3.490. Lùm xùm sao kê tài khoản từ thiện: Luật sư nói gì?

(VNF) –  Dư luận gần đây đang xôn xao về từ khóa “sao kê”. Pháp luật hiện quy định như thế nào về việc sao kê các tài khoản cá nhân cũng như việc sử dụng tài khoản cá nhân để kêu gọi từ thiện? VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI xoay quanh vấn đề này.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI.

Ai được yêu cầu in sao kê tài khoản từ ngân hàng?

  1. Trương Thanh Đức cho hay theo quy định của pháp luật, ngoài chủ tài khoản và người được chủ tài khoản ủy quyền được yêu cầu sao kê tài khoản ngân hàng thì chỉ các cá nhân, tổ chức được pháp luật cho phép cụ thể mới có quyền yêu cầu ngân hàng sao kê tài khoản của người khác.

Cụ thể, theo Điều 10 về “Thẩm quyền ký văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng, Nghị định 117/2018/NĐ-CP, ngày 11/9/2018 của Chính phủ về việc “Giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”, có 10 nhóm cá nhân của 10 nhóm cơ quan có thẩm quyền ký văn bản yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin khách hàng nói chung, sao kê tài khoản nói riêng, gồm: cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân các cấp, điều tra viên các cơ quan điều tra, đơn vị nghiệp vụ, cơ quan thi hành án, cơ quan hải quan, cơ quan thuế và các trường hợp khác do pháp luật quy định.

Tất cả cá nhân, cơ quan trên đều phải tuân thủ theo các trình tự, thủ tục, hồ sơ quy định rất chi tiết. Chẳng hạn, Điều 9 về “Hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng” của Nghị định 117 quy định rõ văn bản yêu cầu cung cấp thông tin phải có các nội dung như căn cứ pháp lý; lý do, mục đích yêu cầu; nội dung, phạm vi thông tin,….

Về lý do, mục đích yêu cầu cung cấp thông tin thì có thể là để phục vụ cho mục đích thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ phục vụ công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; bảo vệ an ninh quốc gia; phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định. Riêng đối với các trường hợp để phục vụ cho việc thanh tra, kiểm toán, xử phạt hay khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì phải có văn bản liên quan kèm theo.

Cũng theo luật sư, trong bất cứ trường hợp nào, ngân hàng phải có trách nhiệm bảo mật thông tin khách hàng. Khách hàng có thể kiện nếu ngân hàng làm lộ thông tin. Nhân viên ngân hàng cung cấp thông tin không đúng quy định có thể sẽ bị phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng, ngân hàng bị phạt từ 40 – 80 triệu đồng theo quy định tại Điều 47 về “Vi phạm quy định về chế độ báo cáo, quản lý và cung cấp thông tin”, Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng”.

“Trong trường hợp do hệ thống bảo mật chưa tốt bị tin tặc xâm nhập thì ngân hàng cũng vẫn phải chịu trách nhiệm. Hơn nữa, dù lỗi xuất phát từ nhân viên hay công nghệ thì cũng đều ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng và lòng tin của khách hàng”, LS. Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

  1. Trương Thanh Đức cũng cho biết thêm, cá nhân bên ngoài ngân hàng có hành vi làm lộ hoặc sử dụng thông tin khách hàng không đúng quy định cũng có thể bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng theo quy định tại Nghị định số 88/2019/NĐ-CP.

“Việc công bố sao kê tài khoản của người khác mà không được họ đồng ý thì đó cũng chính là việc sử dụng thông tin của khách hàng không đúng quy định”, ông Đức nói.

Ngoài ra, nhân viên ngân hàng còn có thể sẽ bị xử lý kỷ luật lao động theo nội quy lao động. Nếu gây ra thiệt hại cho khách hàng thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự.

Có bắt buộc phải công khai sao kê?

Mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều thông tin về việc thiếu minh bạch trong giải ngân tiền từ thiện của các nghệ sĩ. Áp lực dư luận đã khiến một số người nổi tiếng công khai hàng nghìn trang văn bản sao kê tài khoản liên quan tới hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, họ có bắt buộc phải công khai nội dung này?

Theo LS. Trương Thanh Đức, khoản 2, Điều 14 về “Bảo mật thông tin”, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Nghị định số 117/2018/NĐ-CP nói trên đã quy định, ngân hàng và các cá nhân, tổ chức khác “phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng”. Như vậy, sao kê tài khoản của khách hàng là thông tin mật, không được phép công khai trái quy định của pháp luật.

“Còn bản thân người có tài khoản thì công khai hay không là quyền của họ, chứ không có nghĩa vụ phải công khai. Như vậy, xét dưới góc độ pháp lý, các nghệ sĩ không có nghĩa vụ phải công khai sao kê tài khoản nhận tiền từ thiện”, ông Đức cho biết.

Theo LS. Trương Thanh Đức, hiện nay pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của cá nhân trong việc phải công khai, minh bạch hoạt động tiếp nhận và sử dụng các khoản tiền từ thiện.

“Như vậy, cá nhân làm đầu mối tiếp nhận tiền từ thiện có quyền quyết định thời gian, số tiền, cách thức trao tặng cho người nhận, trừ trường hợp có cam kết hoặc có thoả thuận cụ thể với các mạnh thường quân”, ông Đức bày tỏ.

Cũng theo vị luật sư này, theo lẽ thông thường nhất, người được gửi gắm lòng tin sẽ cố gắng tối đa việc công khai, minh bạch việc nhận và trao tiền từ thiện của mình để tránh mọi sự nghi ngờ, dị nghị từ mọi phía. Cần lưu ý rằng, việc sao kê chủ yếu là chốt được số tiền đã nhận vào và số tiền đã rút ra khỏi tài khoản, chứ hầu như không có ý nghĩa trong việc chứng minh việc sử dụng tiền từ thiện đúng hay sai và có bị thất thoát hay không.

Ăn chặn, trục lợi tiền từ thiện sẽ bị xử lý ra sao?

Theo LS. Trương Thanh Đức, chưa có quy định về trách nhiệm của người trung gian làm từ thiện, nên cũng chưa có quy định xử phạt vi phạm hành chính và hình sự về hành vi cụ thể này.

Tuy nhiên, vì đó là quan hệ dân sự, gắn liền với tài sản nên nếu có hành vi chiếm đoạt thì sẽ được xử lý theo các quy định liên quan về việc sử dụng không đúng mục đích hoặc làm thất thoát tiền từ thiện.

“Về dân sự thì có thể bị khởi kiện yêu cầu thực hiện trách nhiệm dân sự nếu vi phạm cam kết với người khác. Nếu có hành vi ăn chặn, tức là chiếm đoạt tài sản từ thiện thì có thể bị xử lý hình sự tuỳ theo hành vi và tính chất, mức độ vi phạm tương ứng với các tội lừa đảo hay tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản của của người khác. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị xử lý theo các chế tài khác liên quan đến các hội đoàn, danh hiệu nghệ sỹ theo quy định của các tổ chức và pháp luật”, ông Đức nói.

Anh Phan

————–

Vietnam Finance (Diễn đàn VNF) 13-9-2021:

https://vietnamfinance.vn/lum-xum-sao-ke-tai-khoan-tu-thien-luat-su-noi-gi-20180504224258555.htm

(1.433/1.433)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,562