3.454. Sau một lần vay tiền từ công ty tài chính, khách “cạch đến già”.

(LĐ) – Nhiều khách hàng khẳng định “cạch đến già”, không dám vay tiền với mức lãi cao của các công ty tài chính lần thứ 2. Giới luật sư cũng đưa ra khuyến cáo, người dân cần thận trọng khi vay tiền từ những công ty này vì càng dễ đi vay thì càng khó trả nợ.

Vay càng dễ, trả càng khó

Sau loạt bài phản ánh tình trạng người dân bị tấn công mạng vì quen người vay tiền từ các công ty tài chính, nhiều người dân đã liên hệ thông tin thêm với PV Lao Động.

Việc đăng ký vay tiền của các công ty, ứng dụng cho vay tiền không cần thế chấp rất đơn giản.

Theo đó, người vay chỉ cần cung cấp số chứng minh thư nhân dân, số điện thoại và Facebook chính chủ là có thể vay tiền. Tùy vào mức vay, một số đơn vị có thể yêu thêm các giấy tờ bổ sung như sao kê tài khoản ngân hàng, bảng lương nơi đang làm việc, các giấy tờ điện nước do người vay đứng tên hoặc bảo hiểm nhân thọ…

Tuy đăng ký thủ tục vay tiền đơn giản, nhưng nhiều “thượng đế” khẳng định không dám vay tiền từ các công ty tài chính này lần thứ 2 vì quá sợ hãi cách đòi tiền “bất chấp”.

“Tôi vay tiền của Công ty Mirae Asset, phương thức vay rất đơn giản, không cần cung cấp nhiều giấy tờ. Tuy biết mức lãi suất như vậy là cao nhưng do túng quẫn không tìm ra cách xoay sở nên tôi đành vay. Có vay thì có trả, nhưng khi có trục trặc, họ bán ngay hồ sơ của tôi cho bên thứ 3 (Công ty mua bán nợ DSP). Sau đó, không chỉ người nhà, ngay cả người quen nơi tôi làm việc cũng bị gọi điện đòi tiền, gây áp lực.

Thậm chí có người còn gọi điện yêu cầu, bêu riếu, vu khống để gây sức ép bắt lãnh đạo của tôi và gia đình họ phải trả tiền thay. Giải quyết được hết khoản nợ này, đến già tôi cũng không có ý định vay lại. Những người chưa vay, tôi cũng khuyên là không nên vay vì khi giải quyết được khó khăn nhỏ trước mắt thì sẽ vướng vào khó khăn gấp nhiều lần”, anh Nguyễn Văn.N (một người từng vay tiền tại Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset – MAFC) chia sẻ.

Chỉ cần một số thông tin cơ bản để đăng ký vay tiền của Công ty Mirae Asset. Ảnh chụp màn hình.

Trong vai trò là người cần vay tiền, PV đã chủ động liên hệ vay với một số đơn vị cho vay để tìm hiểu. Thông qua điện thoại, nhân viên tư vấn khách hàng của trang web Tiền Ơi? cho biết, đơn vị này có thể cho khách hàng vay khoản tiền từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng chỉ với ảnh chụp chứng minh thư nhân dân kèm tài khoản ngân hàng và facebook chính chủ.

Nhân viên này tư vấn, thời hạn vay là 7 đến 30 ngày với mức lãi suất 9.000 đồng/ngày/1 triệu đồng. Tức là nếu vay 10 triệu đồng, người mua sẽ phải trả mức tiền lãi lên tới 90.000 đồng/ngày. Sau 1 tháng, người vay tiền phải trả khoản lãi lên tới 2,7 triệu đồng.

Còn theo nhân viên tư vấn của MAFC, thủ tục để vay tiền của công ty này cũng rất đơn giản. Sau khi khách hàng đăng ký thành công, nhân viên sẽ chủ động liên hệ lại để tư vấn. Mức lãi suất đơn vị này áp dụng sẽ tùy theo gói khách hàng vay. Từ một số hợp đồng khách hàng đã vay, mức lãi suất của đơn vị này quanh ngưỡng 55%/năm trở lên.

Thận trọng khi vay tiền công ty tài chính

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, với các khoản cho vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm thì lãi suất cao chính là một dạng bảo đảm, bởi chỉ cần thu được một nửa số lãi cũng đã mang lại lợi nhuận cho các tổ chức tài chính. 

