3.510. Khung pháp lý cần sát thực tiễn hơn để thúc đẩy tín dụng tiêu dùng

(CP) – Tài chính tiêu dùng sau 10 năm hình thành và phát triển đã đóng một vai trò quan trọng trong nhiệm vụ xây dựng một hệ thống tài chính toàn diện tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế vẫn nảy sinh những vấn đề khúc mắc, rào cản đòi hỏi cần có giải pháp lâu dài để lĩnh vực này phát triển lành mạnh và nhanh chóng.

Đây là nội dung trao đổi tại buổi Tọa đàm “Tài chính tiêu dùng – Sức sống mới sau hơn 10 năm phát triển”, do Báo Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày 25/3 tại Hà Nội.

Theo thống kê, dư nợ tín dụng tiêu dùng nói chung đã đạt mức khá cao đạt 1,8 triệu tỷ đồng tới năm 2020, chiếm 20% dư nợ cho vay nền kinh tế.

Tính riêng nhóm các công ty tài chính tiêu dùng thì dư nợ đạt khoảng khoảng 130.000 tỷ đồng với hơn 30 triệu khách hàng được phục vụ. Đây là con số ấn tượng với tài chính tiêu dùng còn non trẻ tại Việt Nam. Cho vay tiêu dùng nói chung hiện đang thực hiện chủ yếu bởi các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân và các công ty tài chính tiêu dùng.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tiêu dùng là động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển sản xuất và tạo công ăn việc làm cho nền kinh tế. Cùng với sự phát triển kinh tế thì mức tiêu dùng của người dân ngày càng tăng, theo đó nhu cầu về tài chính tiêu dùng phục vụ đời sống cũng tăng cao. Cho vay tiêu dùng là sản phẩm cho vay dưới dạng tín chấp hoặc thế chấp, nhằm hỗ trợ nguồn tài chính cho các nhu cầu mua sắm hàng gia dụng, mua xe, du học, khám chữa bệnh và các nhu cầu thiết yếu khác trong cuộc sống.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước).Ảnh:VGP/HT

Hoạt động này giúp nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của đại bộ phận người dân, mặt khác còn có ý nghĩa lớn trong việc kích cầu nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.  Trong thời gian qua, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) nói chung, đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng đã phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ tiêu dùng của người dân, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, gia tăng công bằng xã hội.

Tuy vậy, theo các chuyên gia tài chính tiêu dùng của Việt Nam phát triển vẫn chậm nếu so với ngay cả những nước trong khu vực. Chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực cung cấp số liệu, dù phát triển nhanh nhưng tín dụng tiêu dùng vẫn chỉ chiếm khoảng 8,7% tổng dư nợ nền kinh tế…Nếu so với các nước nước trong khu vực như Malaysia (15%), Thái Lan (17%), Indonesia (22,7%), Hàn Quốc (35%) thì tỷ lệ ở Việt Nam còn quá nhỏ. Đây cũng là chỉ số nêu lên dư địa phát triển cho lĩnh vực này vẫn còn rất nhiều cho các ngân hàng, công ty tài chính.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty LuậtANVI, trong 10 năm qua, tài chính tiêu dùng phát triển rất mạnh, nhưng hành lang pháp lý không theo theo kịp, thậm chí không thay đổi nhiều, nên đã trở thành một trong những nguyên nhân cản trở hoạt động này.

Kết quả là tình trạng tín dụng đen (cho vay bất hợp pháp, lãi suất bất hợp pháp và thu hồi nợ bất hợp pháp) không những không suy giảm, mà còn gia tăng một cách càng ngày ngày trầm trọng, với lãi suất thực tế lên đến hàng trăm % mỗi năm.

Dưới góc độ quản lý Nhà nước, bà Phạm Thị Thanh Tùng cho rằng, nguyên nhân của những hạn chế là các nhu cầu vay vốn tiêu dùng cấp bách thường khó chứng minh mục đích sử dụng vốn và khả năng trả nợ; quá trình thẩm định cấp tín dụng khó khăn do nguồn thông tin không đầy đủ, độ chính xác không bảo đảm. Thời gian qua, hoạt động cho vay tiêu dùng, đặc biệt tại các công ty tài chính bộc lộ một số rủi ro tiềm ẩn về nợ xấu.

Một bộ phận người dân, đặc biệt là người dân tại các vùng sâu, vùng xa, do chưa có nhiều thông tin về tín dụng ngân hàng nên bị các kênh cho vay không chính thức tiếp cận cho vay với lãi suất cao.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, tài chính tiêu dùng, xét về lợi ích thì người dân đã có nhu cầu từ rất lâu nên có cách thức quản lý bảo đảm theo quy luật kinh tế thị trường tự nhiên.

“Trước khi đề cập đến các sứ mệnh cao hơn như đẩy lùi tín dụng đen… cần phải điều chỉnh khung pháp lý để thị trường phát triển thuận theo quy luật, thỏa mãn nhu cầu chính đáng của người tiêu dùng”, ông Hiếu nói.

