3.452. Đề xuất giãn trích lập dự phòng: Lo sức khỏe ngân hàng.

(ĐV) – LS Trương Thanh Đức bày tỏ nỗi lo lắng cho sức khỏe của các ngân hàng nếu tiếp tục gia hạn nợ, giãn trích lập dự phòng.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa có báo cáo tổng hợp các ý kiến phản ánh của các ngân hàng, đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét sửa đổi Thông tư 03/2021/TT-NHNN và đề xuất giải quyết theo hướng nới rộng, làm rõ hơn các quy định tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt khó do COVID-19.

Trong đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kiến nghị  NHNN kéo dài thời hạn trích lập dự phòng bổ sung từ 3 năm thành 5 năm để giảm tải áp lực tài chính, giúp các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực vừa phát triển kinh doanh, vừa triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng hiệu quả hơn.

Hiệp hội cũng đề nghị NHNN xem xét cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản giải ngân sau ngày 10/6/2020. Hoặc xem xét không quy định thời gian phát sinh nợ trước ngày 10/6/2020 mà chỉ quy định về thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi để đảm bảo chủ động, linh hoạt trong thực hiện, tránh phải sửa đổi nhiều lần trong trường hợp dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp sau thời điểm 31/12/2021.

Bên cạnh đó, các ngân hàng kiến nghị NHNN xem xét mở rộng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo hướng phù hợp với nguồn thu, dòng tiền của khách hàng cũng như mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trao đổi với Đất Việt, LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, Trọng tài viên kiêm thành viên Hội đồng Khoa học Pháp lý Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhắc lại quan điểm đã được ông nhiều lần nhấn mạnh  Thông tư 01 và Thông tư 03 của NHNN có mục tiêu hỗ trợ là cần thiết, rất cần phải giãn, hoãn, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Theo đó, tác dụng không chỉ cho phía doanh nghiệp, mà đồng thời cho cả ngân hàng, rộng ra là nền kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, xử lý như hai Thông tư này thì có nguy cơ gây nhầm lẫn, chủ quan, đánh giá không đúng bản chất, tính chất của nợ xấu, dẫn đến nguy cơ rất lớn cả về chất lượng tín dụng trong tương lai gần cũng như ý thức tuân thủ pháp luật. Từ đó, dễ đến nguy cơ xoá mất thành quả, công sức nhiều năm yêu cầu thực hiện phân loại nợ đúng; thực hiện đúng về trích lập và sử dụng dự phòng, đánh giá đúng chất lượng tín dụng, xác định đúng tình trạng rủi ro.

Với đề xuất lần này của các ngân hàng thông qua Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng vậy. Nếu như chấp thuận thì nguy cơ tiếp tục xảy ra: bức tranh nợ xấu không được phản ánh, đánh giá một cách chính xác và trung thực.

“Việc nào phải ra việc ấy. Việc hỗ trợ giảm lãi suất, giảm chi phí cho doanh nghiệp cần phải khuyến khích càng nhiều càng tốt, tuy nhiên không nên bắt buộc vì đó là câu chuyện của thị trường, của kinh doanh và giữa các đối tác với nhau, không thể dùng mệnh lệnh hành chính mà ép được. Mệnh lệnh hành chính chỉ nên áp dụng khi có các sai phạm xảy ra và dùng để xử lý, còn không tất cả phải sử dụng công cụ kinh tế”, LS Trương Thanh Đức nói, đồng thời dẫn câu chuyện giảm dự trữ bắt buộc làm ví dụ. Suốt nhiều năm, tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng Việt Nam ở mức quá thấp, vào loại thấp nhất thế giới, nếu bây giờ tiếp tục giảm nữa thì không đúng với nguyên lý kinh tế.

Trở lại với vấn đề, vị chuyên gia cho rằng, một khi đã trót rồi thì hoặc là dừng lại, hoặc là tiếp tục.

“Trước đây tình hình khó một đã chấp nhận giữ nguyên nhóm nợ, gia hạn thời gian trích lập dự phòng… bây giờ tình hình khó gấp năm, gấp mười, tương lai phía trước chưa biết ra sao. Nếu tiếp tục thì nguy cơ như đã nói ở trên, lợi nhuận, nợ xấu của ngân hàng không được nhìn nhận một cách đúng mức và càng mờ ảo. 

Việc ngân hàng báo lãi, lãi cao thực ra có tính chất chu kỳ. Vậy nên, tốt nhất cuối năm nay các ngân hàng không chia lãi, chấp nhận lãi thấp hơn thay vì có bao nhiêu chia bấy nhiêu, để rồi một, hai năm nữa lợi nhuận có thể về 0, thậm chí là âm”, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI nhận xét.  

 

Từ đây, LS Trương Thanh Đức đề nghị, các ngân hàng cần có sự đánh giá thật sự: ngân hàng nào có sức, giá cổ phiếu vẫn tốt thì hỗ trợ khách hàng, còn ngân hàng nào sau khi đánh giá xong mà nợ xấu 10%, thậm chí 20% thì tốt nhất là nên dừng lại, không đuổi theo tăng trưởng, không hỗ trợ người khác và phải sẵn sàng xử lý khi tình huống xấu xảy ra.

“Trong tình hình hiện nay có nguy cơ ngân hàng báo cáo tốt, miễn giảm lãi nhiều, hỗ trợ chống dịch tốt… nhưng thực ra không đủ năng lực, an toàn tối thiểu của ngân hàng cũng không đáp ứng được, không đảm bảo được thanh khoản. Khi ấy, tất cả những vấn đề như xây dựng hình ảnh, uy tín, thương hiệu không có nghĩa lý gì. Quan trọng nhất vẫn phải đảm bảo cho sự tồn tại, an toàn của ngân hàng, sau đó mới đến đẳng cấp, chất lượng, hỗ trợ người khác. Một khi ngân hàng đã yếu kém thì tốt nhất đừng bàn đến chuyện khác”, LS Trương Thanh Đức cảnh báo.

Vị chuyên gia cũng thừa nhận hiện có nhiều đề nghị từ phía doanh nghiệp khá… vô cớ, chẳng hạn như đề nghị ngân hàng phải miễn giảm lãi nhiều, cho vay nhiều, thậm chí kiến nghị NHNN lập đường dây nóng xử lý những ngân hàng không chịu miễn giảm lãi suất…

“Nếu theo logic cũ thì đề nghị ấy là đúng vì bây giờ tình hình khó khăn hơn mà không được hỗ trợ trước như trước, do đó bảo dừng lại thì không ổn. Vấn đề là thời điểm. 

Cho nên, trở lại với đề xuất của các ngân hàng, theo tôi, nên để một thời gian nữa, ít nhất là vài tháng thì lúc đó mới có hướng giải quyết. Chúng ta cần nhìn đường dài thay vì vài ba hôm lại đòi điều chỉnh chính sách”, LS Trương Thanh Đức kết luận.

Thành Luân


Đất Việt (Kinh tế) 10-8-2021:

https://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/tai-chinh/de-xuat-gian-trich-lap-du-phong-lo-suc-khoe-ngan-hang-3437008/

(930/1.218)

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,738