3.503. Đề xuất xây dựng luật riêng để xử lý nợ xấu

(CAND) – Tại Hội thảo Vấn đề xử lý nợ xấu trong dự thảo luật các tổ chức tín dụng (TCTD), do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 17/5, các chuyên gia bày tỏ lo ngại về tình trạng nợ xấu của các ngân hàng hiện nay, và cho rằng còn quá nhiều vướng mắc về quy định luật.

Tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho biết: Từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (ngày 15/8/2017) đến cuối tháng 1/2023, toàn hệ thống đã xử lý được 416 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.

Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng thực trạng nợ xấu của các TCTD hiện nay rất đáng lo ngại, trong bối cảnh doanh nghiệp rất khó khăn, kinh tế toàn cầu có biểu hiện suy thoái. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả nợ các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, trong khi việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng COVID-19 đã hết hiệu lực…

Nợ xấu tiềm ẩn nguy cơ tăng cao do kinh tế khó khăn

Ngoài ra, việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ trên thực tế gặp nhiều vướng mắc; hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ còn chưa đồng bộ, thống nhất; khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật khác. “Một số doanh nghiệp cho biết họ đã hết nguồn lực, điều này dẫn đến ngân hàng gặp khó khi thu hồi các khoản nợ. Tỷ lệ nợ xấu theo tôi thời gian tới sẽ tiếp tục tăng”, ông Hùng nói.

Do vậy, theo ông Hùng, Quốc hội trước khi thông qua các dự thảo Luật nên lắng nghe ý kiến từ các cử tri bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội ngành nghề và chính các doanh nghiệp, rà soát các loạt liên quan để ban hành luật sửa đổi phù hợp với thực tiễn.

Từ phía ngân hàng, đại diện Eximbank góp ý chi tiết về việc thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý, thu hồi nợ quá hạn, nợ xấu vì khi triển khai thực tế, việc thi hành vẫn còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn, bất cập, nên cần sửa đổi.

Ngoài ra, cần ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm, cần ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, án phí và nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm; đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng…

Tương tự, đại diện Nam Á Bank đề nghị, cần cụ thể hóa trong dự thảo các biện pháp xử lý nợ và trình tự thủ tục thực hiện, cần hướng dẫn thêm việc thực hiện biện pháp nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế nghĩa vụ trả nợ, chuyển nợ thành vốn góp để TCTD được chủ động lựa chọn cách thức thực hiện và phương thức xử lý. Việc này sẽ giúp đồng bộ các quy định pháp luật hơn nữa và sẽ tạo ra cơ sở pháp lý rõ ràng để các định chế tài chính nước ngoài an tâm hơn khi đầu tư, là điểm nhỏ để bổ sung thêm bức tranh toàn cảnh về môi trường đầu tư an toàn…

Đến từ Bộ Tư pháp, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1 Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, hiện đã có tổ xử lý nợ xấu, hàng năm xây dựng kế hoạch tham mưu lãnh đạo Bộ để xây dựng các phương án xử lý nợ xấu liên quan tới thi hành án. Tuy nhiên, trên thực tế cũng nhiều lý do khác nhau để có một số bản án thi hành án chậm trễ. Hiện nay, các vướng mắc đã phần nào được thống nhất để sửa trong Luật Các TCTD (sửa đổi).

Nhiều vướng mắc pháp lý khi xử lý nợ xấu

Còn ông Darryl Dong, Cán bộ Quốc gia Cao cấp, IFC Việt Nam cho rằng, bàn tới thị trường mua bán nợ là không chỉ bàn tới một thị trường đóng mà cần nói tới giải pháp một thị trường mở.

“Nợ xấu không xấu, nó đồng hành cùng hoạt động ngân hàng, nhưng chúng ta cần một khung pháp lý để làm sạch chúng và xử lý một cách công khai ở một thị trường mở và có những giao dịch thương mại đúng nghĩa.

Hiện nay, luật lệ Việt Nam và các đề xuất đều chưa thu hút được các bên tham gia thị trường; quy định mới chỉ cho phép các ngân hàng và VAMC tham gia thị trường nên thực chất nợ chỉ chuyển dịch, đá đi đá lại giữa các ngân hàng mà chưa có một giải pháp thị trường đúng nghĩa”, ông Darryl Dong nói và cho rằng, biện pháp tiếp cận tốt hơn cả hiện nay là nên có luật riêng dành cho nợ xấu. Đây là việc quan trọng để chỉ chuyên xử lý nợ xấu và tập trung, phản hồi nhanh chóng với thị trường.

Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành cho rằng, cần cân nhắc lại cách tiếp cận xây dựng quy định xử lý nợ xấu, bởi vướng quá nhiều luật và các bên liên quan, công cụ xử lý đa dạng và còn phát triển nên sẽ có sự chồng chéo luật và công cụ. Do vậy, có 2 cách xử lý, một là cân nhắc xây dựng bộ luật riêng, hai là khi tình hình nợ xấu đang căng thẳng thì trong khi chờ xây dựng bộ luật ấy thì cần có nghị quyết mới để xử lý vấn đề trước mắt.

“Tôi thiên về phương án 2, tức là ban hành nghị quyết”, ông Thành góp ý. GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng: “Tôi cũng đề nghị Quốc hội tiến tới sau năm 2025 cần có một luật về xử lý nợ xấu”.

Phân tích cụ thể hơn, LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI nêu quan điểm xử lý nợ xấu không đồng nghĩa với người xấu, doanh nghiệp xấu, ngân hàng xấu, chúng ta phải tách biệt rõ ràng. Nợ xấu không phải là sở hữu của ngân hàng mà của doanh nghiệp, người đi vay. Vì vậy, phải làm nợ xấu tốt lên. 

“Về giải pháp, trong dài hạn, xây dựng một luật chung về xử lý nợ xấu. Thứ hai, bổ sung một quy định, có thể là đối tượng áp dụng rộng ra. Cuối cùng, cơ chế cho người mua nợ kèm theo tài sản, kế thừa tiếp tục thu giữ, được quyền thế chấp. Tôi nhất trí với IFC khi mở cửa để nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào việc xử lý nợ xấu. Nước ngoài vào thì mới thực sự xử lý nợ xấu, sẽ tốt cho nền kinh tế”, LS Đức góp ý.

Hà An

———-—-

Công an Nhân dân (Kinh tế) ngày 18-5-2023:

https://cand.com.vn/Kinh-te/de-xuat-xay-dung-luat-rieng-de-xu-ly-no-xau-i693848/

(157/1.285) #TCTD #NQH #XLN

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.730. Ra mắt cuốn “cẩm nang” tra cứu về pháp...

(ND) - Cuốn sách “Cẩm nang pháp luật ngân hàng (Nhận diện những vấn...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.279. Tình trạng thuê người mua ngoại tệ: Cần...

(HNM) - Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng đăng tin tìm...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,605