3.402. Trái phiếu doanh nghiệp: Lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư, doanh nghiệp cần phải tuân thủ pháp luật.

(PL) – Vi phạm của một số doanh nghiệp trong hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu đã khiến nhà đầu tư mất niềm tin, dẫn đến thị trường TPDN gặp khó khăn. Thời gian qua, đã có nhiều giải pháp từ chính các DN đưa ra, đồng thời với kiến nghị đề xuất của các chuyên gia và việc cơ quan quản lý đang khẩn trương sửa đổi NĐ 65. Tuy nhiên giải pháp quan trọng nhất muốn lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư, doanh nghiệp cần phải tuân thủ pháp luật.

Gặp khó khăn về dòng tiền, nhiều DN “khất nợ” trái phiếu

Vì sao có DN xin “khất nợ” mua lại trái phiếu, trong khi có DN lại đẩy mạnh mua gom trước hạn?

Xét về mặt tích cực, theo lý thuyết, khi mua lại trái phiếu trước hạn thì doanh nghiệp không phải trả chi phí lãi vay đang khá cao, đồng thời có thể giảm hệ số nợ/vốn chủ sở hữu, qua đó giúp doanh nghiệp cải thiện các chỉ tiêu tài chính.

Theo các chuyên gia kinh tế có nhiều lý do lý giải cho việc doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn đã phát hành.

Thứ nhất là dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu đang triển khai nhưng doanh nghiệp thấy không còn khả thi nữa. Doanh nghiệp muốn trả nợ cho các trái chủ để giảm gánh nặng tài chính nên chọn mua lại sớm.

Thứ hai là bất ngờ DN có nguồn vốn dư thừa hoặc vay được nguồn khác có lãi suất thấp hơn trái phiếu. Mua lại sớm trái phiếu sẽ giúp họ giảm được chi phí vốn.

Thứ ba, việc mua lại trước hạn bắt nguồn từ Nghị định 65. Nghị định này cho phép các nhà phát hành mua lại trái phiếu trước hạn nếu các trái chủ yêu cầu. Tuy nhiên, với những đợt phát hành trái quy định pháp luật, bao gồm việc sử dụng vốn sai mục đích, các nhà phát hành buộc phải mua lại trước hạn nếu không muốn bị xử lý theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, một trong những lưu ý khi mua lại trái phiếu trước hạn, doanh nghiệp phải công bố thông tin của doanh nghiệp về trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền, mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP: Doanh nghiệp phát hành được mua lại trước hạn hoặc hoán đổi trái phiếu, trong những trường hợp thỏa thuận giữa doanh nghiệp phát hành và người sở hữu trái phiếu. Hoặc bắt buộc mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư khi:

+ Doanh nghiệp phát hành vi phạm pháp luật về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp theo quyết định của cấp có thẩm quyền mà vi phạm đó không thể khắc phục hoặc biện pháp khắc phục không được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận.

+ Doanh nghiệp phát hành vi phạm phương án phát hành trái phiếu mà vi phạm đó không thể khắc phục hoặc biện pháp khắc phục không được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận.

+ Các trường hợp khác được nêu cụ thể tại phương án phát hành trái phiếu quy định tại Điều 13 Nghị định này (nếu có).

Tuy nhiên số DN có “ tiềm lực” để mua lại trái phiếu trước hạn không nhiều. Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp trong ngành bất động sản  xin “khất nợ” mua lại trái phiếu, hoặc xin gia hạn, hoán đổi trả nợ trái phiếu bằng tài sản khác….

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2023, số lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn rơi vào hơn 119.000 tỷ đồng. Trong khi áp lực đáo hạn trái phiếu là rất lớn, thì trái phiếu phát hành mới vẫn đóng băng (không có lô trái phiếu doanh nghiệp nào được phát hành trong 3 tuần đầu tháng 1/2023). Thêm vào đó, thị trường bất động sản các kênh huy động vốn (chứng khoán, tín dụng, huy động vốn từ người mua nhà…) đều khó khăn khiến doanh nghiệp phát hành khó tìm nguồn vốn đảo nợ. Hoặc DN gặp khó về dòng tiền, không ít doanh nghiệp đã phải ra thông báo “khất nợ” trái phiếu đến hạn thanh toán, lùi lịch trả lãi trái phiếu DN.

Vậy việc “khất nợ” mua lại trái phiếu, hoặc xin gia hạn, hoán đổi trả nợ trái phiếu bằng tài sản khác….có được pháp luật cho phép ?

Mong chờ sớm thông qua việc sửa đổi NĐ 65

Trước thực trạng DN khất nợ hoặc xin chuyển đổi TPDN đến hạn thanh toán sang BĐS, việc sửa đổi Nghị định 65 nhằm tìm giải pháp xử lý, giúp cho thị trường trái phiếu đi đúng hướng và bền vững hơn là hết sức cấn thiết.

