3.568. Nhiều lô đất ‘vàng’ Thủ Thiêm sẵn sàng đấu giá.

(TT) – Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm cho biết hiện trong khu đô thị còn 51 lô đất với diện tích hơn 793.000m2 chờ nhà đầu tư. Nhiều lô trong số này đã sẵn sàng để đưa ra đấu giá.

Các lô đất thuộc khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM) vừa được bán đấu giá – Ảnh: T.T.D.

 

Sự kiện 4 lô đất tại Thủ Thiêm được đấu giá thành công với số tiền trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, trung bình hơn 1,2 tỉ đồng/m2, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, nhất là giới kinh doanh bất động sản.

Đầu năm 2022 sẽ đấu giá tiếp

Thông tin từ Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.HCM cho hay đơn vị này đang hoàn thiện thủ tục đấu giá cho 6 lô đất ở khu chức năng số 1 và 3.790 căn chung cư (trên 5 khu đất từ R1 đến R5) tại khu 38,4ha phường An Khánh. Dự kiến các lô đất và chung cư sẽ được đưa ra đấu giá vào đầu năm 2022.

6 lô đất ở khu chức năng số 1 nằm gần 4 lô đất vừa đấu giá thành công, ngay chân cầu Thủ Thiêm 2.

Các lô đất trong khu chức năng số 1 được quy hoạch thương mại, dịch vụ và nhà ở. UBND TP cũng đã duyệt quy hoạch 1/500 cho 6 lô đất này và có chủ trương cho đấu giá từng lô để lựa chọn nhà đầu tư.

Trong khi đó, 3.790 căn hộ ở phường An Khánh tọa lạc trên 5 lô đất có tổng diện tích khoảng 78.800m2.

Dự kiến khu đất và nhà chung cư này sẽ được chia thành 2 gói để bán đấu giá: gói thứ nhất gồm 2.220 căn hộ (14 block chung cư) trên 3 lô đất ký hiệu R1, R2 và R3 có diện tích hơn 47.000m2, gói thứ 2 có 1.570 căn hộ (gồm 11 block chung cư) trên 2 lô đất ký hiệu R4, R5 có diện tích hơn 31.800m2. Giá khởi điểm cho cả hai gói này đã được ấn định khoảng 14.700 tỉ đồng.

Hiện tại khu đô thị mới Thủ Thiêm còn có 9 lô đất đã hoàn thiện hạ tầng và pháp lý, có thể đưa ra đấu giá ngay được.

Đó là 6 lô đất ở khu 2C, 2 lô được quy hoạch trung tâm hội nghị triển lãm và lô đất mang ký hiệu 7-1. Theo quy hoạch, lô đất 7-1 là khách sạn nghỉ dưỡng hiện đã bồi thường giải phóng mặt bằng xong và cũng được UBND TP chấp thuận chủ trương đấu giá quyền sử dụng đất.

Theo Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm, các lô đất còn lại trong khu đô thị này được chia thành ba nhóm dựa trên pháp lý đất, tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng và tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Nhóm 1 là 12 lô với diện tích hơn 128.000m2 đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng, đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật.

Trong đó, khu chức năng số 3 hiện còn lô 3-4 là đất xây dựng trường học và lô 3-10 được quy hoạch là đất thương mại dịch vụ và nhà ở.

Khu chức năng số 4 còn 9 lô: 2 lô xây trường học và 7 lô thương mại dịch vụ, nhà ở với diện tích hơn 61.000m2. Một lô đất ở khu chức năng số 7 hơn 15.000m2 được quy hoạch là trạm cung cấp nhiên liệu.

Nhóm 2 gồm 16 lô đất đang đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với diện tích hơn 269.000m2. Nhóm 3 là các lô đất chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và chờ điều chỉnh quy hoạch gồm 23 lô với diện tích 365.000m2.

 

Đấu giá thành công nhờ công khai, minh bạch

Ông Ngô Anh Vũ – giám đốc Viện quy hoạch xây dựng, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – cho rằng để phục hồi kinh tế sau đại dịch, các văn kiện và nghị quyết của TP.HCM đã xác định đầu tư phát triển hạ tầng giao thông là một trong những điểm nhấn cần ưu tiên để tạo ra động lực, cú hích phát triển cho các hoạt động kinh tế, xã hội khác.

Tuy nhiên, việc thiếu nguồn ngân sách đầu tư đang là trở ngại lớn nhất. Vừa qua, qua công tác rà soát quy hoạch chung của TP, Viện Quy hoạch xây dựng thấy rằng có nhiều quy hoạch vẫn còn giá trị nhưng thiếu nguồn vốn để thực hiện, như nhiều dự án giao thông (các tuyến vành đai, cầu).

