3.469. 1,9 kg giấy tờ sao kê tài khoản của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng: 3 khả năng rò rỉ thông tin từ ngân hàng.

(DV) – Sau khi bà Nguyễn Phương Hằng tuyên bố, đang giữ khoảng 1,9 kg giấy tờ sao kê tài khoản của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khiến nhiều người đặt ra nghi vấn có hay không việc ngân hàng đã làm rò rỉ thông tin của khách hàng, và trách nhiệm của ngân hàng đến đâu nếu như thực tế đúng như những gì bà Hằng tuyên bố?

Theo như livestream của bà Nguyễn Phương Hằng (vợ ông Huỳnh Uy Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) chia sẻ về số tiền từ thiện của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, người phụ nữ này cho biết đang giữ khoảng 1,9 kg giấy tờ sao kê tài khoản với số tiền lên đến 96 tỷ đồng, chứ không phải 1,8 tỷ đồng mà ca sĩ này công bố trước đó.

Bà Hằng cho biết trong một tuần nữa Đàm Vĩnh Hưng không công khai bản sao kê tổng số tiền từ thiện anh nhận được, bà sẽ tung bằng chứng và nhờ pháp luật can thiệp.

Dù sự việc chưa “ngã ngũ” xong lại làm dấy lên lo ngại về việc rò rỉ thông tin tài khoản ngân hàng của khách hàng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng). Rất nhiều người đặt câu hỏi, liệu bà Phương Hằng có bảng sao kê tài khoản của Đàm Vĩnh Hưng hay không? Nếu có, thì từ nguồn nào? Có bị rò rỉ từ phía ngân hàng hay không? Việc công bố tài khoản sao kê của bà Hằng có vi phạm pháp luật?

Đàm Vĩnh Hưng lên tiếng trước lùm xùm bị bà Phương Hằng tố không minh bạch từ thiện. (Ảnh: Cắt từ clip Đàm Vĩnh Hưng Official)

 

Vụ sao kê tài khoản ngân hàng của ca sĩ Đàm Vình Hưng: 3 khả năng “rò rỉ” thông tin

Theo giới luật sư, việc làm lộ thông tin tài khoản của khách hàng là vi phạm nghiêm trọng quy định và đạo đức của lĩnh vực tài chính. Tài khoản ngân hàng của cá nhân nếu bị lộ ra ngoài thì đây là vấn đề khá nghiêm trọng, vì nó không những giữa hai cá nhân mà còn là vấn đề về an ninh hệ thống ngân hàng.

Đối với trường hợp kể trên, trao đổi với Dân Việt, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, “vụ này chưa biết thực hư thế nào nhưng tương quan giữa số tiền 96 tỷ và số cân tài liệu (gần 2kg) rất có lý, khó có thể bịa ra được”.

Chia sẻ về khả năng lộ thông tin khách hàng, theo luật sư Đức có 3 khả năng.

Khả năng thứ nhất, đó là nhân viên ngân hàng “tuồn” thông tin khách hàng ra ngoài, làm lộ thông tin của khách hàng. Đây là sai phạm khá nghiêm trọng nhưng xác suất xảy ra thấp nhất, thậm chí bằng 0.

Khả năng thứ 2 đó là do cá nhân (nhân viên ngân hàng, khách hàng) sơ suất bị lộ thông tin tài khoản ngân hàng. 

Khả năng lớn nhất là tin tặc xâm nhập hệ thống ngân hàng, tất nhiên cũng có thể do hệ thống ngân hàng không được tốt, tạo điều kiện cho tin tặc xâm nhập. Nhưng đây là vấn đề rất khó tránh khỏi vì Bộ Quốc phòng Mỹ hay Chính phủ vẫn còn bị tin tặc xâm nhập. 

 

Ngân hàng phải có trách nhiệm, khách hàng có thể kiện nếu ngân hàng làm lộ thông tin

Theo ông Đức, trường hợp nhân viên ngân hàng làm do cố ý hay sơ ý làm lộ thông tin khách hàng thì trách nhiệm chính thuộc về cá nhân. Tuy nhiên ngân hàng cũng phải đồng trách nhiệm, cũng giống câu chuyện mất tiền của khách hàng, cá nhân đi tù nhưng ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm.

Trong trường hợp do hệ thống bảo mật chưa tốt bị tin tặc xâm nhập đương nhiên ngân hàng phải có trách nhiệm. Hơn nữa, dù trong bất cứ khả năng nào sự việc này đều ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng, lòng tin của khách hàng.

Hành vi của cá nhân làm lộ hoặc cung cấp thông tin khách hàng không đúng quy định thì có thể bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng theo quy định tại Điều 47 Vi phạm quy định về chế độ báo cáo, quản lý và cung cấp thông tin”, Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng”. Đối với tổ chức vi phạm thì phạt gấp 2 lần mức này.

Bên cạnh đó, khách hàng bị lộ thông tin có quyền đề nghị cơ quan chức năng xử lý cá nhân gây lộ lọt thông tin, thậm chí là kiện ngân hàng, đòi bồi thường về tinh thần lẫn vật chất do hành vi bị lộ thông tin tài khoản gây nên. 

Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, ngân hàng là một trong những ngành có hệ thống bảo mật nghiêm ngặt nhất hiện nay.

Tại các ngân hàng sẽ có sự phân cấp quyền truy cập vào xem tài khoản các các khách hàng, đặc biệt là với nhóm khách hàng VIP những người có thể xem được sẽ không nhiều.

Hơn nữa, các dấu vết truy cập của nhân viên ngân hàng để xem thông tin tài khoản ngân hàng của khách hàng sẽ được lưu trên hệ thống. Vì vậy, nếu có sự thông đồng, câu kết với nhân viên ngân hàng để lộ thông tin tài khoản cá nhân của khách hàng cũng dễ dàng điều tra phát hiện.

Theo luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Đồng thời, ngân hàng không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

H.Anh

———–

Dân Việt (Kinh tế) 26-8-2021:

https://danviet.vn/19-kg-giay-to-sao-ke-tai-khoan-cua-ca-si-dam-vinh-hung-3-kha-nang-ro-ri-thong-tin-tu-ngan-hang-20210828114244986.htm

(473/1.117)

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,738