3.485. Lùm xùm nghệ sĩ sao kê: Muốn minh bạch được không?

(ĐV) – (Tin tức giải trí) – Làm từ thiện là gắn với uy tín, danh tiếng, việc giữ gìn uy tín, hình ảnh không phải bằng pháp luật mà còn bằng hành động, ứng xử.

Giữa “làn sóng sao kê”, đã có nghệ sĩ khóc, nghệ sĩ dọa kiện, nghệ sĩ thách thức… nhưng cũng có người tung cả gần chục ki-lo-gam giấy tờ sao kê để chứng minh minh bạch trong hoạt động từ thiện. Ðòi hỏi sao kê khoản tiền từ thiện đổ về tài khoản của nghệ sĩ đang được xem là cách tốt nhất để chứng minh uy tín, lấy lại niềm tin của giới nghệ sĩ với công chúng. Tuy nhiên, từ góc độ pháp lý, Luật sư – chuyên gia ngân hàng Trương Thanh Đức cho rằng, sao kê không có nghĩa là minh bạch.

Nhiều nghệ sĩ vướng vào lùm xùm làm từ thiện 

Làm từ thiện khó hay dễ?

LS Trương Thanh Đức cho hay, làm từ thiện thì không khó, nhưng làm “ông bầu” từ thiện thì như đi giữa hai làn đạn của hàng vạn người từ hai phía cho và nhận.

Trước hết, vị LS khẳng định, hoạt động đóng góp từ thiện là quan hệ dân sự trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, tự giác, chia sẻ, giúp đỡ, thể hiện tình người, tấm lòng trắc ẩn giữa người với người. Tuy nhiên, nếu ai đó đứng ra làm đầu mối nhận tiền, nhận quà từ thiện mà không làm đúng cam kết, mục đích và kịp thời với bên trao tặng thì cũng là hành vi bội ước, hay ít nhất là sút giảm lòng tin của những người từ tâm, thiện ý.  

Có những lùm xùm tố nghệ sĩ ăn chặn, gian lận tiền từ thiện thời gian qua cũng xuất phát từ nhiều lý do nhưng rất khó để khẳng định các nghệ sĩ này có vi phạm pháp luật, có làm trái quy định hay không.

Bởi một trong những yếu tố để xác định sai phạm là phải dựa trên những cam kết giữa bên gửi tiền từ thiện và bên thực hiện từ thiện được thực hiện như thế nào? Có vi phạm hay không? Nếu có những cam kết này mà người đại diện nhận tiền từ thiện không thực hiện đúng cam kết lúc đó mới xem xét tới các yếu tố vi phạm.

Tuy nhiên, như đã nói việc cho và nhận quà từ thiện hiện nay vẫn dựa trên tình cảm, cảm tính và lòng tin, không có nhiều người đưa ra cam kết khi gửi tiền từ thiện là yêu cầu người làm từ thiện phải tặng đúng người, đúng địa phương, đúng số tiền. 

Vì điều này trên thực tế đã có những trường hợp sử dụng tiền từ thiện, tặng tiền từ thiện theo cảm tính, có khi người dân ngoài vùng lũ còn khó hơn người trong vùng lũ nhưng thấy khó cũng trao. Việc trao này nếu không vi phạm cam kết giữa bên gửi tiền hỗ trợ với bên đại diện nhận tiền trao hỗ trợ thì cũng không thể nói là vi phạm. 

Hơn nữa, trong quá trình làm từ thiện cũng rất khó yêu cầu minh bạch các hoạt động trao tặng, vì có người ký nhận, có người không. Việc báo cáo cũng chỉ có thể thông qua facebook, qua hình ảnh…, khó có thể báo cáo cụ thể, chi tiết.

Hơn nữa, còn có ti tỉ các loại chi phí khác nhau, trong khi để thực hiện các hoạt động từ thiện một mình nghệ sĩ không thể làm được. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng một nhóm từ 10-20 người, thậm chí nhiều hơn cùng tham gia, đi cùng với đó là những chi phí đi lại, ăn ở, sinh hoạt… Như vậy, nếu nghệ sĩ không tự bỏ tiền túi để làm từ thiện thì phải sử dụng một số tiền từ chính nguồn tiền của các mạnh thường quân gửi vào. Việc này sẽ rất khó được minh bạch nếu không có thỏa thuận, cam kết ngay từ đầu. 

Một ví dụ điển hình là trường hợp của nghệ sĩ Hoài Linh “ngâm” tiền từ thiện là rất “mất điểm”, vì đã quá chậm trễ trong việc phân phối khoản tiền từ thiện sau khi tiếp nhận. Tuy nhiên, xét về pháp luật thì anh ấy lại không hề vi phạm. Cho đến nay, việc vận động, tiếp nhận và phân phối các nguồn đóng góp tự nguyện vẫn được thực hiện theo Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ. Nhưng Nghị định này chỉ áp dụng đối với các tổ chức, không đề cập đến việc cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối tiền từ thiện.

Có lẽ khi xây dựng văn bản pháp quy này, người ta vẫn cho rằng việc cá nhân huy động từ thiện chỉ là quan hệ xã hội, dân sự tự phát và nhỏ lẻ, chứ không tính đến tình huống những cá nhân có thể kêu gọi đóng góp được hàng chục, thậm chí hằng trăm tỷ đồng của hàng vạn người đã diễn ra. Vì vậy, hiện nay ai cũng có thể huy động tiền từ thiện giá trị lớn và có thể tùy ý phân phối, sử dụng nếu không trái với mục đích đã cam kết. Do đó, Hoài Linh hoặc bất cứ cá nhân nào có thể giữ tiền từ thiện 6 tháng hay 6 năm vẫn không vi phạm pháp luật, mà chỉ chịu sự phán xét của người hâm mộ, các mạnh thường quân đã gửi gắm và dư luận. 

