3.468. Thận trọng khi ký hợp đồng bảo hiểm

(ĐĐK) – Những ngày qua, lùm xùm từ việc giao kết hợp đồng bảo hiểm của bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (diễn viên Ngọc Lan) với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MVI (Công ty MVI) khiến nhiều người giật mình. Vì sao?

Ảnh minh họa.

Nguồn cơn và diễn biến sự việc

Tối 7/4, khi livestream, nữ diễn viên Ngọc Lan đã khóc nức nở kể rằng cô và con trai có tham gia đóng bảo hiểm với mức chi phí là 700 triệu đồng/năm với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MVI. Hợp đồng mà cô đã ký có thời hạn 74 năm, con trai là 42 năm.

3 năm trước, nữ diễn viên đã mua bảo hiểm với mong muốn sau 10 năm được nhận về số tiền gần 10 tỷ đồng (7 tỷ đồng tiền gốc và 3 tỷ đồng tiền lãi) theo lời nhân viên tư vấn. Tuy nhiên, sau khi phát sinh một số vấn đề, cô đã đến công ty bảo hiểm và cho rằng mình đã bị lừa trong quá trình làm hợp đồng.

Ngày 10/4, Bộ Tài chính có công văn gửi Công ty MVI yêu cầu rà soát các thông tin về hợp đồng bảo hiểm giao kết với diễn viên Ngọc Lan và quá trình tư vấn của đại lý bảo hiểm. Đồng thời xem xét trách nhiệm của đại lý bảo hiểm trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật trong việc thực hiện hoạt động theo ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm.

Tới ngày 12/4, phía Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ MVI (MVI Life) đã gửi báo cáo về vụ việc mua bảo hiểm của diễn viên Ngọc Lan. Báo cáo được gửi về Văn phòng Bộ Tài chính.

Tại thời điểm này, câu chuyện vẫn chưa có hồi kết, với nhiều ý kiến tranh luận khác nhau. Trong đó, một luồng ý kiến cho rằng “bút sa gà chết”, nên khi gặp sự cố thì diễn viên Ngọc Lan phải chịu. Luồng ý kiến khác cho rằng do nhân viên tư vấn lừa gạt để người mua bảo hiểm ký kết, nên diễn viên Ngọc Lan có thể khởi kiện ra tòa để đòi lại quyền lợi của mình.

Diễn viên Ngọc Lan (sinh năm 1985) là một nữ diễn viên điện ảnh – truyền hình, kịch nói, người dẫn chương trình; nổi bật với vai diễn trong phim “Kiều nữ và đại gia”. Cô cũng đã đoạt được nhiều giải thưởng, trong đó có giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất trong liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2013; Nữ diễn viên chính xuất sắc phim truyện truyền hình, năm 2014; Nữ diễn viên điện ảnh được yêu thích nhất (đề cử năm 2016); Nữ ngôi sao phim ảnh (năm 2021); Diễn viên truyền hình nổi bật của năm (năm 2022)…

Không chỉ quyền lợi mà còn điều khoản ràng buộc

Thời gian qua, việc mua bảo hiểm nhân thọ được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ việc mình đang làm. Không ít người còn nhầm tưởng đó là hình thức gửi tiết kiệm lãi suất cao, khi ốm đau bệnh tật sẽ được điều trị chu đáo không mất tiền.

Tuy nhiên, khó khăn đầu tiên mà người mua bảo hiểm nhân thọ phải đối diện đó là hồ sơ của phía công ty bảo hiểm. Có công ty soạn thảo hợp đồng dài tới cả trăm trang, ngay cả giới tài chính, những người có học hàm, học vị khi tiếp cận cũng không thể hiểu hết. Chính vì vậy, người mua bảo hiểm sau khi được tư vấn, “bùi tai” đã không đọc, hoặc chỉ đọc lướt qua, không hiểu các điều khoản trong hợp đồng nhưng vẫn ký.

Cần phải biết rằng, giao dịch tài chính luôn là giao dịch khó nhất, chỉ cần một từ “lắt léo” trong hợp đồng đến khi xảy ra tranh chấp thì khách hàng cũng thua.

