3.538. Doanh nghiệp hậu giãn cách ‘như cá nằm trên thớt’: Khó khăn bủa vây tứ bề, thấp thỏm lo bùng dịch.

(VNB) – Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đã dần nguôi nhưng khó khăn vẫn chồng chất với các doanh nghiệp. Chưa hết “bão COVID”, “bão giá nguyên liệu”, bài toán nhân công hay sản xuất an toàn,… lại trở thành những bài toán cân não.

Vừa đi qua “bão” COVID-19, lại đối mặt “bão” giá nguyên liệu

Một tháng kể từ khi Việt Nam bắt đầu kế hoạch mở cửa, thích ứng, sống chung an toàn với dịch bệnh, các doanh nghiệp trên cả nước đã nhanh chóng bắt tay vào khôi phục sản xuất. Tuy vậy, khó khăn vẫn không vì thế mà vơi đi.

Sau khi trải qua làn sóng dịch tồi tệ nhất, doanh nghiệp giờ đây phải đối mặt với “bão” giá nguyên vật liệu đầu vào cùng bài toán chi phí, thiếu nhân công,…

Chia sẻ với chúng tôi, bà Ong Thị Kim Ngân, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty Nước mắm Thanh Hà, cho biết nguyên liệu bao bì từ quý IV/2020 đến nay đã tăng tổng cộng 40% – 50%.

Ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (Đồng Nai), cũng cho hay giá cao su, hóa chất, hạt nhựa, giấy,… có loại đã tăng từ 30 – 50% so với cùng kỳ năm 2020, điều này đã đẩy giá thành sản phẩm tăng lên rất nhiều.

Theo đại diện một doanh nghiệp sản xuất nước giải khát ở TP HCM, công ty đang đối mặt với loạt khó khăn khi giá nguyên liệu tăng cao. “Báo giá các nguyên liệu thay đổi liên tục, có loại tăng 15%, có loại tăng hơn 30%”, ông nói.

Một dây chuyền sản xuất nước giải khát. (Ảnh: VGP).

Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nếu như trong thời gian qua chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng mạnh do phải thực hiện các phương án đảm bảo kiểm soát dịch bệnh thì giờ đây chi phí này vẫn còn tiếp tục tăng.

Thống kê trong 8 tháng đầu năm 2021, hầu hết giá cả của nguyên vật liệu sản xuất đều tăng. So với đầu năm, giá hàng hóa nhiên liệu đã tăng 33%, giá xăng dầu tăng 28%, giá nguyên vật liệu nông nghiệp dạng thô tăng 6%, giá hàng hóa đầu vào cho sản xuất công nghiệp tăng 11% và giá hàng hóa phi nhiên liệu tăng 11%.

Đáng lưu ý, giá cước vận tải biển đã tăng vọt, tính đến tháng 9, mức giá này đã gấp từ 7 đến 9 lần (tuỳ theo địa điểm đến) so với cùng kỳ năm trước.

Thực tế, giá nguyên liệu tăng phi mã không phải là vấn đề mới xuất hiện, ngay từ những tháng đầu năm, khi chưa bùng dịch lần thứ 4, doanh nghiệp đã phải cân não giải bài toán chi phí vì giá nguyên liệu, vận tải tăng vọt.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia của VEPR, khác với đầu năm, cơn “bão” giá lần này có nguy cơ gây tổn thương cho doanh nghiệp nhiều hơn bởi doanh nghiệp đã bị bào mòn khá nhiều qua đợt bùng dịch nghiêm trọng vừa qua.

Mặt khác, khi giá nguyên liệu tăng sẽ dẫn tới các doanh nghiệp buộc phải đưa ra quyết định tăng giá sản phẩm, đảm bảo biên lợi nhuận. Đây là điều mà họ không hề mong muốn, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nói chung đang khó khăn, thu nhập và tiêu dùng nhiều người giảm sút.

Vừa sản xuất vừa nơm nớp lo bùng dịch

Ngoài những khó khăn về chi phí sản xuất tăng cao, thiếu lao động do người dân trở về quê không lên thành phố làm việc, doanh nghiệp thời “bình thường mới” vừa sản xuất vừa lo nguy cơ bùng dịch.

Chủ doanh nghiệp ngoài lên ý tưởng, kế hoạch kinh doanh, phương án tối đa hóa lợi nhuận, giờ lại thêm cả việc nghĩ cách bố trí công nhân làm việc đảm bảo phòng dịch, các kịch bản xử lý khi có ca nhiễm, phối hợp với cơ quan chức năng xử lý tình huống dịch bệnh phát sinh trong nhà máy.

