3.455. Quy định hợp lý, người dân sẽ đồng thuận.

(ND) – Việc áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt nhằm phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả là hết sức cần thiết, song nhiều văn bản hướng dẫn ban hành có phần vội vã đã gây ra những khó khăn, bức xúc nhất định cho người dân và doanh nghiệp. Luật sư Trương Thanh Ðức, Giám đốc Công ty Luật ANVI (Hà Nội) đã dành cho Nhân Dân cuối tuần cuộc trao đổi chung quanh vấn đề này.

– Thưa ông, từ góc độ pháp lý, có thể nhìn nhận thế nào quanh câu chuyện “giấy đi đường” đang rất nóng ở Hà Nội trong mấy ngày đầu tuần này?

– Sáng 10/8, Văn phòng Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã phát đi thông báo về việc làm rõ một số nội dung trong Công văn số 2562/UBND-KT ngày 7/8/2021 của UBND thành phố, theo đó người đi đường chỉ cần xuất trình giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu) kèm theo Giấy đi đường, không cần xác nhận của UBND phường. Trước đó, người dân và đại diện doanh nghiệp đã rất bất ngờ và vội vã đi xin xác nhận theo tinh thần Công văn số 2562/UBND-KT, gây ra sự ùn ứ quá tải ở các trụ sở UBND phường.

Tôi nghĩ, văn bản ngày 10/8 thể hiện thái độ cầu thị rất kịp thời của chính quyền Hà Nội. Văn bản này, cũng như Công văn số 2562/UBND-KT trước đó chỉ có tính chất hướng dẫn, điều hành, chứ không phải văn bản quy phạm pháp luật. Mặc dù xuất phát từ chủ trương kiểm soát chặt chẽ, không để dịch bệnh lây lan phức tạp, nhưng việc điều chỉnh ngay sau khi phát hiện ra quy định không phù hợp, gây khó khăn và rủi ro cho người dân là đúng đắn, đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng cần hết sức tránh việc ban hành những chính sách đột ngột, không để đối tượng chịu sự điều chỉnh (trong trường hợp này là rất rộng, liên quan đến hàng triệu người dân) có thời gian và tâm thế chuẩn bị. Chủ nhật quy định, mà đầu buổi sáng thứ hai đã phải có xác nhận của UBND để được đi làm, thì không có cách nào để tuân thủ ngay được.

Cơ quan ban hành đã không lường trước được sự tác động của những biện pháp hạn chế quyền tự do đi lại, quyền làm việc, quyền tự do kinh doanh và một số quyền con người, quyền công dân khác. Dù là hướng đến mục tiêu đặc biệt quan trọng là ngăn ngừa hạn chế dịch bệnh vô cùng nguy hiểm lây lan, nhưng đây là những biện pháp vốn chỉ được áp dụng theo quy định của luật theo khoản 2, Ðiều 14, Hiến pháp năm 2013. Ðáng lưu ý là, dù việc chống dịch vô cùng cấp bách, nhưng hiện nay chúng ta mới chỉ công bố dịch chứ chưa ban bố “tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh” (kể cả phạm vi cục bộ) nên chưa áp dụng được các hạn chế dựa theo căn cứ pháp lý tình trạng khẩn cấp.

– Tuy nhiên, lúc này Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng một số nội dung khác luật, thưa ông?

– Các Nghị quyết đó chỉ ủy quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà chưa giao cho chính quyền địa phương áp dụng những chính sách khác luật và khác với Chính phủ. Vẫn có quá nhiều quy định của các ngành, các địa phương đang chồng chéo, thiếu thống nhất và chưa rõ về cơ sở pháp lý. Thẳng thắn mà nói, thời gian qua có nơi, có lúc đã ngăn sông, cấm chợ và cách ly vô lý, làm phân tán nguồn lực, nên dẫn đến chưa quan tâm hết được những chỗ nguy cơ thật sự cần tập trung cứu chữa, phòng ngừa.

Cần phải khẳng định rằng, trong mọi hoàn cảnh, dù thiên tai, dịch bệnh hay tình trạng khẩn cấp khác, cũng đều phải tuân thủ pháp luật và pháp luật cũng đều đã có quy định cụ thể hoặc dự phòng để xử lý. Ðó chính là một nguyên tắc cơ bản của một “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” đã được xác định tại Ðiều 2 của Hiến pháp.

– Vậy, cần phải tiếp tục làm gì để hoàn thiện cơ sở pháp lý phòng, chống đại dịch, thưa ông?

– Mặc dù hệ thống pháp luật hiện hành cũng đã quy định những nguyên tắc, cách thức xử lý trong phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là về thẩm quyền ban hành quy định; thế nhưng, tôi nghĩ vẫn phải tiếp tục củng cố cơ sở pháp lý một cách chính quy, bài bản hơn để điều chỉnh hoạt động phòng, chống dịch một cách thống nhất, minh bạch và hiệu quả. Ðiều 146, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 cũng đã quy định rõ việc ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, đã qua hơn một năm rưỡi kể từ khi dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ đời sống kinh tế – xã hội, chúng ta đã chưa tận dụng tốt thời gian, chưa chú trọng đúng mức đến yêu cầu trên; vì thế mà vẫn có tình trạng các địa phương ban hành những quy định quá khác nhau và chưa phù hợp với luật!

Ði vào cụ thể thì cần tiếp tục xem xét ban hành, sửa đổi, bổ sung và cụ thể hóa các văn bản liên quan phòng, chống dịch hiện nay còn thiếu hoặc chưa rõ ràng nhiều nội dung so với đòi hỏi thực tế, như quy định về phân biệt giữa “giới nghiêm”, “phong tỏa”, “cách ly” và “giãn cách xã hội”; về phong tỏa cục bộ; về cách ly tại nhà cùng với người khác, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu (khác với luật trong quản lý giá và bảo vệ người tiêu dùng), về cam kết tham gia tiêm phòng, về cứu trợ trong hoàn cảnh dịch bệnh,…

– Xin cảm ơn ông!

ANH THƯ (thực hiện)

Nhân Dân cuối tuần (Thời sự Chính trị) 12-8-2021:

https://nhandan.vn/thoi-su-chinh-tri/quy-dinh-hop-ly-nguoi-dan-se-dong-thuan-659811/

 

(953/1.102)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.370. Vực dậy sau bão số 3: Cần quyết sách mạnh mẽ...

Cần quyết sách mạnh mẽ trong hỗ trợ vốn. (TT) -  Cơn bão Yagi đã tàn...

Trích dẫn 

3.884. Đánh thuế bất động sản thứ hai: Lo tác...

Đánh thuế bất động sản thứ hai: Lo tác dụng ngược ngay lập tức. (VNF) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 227,012