3.523. Cần sớm hoàn thiện quy định cá nhân làm từ thiện.

(PL) – Nếu hình thành được các tổ chức làm từ thiện chuyên nghiệp, bài bản, uy tín thì gánh nặng hay sức ép cho cá nhân, tổ chức làm từ thiện sẽ tự nhiên giảm đi.

Dự thảo Nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (dự thảo) thay thế Nghị định 64/2008 vẫn đang được các cơ quan bàn thảo.

Thực tiễn cho thấy dự thảo cần phải được ban hành sớm để hợp thức hóa các hoạt động thiện nguyện đã và đang diễn ra.

“Việc thiện nguyện cứ tự nhiên như hơi thở”

Từ nhiều năm qua, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bằng nhiều cách đã đóng góp tài chính, vật tư, trang thiết bị y tế để hỗ trợ công tác phòng chống dịch cũng như khắc phục hậu quả thiên tai.


Các nhóm thiện nguyện chuyển lương thực cứu trợ cho người dân bị lũ lụt ở miền Trung hồi tháng 10-2020. Ảnh: A.TÙNG

 

Lũ lụt miền Trung năm 2019, nhiều diễn viên, ca sĩ, MC… đã phát động, kêu gọi ủng hộ nạn nhân, nhiều người kêu gọi được hàng trăm tỉ đồng.

Đặc biệt, khi đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư hồi giữa năm 2021, nhiều cá nhân và chương trình thiện nguyện bằng nhiều mối quan hệ và uy tín của mình đã vận động tài chính, trang thiết bị, vật tư y tế… để hỗ trợ các bệnh viện (BV), lực lượng tuyến đầu. Một Facebooker đã tiếp nhận và phân phối hàng chục triệu suất ăn và vật tư y tế cho tuyến đầu chia sẻ: “Việc thiện nguyện ấy cứ tự nhiên như hơi thở”.

Chương trình thiện nguyện “Nhịp thở Quê hương” được các doanh nhân và một số cá nhân khác khởi xướng từ ngày 6-8-2021 đã chuyển 51 máy thở, máy trợ thở và vật tư tiêu hao với tổng giá trị tương đương 8 tỉ đồng cho các BV điều trị COVID-19; trao 16 máy thở cho Trung tâm cấp cứu 115 và các BV khác tại TP.HCM.

Tổ chức Oxfam tại Việt Nam – một tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực phát triển nông thôn, giảm thiểu rủi ro thiên tai và cứu trợ nhân đạo, phát triển xã hội dân sự, dân tộc thiểu số và nâng quyền của phụ nữ – cũng vừa phối hợp với Đại sứ quán New Zealand và Đại sứ quán Thụy Sĩ viện trợ gần 1,3 tỉ đồng để hỗ trợ người lao động di cư gặp khó khăn tại TP.HCM.

Theo chương trình này, bắt đầu từ ngày 5-10 và trong vòng ba tháng tới, hơn 700 lao động di cư gặp khó khăn và dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ, tại những quận bị ảnh hưởng nặng nề nhất (các quận 4, 6, 7, 9, 11, 12, Bình Thạnh) sẽ nhận các suất hỗ trợ tiền mặt trị giá 1,5 triệu đồng.

Phản ứng chính sách chậm

Điều 5 Nghị định 64/2008 quy định: Ngoài Mặt trận, Hội Chữ thập đỏ các cấp, cơ quan thông tin đại chúng của trung ương và địa phương; các tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được Mặt trận cho phép thì “không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ”.

Ngay cả những cơ quan, bộ, ngành ở trung ương muốn huy động cơ quan đóng góp để giúp đỡ trực tiếp nạn nhân của thiên tai, dịch bệnh, các trường hợp khó khăn hay bệnh hiểm nghèo, theo Điều 9 Nghị định 64/2008, phải “nộp trực tiếp vào tài khoản của Ban cứu trợ cùng cấp”.