Trong hoàn cảnh đó, theo ông Vũ, việc đấu giá thành công các lô đất ở Thủ Thiêm mở ra một hy vọng bổ sung nguồn ngân sách để có thể đầu tư cho hạ tầng từ việc sử dụng hiệu quả nhà đất, tài sản công.

Việc đấu giá các lô đất trên có thể nói là thành công bước đầu nhờ tổ chức công khai, minh bạch, thu hút được các nhà đầu tư. Ông Vũ hy vọng nhà đầu tư hoàn thành việc đóng tiền mua tài sản đầy đủ cho ngân sách nhà nước.

Nếu không, ngoài việc nhà đầu tư bị chế tài (tịch thu tiền đặt trước), một trong những hệ lụy có thể dẫn đến là từ kết quả đấu giá mặt bằng giá đất ở các khu khác sẽ bị đẩy lên cao gây khó khăn cho TP trong phát triển đô thị.

* Ông Nguyễn Văn Đính (chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam – VARS):

Đây là một cuộc chơi khó đoán!

Các cuộc đấu giá đất thường có hai trường phái, một là nhà đầu tư dự đoán được thị trường có biến động tăng mạnh nên trả cao vì trong tương lai vẫn lãi.

Hai là khu vực đấu giá đất đai đã khan hiếm, sau này “ra hàng” sẽ rất nóng, giá có thể được đẩy lên cao, người trúng đấu giá vẫn có lời.

Tuy nhiên, cần lưu ý đến khả năng nhà đầu tư trúng đấu giá là đại diện cho một nhóm nhà đầu tư muốn đẩy giá để tạo ra mặt bằng giá đất mới trong khu vực.

Như vậy, nhóm nhà đầu tư vào khu vực quanh khu đất đấu giá sẽ giữ được mặt bằng giá ở khu vực xung quanh mà thời gian qua họ đã đẩy cao.

Thủ Thiêm trước đây là vùng ven của TP.HCM, hạ tầng chưa được phát triển, giá đất còn thấp, nhưng thời gian qua giá đất trong khu vực đã tăng cao một phần do hệ thống hạ tầng đã được Nhà nước đầu tư hoàn thiện.

Nhưng dù nhìn dưới góc độ nào thì mức giá trúng đấu giá hơn 10.000m2 đất Thủ Thiêm quá cao, điều này hàm chứa yếu tố đẩy giá đất trong cả vùng. Đây có thể là cuộc chơi của một nhóm nhà đầu tư lớn, có tiền, với kỳ vọng tạo ra một mặt bằng giá đất cao trên thị trường.

Sau thương vụ trúng đấu giá “trên trời” này, nhiều dự án khu vực xung quanh sẽ được duy trì giá bán cao ngất ngưởng. Vì thế, nhà đầu tư trúng đấu giá sẽ quyết liệt đẩy giá đến cùng, nhóm nhà đầu tư này không cho thị trường “dìm giá” xuống, đây là một cuộc chơi khó đoán.

* Luật sư Trương Thanh Đức (trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam – VIAC):

Giá cao bất thường

Sau 70 lần chào giá, giá khu đất hơn 10.000m2 được chốt ở mức trúng đấu giá 24.500 tỉ đồng, về quy trình không có gì bất thường. Nhưng 2,4 tỉ đồng cho 1m2 đất tại khu vực Thủ Thiêm (TP.HCM) là cao bất thường.

Giá trị đất đai đã được đẩy cao quá mức và đương nhiên có phần ảo. Một mét vuông đất ở khu vực Lê Duẩn, trung tâm quận 1 (TP.HCM) hay khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) có quy mô nhỏ lẻ chào bán 1 tỉ đồng/m2 có thể tin được nhưng tại một khu đô thị mới, vùng ven của TP.HCM giá bị đẩy cao như vậy là không bình thường.

Hơn nữa, đây cũng không phải là một miếng đất ở nhỏ lẻ tại trung tâm đô thị, nó là một khu đất đã được quy hoạch rõ để xây dựng trung tâm thương mại kết hợp nhà để ở, đã có quy hoạch chiều cao rõ ràng.

BẢO NGỌC ghi

Tuổi trẻ (Nhà đất) 12-12-2021:

https://nhadat.tuoitre.vn/nhieu-lo-dat-vang-thu-thiem-san-sang-dau-gia-20211212081132296.htm

(190/1.495)

 

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,757