(CHG) – Năm 2022, thị trường vàng trải qua một năm giao dịch đầy kịch tính khi chịu sức ép từ cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine, cùng với các biện pháp tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát của các ngân hàng trung ương, giá vàng trong nước chứng kiến có thời điểm tăng dựng đứng, cao chót vót, cách ly với thị trường thế giới, nhưng sau đó đã “lao đầu” giảm sâu.
Tại thời điểm cuối ngày 31/12/2021, giá vàng SJC được niêm yết mua vào 60,95 triệu đồng/lượng, bán ra 61,65 triệu đồng/lượng. Bước sang những tháng đầu năm 2022, nỗi lo lạm phát cùng tình hình chiến sự Nga – Ukraine liên tục leo thang, đã đẩy nhà đầu tư tìm đến các tài sản an toàn, khiến giá vàng trong nước ngay từ những tháng đầu năm tăng dựng đứng.
Số liệu thống kê từ kết quả khảo sát cho thấy, từ cuối tháng 2 và đầu tháng 3 năm 2022, giá vàng trong nước ghi nhận liên tục phá vỡ kỷ lục, có thời điểm giá vàng giao dịch trên ngưỡng 74 triệu đồng/lượng, tức đã tăng trên 14 triệu đồng/lượng so với thời điểm đầu năm. Tại thời điểm sáng 8/3/2022, giá vàng thế giới đảo chiều giảm, nhưng trong ngày giá vàng SJC và vàng DOJI lại ghi nhận ở ngưỡng cao kỷ lục, vàng của 2 thương hiệu này leo ở mức giá 74 triệu đồng/lượng chiều bán ra (mức cao hơn thế giới tới 18,3 triệu đồng mỗi lượng).
Vàng DOJI luôn có giá tiệm cận với vàng SJC, vậy chênh lệch giá thì ai là người được hưởng lợi (Ảnh nguồn: Internet).
Sau khi ghi nhận đỉnh kỷ lục, giá kim loại quý này đã quay đầu về giao dịch quanh mức 69 triệu đồng/lượng ở những tháng tiếp theo. Giai đoạn cuối tháng 7, nhà đầu tư đã chứng kiến giá vàng SJC và DOJI bất ngờ tiếp tục giảm sốc tới 4 triệu đồng chỉ trong vài giờ, đưa giá vàng xuống ngưỡng trên 65 triệu đồng/lượng và cũng cao hơn so với giá vàng thế giới khoảng trên 15 triệu đồng/lượng (giá vàng thế giới tại ngày 30/7/2022 là 1.767USD/ounce, quy đổi tương đương 50 triệu đồng/lượng)…
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội).
Trước biến động khó lường như vậy, cùng với sự chênh lệch quá lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới, là điều người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm. Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) đánh giá cao việc điều hành thị trường vàng trong thời gian vừa qua của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), song đại biểu cũng băn khoăn phải chăng việc độc quyền một thương hiệu vàng quốc gia SJC là nguyên nhân dẫn tới giá vàng miếng tăng cao.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Bích Hồng cho rằng, theo tổng hợp, đánh giá của NHNN, giá vàng trong nước thời gian qua có cùng xu hướng với giá vàng thế giới, nhưng tốc độ điều chỉnh tăng của giá vàng trong nước thì nhanh hơn và tốc độ điều chỉnh giá vàng xuống thì lại chậm hơn giá vàng của thế giới. Bà Hồng cũng đưa ra nhận định, vàng SJC – thương hiệu vàng được người dân ưa chuộng, họ niêm yết giá cao và riêng giá vàng của SJC tăng ở mức lớn, vào khoảng 16 – 17 triệu đồng/lượng…
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Bích Hồng.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy đã đưa ra tranh luận, cùng là vàng miếng, cùng đúc như vậy, chỉ là không phải thương hiệu vàng SJC thì có giá thấp hơn không. Ví dụ như vàng miếng của Bảo Tín Minh Châu ngày hôm nay có giá 54,5 triệu đồng/lượng. Xét về mặt giá thành và mặt bằng giá thế giới, liệu chênh lệch này quá lớn. Thống đốc NNHN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, việc chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng như chênh lệch giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác là phù hợp.
Khảo sát thực tế cho thấy, mặc dù nằm trong top những thương hiệu vàng nổi tiếng, nhưng vàng thương hiệu Bảo Tín Minh Châu và vàng thương hiệu khác ngoài SJC và DOJI, giá vàng của các thương hiệu này thường tiệm cận với giá vàng thế giới, luôn có giá thấp hơn so với giá của 2 thương hiệu vàng SJC, DOJI từ trên 10 triệu đồng/lượng. Vậy nguyên nhân đến từ đâu? Phải chăng chất lượng vàng của các thương hiệu này có sự khác biệt so với 2 thương hiệu vàng SJC và DOJI?