Tất nhiên trong quá trình một cá nhân tiếp nhận, phân phối tiền từ thiện, nếu xảy ra hành vi gian dối, lợi dụng tư lợi, thì vẫn có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí là tội hình sự về hành vi lạm dụng tín nhiệm hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trường hợp này, nếu toàn bộ số tiền từ thiện vẫn còn nguyên, thì cũng chưa nên đặt ra vấn đề gì về pháp luật. 

Nghệ sĩ muốn minh bạch được không?

Trở lại câu chuyện sao kê, LS Trương Thanh Đức khẳng định, sao kê không giúp minh bạch thông tin làm từ thiện. Bởi, sao kê chỉ là hoạt động làm minh bạch nguồn tiền vào, tiền ra nhưng không làm minh bạch được dòng tiền rút ra đã được chi như thế nào. Mà đây mới chính là mấu chốt của câu chuyện làm từ thiện. 

Vị LS cho biết, hoạt động từ thiện nếu diễn ra nhỏ lẻ và trực tiếp giữa người tặng và người nhận thì hoàn toàn không có vấn đề gì đáng ngại. Nhưng nếu xảy ra với số lượng nhiều, giá trị lớn, phạm vi rộng, thời gian dài, có nhiều người tham gia tặng cho và tiếp nhận, nhất là thông qua tổ chức, cá nhân trung gian và trong các tình thế cấp bách, thì rất cần phải có vai trò điều phối, sắp xếp và giám sát. Vì trong trường hợp đó, thì dễ xảy ra nhiều hệ lụy như mất công bằng, chỗ thừa, chỗ thiếu, không kịp thời, hợp lý và đặc biệt là dễ bị lợi dụng, thất thoát, làm mất đi ý nghĩa, mục đích tốt đẹp của việc làm từ thiện.

Pháp luật thì thường có độ trễ và đi sau cuộc sống. Tuy nhiên, vấn đề cá nhân đứng ra quyên góp số tiền từ thiện rất lớn không phải là chuyện mới, mà đã phát sinh ít nhất từ hơn 4 năm trước qua vụ việc MC Phan Anh. Như vậy là các cơ quan làm chính sách đã phản ứng chậm, dẫn đến sự tranh cãi, phức tạp không đáng có, ảnh hưởng đến hoạt động thiện nguyện.

Tuy nhiên, trong việc này, điều quan trọng nhất cũng không phải dựa vào pháp luật, mà là cần phải hình thành được các tổ chức làm từ thiện chuyên nghiệp, bài bản, uy tín thì tự khắc sẽ không dồn gánh nặng và sức ép cho cá nhân. Pháp luật chỉ có thể bắt buộc phải làm gì trong trường hợp mua bán, trao đổi, huy động vốn hay kêu gọi từ thiện của pháp nhân, tổ chức, chứ cũng không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động thiện nguyện gắn liền với từng con người. Vì vậy, không thể cấm, mà chỉ có thể đặt ra một vài nguyên tắc cơ bản về việc công khai, minh bạch đối với cá nhân đảm nhận đầu mối tiếp nhận từ thiện. 

Với người bình thường làm từ thiện đã khó, với nghệ sĩ làm từ thiện còn khó hơn. Vì làm từ thiện là gắn với uy tín, danh tiếng của chính mỗi người nghệ sĩ. Việc giữ gìn uy tín, hình ảnh không phải bằng pháp luật mà còn bằng hành động, ứng xử. Nếu làm được việc này, cái được lớn nhất của người làm từ thiện chính là uy tín, hình ảnh ngày càng được nâng cao và ngược lại. 

Như vậy, để hoạt động từ thiện đúng nghĩa và thực sự tốt đẹp thì liên quan đến 5 khía cạnh sau: Thứ nhất, là người được thụ hưởng từ thiện thì gần như hoàn toàn thụ động, nên không có ảnh hưởng gì đáng kể, ngoại trừ sự vui vẻ, nhẹ nhàng đón nhận; 

Thứ hai, là người có tấm lòng từ thiện thì cần cân nhắc tặng cho cái gì và qua kênh nào để đồng tiền, vật phẩm của mình có ý nghĩa nhất, đến được với người thật sự cần sự giúp đỡ; 

Thứ ba, là người làm đầu mối từ thiện, thì là việc rất khó, nên cần lượng sức để có thể hoàn thành trọng trách, tránh làm tổn thương đến cả những người tặng cho và người tiếp nhận; tránh làm ơn lại mắc oán;

Thứ tư, những người có trách nhiệm của chính quyền và cơ quan, đoàn thể các cấp cũng cần hết sức quan tâm trong việc hỗ trợ, điều phối tạo điều kiện để phát huy hiệu quả mọi kênh hoạt động thiện nguyện; 

Và cuối cùng, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý để một mặt vẫn khơi gợi, khuyến khích hoạt động từ thiện, nhưng đồng thời cũng phải ngăn ngừa, hạn chế mặt trái có thể xảy ra.

Lam Lam

Đất Việt (Văn hoá) 09-9-2021:

https://datviet.trithuccuocsong.vn/van-hoa/tin-tuc-giai-tri/lum-xum-nghe-si-sao-ke-muon-minh-bach-duoc-khong-3438647/

(1.649/1.792)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,604