“Họ đã tính xác suất nợ xấu của các khoản cho vay, tính toán chi phí, rủi ro, lợi nhuận vào giá thành – từ đó xây dựng khung lãi suất. Tại sao có những công ty tài chính cho vay tiêu dùng với lãi suất cao như thế? Bởi, với lãi suất ấy, nếu có mất 1/5 thì có khi vẫn có lãi. Cho nên với các khoản vay tín chấp mà không đòi được nợ, sau một thời hạn, bên cho vay sẽ lẳng lặng “xóa nợ” và không được thông báo cho khách hàng. Bao giờ khách hàng có khả năng trả nợ thì họ lại thu, còn không thì sẽ sử dụng nguồn trích lập dự phòng xử lý rủi ro”, ông Đức phân tích. 

Có ý kiến cho rằng nhiều nước đã hình thành được thị trường mua – bán nợ, trong đó có cả nợ tốt và nợ xấu, ông Đức cho biết, đó đều là các thị trường tài chính văn minh, sòng phẳng, có nhiều kỹ thuật và nhiều biện pháp thực thi, trong đó có dịch vụ đòi nợ thuê. 

Nếu muốn tham gia vào thị trường mua – bán nợ chuyên nghiệp, các công ty phải có năng lực rất đặc biệt để có thể gây sức ép với con nợ và thúc đẩy nhiều thủ tục hành chính, pháp lý. Trong trường hợp không phải là mua bán nợ thực chất thì các công ty mua – bán nợ không cần phải có vốn lớn, bởi họ có thể bắt tay nhau mua chịu khoản nợ, khi đòi được nợ đến đâu thì trả đến đó. Nếu không đòi được thì có thể thỏa thuận trả lại hay bán lại như chưa hề có việc mua bán trước đó. 

Vì vậy, Giám đốc Công ty Luật ANVI khuyến cáo, khách hàng vay nợ, nhất là vay tiêu dùng cần hết sức cân nhắc cụ thể lãi suất, số tiền lãi, kỳ hạn trả nợ và đừng quên rằng, càng dễ đi vay thì càng khó trả nợ.

PHAN ANH

Lao Động (Tiền tệ và Đầu tư) 12-8-2021:
https://laodong.vn/tien-te-dau-tu/sau-mot-lan-vay-tien-tu-cong-ty-tai-chinh-khach-cach-den-gia-940702.ldo

(414/1.091)                                                                         

 

 

 

Bài gốc sửa phỏng vấn:

Nắm dao đằng lưỡi, người vay không dễ bỏ nợ chạy lấy người

Thời gian qua Báo Lao Động nhận được phản ánh về việc chủ một doanh nghiệp tại Hải Phòng bị tấn công mạng vì có nhân viên vay tiền của Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset (Công ty Mirae Asset).

Nhân viên này cho biết, vì không thể chấp nhận mức lãi suất lên tới 55,76%/năm do Công ty Mirae Asset đề ra nên muốn thanh toán toàn bộ số tiền hợp đồng thay vì trả từng tháng. Sau đó do không đạt thỏa thuận, nhân viên này dừng nộp tiền, dẫn đến việc Công ty Mirae Asset bán hồ sơ nợ cho bên thứ 3 là Công ty Mua bán nợ DSP.

Để tìm hiểu phản ánh, PV đã liên hệ với Công ty Mirae Asset, tuy nhiên đơn vị này cho biết đang trong quá trình xác minh và chưa có phản hồi. Trao đổi về mức lãi suất trên, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, những người tìm đến các tổ chức tài chính vay mượn thì đa số không thể vay ngân hàng và có nhu cầu cấp thiết về tài chính, dẫn đến dễ chấp nhận mức lãi suất cao. Cùng với đó, vấn đề lãi suất của nước ta còn nhiều bất cập.

“Tại Việt Nam, công ty tài chính hợp pháp có thể cho vay với lãi suất trên 100%/năm, tức cao hơn mức lãi suất phạm tội cho vay lãi nặng theo Bộ luật Hình sự, vì không áp dụng trần lãi suất đối với các tổ chức tín dụng. Đề nghị giảm lãi trong trường hợp này hoàn toàn là theo thỏa thuận, thương lượng, chứ theo luật thì lãi cao bao nhiêu người dân vẫn phải chịu, kể cả sau khi khoản nợ đã được bán cho người khác. Sự thật hiện nay các tổ chức tài chính này cho vay các khoản nhỏ lẽ với mức lãi suất lên tới 60 – 80% là bình thường, trong khi đó các khoản vay ngoài tổ chức tín dụng không được phép quá 20%. Nếu khoản vay bị kéo dài thì tổng lãi có thể tăng gấp vài lần so với số tiền vay. Cực kỳ bất công, ngang trái giữa các loại hình cho vay, nhưng người dân không thể cãi lý được.