Bàn về vấn đề thực tiễn vượt cuộc sống trong trường hợp thiện nguyện và Nghị định 64/2008, luật sư Trương Thanh Đức, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng: Pháp luật thường có độ trễ so với thực tiễn. Tuy nhiên, nếu tính từ việc MC Phan Anh huy động từ thiện giúp đỡ nạn nhân bão lụt miền Trung năm 2016 đến nay thì đã năm năm. Tuy nhiên, đến nay Nghị định 64/2008 mới tiếp tục được dự thảo thay thế.

“Phản ứng chính sách chậm dẫn đến sự tranh cãi, phức tạp không đáng có, ảnh hưởng đến hoạt động thiện nguyện, đến tâm huyết của người làm thiện nguyện. Hình thành được các tổ chức làm từ thiện chuyên nghiệp, bài bản, uy tín mới là việc quan trọng hơn. Khi đó, các gánh nặng hay sức ép cho cá nhân, tổ chức làm từ thiện sẽ tự nhiên giảm đi” – luật sư Đức nói.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng: Quyền tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của cá nhân cần được công nhận. Thực tế cho thấy rất nhiều cá nhân, đặc biệt là các nghệ sĩ nổi tiếng vẫn thường xuyên không chỉ đứng ra vận động mà còn trực tiếp tiếp nhận các khoản đóng góp cứu trợ. Điều này rõ ràng vi phạm quy định của Nghị định 64/2008.

“Tuy nhiên, vi phạm nghị định thì vẫn chưa chắc đã vi phạm pháp luật, bởi vì BLDS 2015 quy định chỉ có luật mới có thể hạn chế quyền dân sự. Là một văn bản dưới luật, Nghị định 64/2008 không thể hạn chế quyền này. Như vậy, quy phạm cấm cá nhân tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ đã bị BLDS vô hiệu hóa” – TS Nguyễn Sĩ Dũng nhận định.

Vẫn chờ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 64/2008

Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay: Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 64/2008 hiện vẫn đang được cơ quan này tiếp thu và chỉnh lý. Có thể tới đây, một dự thảo mới sẽ được đệ trình Chính phủ và lấy ý kiến rộng rãi.

Trước đó, tháng 6-2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo nghị định theo hướng khuyến khích tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện; cần có quy định cụ thể để triển khai thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả, đáp ứng mục đích, ý nghĩa và yêu cầu quản lý nhà nước.

Cần xây dựng, ban hành Luật Thiện nguyện

Chúng tôi hoan nghênh việc Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 64/2008.

Qua nghiên cứu bản dự thảo mới nhất, chúng tôi nhận thấy dự thảo đã mở rộng đối tượng tham gia vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để góp phần khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước và hỗ trợ người mắc bệnh hiểm nghèo. Bên cạnh đó, những thảo luận gần đây về việc một số nghệ sĩ, ca sĩ, cá nhân cứu trợ nạn nhân thiên tai, dịch bệnh… đang đặt ra yêu cầu lớn về tính chuyên nghiệp, hợp tác và công khai, minh bạch trong hoạt động cứu trợ khẩn cấp.

Để làm được việc này, chúng tôi đề nghị xây dựng một “hướng dẫn quy trình đánh giá thiệt hại, vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố và dịch bệnh”, qua đó tất cả tổ chức, cá nhân tham gia cứu trợ khẩn cấp có thể nắm và thực hiện được một quy trình làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả.

Về lâu dài, để bảo đảm một hành lang pháp lý vững chắc, tôi cho rằng Chính phủ cần nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Tổ chức và hoạt động thiện nguyện, phi lợi nhuận trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Ông PHẠM QUANG TÚ, Phó Giám đốc quốc gia Oxfam tại Việt Nam

CHÂN LUẬN

———

Pháp luật (Pháp luật) TP HCM 07-10-2021:

https://plo.vn/phap-luat/can-som-hoan-thien-quy-dinh-ca-nhan-lam-tu-thien-1020101.html

 

(162/1.396)

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.732. Hành lang pháp lý mới cho hoạt động ngân...

(ĐT) - Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 được kỳ vọng sẽ hỗ trợ...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.283. Tổng hợp các bài khác trả lời phỏng vấn...

(ANVI) – 03 lượt khác trả lời phỏng vấn các báo chí: VOV1, VTV1 &...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,875