3.443. Nên sử dụng “đặc quyền 21 ngày” khi mua bảo hiểm nhân thọ

(TBTC) – Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 đã có điều khoản quy định rõ ràng về việc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ có thời hạn trên 1 năm được quyền cân nhắc trong vòng 21 ngày kể từ khi nhận được hợp đồng để đưa ra quyết định cuối cùng. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, khách hàng cần sử dụng triệt để đặc quyền này đã được pháp luật trao cho để bảo vệ quyền lợi của mình, tránh bị nhân viên ngân hàng ép mua bảo hiểm.

“21 ngày vàng” để “chốt đơn”

Theo thông lệ quốc tế về triển khai bảo hiểm nhân thọ, quy định về 21 ngày cân nhắc được quy định khá phố biến ở quy tắc điều khoản sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Việc quy định thời gian 21 ngày cân nhắc xuất phát từ đặc thù của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ là dài hạn và khách hàng phải xác định một nguồn tài chính ổn định để tham gia sản phẩm bảo hiểm, nhận quyền lợi bảo hiểm đã cam kết tại hợp đồng bảo hiểm. Do vậy, khoảng thời gian cân nhắc là 21 ngày sẽ giúp khách hàng đọc kỹ hợp đồng bảo hiểm, xác định quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan, đặc biệt là trao cho khách hàng quyền được huỷ bỏ hợp đồng và nhận lại khoản phí bảo hiểm đã đóng khi không có nhu cầu tham gia bảo hiểm.

Khách hàng có quyền từ chối ký hợp đồng bảo hiểm trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng. Ảnh: Duy Dũng

Tại Việt Nam, điều khoản về thời gian cân nhắc 21 ngày đều có ở các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thời hạn trên 1 năm. Quy định về thời gian cân nhắc đã chính thức được luật hóa tại Điều 35, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 (Luật KDBH) nhằm bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Ngoài ra, tại Điều 9 Luật KDBH quy định “Đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm” là hành vi bị nghiêm cấm; đồng thời Điểm i Khoản 1 Điều 25 Luật KDBH quy định về trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu “Hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị đe dọa, cưỡng ép”.

Cùng với đó, Điều 127 Bộ luật Dân sự quy định: “Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình”.

Đại diện lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cũng khẳng định, với mọi trường hợp, khi đại lý bảo hiểm đe dọa, cưỡng ép khách hàng mua bảo hiểm (hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, đại lý bảo hiểm là các ngân hàng thương mại) là vi phạm pháp luật quy định tại Bộ luật Dân sự, Luật KDBH và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Ưu tiên “đặc quyền 21 ngày” để bảo vệ

Trao đổi với báo giới, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, ngân hàng nắm giữ lượng lớn thông tin về những khách hàng có điều kiện kinh tế, nên rất dễ khai thác sản phẩm bảo hiểm do khách hàng đặt niềm tin lớn vào ngân hàng.

Với lợi ích lớn từ việc bán bảo hiểm, cộng với sức ép chỉ tiêu tăng trưởng, cho nên dẫn đến câu chuyện có việc “ép” khách mua. Vì vậy, “để xảy ra thực trạng này là lỗi của những ngân hàng đang hành xử theo kiểu “vì lợi nhuận mà sẵn sàng trái với đạo lý và chuẩn mực văn hóa kinh doanh”. Ngoài ra, không ít khách hàng hiểu biết chưa đầy đủ về các sản phẩm tài chính và quy định pháp luật, nên bị các tư vấn viên “dỗ ngọt”- Luật sư Trương Thanh Đức cho hay.

Để hạn chế tình trạng trên, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, các ngân hàng cần chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về kinh doanh bảo hiểm trong bối cảnh đã có quy định tương đối rõ về trách nhiệm và chế tài với các bên liên quan.

Về phía khách hàng, Luật sư Trương Thanh Đức khuyến nghị, người mua bảo hiểm cũng cần nắm rõ pháp luật và sản phầm dịch vụ để bảo vệ quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong các giao dịch với ngân hàng. “Khách hàng mua bảo hiểm cần đặc biệt lưu ý sử dụng một “vũ khí pháp luật rất lợi hại” mà pháp luật trao cho để bảo vệ mình – đó là quy định tại Điều 35 về “Thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm”, tại Luật KDBH: trong thời hạn 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe (loại có thời hạn trên 1 năm), bên mua có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cũng khuyến nghị, khách hàng đọc kỹ các thông tin gồm thời hạn hợp đồng, giá trị bảo vệ sinh mạng, sức khỏe để nhận biết giữa hợp đồng bảo hiểm với các dạng hợp đồng khác.

“Trong rất nhiều trường hợp nhân viên tư vấn thường tư vấn hợp đồng bảo hiểm nhân thọ dưới danh nghĩa là hợp đồng đầu tư làm khách hàng hiểu nhầm. Do đó, trong mọi trường hợp khi đến ngân hàng khách hàng cần chủ động ghi âm nội dung tư vấn, hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn tóm tắt nội dung tư vấn rồi ký tên vào phần tóm tắt đó để có căn cứ sau này xử lý vấn đề nếu phát sinh tranh chấp” – Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết.

Khách hàng có quyền khởi kiện ra tòa

Theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự: “Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu”. Đồng thời, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã quy định về thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm (Điều 35), hợp đồng bảo hiểm vô hiệu (Điều 25) và đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm (Điều 26). Như vậy, hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm. Các vụ việc tranh chấp liên quan đến hợp đồng bảo hiểm được giải quyết theo quy định pháp luật trên cơ sở thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm. Trường hợp không thống nhất thì sẽ được đưa ra tòa án có thẩm quyền. Việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Ngoài ra, các hành vi có dấu hiệu của tội phạm (giả mạo, chiếm đoạt, lừa đảo khách hàng …) vi phạm quy định tại Bộ luật Hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan cảnh sát điều tra theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự.

Duy Thái

—————–

Thời báo Tài chính (Bảo hiểm) 13-3-2023:

https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nen-su-dung-dac-quyen-21-ngay-khi-mua-bao-hiem-nhan-tho-123293.html

(345/1.289) #baohiem #nganhang

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,124