Theo giới chuyên gia vàng bạc đá quý, vàng miếng SJC hay vàng miếng DOJI và các thương hiệu vàng khác trên thị trường đều đồng nhất về thành phần, cấu trúc hóa học cũng như chất lượng vàng đủ tuổi 4 số 9 (vàng 99,99%).
Kết quả khảo sát tại thời điểm ngày 22/12/2022, giá vàng SJC giao dịch ở quanh mốc 66 – 66,92 triệu đồng/lượng và giá vàng DOJI niêm yết quanh mốc 65,85 – 66,8 triệu đồng/lượng (chiều mua vào – bán ra). Trong khi giá vàng thế giới là 1.786USD/ounce, quy đổi theo tỷ giá ngoại tệ thì chưa đến 50,07 triệu đồng/lượng, tức giá vàng của 2 thương hiệu này đã cao hơn giá vàng thế giới từ trên 15 triệu đồng/lượng, liệu đây có phải nghịch lý giá vàng trong nước?
Khảo sát đối với thương hiệu vàng khác cũng tại ngày 22/12/2022, giá mua vào – bán ra của thương hiệu vàng Phú Quý chỉ nhỉnh hơn giá vàng thế giới 200.000 đồng/chỉ sau khi đã cộng các khoản thuế phí, nghĩa là giá vàng này tiệm cận với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, với vàng thương hiệu SJC và DOJI lại có một khoảng cách rất xa, trên 15 triệu đồng/lượng (?).
Quay lại thời điểm đầu năm 2022, giá SJC và DOJI liên tục tăng với tốc độ chóng mặt, phá vỡ kỷ lục 74 triệu đồng/lượng với những phiên biến động tăng tới 3 triệu đồng/lượng. Tuy tăng rất nhanh, nhưng giá vàng của hai thương hiệu này cũng giảm với mức “siêu tốc”, khiến người mua hôm trước đến hôm sau có thể lỗ 5 – 6 triệu đồng/lượng. Đặc biệt, có không ít phiên giao dịch, giá vàng SJC diễn biến trái chiều với giá vàng thế giới.
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, trọng tài viên Hội đồng Khoa học pháp lý, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, do chúng ta không khuyến khích, không mở cửa, không liên thông với vàng quốc tế. Đặc biệt là vàng SJC, từ năm 2012 đến giờ, Nhà nước chỉ đúc một lần duy nhất, từ đó đến nay không hề tăng bất cứ một miếng nào nữa, do đó nó trở thành quý hiếm, bị đẩy giá lên rất là cao.
Thị trường vàng trong nước đang bao gồm 2 sản phẩm chính là vàng SJC và vàng vật chất dưới dạng vàng trang sức, vàng đóng vỉ của các doanh nghiệp. 10 năm qua, vàng SJC luôn giữ ở mức giá cao hơn giá vàng thế giới. Ngân hàng Nhà nước ngoài việc quản lý cấp phép xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu, còn là đơn vị được Chính phủ giao cho tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng và chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia.
PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng.
PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng đánh giá: Thời gian vừa qua, với hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của NHNN rất linh hoạt và thận trọng, cộng với những biện pháp để chống tình trạng vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế, tác động cũng như biến động của thị trường vàng thế giới tác động tới thị trường vàng trong nước đã được giảm thiểu đi rất nhiều.
Tại các quốc gia trong khu vực như Ấn Độ, Trung Quốc hay Singapore, giá vàng trong nước chỉ chênh với giá vàng thế giới một vài USD/ounce, tương đương vài chục nghìn đồng Việt Nam mỗi lượng. Diễn biến giá vàng Việt Nam hiện phụ thuộc nhiều vào người bán khiến thị trường biến động khó lường. Vì vậy, một thị trường công khai, minh bạch, để tránh bị thao túng, lũng đoạn và kích thích buôn lậu phát triển là điều cần vào lúc này.
Ngày nay, xu hướng tích trữ đầu tư vàng được nhiều người ưa chuộng, bởi tính dễ dàng và khả năng sinh lời cao cho những đồng tiền nhàn rỗi. Tuy nhiên, việc khiến nhà đầu tư phân vân chính là nên mua vàng thương hiệu nào vì giá chênh lệch giữa các thương hiệu là quá lớn. Loại nào sẽ mang lại lợi nhuận tốt hơn? Ngoài mục đích sử dụng, mức giá cũng là yếu tố quan trọng giúp nhà đầu tư dễ dàng đưa ra quyết định nên mua vàng thương hiệu nào.
Văn Lập
————-
Tạp chí Kỹ thuật chống hàng giả & Gian lận thương mại 08-3-2023:
https://kythuatchonghanggia.vn/gian-lan-thuong-mai/bai-2-thuc-trang-thi-truong-vang-viet-nam-16691
(85/1.594) #SJC #Doji #NHNN