Một nội dung quan trọng đáng chú ý được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi trong nghị định 65/NĐ-CP về TPDN đó là cho phép DN được thanh toán gốc lãi trái phiếu bằng tài sản khác. Theo đó, với trái phiếu chào bán trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc và lãi theo phương án đã công bố thì doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác, trên cơ sở đảm bảo 3 nguyên tắc: tuân thủ quy định của pháp luật; được chủ sở hữu trái phiếu chấp thuận; DN công bố thông tin và chịu trách nhiệm pháp lý rõ ràng.

Theo Bộ Tài chính, cơ sở của quy định này là Điều 286 Bộ luật Dân sự năm 2015 và quy định pháp luật liên quan đã cho phép doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay hoặc thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác. Bộ Tài chính cũng đã trình Bộ Tư pháp thẩm định quy định này.

Bên cạnh đó, dự thảo nghị định cũng cho phép doanh nghiệp phát hành được đàm phán để kéo dài kỳ hạn trái phiếu. Theo đó, với trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu, dự thảo quy định  thời hạn tối đa không quá 2 năm so với phương án phát hành đã công bố với nhà đầu tư.

Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 65/NĐ-CP được Bộ Tài chính đề xuất các quy định về thay đổi điều kiện, điều khoản trái phiếu, cũng như vấn đề thanh toán gốc, lãi trái phiếu, dự thảo lần này quy định cụ thể, chi tiết hơn. Theo đó, với trái phiếu chào bán trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc và lãi theo phương án đã công bố, thì có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác, trên cơ sở đảm bảo 3 nguyên tắc.

Đó là, phải tuân thủ quy định của pháp luật dân sự, pháp luật chuyên ngành và pháp luật có liên quan; phải được chủ sở hữu trái phiếu chấp thuận; doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định pháp luật.

Với trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu, dự thảo quy định thời hạn tối đa không quá 2 năm so với phương án phát hành đã công bố với nhà đầu tư. Đối với trái chủ không chấp nhận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu doanh nghiệp, thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Nếu trái chủ vẫn không chấp nhận phương án đàm phán, thì doanh nghiệp phải trả đầy đủ gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn và phải thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho trái chủ theo đúng phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.

Chuyên gia hiến kế

Kỳ vọng trong việc sửa đổi Nghị định 65 sẽ mở đường tháo gỡ phần nào nút thắt trái phiếu khiến các doanh nghiệp bế tắc trong suốt thời gian qua, Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), cho rằng dự thảo sửa đổi Nghị định 65 nếu được Chính phủ thông qua sớm sẽ là giải pháp kịp thời, để trái phiếu tiếp tục là kênh dẫn vốn quan trọng cho thị trường. Trong đó, hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, phát triển theo hướng an toàn, ổn định, bền vững. Đồng thời, có lợi cho sự phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững của cả hệ thống tín dụng.

Ông Phan Việt Hoàng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Môi giới BĐS VN, cho rằng hiện tại nguồn vốn của các DN BĐS đang gặp nhiều khó khăn từ việc thắt chặt tín dụng và kiểm soát chặt kênh TPDN. Nhiều DN đã có chủ trương đề xuất cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu đối với các chủ nợ bằng sản phẩm là các BĐS do DN phát triển. Nếu thực hiện được có thể mang lại lợi ích cho cả hai bên vì DN sẽ giảm được áp lực rất lớn đối với các khoản nợ đến hạn, còn đối với chủ nợ trái phiếu, đây là giải pháp tối ưu khi nắm giữ được tài sản cụ thể “mắt thấy, tay sờ” thay cho việc nắm giữ một tờ giấy nợ có khả năng trở thành giấy vụn trong trường hợp DN vỡ nợ vì quá khó khăn về thanh khoản.

Ngoài ra khi DN thoát được khó khăn thì khoản đầu tư hoán đổi này có nhiều tiềm năng sinh lời rất lớn do giá trị hoán đổi sẽ thấp. Hơn nữa, giá trị BĐS luôn là một khoản đầu tư an toàn và có xu hướng tăng giá trong trung và dài hạn đối với nền kinh tế VN. Trên lý thuyết đây là một giải pháp có lợi cho các bên trong bối cảnh thực tại và hoàn toàn khả thi vì khối tài sản BĐS mà các DN đang sở hữu có giá trị gấp nhiều lần nghĩa vụ nợ phải trả. Nhưng để thực hiện thành công, các bên đều phải hết sức thiện chí đồng thời cần có sự hỗ trợ, tháo gỡ một số khó khăn từ phía chính quyền.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng hoán đổi tài sản là phương án tốt nhất mà các DN có thể đưa ra để đàm phán với trái chủ hiện nay. Bản thân các nhà đầu tư (NĐT) có thể xem như đây là cơ hội để đầu tư vào BĐS phù hợp khi giá đã mềm hơn trước đây. Bản thân DN có tài sản nên việc hoán đổi trái phiếu là chuyện bình thường. Việc hợp tác với DN cũng là quyền lợi của trái chủ. Tất nhiên việc đồng ý hoán đổi hay không là quyền của NĐT sau khi xem xét về mức giá của tài sản hoán đổi, điều kiện pháp lý của dự án…

GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là phải đảm bảo lòng tin của người dân đối với thị trường trái phiếu, là cơ sở để phát triển thị trường này trong tương lai. Do đó, phải có những giải pháp đảm bảo cho người dân đã mua trái phiếu doanh nghiệp yên tâm không bị mất các khoản tiền đã đầu tư, thậm chí có thể sẽ thu được nguồn lợi nhiều hơn, nếu kiên trì theo đuổi đầu tư dài hạn.

