mua-bao-hiem-khi-vay-tien-co-the-kien-ngan-hang-ra-toa-post720278.html
(182/694) #baohiem #nganhang #anvi