Tôi đã có nhiều năm góp ý, đề xuất để hoàn thiện luật liên quan đến vấn đề này, nhưng vẫn chưa được. Bây giờ lĩnh vực ngân hàng được hiểu là vượt ra khỏi phạm vi Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, lãi suất bao nhiêu là tùy. Lâu nay, ngân hàng cứ được quyền vượt trần lãi suất chung. Nghị quyết 01/2029/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán – Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn chính thức. Nguồn gốc sâu xa là quy định bất cập của Bộ luật Dân sự về lãi suất”, luật sư Trương Thanh Đức nói.

Mua bán nợ hay hợp pháp hóa dịch vụ đòi nợ thuê?

Hiện nay, không khó để tìm kiếm một tổ chức tài chính để vay tiền khi người dân gặp khó khăn. Nhiều tổ chức tín dụng thậm chí cho vay không cần thế chấp với mức lãi suất cao, rồi bán lại cho bên thứ 3 để đòi nợ khi gặp trường hợp khó đòi.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, việc hình thành thị trường mua bán nợ tiêu dùng một cách chuyên nghiệp.

“Các tổ chức tín dụng bán hồ sơ nợ, về bản chất là bán quyền đòi nợ. Nợ nào cũng có khả năng bán, 1% cũng là khả năng nhưng chi phí để đòi nợ mới là quan trọng. Bởi, bình thường nợ xấu thì có thể bán được với giá bằng 50 – 70% giá gốc. Còn nợ đã không có khả năng thu hồi lại không có tài sản bảo đảm thì bán với giá một vài chục phần trăm may ra có người mua. Tổ chức tín dụng là chuyên nghiệp về cho vay và đòi nợ mà còn không đòi nợ được thì người khác sao đòi được? Nên rất hiếm người đi mua nợ xấu về để “rước nợ” vào thân”, ông Đức nói.

Do vậy, Giám đốc Công ty Luật ANVI đặt giả thiết, việc rao bán các khoản nợ không có tài sản bảo đảm lẽ chỉ là một cách “lách” đòi nợ thuê khi dịch vụ này đã bị cấm. Hầu hết các công ty đòi nợ thuê sau khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực không giải thể mà chuyển đổi hoạt động sang mua bán nợ để hợp pháp hóa.

Cũng theo luật sư Đức, việc mua – bán nợ chỉ khả thi và hợp lý với những vụ mua bán tài sản hay thông qua mua – bán nợ để tham gia cơ cấu doanh nghiệp nhưng trên cơ sở phải có tài sản bảo đảm liên quan tới đất đai nhà cửa, dự án, nhà máy xí nghiệp, cổ phần, cổ phiếu,

Còn với các khoản cho vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm, thì lãi suất cao chính là một dạng bảo đảm bởi chỉ cần thu được một nửa số lãi thì cũng đã mang lại lợi nhuận cho các tổ chức tài chính.

“Họ đã tính xác suất nợ xấu của các khoản cho vay, tính toán chi phí, rủi ro, lợi nhuận vào giá thành – từ đó xây dựng khung lãi suất. Tại sao có những công ty tài chính cho vay tiêu dùng với lãi suất cao như thế? Bởi, với lãi suất ấy, nếu có mất 1/5, thì có khi vẫn có lãi. Cho nên với các khoản vay tín chấp mà không đòi được nợ, thì sau một thời hạn, bên cho vay sẽ lẳng lặng xóa nợ và theo quy định là không được thông báo cho khách hàng. Bao giờ khách hàng có khả năng trả nợ thì họ lại thu, còn không thì sẽ sử dụng nguồn trích lập dự phòng xử lý rủi ro”, ông Đức phân tích.

Có ý kiến cho rằng nhiều nước đã hình thành được thị trường mua – bán nợ, trong đó có cả nợ tốt và nợ xấu, ông Đức cho biết, đó đều là các thị trường tài chính văn minh, sòng phẳng, có nhiều kỹ thuật và nhiều biện pháp thực thi, trong đó có dịch vụ đòi nợ thuê.

Nếu muốn tham gia vào thị trường mua – bán nợ chuyên nghiệp các công ty phải phải có năng lực rất đặc biệt để có thể gây sức ép với con nợ và thúc đẩy nhiều thủ tục hành chính, pháp lý. Trong trường hợp không phải là mua bán nợ thực chất, thì các công ty mua – bán nợ không cần phải có vốn lớn, bởi họ có thể bắt tay nhau mua chịu khoản nợ, khi đòi được nợ đến đâu thì trả đến đó. Nếu không đòi được thì có thể thỏa thuận trả lại hay bán lại như chưa hề có việc mua bán trước đó.

vậy khách hàng vay nợ, nhất là vay tiêu dùng cần hết sức cân nhắc cụ thể lãi suất, số tiền lãi, kỳ hạn trả nợ và đừng quên rằng,  càng dễ đi vay thì càng khó trả nợ.

(1257)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,980