“Sản xuất trong giai đoạn này đầy rủi ro vì không ai biết dịch sẽ bùng lại lúc nào. Nói thật là chúng tôi vừa hoạt động vừa nơm nớp lo sợ, nhưng vẫn còn hơn là phải phá sản”, bà Kim Hiền, đại diện một doanh nghiệp chế biến thủy hải sản ở Tiền Giang nói.

Nói thêm về khó khăn, bà Hiền cho hay một tháng qua tỉnh vẫn yêu cầu thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường, 2 điểm đến” nên doanh nghiệp vẫn phải gánh thêm chi phí.

Tuy nhiên rất may là từ 1/11, Tiền Giang đã nới lỏng điều kiện sản xuất cho nhà máy, cho phép doanh nghiệp được chủ động tổ chức một trong 3 phương án: cho người lao động đi về hàng ngày, “3 tại chỗ” và “3 tại chỗ kết hợp đi về hàng ngày”.

Bà cho hay công ty đã lên kế hoạch cụ thể cho người lao động đi về hàng ngày và dù lựa chọn theo phương án nào thì việc xét nghiệm định kỳ vẫn bắt buộc để trong trường hợp có ca bệnh, sẽ phát hiện được sớm và nhanh nhất.

“Chúng tôi xác định thời gian đầu vẫn phải bỏ chi phí xét nghiệm 2 lần/tuần cho hơn 400 công nhân, sau đó sẽ tính toán đề xuất phương án xét nghiệm luân phiên theo từng khu vực để giảm bớt chi phí”, bà Hiền chia sẻ.

Khu vực bị phong tỏa ở xã Bình Đức, nơi Công ty TNHH MTV Hải sản Mê Kông hoạt động. (Ảnh: Công an nhân dân).

Cũng tại Tiền Giang, ngày 26/10 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an huyện Châu Thành đã khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người xảy ra tại Công ty TNHH MTV Hải sản Mê Kông.

Một công nhân làm việc tại công ty này có biểu hiện ho sốt, đến bệnh viện để khám bệnh và được xác định dương tính với SARS-CoV-2 qua test nhanh. Kết quả khoanh vùng truy vết đã xác định được 110 ca F0.

Trong đó Công ty TNHH MTV Hải sản Mê Kông có 83 ca F0, Công ty TNHH TMCP Tuyết Hương có 27 ca F0. UBND xã Bình Đức đã phong tỏa 24 khu vực liên quan, với 95 hộ dân liên quan đến 208 nhân khẩu.

Trường hợp của công ty này cho thấy chỉ cần một bước sơ sót hoặc chủ quan trong quá trình phòng dịch cũng có thể khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ dừng hoạt động, bị truy tố trách nhiệm hình sự.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group, cho biết: “Hơn ai hết, doanh nghiệp mới là người sợ bùng dịch nhất, vì không những phải chịu trách nhiệm, thậm chí khởi tố mà còn làm ảnh hưởng tới sinh kế của nhiều người lao động. Cũng chính vì thế mà tôi cho rằng khối doanh nghiệp sẽ luôn thực hiện nghiêm túc các quy định phòng dịch khi sản xuất, bởi đó liên quan đến vấn đề tồn vong của một doanh nghiệp”.

Theo ông, mặc dù hoạt động trở lại có nhiều rủi ro và trách nhiệm nhưng nếu không làm thì những mất mát còn to lớn hơn. “Để hạn chế lây nhiễm, chúng tôi luôn nhắc nhở nhân viên về quy định ‘đi làm chỉ đi làm, cung đường từ nhà đến công ty, không la cà”, ông nói.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, cho hay việc xử lý các vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người, làm lây lan dịch COVID-19 đã được luật quy định rõ ràng tại Điều 295 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).

“Trước đó, luật cũng có các quy định về bệnh truyền nhiễm khác. Do dịch COVID-19 là điều chưa từng có tiền lệ, tốc độ lây lan nhanh và mức độ ảnh hưởng lớn nếu để bùng dịch. Do vậy, doanh nghiệp thời COVID sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, nếu “sảy chân” để bùng dịch thì hậu quả sẽ rất lớn”, luật sư đánh giá.

Anh Đào

———–

VietnamBiz (Thời sự) 01-11-2021:

https://vietnambiz.vn/doanh-nghiep-hau-gian-cach-nhu-ca-nam-tren-thot-kho-khan-bua-vay-tu-be-thap-thom-lo-bung-dich-20211101042543669.htm

(128/1.457)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,273