3.520. Gian nan hành trình hoàn thuế

(ĐT) – Gần 6 tháng kể từ khi cơ quan công an kết luận doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), Công ty cổ phần An Phát “chạy đi, chạy lại” liên tục giữa Tổng cục Thuế và Cục Thuế Hà Nội. Hy vọng chứa chan vào chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhưng đến nay hành trình vẫn mịt mù.

Tàu chở bột sắn xuất khẩu của Công ty An Phát

Chuyền bóng qua chân

Công văn số 181/CSKT-Đ5 ngày 18/1/2023 của Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03 – Công an TP. Hà Nội) gửi Cục Thuế Hà Nội trao đổi kết quả xác minh vụ việc có dấu hiệu vi phạm hoàn thuế VAT. Theo đó, Cơ quan cảnh sát điều tra đã tổng hợp kết quả xác minh về tất cả các đối tác, ngân hàng, tài khoản ngân hàng liên quan, giá trị hàng hóa, dịch vụ đầu vào, đầu ra, xác minh toàn bộ các chi cục hải quan liên quan, hàng hóa được xuất khẩu 100% qua các cửa khẩu của Công ty cổ phần An Phát và kết luận: Đúng khối lượng, giá trị hàng theo đề nghị hoàn thuế của doanh nghiệp.

Theo mục 2 của Công văn số 632/TCT- TTKT ngày 7/3/2022 của Tổng cục Thuế có ghi rõ: “Đối với các hồ sơ hoàn thuế đã có kết quả trả lời xác minh của cơ quan thuế nước ngoài (đơn vị nhập khẩu không tồn tại hoặc có tồn tại, nhưng không thừa nhận nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam), thì cục thuế xác định dấu hiệu gian lận hoàn thuế, thu thập hồ sơ liên quan chuyển cơ quan công an đề nghị điều tra xử lý. Khi có kết luận của cơ quan công an và các cơ quan có liên quan thì cục thuế xử lý hồ sơ hoàn thuế theo quy định”.

Tuy nhiên, Cục Thuế Hà Nội không thực hiện hoàn thuế cho An Phát theo quy định. Ngày 20/3/2023, quá sốt ruột với hồ sơ hoàn thuế của mình, An Phát đã tự tìm đến PC03 để hỏi, mới biết đến Công văn số 181/CSKT-Đ5 ngày 18/1/2023 của đơn vị này.

Doanh nghiệp tức tốc làm công văn lên Cục Thuế Hà Nội đề nghị được hoàn thuế. “Căn cứ vào kết luận điều tra, xác minh tại Việt Nam của Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hà Nội ngày 18/1/2023, “Công ty đề nghị Cục Thuế Hà Nội giải quyết hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp theo luật định. Trường hợp Cục Thuế Hà Nội không hoàn thuế cho doanh nghiệp, đề nghị trả lời bằng văn bản nêu lý do tại sao và theo quy định nào?”, ông Phạm Minh Khoa, Giám đốc Công ty cho biết.

Công ty đề nghị Cục Thuế Hà Nội giải quyết hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp theo luật định. Trường hợp Cục Thuế Hà Nội không hoàn thuế cho doanh nghiệp, đề nghị trả lời bằng văn bản nêu lý do tại sao và theo quy định nào?

Ngày 7/4, Cục Thuế Hà Nội có công văn gửi An Phát cho biết đã nhận được công văn của Công ty yêu cầu  về việc giải quyết hoàn thuế VAT hàng xuất khẩu của Công ty. Cục Thuế Hà Nội trả lời: “Hiện nay, việc hoàn thuế VAT đối với doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn đang gặp vướng mắc chính sách. Để có hướng dẫn xử lý thống nhất, Cục Thuế Hà Nội đã có công văn báo cáo Tổng cục Thuế để xin ý kiến hướng dẫn cụ thể về việc hoàn thuế VAT cho các doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn. Ngay khi Tổng cục Thuế có công văn hướng dẫn, Cục Thuế Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện, xử lý theo quy định”.

