3.512. Doanh nghiệp chờ phá sản vì “ách tắc” hoàn thuế: Ai chịu trách nhiệm?

(DĐDN) – Các công văn hướng dẫn của cơ quan thuế yêu cầu thêm những cái không đúng luật, doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện nhưng mất 1 – 2 năm vẫn chưa được hoàn là họ đang lạm dụng quyền lực…

Đây là chia sẻ của luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI xung quanh câu chuyện hàng loạt doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phải kêu cứu suốt thời gian qua do bị “giam” tiền hoàn thuế VAT trong thời gian dài mà không được giải quyết.

Ngành thuế có thể thực hiện mọi biện pháp để chống thất thu thuế nhưng phải dựa trên cơ sở quy định cụ thể của pháp luật. Ảnh minh họa

Theo luật sư Trương Thanh Đức, biện pháp nhanh nhất giải quyết các hồ sơ hoàn thuế hiện nay là hoàn trước cho doanh nghiệp, còn nghi ngờ ai thì đi kiểm tra người đó. Đồng thời áp dụng biện pháp, hồ sơ hoàn thuế chậm đến đâu thì phải trả lãi cho doanh nghiệp đến đó. Không những vậy mà còn có quy định chịu phí phạt nếu để quá lâu.

“Có như vậy cán bộ thuế, cơ quan thuế mới làm nhanh được. Chứ không thì la rát cổ họng cũng không giải quyết được vấn đề”, luật sư Đức nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Ngọc Tú cho rằng, muốn giải quyết nhanh tình trạng ách tắc trong hoàn thuế GTGT thì Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần có những tháo gỡ vướng mắc, đồng thời giải tỏa tâm lý né tránh cũng như lợi dụng làm khó từ cán bộ thuế.

Theo vị chuyên gia này, ở nhiều nước, các giao dịch đều thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng nên việc hoàn thuế khá công khai, minh bạch. Việt Nam hiện còn sử dụng tiền mặt trong thanh toán, hoàn thuế chủ yếu dựa vào hóa đơn chứng từ mà lượng hóa đơn lớn thì sẽ khó kiểm soát. Mỗi năm, tiền hoàn thuế chiếm khoảng 10 – 15% trên tổng số thu ngân sách. Một vài năm gần đây, tổng số thu ngân sách vào khoảng 1,5 triệu tỉ đồng thì số tiền xin hoàn lên khoảng 150.000 tỉ đồng.

TS. Nguyễn Ngọc Tú cho rằng, đây là số tiền thuế rất lớn nên tạo không ít thách thức đối với ngành thuế. Nhiều vụ gian lận hoàn thuế xảy ra, trong đó có dính đến cán bộ liên quan. Điều này cho thấy chính sách hoàn thuế còn kẽ hở. Cũng vì đặc thù hoàn thuế dựa chủ yếu vào hóa đơn, mà doanh nghiệp mua hàng trên cả nước hóa đơn cũng do nhiều địa phương khác nhau cung cấp nên cơ quan thuế khó kiểm soát. Vì lúng túng trong việc quản lý dẫn đến có những trường hợp doanh nghiệp đúng cũng chịu thiệt trước chính sách hoàn thuế ngặt nghèo. Quy trình hoàn thuế trước đây ưu tiên hoàn trước – kiểm sau, trường hợp doanh nghiệp rủi ro thì kiểm trước – hoàn sau.

“Tuy nhiên, trên thực tế phát sinh một số gian lận hoàn thuế khiến cơ quan thuế ban hành các công văn chỉ đạo chung chung, dẫn đến cán bộ thuế sợ không dám ký, vì ký mà lỡ hồ sơ hoàn thuế bị gian lận thì đi tù, mà không ký thì doanh nghiệp lại bị “giam” tiền thuế”, TS. Nguyễn Ngọc Tú thẳng thắn nói.

Vì thế, vị chuyên gia này cho rằng, cần hoàn thiện các quy định về hoàn thuế. Đặc biệt thống nhất 1 thuế suất thuế GTGT trong nước để không còn phát sinh các hồ sơ xin hoàn thuế nội địa vì chênh lệch thuế suất giữa 5% hay 10%. Nếu làm được điều này, lượng hồ sơ xin hoàn thuế trong nước sẽ không còn, thay vào đó, cơ quan thuế tập trung nhiều hơn vào hoàn thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu.

