3.485. Có nên đưa hoạt động thu hồi nợ quay trở lại?

(CL) – Mới đây, tại buổi tọa đàm “Thực trạng và giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam”, vấn đề pháp lý liên quan đến việc thu hồi nợ và hoạt động của công ty cầm đồ lại được đưa ra tranh luận với nhiều ý kiến khác nhau.

Cần có quy định thu hồi nợ phù hợp

Tại cuộc hội thảo, các chuyên gia nhận định, với dân số 100 triệu người, độ tuổi trung bình trẻ (33,7 tuổi), Việt Nam được xem là một trong những quốc gia có ngành tài chính tiêu dùng giàu tiềm năng.

Ghi nhận thực tế cho thấy nhu cầu vay tiêu dùng cần thiết cấp bách của người dân, đặc biệt là những người yếu thế khó có thể tiếp cận vốn từ các ngân hàng thương mại là rất lớn.

Đến nay có 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động cho vay tiêu dùng, với đối tượng chủ yếu là những người yếu thế, thu nhập không ổn định, khó tiếp cận được vốn vay từ các ngân hàng thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt.

Tuy nhiên hoạt động của các công ty tài chính này cũng gặp nhiều khó khăn, trong đó có hoạt động thu hồi nợ. Đặc biệt là trong thời gian vừa qua, khi nhiều công ty cho vay tiêu dùng, công ty cho vay cầm đồ bị cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh uy tín và dẫn đến hoạt động thu hồi nợ cũng bị đình trệ.

Tọa đàm “Thực trạng và giải pháp phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam” (Ảnh: ĐBND)

Cùng với trào lưu “bùng nợ” của nhiều khách hàng trong thời gian gần đây, nợ xấu của các công ty tài chính ngày một tăng cao. Từ đó làm ảnh hưởng đến hoạt động và sự phát triển của các công ty tài chính.

Trong khi đó, chế tài xử lý thu hồi nợ vẫn chưa rõ ràng và việc khởi kiện lại các khách hàng cố tình chây ì trả nợ lại rất khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp.

Nhìn nhận được khó khăn chung của các công ty tài chính trong giai đoạn hiện tại, đặc biệt là từ vấn đề thu hồi nợ, nhiều chuyên gia cũng cho rằng nên có một chế tài rõ ràng cho hoạt động này.

Cụ thể, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc điều hành Khối dịch vụ nghiên cứu và Tư vấn FiinGroup cho rằng nên cân nhắc đưa dịch vụ đòi nợ thuê trở lại thành hoạt động kinh doanh có điều kiện, hợp pháp. Từ đó có thể hỗ trợ cho hoạt động tài chính tiêu dùng, hoạt động mua bán nợ vay tiêu dùng và có cơ sở để xây dựng khuôn khổ pháp lý kiểm soát chặt chẽ

Chuyên gia này cũng cho rằng, cần xây dựng khung pháp lý đầy đủ, chi tiết cho hoạt động thu hồi nợ đối với các hoạt động tài chính tiêu dùng chính thức và phi chính thức, cũng như của các công ty mua bán nợ, các công ty dịch vụ đòi nợ thuê (nếu được cho hoạt động trở lại). Đặc biệt là công khai các hình thức đòi nợ hợp pháp, các hành vi đòi nợ bị cấm và chế tài xử phạt nặng nếu vi phạm.

Đồng quan điểm trên, luật sư Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, qua ghi nhận phản ánh của các doanh nghiệp cho vay tài chính tiêu dùng cho thấy họ gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ trong khi dịch vụ đòi nợ thuê đã bị cấm từ khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực. Trong khi đó, các cơ chế khác thì không mấy hiệu quả.

Còn theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì cho rằng, đòi nợ thuê nên nhìn nhận là một loại hình dịch vụ. Nếu cấm, thì là cấm những gì bất hợp pháp. Từ “đòi nợ thuê”, câu chuyện ở đây là cần khôi phục lại tư duy làm luật theo kinh tế thị trường hiện đại…

Cần có hành lang pháp lý rõ ràng với hoạt động cầm đồ

Sau đòi nợ thuê, vấn đề cơ chế hoạt động của dịch vụ cho vay cầm đồ cũng là vấn đề được đưa ra bàn luận. Có ý kiến cho rằng, công ty cầm đồ không phải đối thủ của công ty tài chính, nhưng hoạt động của họ ảnh hưởng không tốt tới công ty tài chính được cấp phép.