Đáng chú ý, với những bản hợp đồng soạn sẵn hết sức phức tạp khiến người mua bảo hiểm choáng váng nhưng thường thì khách hàng chỉ nhận được tư vấn một phần sự thật, những điều tốt đẹp thì chỉ ra, còn phức tạp thì nói ít hoặc không đề cập. Nói như Luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật ANVI) chính vì thế doanh nghiệp bảo hiểm cần phải tử tế, có đạo đức, văn hóa kinh doanh.

Ở góc độ người mua bảo hiểm, trong hầu hết các trường hợp chỉ quan tâm tới quyền lợi mà không để ý tìm hiểu những điều khoản, điều kiện ràng buộc. Trong khi đó những điều khoản này sẽ quyết định việc người tham gia có được nhận quyền lợi hay không khi sự kiện bảo hiểm xảy ra. Ít nhất cũng phải nắm rõ thời gian bao nhiêu năm, được hưởng quyền lợi, trách nhiệm gì, khi không tiếp tục đóng tiền khi hợp đồng chưa kết thúc sẽ thế nào…

Còn phía nhân viên tư vấn, nếu “xấu che, tốt khoe”, không tư vấn rõ ràng cho người mua bảo hiểm, thì có thể xếp vào tội lừa đảo. Phía doanh nghiệp bảo hiểm cũng có lỗi nghiêm trọng khi không chăm sóc, kiểm tra lại hợp đồng của khách hàng.

Trước khi kí kết, người mua bảo hiểm cần làm gì?

Như đã nói, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ quá dài nên thường khách hàng “đọc không xuể” và chủ yếu đặt niềm tin vào tư vấn viên và công ty bảo hiểm. Bên cạnh đó còn có hợp đồng bảo hiểm online, khách hàng chỉ cần trả lời một số câu hỏi và những nội dung hợp đồng đều được thể hiện để tham khảo.

Trong khi đó, lãnh đạo một công ty bảo hiểm tại TPHCM cho biết sở dĩ hợp đồng bảo hiểm dài là do bộ quy tắc bảo hiểm, bao gồm những điều khoản bảo hiểm, luật bảo hiểm… khách hàng có đọc hay không cũng không quan trọng, chỉ cần một tờ giấy chứng nhận bảo hiểm tóm tắt đầy đủ nội dung bảo hiểm mà doanh nghiệp đã áp dụng là đủ.

Đó là cách nói của doanh nghiệp bảo hiểm. Còn trên thực tế, để tránh rủi ro khi người mua bảo hiểm không thể đọc hết cũng không thể hiểu hết những chi tiết “lắt léo” của hợp đồng thì cách tốt nhất là phải nhờ luật sư tư vấn; không nên đặt hết niềm tin vào nhân viên tư vấn bảo hiểm, vì họ cũng chỉ cần “chốt” được bảo hiểm là xong.

Như vậy, trước khi kí kết người mua bảo hiểm nhân thọ ít nhất cũng phải làm 3 việc. Đó là: Đọc kĩ hợp đồng; đặt câu hỏi cho nhân viên tư vấn, đại lý; và tìm kiếm tư vấn từ phía luật sư.

Trường hợp của diễn viên Ngọc Lan, nếu hai bên không thương lượng, thỏa thuận được về việc giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm, thì có thể khởi kiện ra tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng. Điều 15 của Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định, bảo hiểm tự nguyện bao gồm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm về sức khỏe, bảo hiểm về tài sản, bảo hiểm về thiệt hại và bảo hiểm về trách nhiệm. Trong trường hợp này, khách hàng đang cho rằng mình bị người tư vấn bảo hiểm lừa. Tuy nhiên, khi tranh chấp xảy ra, khách hàng phải chứng minh rằng mình bị lừa bằng các chứng cứ hợp pháp thì cơ quan chức năng mới có thể thừa nhận. Nếu trong trường hợp hợp đồng có hiệu lực pháp luật, không chứng minh được yếu tố lừa, không trái đạo đức xã hội và các chủ thể đều thỏa mãn các điều kiện, thì lúc đó phần thua thiệt thuộc về khách hàng khi khách hàng đã không đọc kỹ bảo hiểm trước khi ký.

Nhóm PV

———-

Đại đoàn kết (Xã hội) ngày 14-4-2023:

http://daidoanket.vn/than-trong-khi-ky-hop-dong-bao-hiem-5715067.html

(173/1.388) #BHNT #Baohiem #MVI #NgocLan

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường...

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường xăng dầu? (NLĐ) - Đề...

Trích dẫn 

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ...

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,585