“Bộ Tài chính cần có chỉ đạo cụ thể, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp nhưng cũng đảm bảo ngân sách không bị thất thu. Còn với những quy định theo công văn như vừa qua thì không ai dám làm. Đừng vì một vài vụ việc gian lận hoàn thuế GTGT mà gây khó cho tất cả các doanh nghiệp còn lại”, TS. Nguyễn Ngọc Tú nêu quan điểm.

Ngành thuế không thể vì vài công ty gian lận tiền hoàn thuế VAT mà “đẻ” ra quy định, điều kiện để ách tiền hoàn thuế của các doanh khác. Làm như vậy là có lỗi với cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Cũng trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh câu chuyện này, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho rằng, ngành thuế có thể thực hiện mọi biện pháp để chống thất thu thuế nhưng phải dựa trên cơ sở quy định cụ thể của pháp luật.

Theo luật sư Biên, Luật Quản lý thuế quy định công ty xuất khẩu chỉ cần đáp ứng các điều kiện như có hợp đồng xuất khẩu, có tờ khai hải quan, thanh toán qua ngân hàng sẽ được hoàn thuế VAT. Điều này có nghĩa ngành thuế không thể vì vài công ty gian lận tiền hoàn thuế VAT mà “đẻ” ra quy định, điều kiện để ách tiền hoàn thuế của các doanh khác. Làm như vậy là có lỗi với cộng đồng doanh nghiệp.

“Rõ ràng thời gian qua thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi chính sách vẫn còn nhiều vấn đề, mà minh chứng cụ thể là việc hoàn thuế quá chậm khiến môi trường kinh doanh bị ảnh hưởng. Do vậy, cần làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan đến vụ việc này để xử lý nghiêm”, luật sư Biên thẳng thắn.

Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023 chỉ đạo “Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, đánh giá đôn đốc Tổng cục Thuế thực hiện ngay, không chậm trễ, hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế GTGT nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp”.

Bởi vậy, với sự đôn đốc từ Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế địa phương siết kỷ luật trong việc thực hiện nhiệm vụ hoàn thuế GTGT. Cục trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm toàn diện. Tổng cục Thuế giao cho các Cục trưởng chỉ đạo tổ chức thực hiện hoàn thuế đúng thẩm quyền, đúng pháp luật quy định, không để tồn đọng kéo dài, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT đã kiểm tra, xác định số thuế đủ điều kiện hoàn thì khẩn trương ban hành quyết định hoàn thuế cho doanh nghiệp, đảm bảo đúng thời hạn quy định.

Đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT đang kiểm tra, xác minh số thuế đủ điều kiện hoàn thì phải thông báo cho người nộp thuế về tiến độ giải quyết hồ sơ, dự kiến thời gian giải quyết, đảm bảo công khai, minh bạch…

Trường hợp hồ sơ đề nghị hoàn thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã chuyển cơ quan điều tra thì phải có thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế biết và căn cứ kết luận của cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định pháp luật (theo Điều 34, Điều 35 Thông tư số 80/2021 của Bộ Tài chính).

Còn với các hồ sơ hoàn thuế GTGT đang có vướng mắc, phản ánh của các Hiệp hội, doanh nghiệp thì cần tổ chức đối thoại ngay với Hiệp hội, doanh nghiệp trong thời gian từ ngày 29/5/2023 đến ngày 2/6/2023 để làm rõ vướng mắc, tổng hợp báo cáo kết quả về Tổng cục Thuế.

Trường hợp hồ sơ hoàn thuế GTGT chưa được chấp nhận do chưa đủ thủ tục thì phải thông báo bằng văn bản cho người nộp thuế và ghi rõ lý do không chấp nhận.

Nguyễn Giang

————-

Diễn đàn Doanh nghiệp (Bình luận) 29-5-2023:

https://diendandoanhnghiep.vn/doanh-nghiep-cho-pha-san-vi-ach-tac-hoan-thue-ai-chiu-trach-nhiem-244721.html

 (198/1.432) #VAT #GTGT

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,572