Trong khi công ty tài chính bị kiểm soát bởi nhiều quy định thì hoạt động kinh doanh của công ty cầm đồ lại không bị quản lý nhiều, do vậy cần một cơ chế công bằng hơn. Bên cạnh đó, về vấn đề lãi suất, các công ty cho vay cầm đồ phải chịu mức lãi suất tại quy định 20%, không quy định mức phí. Nhiều chuyên gia cho rằng đây chính là kẽ hở, nếu tính mức phí lên tới vài trăm % thì có thể gây khó cho người vay.

Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm nói trên, Trương Thanh Đức lại cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề chưa rạch ròi, chưa sòng phẳng rõ ràng trong vấn đề này.

Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

“Có ý kiến đặt ra vấn đề tài chính tiêu dùng chính thống, trong đó có 16 công ty tài chính chính thống, do Ngân hàng Nhà nước cấp phép nhưng quan điểm của tôi thì tín dụng cầm đồ cũng là chính thống bởi họ hoạt động theo sự cho phép của cơ quan Nhà nước

Vấn đề chúng ta cần đặt ra ở đây là các doanh nghiệp tiêu dùng cũng như dịch vụ cho vay cầm đồ gặp khó khăn trong việc cho vay, là quy định về lãi suất phí, cũng như thu hồi nợ thì cần nhìn nhận việc quản lý như thế nào, hành lang pháp lý cho các mô hình đã tạo điều kiện hay chưa”, luật sư Đức nhận định.

Trao đổi rõ hơn về vấn đề này với Nhà báo và Công luận, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, hoạt động của các công ty cho vay cầm đồ đến nay vẫn là hợp pháp, hợp lệ và cần thiết với thị trường. Có điều tất cả mọi vấn đề đều có mặt trái, hạn chế và dịch vụ cầm đồ cũng không hề ngoại lệ.

Trước đây pháp luật cũng đã có quy định cụ thể về dịch vụ cho vay cầm đồ, nhưng các quy định đó có nhiều vấn đề không hợp lý nên đã bị bỏ đi. Còn ở thời điểm hiện tại, cơ chế pháp lý cho dịch vụ này cũng đã có, quan trọng là ở cách hiểu và áp dụng cho chuẩn mực và hợp lý.

Về vấn đề lãi suất của dịch vụ cho vay cầm đồ, ông Đức cho rằng muốn áp mức lãi suất trần thì chỉ nên áp vào ngân hàng và tổ chức tài chính. Còn trong mối quan hệ dân sự hay bất kì mối quan hệ nào khác thì không nên có mức trần. Thay vào đó nên dựa vào nguyên lý, nguyên tắc và tinh thần của thị trường.

“Chỉ nên có mức trần duy nhất để định tội vay lãi nặng. Nếu để thì nên hoạch định một mức nào đó thật cụ thể. Với mức lãi suất thì chỉ nên dựa vào thị trường, không nên tự nghĩ ra một con số để áp vào mức trần nào đó mà không dựa vào đâu. Còn nếu không thì nên giữ theo cách hiện tại, giữ mức trần nhưng cho các công ty cầm đồ thu phí”, luật sư Đức phân tích.

An Vũ

———-

Nhà báo & Công luận (Kinh tế) ngày 26-4-2023:

https://www.congluan.vn/co-nen-dua-hoat-dong-thu-hoi-no-quay-tro-lai-post245345.html

(503/1.423 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

431. Bình luận về Luật siêu dễ VTV3 - Chủ đề Luật...

Bình luận về Luật siêu dễ VTV3 - Chủ đề Luật Lao động. (VTV3)...

Phỏng vấn 

4.384. Sẽ đánh thuế đối với hàng hoá nhập...

Sẽ đánh thuế đối với hàng hoá nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng. (VTC1)...

Trích dẫn 

3.903. Mở rộng phạm vi kiểm toán để dẹp nạn...

Mở rộng phạm vi kiểm toán để dẹp nạn tăng vốn ảo của doanh nghiệp. (ĐTM)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 230,855