3.532. Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi): Người mua có bị lép vế? 

(ĐBND) – Bình luận về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), được Quốc hội thảo luận ở tổ sáng nay (25.10), nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam PHÙNG ĐẮC LỘC cho rằng dự thảo Luật đã quan tâm bảo vệ quyền lợi người mua bảo hiểm nhưng vẫn chưa đủ.

Nên tách hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe

– Lâu nay, quyền lợi của người mua bảo hiểm thường “lép vế” hơn so với doanh nghiệp bảo hiểm. Dự thảo Luật đã khắc phục được điều này chưa, thưa ông?

– Đúng là trong nhiều trường hợp, quyền lợi của người mua bảo hiểm thường “lép vế” hơn. Có nhiều nguyên nhân, gồm cả từ phía khách hàng như: Kê khai không trung thực, quên thời hạn đóng phí kỳ tiếp theo làm mất hiệu lực của hợp đồng…, song cũng có nguyên nhân từ phía các quy định hiện hành. Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã quan tâm bảo vệ quyền lợi người mua bảo hiểm, nhưng chưa đủ.

– Theo ông, dự thảo Luật cần quy định ra sao để bảo đảm tốt hơn nữa quyền lợi của người mua?

– Trước tiên, dự thảo Luật nên đưa ra những định nghĩa (giải thích từ ngữ) chỉ có một cách hiểu duy nhất khi tranh chấp xảy ra.

Bên cạnh đó, cần tách riêng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe để đưa được nhiều nội dung cần có sự điều chỉnh của quy phạm pháp luật. Chẳng hạn: Các bệnh mắc sẵn, bệnh di truyền, cơ sở điều trị là gì; ngày mai hết hạn hợp đồng bảo hiểm mà hôm nay người mua bị ốm phải nằm viện có được chi trả cho toàn bộ thời gian nằm điều trị không?…  Sở dĩ cần tách riêng vì bảo hiểm nhân thọ có thời gian bảo hiểm dài hạn, số phí đóng tích tụ ngày càng lớn, quyền lợi chi trả cho mục đích tiết kiệm (ngoài mục đích khắc phục rủi ro) ngày càng nhiều.

Đồng thời, dự thảo Luật cần tập trung vào 2 chương là Quy định chung và Hợp đồng bảo hiểm để giúp người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình cũng như quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp; hậu quả khi vi phạm; thủ tục để được chi trả tiền bảo hiểm. Điều này cũng sẽ giúp các trọng tài, tòa án, hòa giải có thể dựa vào để xử lý tranh chấp.

Bộ Tài chính không nhất thiết phải tổ chức thi, cấp chứng chỉ  

– Một số quy định trong dự thảo Luật được cho là làm khó doanh nghiệp, đại lý bảo hiểm, như: Đại lý không được bán bảo hiểm cho nhiều doanh nghiệp nếu không có văn bản chấp thuận của doanh nghiệp mà mình đang làm đại lý; hay doanh nghiệp bảo hiểm phải đăng ký và được Bộ Tài chính chấp thuận phương pháp, cơ sở tính phí của các sản phẩm bảo hiểm… Ông nghĩ sao?

– Nhiều nước đã cho phép đại lý được bán bảo hiểm của nhiều doanh nghiệp vì họ làm chuyên nghiệp. Còn ở Việt Nam, nếu cùng lúc bán sản phẩm của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm thì thường họ sẽ hướng khách hàng vào sản phẩm của doanh nghiệp mà trả hoa hồng cao hơn. Do vậy, quy định một đại lý chỉ được bán sản phẩm bảo hiểm cho doanh nghiệp khác nếu được chấp thuận bằng văn bản của doanh nghiệp mà mình đang làm đại lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích khách hàng, đồng thời giúp doanh nghiệp kiểm soát được đại lý về số hợp đồng, doanh thu.

Việc trình Bộ Tài chính phương pháp, cơ sở tính phí là đúng để bảo vệ quyền lợi khách hàng. Điều này nhằm khẳng định doanh nghiệp đã tính đúng, tính đủ phí bảo hiểm, bảo đảm khách hàng không bị nộp phí cao hơn rủi ro và quyền lợi được công ty bảo hiểm cam kết; hoặc tránh tình trạng vì cạnh tranh mà doanh nghiệp cố tình hạ phí thấp hơn rủi ro quyền lợi bảo hiểm đã cam kết dẫn tới số tiền chi trả hoặc bồi thường khi rủi ro sự kiện xảy ra vượt quá quỹ bảo hiểm (thu được từ phí bảo hiểm), hậu quả là mất khả năng thanh toán.

­– Cũng theo dự thảo Luật, Bộ Tài chính sẽ tổ chức thi, cấp, công nhận chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm… Liệu có phải Bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi”?

– Theo dự thảo Luật, sẽ có nhiều cơ sở tham gia đào tạo đại lý bảo hiểm, gồm cả cơ sở của nước ngoài. Thêm nữa, đối với đại lý bảo hiểm, không một ai tự bỏ tiền đi học để được cấp chứng chỉ và được hành nghề, mà toàn bộ chi phí học, thi, cấp chứng chỉ do doanh nghiệp bảo hiểm có ứng viên làm đại lý chi trả. Do đó, Bộ Tài chính không nhất thiết phải làm việc này. Có chăng, Bộ chỉ nên xây dựng ngân hàng bộ đề thi trực tuyến và phải công khai, minh bạch. Trên cơ sở kết quả thi ứng dụng ngân hàng đề thi đó sẽ đánh giá chất lượng đào tạo của cơ sở cũng như từng thí sinh để được cấp chứng chỉ.

– Xin cảm ơn ông!

 Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC, Giám đốc Công ty Luật ANVI:

Tránh đẩy rủi ro cho khách hàng

Từng trong tư cách luật sư bảo vệ thân chủ và ngồi vị trí trọng tài để phân xử các vụ tranh chấp liên quan hợp đồng bảo hiểm, tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp thiết kế, môi giới, tư vấn của một số nhà cung cấp bảo hiểm không rõ ràng, sòng phẳng, đẩy rủi ro về phía khách hàng.

Thêm nữa, hợp đồng bảo hiểm thường quá dài, quá khó hiểu với hầu hết người mua. Thông thường, người mua chỉ biết ký tên và đóng tiền, còn mọi việc giám định, kiểm tra, định giá… nhiều khi phó mặc cho doanh nghiệp bảo hiểm. Do đó, yêu cầu trước tiên là Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) phải khắc phục được điều này. 

  1. Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế:

Hướng tới quy chuẩn quốc tế

Sau 20 năm thực hiện, việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm là rất cần thiết để phù hợp với thực tiễn cũng như thông lệ quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, trong đó có lĩnh vực bảo hiểm.

Nội dung sửa đổi, bổ sung lần này phải bao gồm đối tượng áp dụng mở rộng so với Luật cũ; giải thích từ ngữ để phù hợp với thực tiễn và pháp luật quốc tế. Chỉ khi chúng ta hướng tới tiêu chuẩn quốc tế, dựa trên luật pháp quốc tế thì khi xảy ra tranh chấp mới có cơ sở giải quyết (thông qua tòa án, trọng tài quốc tế).

  1. Nhung – M. Trang ghi

Minh Châu thực hiện


Đại biểu Nhân dân (Kỳ họp Quốc hội) 25-10-2021:

https://daibieunhandan.vn/nguoi-mua-co-bi-lep-ve-mzi8aly8gg-65105

(147/1.250)

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,579