Cần có tư duy thiết kế chính sách mới

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng tới năm 2030. Chiến lược này yêu cầu rất rõ nhiệm vụ là “Phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng phù hợp với đối tượng tiêu dùng, có mức lãi suất hợp lý, góp phần ngăn ngừa tín dụng đen”.

Rõ ràng, đây là nhiệm vụ và là công việc các TCTD bên cạnh nhiệm vụ kinh doanh thuần thuý phải tính đến để có trách nhiệm xã hội tốt hơn trong thời gian tới.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, góp phần nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tín dụng đen.

Cụ thể, các quy định về cho vay tiêu dùng luôn được NHNN hoàn thiện, bổ sung phù hợp với đặc thù cho vay tiêu dùng, tạo điều kiện phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, góp phần bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Hiện nay, hoạt động cho vay tiêu dùng được điều chỉnh bởi nhiều văn bản như Thông tư 39, 43, 18…quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng, quy định về công ty tài chính…

Ngoài ra, hiện nay, NHNN đang nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển tài chính tiêu dùng như, đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định về triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money)…

Cùng với việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho vay tiêu dùng, NHNN đã triển khai các giải pháp khơi thông dòng vốn ngân hàng, nâng cao khả năng tiếp cận vốn phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng của người dân.

Các TCTD như Agribank đã triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng, theo đó khách hàng có nhu cầu vay vốn chính đáng được giải ngân ngay trong ngày với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng, không cần tài sản thế chấp…

Bên cạnh đó, NHNN cũng đã chấp thuận cho các TCTD mở rộng, phát triển mạng lưới hoạt động cho vay tiêu dùng, để hoạt động của các TCTD, công ty tài chính tiêu dùng, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng miền, từ đó gia tăng tiếp cận đến người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng nêu lên một số giải pháp, trong đó nhấn mạnh, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vay vốn hợp pháp của người dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Mở rộng mạng lưới hoạt động của các TCTD ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của người dân, để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng tiêu của người dân.

NHNN sẽ tăng cường công tác truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về tín dụng từ các kênh cung cấp tín dụng chính thức.

Tiếp tục tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống của các TCTD, đặc biệt các công ty tài chính, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Đề xuất quy định về “phá sản cá nhân”

Chuyên gia Phan Đức Hiếu cho rằng, hoạt động kinh doanh nào cũng có rủi ro, bao gồm của tổ chức và cả cá nhân. Nhà nước can thiệp ngăn chặn rủi ro, giảm thiểu việc để phá sản, tuy nhiên, đây là hiện tượng tự nhiên của mọi nền kinh tế đòi hỏi các chủ thể phải có trách nhiệm hơn trong hoạt động tài chính của mình, phải tính đến các quy định về “phá sản tư nhân để các khoản nợ được giải quyết”.

Bênh cạnh đó, ông Hiếu nhấn mạnh về hiệu quả giải quyết tranh chấp “hậu” cho vay.

“Nếu để các vụ việc kéo dài 2-3 năm, nhiều năm hoặc không có cơ hội giải quyết đây sẽ là rào cản lớn cho sự phát triển”, ông Phan Đức Hiếu nói.

Có cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, ở các nước phát triển việc phá sản cá nhân cũng là chuyện bình thường, ông Thịnh dẫn số liệu tới 80% người Mỹ ít nhất một lần phá sản trong đời. Khó có thể so sánh, tuy nhiên, thực tế Việt Nam vẫn quản lý theo hướng “bao cấp hơi nhiều” cho người dân, ngân hàng, doanh nghiệp, rất e ngại cụm từ “phá sản”, nếu vậy thì sẽ rất khó phân loại đánh giá chịu trách nhiệm về rủi ro.

Góp ý một số giải pháp phát triển thị trường tài chính tiêu dùng lành mạnh, bền vững, TS Cấn Văn Lực cho rằng, đối với các cơ quan quản lý, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các  công ty tài chính, tạo điều kiện cho các công ty tài chính quy mô vừa và nhỏ phát triển.

Cần chú trọng phát triển các nền tảng công nghệ phục vụ cho vay tiêu dùng, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, phối hợp phát triển các mô hình kinh doanh mới (Fintech, cho vay ngang hàng, Mobile money…); chú trọng quản trị rủi ro tín dụng và tiết giảm chi phí để tối ưu hóa hoạt động, cân đối phù hợp giữa rủi ro và lãi suất cho vay.

“Cần đẩy mạnh giáo dục tài chính cho người tiêu dùng và xây dựng đội ngũ nhân sự cho vay tài chính tiêu dùng để phát triển hiệu quả, bền vững”, ông Cấn Văn Lực khuyến nghị.

Huy Thắng

————-

Chính phủ (Kinh tế) ngày 25-5-2023:

https://baochinhphu.vn/khung-phap-ly-can-sat-thuc-tien-hon-de-thuc-day-tin-dung-tieu-dung-102289705.htm

(106/2.081) #TDTD

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,101