Chính vì vậy, bên cạnh việc sửa Nghị định 65/2022 theo hướng gia hạn thêm thời gian thực hiện các điều kiện của doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư chuyên nghiệp, cũng như gia hạn thời gian thanh toán trái phiếu, trong bối cảnh cấp bách như hiện nay, Chính phủ nên cho phép thực hiện 2 giải pháp đặc biệt như sau.

Thứ nhất, cho phép các doanh nghiệp phát hành thỏa thuận với người mua trái phiếu để chuyển các khoản nợ thành trái phiếu công trình có khả năng chuyển đổi thành các sản phẩm khi công trình hoàn thành, dưới hình thức như các nhà đầu tư được nhận sản phẩm theo mức giá trị đóng góp.

Nhà đầu tư có thể chuyển nhượng trái phiếu cho nhau, người nắm giữ trái phiếu coi như người góp vốn đầu tư chờ khi dự án hoàn thành sẽ nhận sản phẩm hoặc giá trị tương ứng với lượng sản phẩm được quyền chuyển đổi.

Phương thức này thực chất là một hình thức huy động vốn đầu tư dài hạn cho doanh nghiệp bất động sản và người có vốn mua trái phiếu trở thành người góp đầu tư bất động sản và được hưởng lợi từ giá trị tăng thêm của bất động sản sau khi dự án hoàn thành.

Thứ hai, một số dự án bất động sản quan trọng (về quy mô, tính chất loại hình bất động sản và vị trí dự án), nếu không được tài trợ vốn, các doanh nghiệp có nguy cơ sẽ bán lại cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế hiện nay, nhiều quỹ đầu tư bên ngoài đang chuẩn bị sẵn tiền chờ cơ hội thâu tóm các dự án này khi các doanh nghiệp bất động sản trong nước gặp khó khăn buộc phải bán. Điều này sẽ có nguy cơ gây hệ luỵ lâu dài đối với việc kiểm soát thị trường bất động sản và nhiều vấn đề khác của đất nước.

Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, có thể coi việc chuyển đổi trái phiếu sang các sản phẩm bất động sản là một “hướng mở”, nếu được thực hiện nghiêm túc, tuân thủ các quy định của pháp luật thì sẽ giúp bảo đảm lợi ích của cả doanh nghiệp và nhà đầu tư. Hình thức chuyển đổi này vừa giúp giảm áp lực đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, vừa đa dạng các kênh đầu tư đối với người dân. Song, các nhà đầu tư cần có sự cẩn trọng, tìm hiểu kỹ trước khi quyết định lựa chọn phương án chuyển đổi trái phiếu sang các sản phẩm bất động sản cụ thể, để bảo toàn tài sản và hiệu quả đầu tư.

Không có giải pháp nào giải cứu TPDN bằng xây dựng niềm tin, giải quyết quyền lợi trái phiếu do chính DN phát hành. Quan trọng nhất DN phải công khai, minh bạch và có trách nhiệm với TPDN phát hành. Nếu không giải quyết quyền lợi nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ mất khách hàng, mất uy tín và niềm tin của nhà đầu tư.

Mới đây, Hội nghị Tín dụng bất động sản được Chính phủ tổ chức đã kịp thời tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, cởi bỏ tâm lý lo lắng của thị trường. Hai cánh cửa trái phiếu DN và tín dụng nếu cùng lúc được tháo gỡ sẽ giúp DN bất động sản có cơ hội vực dậy. Kích hoạt gói tín dụng BĐS kịp thời của Ngân hàng Nhà nước và khơi thông pháp lý BĐS là những dấu hiệu tích cực khởi sắc đối với TPDN và BĐS hiện nay.

 Thành Chung

———————

Pháp lý (Pháp lý và Kinh doanh) 21-02-2023:

https://phaply.net.vn/trai-phieu-doanh-nghiep-lay-lai-niem-tin-tu-nha-dau-tu-doanh-nghiep-can-phai-tuan-thu-phap-luat-a256505.html

(127/2.735) #TPDN #NĐ65

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

431. Bình luận về Luật siêu dễ VTV3 - Chủ đề Luật...

Bình luận về Luật siêu dễ VTV3 - Chủ đề Luật Lao động. (VTV3)...

Phỏng vấn 

4.383. Cần thận trọng khi đặt hàng trên Temu.

Cần thận trọng khi đặt hàng trên Temu. (HTV1) - Chương trình có sự...

Trích dẫn 

3.903. Bộ Tài chính: Chưa thể điều chỉnh mức...

Bộ Tài chính: Chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. (MK) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 230,324