Chờ không thấy hướng dẫn, ngày 21/4/2023, An Phát báo cáo Tổng cục Thuế, đã 3 tháng, kể từ ngày Cục Thuế Hà Nội nhận được Công văn số 181/CSKT-Đ5 và đã 22 ngày, kể từ ngày Cục Thuế Hà Nội nhận công văn đề nghị hoàn thuế của An Phát sau khi có kết luận từ cơ quan điều tra, nhưng Cục Thuế Hà Nội không có bất kỳ trao đổi, trả lời nào. An Phát đề nghị Tổng cục Thuế chỉ đạo giải quyết hoàn thuế cho doanh nghiệp theo luật định.

Ngày 25/4, Tổng cục Thuế ký công văn, “đá bóng” cho Cục Thuế Hà Nội và đề nghị An Phát liên hệ với Cục Thuế Hà Nội để được giải đáp. Nhận được công văn này, An Phát tiếp tục làm công văn gửi Tổng cục Thuế và Cục Thuế Hà Nội đề nghị được hoàn thuế. Tuy nhiên, Công ty không nhận được phản hồi nào.

Khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo Tổng cục Thuế và các cục thuế địa phương giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho các doanh nghiệp, An Phát rất vui mừng. Đặc biệt, Công ty rất kỳ vọng vào Công văn 2099/TCT- KK ngày 26/5/2023 của Tổng cục Thuế yêu cầu cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về công tác quản lý hoàn thuế VAT trên địa bàn, tổ chức chỉ đạo tổ chức thực hiện hoàn thuế đúng thẩm quyền, đúng pháp luật quy định, không để tồn đọng kéo dài, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Ngày 29/5, Công ty gửi công văn đến Tổng cục Thuế và Cục Thuế Hà Nội đề nghị giải quyết hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, nhưng Cục Thuế Hà Nội không trả lời.

Đến ngày 1/6/2023, Tổng cục Thuế có Công văn số 2170/TCT-TTKT gửi Cục Thuế Hà Nội chuyển Công văn của An Phát để xử lý theo quy định.

Ngày 3/6, doanh nghiệp lại tiếp tục có công văn gửi Cục Thuế Hà Nội đề nghị hoàn thuế cho doanh nghiệp.

Ông Phạm Minh Khoa, Giám đốc An Phát bức xúc cho biết: “Hồ sơ đề nghị hoàn thuế của doanh nghiệp bị “đá qua, đá lại” mà chúng tôi không hiểu tại sao. Cục Thuế Hà Nội có đủ chức năng, quyền hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế VAT cho Công ty chúng tôi mà không cần phải trình hay xin hướng dẫn chỉ đạo của Tổng cục Thuế. Vì thực tế, hồ sơ hoàn thuế VAT trong 31 kỳ đề nghị hoàn trước đây là do Cục Thuế ra quyết định hoàn cho doanh nghiệp. Và kỳ hoàn lần thứ 32, 33 này, hồ sơ đề nghị cũng giống 31 kỳ doanh nghiệp đã được hoàn”.

Doanh nghiệp muốn đối thoại cũng không xong

Ông Nghiêm Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, mặt hàng sắn xuất khẩu sang Trung Quốc được bán theo điều kiện giao hàng tại biên giới, người bán chỉ chịu trách nhiệm giao hàng đến cửa khẩu xuất hàng. Khác hẳn với việc mua bán giữa các doanh nghiệp trong nước, việc có hay không có việc bán hàng sang nước ngoài là phải được hải quan kiểm tra, nếu đủ điều kiện thì mới được xuất hàng (xác nhận thông quan hàng hóa). Các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, để xác định có, hay không việc xuất khẩu bột sắn, cơ quan thuế kiểm tra bộ hồ sơ gốc về hàng hóa của doanh nghiệp và hồ sơ hoàn thuế, trong đó có hồ sơ hải quan tại nơi làm thông quan, kiểm hóa trước khi xuất hàng. Đây là bằng chứng quyết định việc xác thực hàng hóa đã xuất khẩu.

