3.529. Thay đổi cách bán nợ của ngân hàng: Kiểm soát chặt đấu giá tài sản

(ĐT) – Tổ chức tín dụng không được tự đấu giá khoản nợ, không được cấp tín dụng cho việc mua nợ, phải trích lập dự phòng rủi ro với khoản nợ chưa hoàn tất việc mua – bán là những nội dung đáng chú ý được đề xuất sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09/2015/TT-NHNN về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi tắt là TCTD) đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến.

Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ quy định cho phép tổ chức tín dụng tự bán đấu giá khoản nợ. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Về nội dung đấu giá khoản nợ, theo quy định tại Thông tư số 09, bên bán nợ thuê tổ chức đấu giá chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản hoặc tự tổ chức bán đấu giá khoản nợ. Tuy nhiên, Khoản 12 Điều 5 Luật Đấu giá tài sản quy định: “Tổ chức đấu giá tài sản bao gồm trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và doanh nghiệp đấu giá tài sản”. Căn cứ quy định trên, TCTD không được tự tổ chức đấu giá khoản nợ nên Ban soạn thảo đề xuất bỏ quy định cho phép “TCTD tự bán đấu giá khoản nợ” để phù hợp với quy định của Luật Đấu giá tài sản.

Điểm sửa đổi thứ hai tại Dự thảo là bổ sung quy định “TCTD không được cấp tín dụng cho khách hàng để mua nợ của chính TCTD hoặc của TCTD khác”.

Theo Ban soạn thảo, qua công tác thanh tra, giám sát, cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng có ý kiến nên cấm cả việc TCTD cấp tín dụng để mua nợ của TCTD nhằm ngăn ngừa phát sinh hiện tượng các ngân hàng cho vay khách hàng chéo để che giấu nợ xấu. Ví dụ, TCTD A cho khách hàng B vay để mua nợ của TCTD C, ngược lại, TCTD C cho khách hàng D vay để mua nợ của TCTD A. Do đó, Ban soạn thảo đề xuất bổ sung quy định: “TCTD không được cấp tín dụng cho khách hàng để mua nợ của chính TCTD hoặc của TCTD khác” để hạn chế việc lợi dụng cấp tín dụng cho hoạt động mua bán nợ nhằm che giấu nợ xấu.

Điểm sửa đổi thứ ba là quy định về quản lý, theo dõi đối với khoản nợ chưa hoàn thành việc mua, bán nợ. Theo đó, khoản nợ chưa hoàn thành việc mua, bán nợ vẫn thuộc sở hữu của bên bán nợ. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, bên bán nợ vẫn phải chịu rủi ro. Do đó, bên bán nợ phải quản lý phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ theo quy định.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV, việc sửa đổi và bổ sung các nội dung trên là phù hợp, góp phần cải thiện hiệu quả xử lý nợ xấu và giúp nhìn nhận rõ thực trạng nợ xấu hiện nay. “Công nghệ tiên tiến cùng với hệ thống cơ sở dữ liệu hiện nay đủ để kiểm soát thông tin nợ xấu, việc cấp tín dụng, hoạt động mua bán nợ xấu. Khi quy định này có hiệu lực, cần đẩy mạnh hiệu quả thực thi. Quy định trích lập dự phòng với các khoản nợ chưa hoàn tất việc mua bán cũng là cần thiết để đảm bảo nhìn nhận đúng và đủ về nợ xấu hiện nay. Tuy nhiên, việc thực hiện cần nghiêm túc và giám sát thường xuyên”.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI băn khoăn về việc Dự thảo quy định yêu cầu TCTD phải thông qua tổ chức đấu giá chuyên nghiệp để thực hiện bán đấu giá khoản nợ. 

Về mặt pháp lý, Bộ luật Dân sự quy định, các bên có thể thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây: Bán đấu giá tài sản; bên nhận bảo đảm tự bán tài sản; bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm; phương thức khác.

Như vậy, Bộ luật Dân sự cho phép bên nhận bảo đảm được tự bán tài sản bảo đảm mà không phải qua đấu giá tài sản. Trong khi đó, Luật Đấu giá tài sản yêu cầu một trong các loại tài sản phải bán thông qua đấu giá là tài sản bảo đảm. Đây là điểm chưa thống nhất giữa hai luật này. Hay nói cách khác, nếu không muốn phải qua tổ chức đấu giá tài sản, ngân hàng có thể căn cứ theo Bộ luật Dân sự để tự bán tài sản bảo đảm. 

Ở khía cạnh khác, ông Đức cho rằng: “Việc bán đấu giá tài sản bảo đảm qua tổ chức đấu giá chưa hẳn đã đảm bảo công khai, minh bạch, bởi thực tế những năm qua đã có nhiều vụ việc gian lận trong đấu giá tài sản. Thậm chí, tôi còn biết có trường hợp một vị vừa đảm nhận một chức vụ ở ngân hàng vừa là giám đốc một công ty đấu giá tài sản. Vì vậy, để đảm bảo công khai, minh bạch trong đấu giá tài sản bảo đảm, cần có cơ chế kiểm soát chất lượng đấu giá tài sản. Tương tự, quy định để tránh tình trạng mua bán chéo nợ xấu ngân hàng và trích lập rủi ro với các khoản nợ xấu chưa hoàn tất hoạt động mua bán là hết sức cần thiết để nhận diện rõ nợ xấu của hệ thống, song cần cơ chế kiểm soát chặt chẽ”.

Xuân Yến


 

Đấu thầu (Đấu giá) 20-10-2021:

https://baodauthau.vn/thay-doi-cach-ban-no-cua-ngan-hang-kiem-soat-chat-dau-gia-tai-san-post114911.html

 

(364/1.026)

 

 

 

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,559