Các doanh nghiệp xuất khẩu sắn đã thực hiện đúng 3 điều kiện để được hoàn thuế VAT theo quy định của pháp luật, cụ thể là Thông tư số 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính như sau:

Thứ nhất, có hợp đồng mua bán hàng hóa với đối tác Trung Quốc; thứ hai, có tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan, có xác nhận hàng hóa đã qua khu vực giám sát hải quan của cơ quan hải quan; thứ ba, có chừng từ thanh toán qua ngân hàng.

Hơn nữa, sau quá trình nhiều tháng, năm điều tra, xác minh, các cơ quan liên quan đã khẳng định hoặc không phát hiện chứng cứ vi phạm của doanh nghiệp ngành sắn liên quan đến việc đề nghị hoàn thuế VAT sản phẩm sắn xuất khẩu. Có những doanh nghiệp ngành sắn bị tồn đọng thuế VAT chưa được hoàn từ những năm 2018, 2019 đến nay đã hơn 4 năm, gây thiệt hại rất lớn đến doanh nghiệp nói riêng, toàn bộ ngành sắn Việt Nam nói chung.

Hiệp hội Sắn Việt Nam đã có công văn gửi Tổng cục Thuế đề nghị hoàn thuế cho các doanh nghiệp theo đúng quy định, đặc biệt là hoàn thuế cho 4 doanh nghiệp, trong đó có Công ty cổ phần An Phát, đã được PC03 các tỉnh, thành phố kết luận không có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đồng thời, Hiệp hội Sắn Việt Nam đề nghị các cục thuế đối thoại với doanh nghiệp. Trong công văn, Hiệp hội Sắn nhấn mạnh, tại Công văn số 2768/TCT-TTKT, Tổng cục Thuế khẳng định: “Các doanh nghiệp được hoàn thuế VAT nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện và thủ tục về hoàn thuế GTGT theo quy định của pháp luật”.

Ngày 30/5/2023, Tổng cục Thuế có Công văn số 2122/TCT-TTKT gửi Cục Thuế Hà Nội, TP.HCM và Cục Thuế tỉnh Nghệ An cho biết, Tổng cục Thuế nhận được Công văn số 32/CV-BCH/HHSVN của Hiệp hội Sắn Việt Nam kiến nghị về việc hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp ngành sắn. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thuế các cấp, Tổng cục Thuế chuyển nội dung kiến nghị tại công văn đến Cục Thuế để các cục thuế khẩn trương xử lý theo quy định.

Chưa biết đến bao giờ, mong mỏi của các doanh nghiệp mới được giải quyết, cũng như đảm bảo tính công bằng nghiêm minh của pháp luật quản lý thuế. Nhận xét về câu chuyện này, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng: “Doanh nghiệp đã khiếu nại và kiến nghị nhiều lần với Cục Thuế, Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính về việc dừng hoàn thuế trái luật nhưng vẫn bị phớt lờ. Vậy thì doanh nghiệp chỉ còn nước kêu cứu lên Chính phủ, Quốc hội yêu cầu cơ quan thuế làm đúng luật, bao gồm cả việc phải trả doanh nghiệp lãi phạt theo quy định của Luật Quản lý thuế”.

Anh Việt

————-

Đầu (Điểm nóng) ngày 12-6-2023:

https://baodautu.vn/gian-nan-hanh-trinh-hoan-thue-d191648.html

(91/1.872) #VAT #TCT

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

431. Bình luận về Luật siêu dễ VTV3 - Chủ đề Luật...

Bình luận về Luật siêu dễ VTV3 - Chủ đề Luật Lao động. (VTV3)...

Phỏng vấn 

4.384. Sẽ đánh thuế đối với hàng hoá nhập...

Sẽ đánh thuế đối với hàng hoá nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng. (VTC1)...

Trích dẫn 

3.903. Mở rộng phạm vi kiểm toán để dẹp nạn...

Mở rộng phạm vi kiểm toán để dẹp nạn tăng vốn ảo của doanh nghiệp. (ĐTM)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 230,826